Triết lý về “Người hàng xóm thân thiện” Spider-Man

Huyền thoại ★

  

Spider-Man luôn nằm trong top 3 những siêu anh hùng dễ nhận dạng nhất và có số lượng fan cả trẻ tuổi lẫn lớn tuổi có thể xem là nhiều bậc nhất thế giới. Không phải vì anh ta siêu mạnh siêu phàm đến mức cực khủng, mà do anh ta là một trong những anh hùng gần gũi với độc giả nhất ngay từ ngày xuất hiện trong comic lần đầu năm 1962. Kênh Wisecrack trên Youtube đã từng đưa lên một video phân tích khá hay về người anh hùng trẻ tuổi đã tồn tại đến hơn 50 năm theo một cách rất khác lạ mà tui xin mạn phép dịch một phần và phân tích với một chút kiến thức comics tự có.

Nếu nói đến những siêu anh hùng đại diện cho những yếu tố cơ bản về nước Mỹ thì chắc chắn người ta sẽ ngay lập tức nói đến 2 cái tên khủng nhất đại diện cho 2 hãng comic lớn nhất nước Mỹ: Superman từ DC với châm ngôn “Fighting for truth, justice and the American way”; người còn lại dĩ nhiên là Captain America của Marvel với cái tên không cần phải bàn thêm và cả trang phục là cả một lá cờ Mỹ to tướng (cho dù chữ “America” là Châu Mỹ, còn đồ của Cap thì giống lá cờ của Peru hơn). Họ luôn chiến đấu chống lại cái ác, sự bất công, bảo vệ kẻ yếu, lãnh đạo các nhân vật khác như cái cách nước Mỹ vận hành trên cả thế giới. Thế nên cũng chẳng trách vì sao mà trong Amalgam comic từng kết hợp 2 nhân vật này trở thành một nhân vật theo phong cách… Hoa Kỳ nhất có thể! Thậm chí cả Batman cũng giúp thể hiện một triết lý rất Mỹ là chủ nghĩa thực dụng.

Thế nhưng, ít ai nghĩ rằng thật ra Spider-Man là hiện thân cực kỳ rõ ràng về xứ sở cờ hoa nhưng theo một cách hoàn toàn khác biệt và ẩn sâu hơn rất nhiều. Nghe có vẻ kỳ lạ, vì Spider-Man thật sự chỉ thường được nhớ đến là anh hùng dễ đồng cảm nhất với độc giả vì cậu ta có những vấn đề rất con người, rất bình dị. Thế nhưng, điều chúng ta cần nói đến chính là cái cách Spider-Man hoạt động chứ không phải là những gì diễn ra trên những trang truyện hoặc phim ảnh.

Vậy triết lý về Spider-Man giống Hoa Kỳ đến độ nào?

Đầu tiên, vừa đập vào mắt là chính bộ đồ của Spidey cũng mang màu xanh đỏ như lá cờ nổi danh đến mức đất nước đó mang tên Hoa Kỳ. Thậm chí trong phim Amazing Spider-Man thì Andrew Garfield cũng đã đùa rằng mình đã giặt một lá cờ Mỹ nên làm lem màu quần áo trong nhà. Thế thì chúng ta đã có điều kiện về thị giác rồi nhỉ.

Thế còn bản thân Peter Parker thì sao? Rất nhiều phiên bản, cả trên điện ảnh lẫn comic miêu tả Peter Parker là một cậu trai thiên tài nhưng luôn sống nghèo khó và nghịch cảnh nhưng luôn luôn cố gắng vươn lên; rồi bỗng dưng cậu có được những quyền năng trong người và luôn muốn sử dụng để cứu giúp mọi người. Thậm chí, có lúc cậu ta còn phải vật lộn với chính những năng lực của bản thân mình để trở nên tốt hơn. Cuối cùng thì một thời gian cậu đã là chủ của Parker Industries và là nhà tài trợ của Avengers (và giờ đã lại nghèo kiết xác vì… Marvel). Lịch sử nước Mỹ cũng như vậy: là một đất nước non trẻ chiến đấu vì nền dân chủ ngày còn là 13 thuộc địa và giờ đây là một siêu cường quốc của thế giới và nắm vai trò đầu tàu về nhiều khía cạnh như công nghiệp, xã hội, quân sự, chính trị và gặp những khó khăn trong việc đấy kể từ khi Thế Chiến thứ II kết thúc và đặc biệt là sau Chiến tranh lạnh.

