Đối với một số newbie, thì việc lao vào đọc comic thường sẽ rất khó, và thường sẽ đặt câu hỏi “Làm cách nào để bắt đầu đọc comic?” và còn rất rất nhiều câu hỏi khác liên quan tới việc muốn bắt đầu tập làm quen với comic. Nên hôm nay tôi sẽ làm một bài viết hướng dẫn những bước đầu tiên để chôn chân vào thế giới truyện tranh. Vì đây là cách đọc mà tôi cảm thấy hiệu quả nhất, vậy cho nên nếu các bạn có những cách nào hiệu quả hơn thì hãy cùng chia sẻ nhé.
Một trong những cách đơn giản nhất chính là… đọc một cách ngẫu nhiên, bộ nào trước cũng được. Về cách đọc này thì sẽ gặp rất nhiều bất lợi, chẳng hạn như việc không thể hiểu những tình tiết của những bộ truyện trước, đó chính là lỗi thường thấy nhất. Nhưng nếu đọc để giải trí thôi chứ không tìm hiểu cũng không sao, chẳng hạn như việc khi được giới thiệu một bộ hay nào đó và đọc luôn, đó cũng là một trải nghiệm tốt.
Nhưng nếu muốn tìm hiểu một cách bài bản thì phải theo những bước nghiêm túc hơn.
À mà khoan đã nhé, còn một điều lưu ý thế này, đã bao giờ các bạn nghe với hai khái niệm canon và non-canon chưa? Đây là hai từ vô cùng phổ biến trong comic mà cần phải lưu ý. Canon là để ám chỉ những tình tiết có tác động và ảnh hưởng vào mạch nội dung chính, trong Marvel Comics có rất nhiều vũ trụ, nhưng chỉ có 2 vũ trụ chính tác động vào mạch truyện chính là Earth-616 và Earth-1610. Không chỉ có 2 vũ trụ này, mà còn nhiều vũ trụ khác thường liên quan trực tiếp tới mạch truyện chính, chẳng hạn như vũ trụ Earth-65 của Spider Gwen. Còn bên DC Comics, chúng ta có vũ trụ Earth-0, là vũ trụ chính, bên cạnh đó còn 51 Earth khác thường xuyên tác động vào mạch chính nữa.
Còn non-canon thì ngược lại, những tình tiết này không được xem là thuộc vào một vũ trụ song song, không tác động vào mạch truyện, không được đem đi thảo luận, một ví dụ điển hình là các đầu What If? bên Marvel Comics. Nhưng trải qua thời gian thì khái niệm của hai từ này bắt đầu mờ dần vì có quá nhiều bộ non-canon bắt đầu tác động vào mạch chính. Chính vì vậy phải hiểu rõ 2 khái niệm này, để giúp các bạn đọc chọn lọc và không bị nhầm lẫn.
Tiếp theo, ai cũng biết rằng trong comic chứa vô vàn nhân vật, và mỗi nhân vật sẽ đóng vai trò khác nhau, tùy vào mức độ ảnh hưởng của họ vào cốt truyện, nhưng không sớm thì muộn thì các bạn cũng sẽ đọc phải một đầu truyện nào đó chứa một số nhân vật mà mình chưa gặp bao giờ. Chính vì thế, việc bổ sung cho mình một lượng kiến thức về các tiểu sử nhân vật thì không thể thiếu cho các bạn muốn đọc comic. Có một số web nước ngoài cung cấp cho bạn một lượng kiến thức vừa đủ về các tiểu sử nhân vật như wiki fandom hoặc comicvine, nhưng tôi không khuyến khích việc này lắm vì các thông tin vẫn sai lệch như thường nếu như không tự mình kiểm chứng, tất cả thông tin đều chỉ ở mức tham khảo thôi.
Không những thế, tiểu sử các nhân vật thường xuyên được cập nhật vì các tập truyện luôn được xuất bản hàng tuần, cho nên ở mức cần thiết, các bạn chỉ cần đọc sơ tiểu sử của họ thôi là đủ nắm bắt được tình hiện hiện tại của họ.
Một câu hỏi kế tiếp, thế đọc truyện ở đâu? Hiện tại trên mạng có rất nhiều web để các bạn đọc comic như readcomicsonline.to, readcomicsonline.ru, comiconlinefree.com và còn nhiều nữa. Và để giúp cho các bạn bị hạn chế về ngôn ngữ vì điểm tiếng Anh trên lớp thấp, thì cũng đã có một số web đã dịch comic sang tiếng Việt để dễ đọc như vietcomic.com, một web comic dịch tiếng Việt rất chất lượng.
