Chúng ta có Superman, nhưng lại không thể có Super-game

Huyền thoại ★

  

Superman – một cái tên mà có lẽ chỉ cần nghe thấy thôi là gần như bất cứ ai cũng hình dung ra được một cách khá trọn vẹn về nhân vật. Này thì bộ đồ xanh, cái quần đỏ, áo choàng đỏ tung bay và một chữ S trước ngực, thế đứng chống nạnh hiên ngang, và một gương mặt tự tin đầy hy vọng. Cùng với vẻ ngoài đặc trưng đó là một sức mạnh vô song đã không biết bao lần giải cứu cả thế giới, nếu không muốn nói là cả vũ trụ – thậm chí đa vũ trụ. Superman là một trong những biểu tượng lớn nhất của văn hóa đại chúng nói chung và giới siêu anh hùng nói riêng. Buồn cười thay, đi kèm theo đó là cả những hiểu lầm cực kỳ tai hại về giá trị của chính nhân vật này.

Đôi khi, cũng chính do những hiểu lầm này mà chúng ta khó lòng có được một tựa game riêng nào về Superman thật sự hay. Các nhân vật khác thì đều đã có game thành công cả rồi: Batman có series Arkham, Spider-Man cũng có mặt trên PlayStation 4, đến các các hội nhóm như X-Men, Avengers và cả Justice League (bao gồm luôn Superman trong đấy) cũng có những tựa game thành công nhất định có thể kể đến như X-Men Legends, Marvel Ultimate Alliance, Injustice Gods Among Us và mấy game Lego (yup)… Nhưng tiệt nhiên các game riêng về Superman kể ra toàn những thất bại sấp mặt chẳng ai muốn nhớ đến.

Lưu ý: nội dung bài viết hoàn toàn original với 1 số luận điểm được tham khảo, vì tác giả này ở HSBT thuộc dạng chỉ rảnh chơi game, xem phim, đọc truyện, xem wrestling và viết bài cho tốt nhất, chứ dân HSBT không rảnh để đi làm ăn cắp rác rưởi như mạng xã hội rêu rao.


Tổng quan về Superman

Superman lần đầu tiên xuất hiện trong tập truyện Action Comics #1 vào năm 1938 do sự sáng tạo của Jerry Siegel và Joe Schuster. Kể từ khi ra mắt, Superman đã được xem là chuẩn mực của việc tạo ra một siêu anh hùng: anh dũng, mạnh mẽ, chiến đấu vì công lý và có một danh tính bí mật. Hơn nữa, Supernan được xem là tiêu chuẩn nóc, là cảnh giới cao nhất của siêu anh hùng, còn những anh hùng không năng lực như Batman thì nằm ở cực trái ngược.

Superman nổi danh là chiến đấu vì “Sự thật, công lý và đường lối Mỹ” với ý định ban đầu là trở thành một bản tuyên truyền về việc người Mỹ tham gia Thế chiến II (cùng đồng nghiệp Captain America bên Marvel), không những thế anh lại còn là một phương tiện giáo dục khá tốt trên chương trình radio của riêng mình. Cụ thể, chương trình radio về Superman từng được dùng để hạ gục sự tồn tại của hội nhóm két tiếng Klu Klux Klan. Và có lẽ một số người không biết: điểm yếu chết người của Superman, đá Kryptonite (xanh lục) lần đầu tiên xuất hiện chính là ngay trên radio show này. Tất cả những điều này chỉ càng làm cho những giá trị đạo đức về Superman càng thêm được củng cố trong lòng độc giả.

Kể lại câu chuyện của Superman sau bao nhiêu sự phát triển và thay đổi nào: Kal-El (từng) được xem là người con cuối cùng của hành tinh Krypton, cha mẹ anh là Jor-El và Lara Lor-Van đã gửi anh vào một tàu vũ trụ phóng thẳng đến Trái Đất. Cặp vợ chồng nông dân Jonathan và Martha Kent bắt gặp con tàu rơi xuống Smallville, và rồi nhận nuôi cậu bé kỳ lạ này và đặt tên Trái Đất là Clark Kent. Xuyên suốt cả tuổi thơ, Clark luôn phải đấu tranh với sức mạnh của mình để làm một người bình thường, chẳng có bao nhiêu người biết được bí mật của cậu. Cậu thông minh hơn người, nhanh và mạnh hơn người, nhưng điều đó hoàn toàn có thể gây hại đến cả cậu lẫn người khác xung quanh.