Wisecrack bảo rằng, do nước Mỹ có quá ít thời gian tồn tại để có thể thật sự tạo một dấu ấn đậm chất cụ thể về mặt triết lý cũng giống hệt như việc Peter không có cha mẹ; và việc nước Mỹ trở thành một Hợp chủng quốc, vay mượn rất nhiều triết lý và văn hoá để tự tạo dấu ấn riêng về sau này trong thời gian đầu cũng giống như việc Peter có được duy nhất một lời khuyên từ Chú Ben của mình:

“With great power there must also come… great responsibility!”

Vâng, đây mới là câu quote gốc đấy!

Fun fact: Thật sự câu quote này không phải do Chú Ben nói, mà từ một câu dẫn truyện của Stan Lee.

“Năng lực càng lớn thì trách nhiệm phải càng cao” thật ra lại có sự liên quan khá mật thiết đến một tư tưởng được phát triển “lại” khá mạnh mẽ vào thời Ronald Reagan, đó là American Exceptionalism – hay dịch thoáng ra là Sự phi thường của nước Mỹ. Tư tưởng này dựa trên một trong ba điều cơ bản về giá trị của nước Mỹ, đó là Đức tin vào Chúa. Theo Phúc âm Matthew 5:14 về Bài giảng ở trên núi của Chúa Jesus: “Chính anh em là ánh sáng của trần gian. Một thành trên núi không tài nào che giấu được”. Nói nôm na, American Exceptionalism bảo rằng nước Mỹ bá đạo vô đối, anh Mỹ là anh trai soái ca number one có thể làm bất kỳ điều gì trên đời và sẽ là kẻ phải có trách nhiệm lãnh đạo cả thế giới. Spider-Man chính là một anh hùng tự gánh lấy những trách nhiệm nặng nề như vậy với thành phố New York thân thương, tất cả chỉ vì một câu nói duy nhất làm kim chỉ nam cho bản thân.

Và nói đến đây thì nhìn lại, chúng ta đã bao nhiêu lần thấy Peter Parker, cả từ phim lẫn comic, trễ nải cuộc sống cá nhân, có khi chẳng nên được bao nhiêu tích sự gì thời còn trẻ và thậm chí làm phiền lòng những người thân xung quanh như đến lớp trễ mất tín chỉ, không xem Mary Jane tập hát trong Spider-Man của Sam Raimi hay không đến kịp để nghe bài phát biểu của Gwen trong The Amazing Spider-Man… vì Spider-Man muốn làm tất cả mọi thứ, từ giúp trẻ em cho đến bắt bọn cướp cạn lẻ tẻ, nên tất cả mọi người đều yêu quý Spider-Man. Sự khác biệt chỉ đến khi Doc Ock chiếm lấy cơ thể Peter Parker và trở thành Superior Spider-Man – một người hùng không mấy thân thiện hay siêng năng đi trực mà còn phó mặc cho cảnh sát vài chuyện, xài Spider-bot đi tuần thay nhưng lại là một Spider-Man có hiệu suất thấp hiệu quả cao (ban đầu là vậy), chưa kể là một Peter Parker tốt hơn bình thường rất nhiều…

Cách Peter Parker Spider-Man làm việc có thể gọi là theo Nghĩa vụ tích cực (Positives Duties) – tức là nếu có thể giúp được tất cả không màng cả bản thân là sẽ giúp mọi người đến cùng; trong khi Doc Ock Spider-Man lại làm việc theo Nghĩa vụ tiêu cực (Negative Duties) – không cần phải giúp tất cả nhưng miễn là chả làm hại ai là được. Tuy vậy, chúng ta không thể nào toàn năng, và dù Peter Parker hay Doc Ock trong một cơ thể khi làm tốt chuyện A thì phải lơ là chuyện B và ngược lại.