Và bây giờ chúng ta sẽ bắt đầu tiến sâu hơn vào quá trình đọc. Để có thể dễ dàng cho những bạn mới tiếp cận với comic, mình đã liệt kê ra được vài đầu truyện tốt nhất có thể cho các bạn, nhưng mình sẽ nói sau. Theo mình nghĩ, cách tốt nhất đó chính là đọc một số bộ comic về thời điểm bắt đầu trở thành siêu anh hùng của một số nhân vật cốt cán. Ấy, không phải là đọc những bộ đầu tiên từ những năm 40-50 đâu, ý tôi là, hãy tìm những bộ comic thời hiện đại tái hiện lại những đầu truyện thời xưa, nó sẽ dễ đọc hơn rất nhiều. Chẳng hạn như Marvel thì có series Season One, còn DC thì ta lại có Year One. Rất phù hợp để tìm hiểu một nhân vật nào đó.
Hoặc nếu không, bạn có thể chọn một cách đọc dồn vào một nhân vật mà mình yêu thích và tập trung để đọc. Chắc hẳn rằng các bạn sẽ rất thích một nhân vật nào đó, và muốn biết rõ về tiểu sử, sức mạnh và moi thứ về nhân vật ấy. Nên mình khuyên các bạn nên đọc tập trung vào một nhân vật, và cách đọc như thế nào? Các bạn chỉ cần lên search Google từ khóa “Nhân vật mà bạn muốn đọc + Reading Order”. Chắc chắn sẽ có kết quả đưa ra cho các bạn một list dài đặc tất cả đầu truyện mà nhân vật bạn muốn đọc, từ những bộ đầu tiên xuất hiện nhân vật ấy cho đến thời điểm hiện tại tùy vào khả năng cập nhật của trang web. Đấy là một cách đọc vô cùng chi tiết mà mình khuyên các bạn nên đọc.
Bên cạnh đó, có một cách đọc vô cùng thú vị, đó chính là dựa theo tác giả mà mình yêu thích. Đây là một cách rất hay, đối với một nhà văn viết truyện nào mà mình cảm thấy hứng thú, mình sẽ tìm tới những bộ truyện của người ấy, không quan tâm tới việc người ấy viết cho hãng truyện nào. Đây là một cách đọc có hiệu quả khi ta có thể làm quen với cách viết và văn phong của một nhà văn, chẳng hạn như nhà văn Jonathan Hickman có một cách viết vô cùng trật tự và thường kể cái kết của câu chuyện ở ngay đầu tác phẩm, hay nhà văn Donny Cates lại khoái về thể loại khoa học viễn tưởng và thần thoại vũ trụ. Đây là một cách đọc mà mình muốn khuyên các bạn nên thử.
Mình đã bắt gặp rất nhiều trường hợp các bạn newbie thế này. Họ thường có xu hướng đọc những bộ truyện nào đã được dịch bằng tiếng việt hoặc cắm đầu vào các sự kiện đã từng xuất hiện trên MCU với WoDC như Infinity Gaunlet, Civil War, The Death of Superman, Dark Knight Returns,… Thực ra thì mình không có ý kiến gì cho cách đọc ấy, nhưng sẽ rất tốn thời gian cho các bạn khi vừa đọc vừa tìm hiểu thông tin bên trong cốt truyện. Chính vì thế, mình khuyên các bạn nên tìm hiểu kĩ trước rồi hẵng lao vào các sự kiện đã lạ lẫm mà cũng vừa khó nuốt.
Nhưng rồi sẽ có lúc các bạn cũng đã bắt đầu thuần thục cách đọc truyện và sẽ bước vào một cấp độ mới, có cái nhìn tổng quan hơn về comic, nổi bật nhất là các crossover hay các event. Đây là những bộ truyện về một sự kiện lớn của Marvel và được tập hợp rất nhiều anh hùng bên trong câu chuyện, ví dụ như Civil War. Bên trong các event thường có khá nhiều tie-ins – là những bộ nhỏ của các nhân vật xuất hiện cùng thời gian với sự kiện. Chẳng hạn như Invincible Iron #14 là tie-in nằm trong sự kiện Civil War 2. Nếu bạn để ý thì những đầu tie-in sẽ có tên của các sự kiện mà nó nằm trong đấy.
Và thời điểm nào nên bắt đầu đọc trong comic, có thể thấy rất dễ dàng đó chính là kỉ Modern Age, thời hiện đại. Nhiều bạn có thể rất vô cùng ngán những art và lời thoại từ những thời Golden Age, Silver Age và Bronze Age, cùng với những cốt truyện khó hiểu hơn nhiều thì comic ở thời hiện đại lại vô cùng dễ tiếp cận. Đối với Marvel, nên bắt đầu đọc từ Avengers Disassembled, còn đối với DC, thì nên bắt đầu khi DC quyết định reset lại mọi thứ, đó chính là New 52.
Và cuối cùng, để chốt lại, thì để bắt đầu đọc comic thì hành trang của chúng ta gồm những gì?
- Lượng kiến thức cơ bản.
- Vốn tiếng Anh từ cơ bản đến vững chắc.
- Những nơi đọc comic chất lượng.
- Một cách đọc mà bản thân cảm thấy hiệu quả nhất.
Hy vọng bài viết này có ích với các bạn!
See ya!