Để dùng sức mạnh làm việc thiện mà vẫn giữ được bí mật, cậu trở thành… Superboy, và vô tình tạo ra một mối thù với kẻ tử thù sau này là Lex Luthor. Dần dà Clark lớn lên, chuyển đến Metropolis để làm phóng viên ở Daily Planet và ăn lương của… Bruce Wayne (thật đấy). Từ đó, anh trở thành Superman và luôn giải cứu thành phố và cô-bạn-gái-về-sau-thành-vợ Lois Lane mỗi khi cần thiết. Ở phương diện rộng hơn, Superman là một trong những thành viên đầu tiên sáng lập ra Justice Leage (of America), là gương mặt đại diện của toàn thể giới siêu anh hùng trong vũ trụ DC.

Trong suốt cả lịch sử tồn tại của mình, Superman đã từng, thậm chí là đang được buff lên mạnh một cách… khủng khiếp. Kiểu chỉ cần có Superman là mọi thứ đều có thể giải quyết được. Trong những đợt Crisis, không ít lần Superman chính là deus ex machina – một phương pháp kiểu cứu tinh từ trên trời rơi xuống giải cứu cả đa vũ trụ bởi khả năng của mình. Đó là một trong những lí do việc làm tiêu chuẩn nóc của anh càng có lý hơn… Kiểu gần như chưa có siêu anh hùng nào, dẫu có là bản sao của hãng cạnh tranh/vũ trụ khác/có năng lực tương tự hay gì gì ấy thì đều vẫn không thể so được với Superman trên phương diện chung.

Vì vậy mà đầu những năm 90 khi Superman chết về tay Doomsday đã tạo ra cú shock cực lớn. Điều này vô tình làm ra một hình ảnh Superman “vai u thịt bắp” và ít ai để tâm đến Superman là ai với những giá trị tinh thần lớn lao. Sự nhân văn nhất về Superman đó chính là việc anh ta là một vị thần nhưng luôn sống như một con người: anh ta không thật sự hoàn hảo, anh ta cũng biết sợ hãi – giận dữ và phải vượt qua bản thân; anh ta có thể yêu thương vợ con cha mẹ tha thiết, bảo vệ tất cả mọi người, là thủ lĩnh tinh thần của các đồng đội; anh không bao giờ lạm dụng sức mạnh của mình, nếu không muốn nói là kiềm chế ở mức thấp nhất khi sống xung quanh “cả một thế giới làm bằng giấy” như vậy.

Ý nghĩa về Superman không phải là anh ta mạnh như thế nào, anh ta có thể cứu thế giới được bao nhiêu lần, đánh bại được Son Goku hay bất kỳ nhân vật giả tưởng nào khác hay không… Mà anh ta chỉ đơn giản là đại diện cao nhất của cái thiện, là biểu tượng của hy vọng như rất rất nhiều người biết về anh bao lâu nay. Đó mới là lí do đại chúng yêu thích Superman.

Một số đầu truyện hoặc câu chuyện tui khuyên mọi người nên đọc để hiểu hơn về những giá trị đích thực của Superman: Superman của John Byrne, Secret Origins, American Alien, Birthright, Superman All-Star, Red Son, Kingdom Come, Superman New 52, Superman Unchained, Superman: Lois and Clark, Superman Rebirth… Và nếu mọi người quan tâm, Injustice, nhưng làm ơn hãy nhìn nó theo góc độ game và vũ trụ khác.

Về phim ảnh: Superman của Max Fleischer, Superman Animated series, Justice League/ JL Unlimited – thật ra là gần như toàn bộ phim hoạt hình trong những năm 2000 đến đầu 2010s, Superman 1978, Man of Steel, Batman v Superman: Dawn of Justice Ultimate Edition (hai cái sau tranh cãi, nhưng tui không quan tâm).


Thật lòng mà nói thì cũng như các nhân vật truyện tranh khác, Superman thật sự có rất nhiều yếu tố để có cho riêng mình một video game riêng. Nhưng đa số chúng toàn là thất bại cả. Vì sao vậy?

Trăm điều khó để làm game về “Người đàn ông thép”?