Việc phải đấu tranh giữa quyền lợi cá nhân và trách nhiệm anh hùng này thật sự cũng là điều nước Mỹ đã mắc phải trong suốt chiều dài lịch sử khi có sự thay đổi về sự cầm quyền. Cụ thể nằm trong 2 khái niệm sau:

– The Reluctant Sheriff/Cảnh sát trưởng bất đắc dĩ: Được sử dụng trong cuốn The Reluctant Sheriff: The United States After the Cold War bởi Richard Haas, tui chưa đọc qua nhưng có thể đoán được bối cảnh sau khi thế giới bị phân cực với sự trỗi dậy của Liên Xô thời Chiến tranh lạnh. Đại loại là nước Mỹ chẳng hề muốn thúc ép hay can dự vào trật tự thế giới đến vậy, nhưng sự tổn thất về nhiều mặt của Châu Âu sau Thế Chiến II đã làm cho Mỹ phải đảm hết trách nhiệm phải đưa ra những đường lối hay chiến dịch phù hợp, từ đó giúp cảnh sát trưởng có một nhóm “dân phòng” giúp đỡ ông ta như cách Mỹ có được các đồng minh phục vụ chung một mục đích ngày nay. Spidey cũng là một nhân vật, cụ thể nhất ở loạt phim Spider-Man từ Sam Raimi, Peter đôi khi còn chẳng biết mình thật sự muốn làm Spider-Man, đã vui khi mình hoặc mất năng lực hoặc có năng lực mới, nhưng khi mọi thứ rắc rối xảy đến anh ta vẫn cứ nhào vào giúp đỡ vì sự bó buộc về trách nhiệm. Trong comics, các anh hùng đường phố khác của New York cũng muốn giúp đỡ anh ta, và người dân New York thì cực kỳ yêu mến Spidey.

– The American Jeremiad/Lời than thở của người Mỹ: Đây là cách các học giả Mỹ dùng để nói lên những suy nghĩ đất nước, và Peter có lẽ cũng cảm thấy như vậy. Đại loại, họ tin rằng sứ mệnh được Chúa trời ban cho nước Mỹ là sẽ trở thành cứu tinh của thế giới, và không hề có sự miễn cưỡng nào như Reluctant Sheriff cả. Nói cho vui thì như vầy, “Nếu anh mà không làm gì, thằng khác mà làm hay mọi thứ mất kiểm soát thì sẽ tan tành hết thảy”. Và đó cũng là lí do nước Mỹ tham gia vào khá nhiều cuộc chiến theo cách tự nguyện chứ không hẳn là miễn cưỡng. Và sự “tan tành” đầu tiên mà Peter chứng kiến khi mình không làm gì hết để ngăn một tên cướp theo phong cách Negative duties là gì, là cái chết của Chú Ben. Nên Nếu Spider-Man không ra tay, sẽ có thêm người chết như Chú Ben, vậy nên Spider-Man không thể nào làm ngơ (nghe giống một gã nào cũng tối ngày khóc thương cha mẹ, ăn mặc như dơi đi đập tội phạm để không có thêm đứa trẻ 8 tuổi nào mất gia đình nhỉ?). Và cả trong Spider-Man 2 và cuối The Amazing Spider-Man 2, khi không có Spider-Man thì mọi thứ trở nên hỗn loạn như Doc Ock xây được lò phản ứng và gã Rhino máy (!?!) lại phá thành phố New York… Vì thế Peter vẫn cảm thấy nghĩa vụ làm Spider-Man của mình là vô cùng cần thiết và thiêng liêng.


Tựu trung, có thể nói rằng Spider-Man là một hiện thân rất đẹp của những giá trị đại diện cho rất nhiều những trường phái triết học lẫn tinh thần tạo nên nước Mỹ từ lúc kí vào Bản Tuyên Ngôn Độc Lập ở Philadelphia đến ngày nay… Đây là một trong số những lí do mà Spider-Man thật sự là sáng tạo vĩ đại nhất của Stan “The Man” Lee, vì Spider-Man thật sự là người anh hùng dễ khiến cho cả người Mỹ nói riêng lẫn độc giả cả thế giới nói chung có thể thấu hiểu được.

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện


1 cụng ly