Chỉ nhìn qua bề nổi của tảng băng thì có lẽ hạn chế lớn nhất trong game của Superman có hai vấn đề lớn: Progression trong gameplay và việc xây dựng câu chuyện – nhân vật.

Vấn đề progression

Chỉ xét về mặt gameplay, thành thật mà nói Superman không có cái gì, hay nói chính xác hơn là không thiếu sót điều gì để chúng ta thật sự xây dựng kỹ năng, từ đó có vấn đề về progression.

Với Batman Arkham, đa phần trong quá trình chơi game chúng ta sẽ có thêm những món đồ chơi mới giúp ích cho quá trình quay lại các khu vực cũ, phối hợp đòn thế trong chiến đấu, thậm chí là ở Arkham Knight còn cho cả suit mới và Batmobile để thêm trò mà quậy phá. Ở Marvel’s Spider-Man thì do tui cũng chưa chơi ở thời điểm viết bài này, nhưng chắc cũng sẽ có những thứ cần mở khóa bằng điểm kỹ năng với bộ Advance suit… Tựu trung, đó là các nhân vật khác kể cả có siêu năng lực hay đồ nghề thì họ vẫn luôn có hạn chế, và những những điều họ có chỉ dùng để có tính khắc phục hay chống đỡ những hạn chế đấy mà thôi.


Còn với tên sịp đỏ này hả, hạn chế gì cơ? Tui không bàn đến chuyện những thứ Kryptonite, mặt trời đỏ hay ma thuật – các điểm yếu cố hữu của Superman, nhưng ý tui là ở tình huống chung thì Superman gần như không có một hạn chế gì cả. Superman về cơ bản đúng nghĩa là mạnh như thần: mắt bắn tia nhiệt, miệng hà hơi gây ngạt… à nhầm thổi bay hoặc đóng băng mọi thứ, mình đồng da sắt đạn dược không xuyên thủng, mạnh đến nỗi… đấm cả thần thánh như con không đẻ (thần thánh đúng nghĩa trong vũ trụ DC!). OP như vậy thì khó làm game sao cho có progression thật sự, vì bạn… có cái gì để luyện đâu chứ. Ở video game làm sao để người chơi thật sự cảm thấy sự khó khăn hợp với gameplay lẫn cốt truyện mà không biến quái hoặc boss trong game đơn giản chỉ là một cái bao cát cây máu dài sọc – một chiêu trò tăng độ khó thường thấy thì sao có thể gây đột phá? Mà nếu dùng chỉ những kẻ đấu trí để tạo cốt truyện mà không cho tận tay điều khiển năng lực của Superman… trừ Telltale ra thì chán chết.

Bạn cũng có thể lôi Superman ra ngoài vũ trụ và cả chiều không gian khác để gặp toàn “hàng khủng” cũng được, nhưng có một vấn đề khác mà tui sẽ bàn sau ở dưới.

Trai tốt thì không vui

Về cái gọi là tính cách có phần đơn giản, anh hùng kiểu mẫu, có lẽ nếu chỉ liếc sơ qua chúng ta có thể thấy rằng Superman có tính cách khá là một chiều. Mang cái danh Big Blue Boyscout trong comics, đa phần những gì chúng ta thấy về Superman là kẻ luôn luôn thánh thiện, hướng đến phần tích cực, lạc quan, tinh thần chiến đấu ngoan cường và luôn có ý thức xả thân bảo vệ kẻ khác. Nghe rất hoành tráng, cao quý… và cũng vô cùng nhàm chán, vì bao nhiêu character arc rồi cũng sẽ nằm trong nhiêu đó mà thôi.

Không phải là không thể viết về một anh hùng kiểu mẫu hay ho, nhưng với Superman thì… sao nhỉ, hắn thánh thiện một cách quá đáng (đa phần trường hợp là vậy), điều này càng khiến việc viết ra một Superman đa chiều càng khó khăn hơn. Cụ thể thì, điều sâu sắc nhất chúng ta vẫn thường thấy về Superman là chúng ta thấy anh ta mạnh như thần, nhưng lại sống như một con người, thậm chí là phiên bản con người “tốt nhất có thể”. Dẫu thật sự trong tâm lý của Superman có kha khá những điều tăm tối đầy đủ hỉ nộ ái ố để khai phá, nhưng nó lại dễ gây mất hình ảnh làm người chơi hoặc fan thấy không ổn. Nhìn Superman New 52 và phim Man of Steel là thấy rõ nhất việc này.

Nói chung, nếu như việc OP mà trở thành kiểu… dĩ nhiên còn nội dung làm về nhân vật kiểu mẫu, chuyện chán nản về gameplay là thứ rất dễ xảy ra. Chính Saints Row IV là ví dụ điển hình, may mà game đó chỉ cho chúng ta ngang ngửa Neo trong Matrix thôi chứ chưa hẳn là Superman đấy, và chỉ có việc kịch bản về bọn điên khùng ấy mới cứu cả game. Cả trong điện ảnh lẫn video game, chúng ta đều muốn cùng trải qua những chướng ngại, khó khăn về mặt thể chất lẫn tinh thần, câu chuyện về Superman khó có thể có việc đó theo hướng chuyện cá nhân của anh ta thôi chứ không liên quan đến người thân.


Nhân nhắc đến người thân thì…

Môi trường xung quanh Superman

Tiếp theo là một yếu tố tui rút ra khi đi nghiên cứu các vấn đề về Superman, và tui đã chưa bao giờ nghĩ đến vụ này. Ở trên chúng ta đã nói là Superman có thể “người” đến mức nào, thì chúng ta cần phải được thấy những tương tác “người” ấy. Cụ thể, muốn biết Superman hòa nhập cuộc sống như thế nào, hãy nhìn người thân xung quanh Clark Kent và Kal-El. Muốn biết Superman anh hùng thế nào, hãy đánh giá các kẻ thù của anh. Nghiêm túc mà nói, các nhân vật và môi trường xung quanh Superman là những nhân tố nghe có vẻ dễ nhưng không dễ để phân tích và nhận biết chút nào.

Kiểu bây giờ tui nói bạn ngay lập tức trong 30 giây kể ra 5 nhân vật phụ gần gũi nhất với Superman, và 5 phản diện chính của Superman mà không google, liệu bạn có chắc chắn mình làm được ngay tức khắc không? Thử ở phần comment xem nào. Nếu bạn thật sự làm được, chúc mừng bạn là một fan cứng của Superman và có vẻ bạn đã đọc và xem phim kha khá rồi đấy. Còn nếu bạn không làm được, đừng lấy làm buồn hay ngạc nhiên, tui tin nhiều người cũng vậy. Heck, nội chỉ tính cả cái Hang Dơi nhà Batman là đã muốn bằng con số bên trên rồi.

Tui tin rằng bởi vì ý tưởng và hình ảnh về Superman thì cực kỳ nổi tiếng, nhưng những gì THẬT SỰ liên quan đến Superman thì lại quá ít người biết đến. Điều này đã từng bị phạm sai lầm khá nhiều trong các tựa game Superman từng xuất hiện trước đó, kiểu Superman tương tác với Lois chỉ là bay đến cứu, nói chuyện vài câu, và thường vẫn luôn ở “mode” Superman để tương tác với thế giới nhiều hơn. Nếu chỉ như vậy nhân vật chính của chúng ta quá một màu, việc nhét các đoạn xây dựng nhân vật cũng dễ bị đứt mạch cảm xúc với người chơi, kiểu “Nó là Superman thì sao cũng xong thôi.” Thậm chí rất rất nhiều câu chuyện hay về Superman liên quan đến việc người thân của anh gặp nạn, mối nguy là thuộc về họ chứ không phải của chỉ cá nhân anh như tui có nói ở trên. Việc xây dựng những thứ xung quanh Superman… còn khó hơn cả xây dựng chính Superman đấy.

Metropolis

Điều cuối cùng gây khó khăn: chính thành phố Metropolis và sự gắn liền của nó với Superman (cùng hành tinh Krypton). Đó là vì sao tui bảo không thể cứ bê Superman ra vũ trụ ngay được, mà ít nhất phải một game Superman dính liền với Metropolis. Về mặt khó khăn ở thành phố này thì… Nói thế nào nhỉ, Metropolis không giống với Gotham – nó không phải là một thành phố đen tối, người dân không dám ra đường vào ban đêm, và ngóc ngách nào cũng có tội phạm. Metropolis gần như trái ngược hoàn toàn. Có thể nói, phiên bản New York của Spider-Man sẽ gần với Metropolis hơn.

Nhưng sự tương tác của Superman với thành phố của mình không hề giống với Spider-Man, là đu dây lượn vòng vòng trong lòng thành phố và dù thân thiện nhưng vẫn giấu danh tính sau lớp mặt nạ vì lí do hiển nhiên; và tuyệt nhiên không phải sinh vật bóng đêm bí ẩn lén lút như Batman. Superman “bay cao và xa” hơn tất cả những điều đó. Về hành tung, Superman cơ bản là bay cao trên trời, và bùm một phát xuất hiện như một vị thần làm đấng cứu thế chứ không cần phải đi tuần (phần cũng do siêu thính siêu nhạy phát hiện mọi thứ nhanh gấp 7394639 hai cha kia). Superman cũng… siêu thân thiện và là “gương mặt thương hiệu”, vẫn sẵn sàng bay xuống cứu mèo trên cây, dạy bảo con nít và những trò hầm bà lằng vui vẻ khác. Và đồng thời, anh ta cũng sống trong vai trò phóng viên Clark Kent, viết lách kiếm tiền, đi ra ngoài gặp gỡ người khác và làm công việc điều tra tin tức trước khi hóa thân thành Superman để giải quyết những thứ quan trọng mà cứu thành phố. Và Clark Kent không hề gặp các khó khăn theo kiểu như Peter Parker, và nó cho ra một dynamic hoàn toàn khác.

Superman gánh cả Metropolis theo nghĩa đen, bị cái quái gì Superman cũng dư khả năng tham gia, từ hạ tầng cho đến người dân, từ quy mô trận lớn đến cả trận nhỏ. Thành phố cần phải có sức sống, nhưng đồng thời cũng dễ dính vào các nguy cơ bị sụp đổ từ những trận chiến của Superman, và điều này nan giải vô cùng. Làm một thành phố quá trống rỗng (như Gotham) thì quá sai, mà lỡ đông đân dễ có thiệt hại phụ như các con giời từng chửi cha mắng mẹ Zack Snyder ở Man of Steel thì cũng không xong. (Đến nỗi ở phần phim sau là BvS phải nhét mấy câu thoại kiểu khu vực ABC không có người để cho thấy không có thiệt hại nhân mạng để chiều lòng lũ khó ưa đó).

Mọi thứ giữa Superman và Metropolis phức tạp hơn rất nhiều, khi vừa công khai lại vừa không công khai, có vẻ xa cách mà lại gần gũi, vừa bên trong vừa bên ngoài, anh có thể bảo vệ cả vũ trụ nếu muốn nhưng vẫn luôn xuất hiện ở Metropolis khi cần thiết chỉ trong vài giây… Ở phương diện video game, khó có thể nào để giúp Superman thật sự gắn liền với bối cảnh mà không phải bị “giam” trong thành phố, vì nghe nó không hợp lý chút nào với năng lực của anh. Đây là điều mà game Superman Returns đã cố gắng làm, và nó không tránh khỏi những khuyết điểm đã được nêu ra.

Vậy nếu muốn làm một Super-game, nên bắt đầu từ đâu?

(Disclaimer: cái này là “fanfic” Superman video game tự bản thân tui nghĩ ra thôi nha, đây có thể tính là một đoạn lảm nhảm… nhưng có cơ sở!)

Có rất nhiều người đã từng nói rằng làm game Superman mà muốn sâu sắc thì cứ… phong cách Telltale mà phang. Tui cũng đồng ý, nhưng tui không thích cái gì đó quá dễ như vậy. Theo ngu kiến của tui, việc làm một game thế giới mở về Superman hoàn toàn có khả năng.

Đầu tiên, để tránh chuyện như không ít truyện mang nội dung rằng Superman hoàn toàn có thể chỉ cần dùng cú đấm là giải quyết được gần hết mọi vấn đề, ta phải nerf Superman lại cho đến gần cuối game (khoảng 7-80%) mới cho đủ năng lực. Và hoàn toàn có cơ sở để dựa vào comics làm việc này.

Vào thời New 52, có một giai đoạn Superman đã từng bị Geoff Johns, Greg Pak và Gene Leun Yang nerf rất thê thảm, chỉ còn lại những năng lực cơ bản thời xưa kiểu “nhanh hơn một viên đạn, mạnh hơn một đầu kéo tàu, nhảy một bước qua một tòa nhà”. Lí do là vì Superman (New 52) đã vô tình phát triển một khả năng gọi là Solar Flare, mỗi lần tung chưởng Superman sẽ bị mất hết “pin mặt trời” trong cơ thể, phải mất một ngày mới hồi phục. Sau đó Superman cũng bị hút gần hết mớ năng lượng đó, và tế bào người Krypton của anh cũng bị ảnh hưởng nặng nề nên chẳng còn mạnh nữa. Lúc đó Superman phải sống khá ẩn dật (do lộ danh tính nhờ ơn Lois), anh cũng không thể lao vào chiến như chốn không người mà cẩn thận hơn rất nhiều.

Note: kể thêm cho vui là dĩ nhiên ở comics Superman cũng đã lấy lại hết năng lực. Khi đã hồi phục hoàn toàn thì lại dính hai sự kiện phá hoại lục phủ ngũ tạng dẫn đến việc anh ta chết trước đợt Rebirth.

Hãy bắt đầu từ việc nerf Superman. Ban đầu có thể sử dụng trope là có toàn bộ sức mạnh nhưng rồi bị tước đi… Hãy để hai kẻ thù chính của game là Lex Luthor và Brainiac. Superman ban đầu bung sức đập tàu và cơ thể Brainiac, nhưng phần não bộ Brainiac lại lọt vào tay Lex. Brainiac sẽ giúp Lex có công nghệ khiến Superman vô tình tạo ra Solar Flare và năng lượng của anh bị hút hết vào đấy. Solar Flare sẽ khiến Lex nghĩ rằng Superman đã chết, và hắn muốn dùng năng lượng của anh cho các mục đích thí nghiệm khác (cơ bản là có ích chứ không phải kiểu kế hoạch xấu); còn Brainiac thì hãy biến hắn trở thành phiên bản của truyện Red Son điều khiển Lex để hắn đạt được mục đích hồi phục thể xác tốt hơn và mạnh như người Krypton, hay cái quái gì đó miễn hắn có thể quay lại đóng chai cả Metropolis là được.

Khi Superman tỉnh lại thì thế giới mới bắt đầu rộng mở để ta khám phá. Tui sẽ muốn có 3 hub khác nhau: Metropolis, Smallville và Fortress of Solitude. Pháo đài có lẽ mới là nơi cuối cùng xuất hiện và có chức năng là nơi giúp Superman lấy lại năng lực, và đồng thời ai mà không thích căn cứ của siêu anh hùng cơ chứ.

Đồng thời Superman cũng nên có hai nhân dạng được thay đổi mọi lúc, và khi làm Clark thì Superman sẽ không thi triển được những thứ dữ dội, mà chỉ nhìn xuyên thấu hay thân nhiệt thông qua cơ chế “cheat vision” thôi. Việc này sẽ tạo hai cách phản ứng khác nhau của người dân với Clark hoặc Superman. Hoặc sẽ có những điểm “thay đồ” như sân thượng Daily Planet hoặc các bốt điện thoại. Cái này là cái tui suy nghĩ khá nhiều có nên hay không, vì có lẽ ai cũng sẽ thích làn Superman hơn là Clark, và Clark chỉ nên được điều khiển ở các phân đoạn cụ thể (như Spider-Man), nhưng tui vẫn muốn người chơi cảm nhận cả hai cuộc đời của nhân vật này, và dĩ nhiên là grounded lối chơi hơn.

Cốt truyện chính của game cũng chỉ đơn giản: Superman cần tìm lại các “mảnh” năng lượng của mình đã bị phân tán khắp nơi tại các chi nhánh của LexCorps hay gì đó đại loại, mục đích để hồi phục lại như xưa. Việc cuối cùng là Superman hồi phục hoàn toàn (hoặc chỉ 80%) ngăn chặn những việc xấu do Brainiac bày đầu. Tại sao 80% hay nói chung là không thể full maximum, để tui giải thích bên về việc xây dựng cốt và nhân vật.

Hãy xây dựng việc này gây khó xử vô cùng vì Superman đang ích kỷ, kiểu Superman đang phá đi tiềm năng cho các dự án tốt thật sự, năng lượng sạch hay các nghiên cứu tế bào giúp chữa bệnh v.v… Dĩ nhiên chúng phải có ảnh hưởng đến thế giới: một nhiệm vụ phụ mà nếu Superman lấy đi mảnh năng lượng ở phòng khám nào đó và khiến một người chết vì không có công nghệ chẳng hạn. Điều này sẽ khiến người chơi phải đưa ra lựa chọn lấy lại mảnh đó hay không trong tùy dự án. Nếu nó hơi nuanced thì hãy tạm bỏ qua, nhưng về cơ bản câu chuyện vẫn nhắm đến việc Superman trở nên ích kỷ về năng lực của mình.

Mối quan hệ giữa Superman cùng các nhân vật phụ khác nên được khai thác ở mức “con người” gần như hoàn toàn. Đừng để Superman đang nói chuyện với Lois và giải cứu Lois hay Metropolis làm chủ đề chính của game. Hãy để người chồng, người con, người bạn, gã phóng viên Clark Kent chia sẻ với Lois, Martha, Jimmy trong lúc khó khăn nhất cần giúp đỡ nhất… Vì phàm là con người chúng ta cần những người xung quanh chứ không thể thật sự làm tất cả mà cứu thế giới. Và rồi hãy tạo ra sự khó khăn nằm trên cả mức thể chất, đó chính là là sự đấu tranh trong chính bản thân Kal-El, về việc cố gắng hồi phục thể trạng nhưng cũng phải tránh được cả dã tâm muốn mạnh hơn mà bất chấp, nên có thể có những lựa chọn khiến Superman không thể full 100% (để mà còn NG+ chứ).

Những lựa chọn này nên có ảnh hưởng lên thế giới thật sự, kiểu như hình ảnh về Superman hoàn toàn có thể bị thay đổi và căm ghét nếu có tin tức anh ta hại người để có năng lực. Hoặc cũng như Witcher 3, hãy để việc lựa chọn có thể mở các tuyến nhiệm vụ phụ khác xây dựng thế giới tốt hơn và đồng thời cũng giúp Superman muộn hơn so với việc lấy lại sức mạnh liền. Đại loại vậy. Có phạt thì cũng phải có thưởng chứ.

Mục đích của việc xây dựng là hãy cho người chơi được chiến đấu về tâm lý cùng nhân vật mình điều khiển. Khi đó, chúng ta mới thật sự là Superman. Trừ phi chơi game có tính troll hay “đ*o quan tâm”, thì việc này tạo ra một góc nhìn qua nhân vật mới hơn rất nhiều cho đại đa số người chơi.

Kết thúc thì ra sao à? Nói chung làm một pha Lex nhận ra chính mình cũng bị lợi dụng và bất đắc dĩ hợp tác với Superman đã hồi phục chống lại Brainiac, sau đó hai người lại quay sang ghét nhau tiếp. Lex Luthor suy cho cùng là một kẻ có tham vọng với chút dã tâm, chứ không hẳn là kẻ xấu, nên cái dynamic này giữa Lex và Superman đa phần luôn thành công trong rất nhiều truyện. Nhưng rất thường xuyên thì Lex toàn nghĩ ra nhiều trò ác ôn bá đạo thôi rồi, và hãy để Lex làm trò như vậy ở phần sau thì hơn.

Nói đến phần sau thì có lẽ đó mới là lúc chúng ta mang Superman ra ngoài vũ trụ và nên vận dụng theo kiểu Hub world chứ không phải chỉ một bản đồ rộng lớn. Khi ấy thì việc Superman cần phải mạnh lên bằng cách này hay cách khác để đối đầu các thế lực vũ trụ sẽ dễ chấp nhận hơn.

Nói chung, để làm tốt game về Superman, sự mấu chốt nằm ở việc giữ Superman ở dưới mặt đất để có thể “luyện công” cho anh ta, về mặt xây dựng thì mang lại sự đấu tranh cả về thể chất lẫn tâm lý, tạo ra sự hòa hợp với môi trường xung quanh và một câu chuyện ổn là đã thành công 70%. Hay ít nhất đó là suy nghĩ của tui với số lượng kiến thức tui có về nhân vật này. Còn theo mọi người thì vì sao chúng ta chưa có một game Superman hay, và nên làm như thế nào?

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện


1 cụng ly