Top 10 video game hay nhất với Thalionir Hùng Lý – phiên bản cập nhật Năm Cô Vy thứ 2

Huyền thoại ★

  

“Kept you waiting, huh?” – Đại Ca của Bánh Răng Kim Loại Rắn

Đã quá lâu kể từ lần cuối tui thật sự viết lách một cái gì đó trên Hiệp Sĩ Bão táp rồi. Lí do cũng đơn giản là khi con người ta đã bị cơm áo gạo tiền điện nước (và Funko Pop!) chi phối rồi thì con người ta cũng bớt dần thời gian vào một đam mê nào đó. Có chơi game thì họa chăng tui lao vào những con game mang tính chất không não chỉ là cày tay chân như PES 2021 hay Destiny 2 cho xả hơi xíu xiu (dù đôi khi không xả hơi cho lắm vì tui có một mối quan hệ yêu-ghét với Destiny 2). Việc viết lách thì… Nói cho vui là vì vốn dĩ làm Content Writer ở công ty là nặn hết chữ nghĩa và phụ giúp thiết kế hình ảnh rồi, vậy nên về nhà đâu có đám ngồi vẽ vời múa may với những con chữ, hay nói đúng hơn là muốn múa thì múa cũng không nổi. Đến các bên viết kịch bản video cho các bên cộng tác còn đang bị trễ deadline và đôi khi muốn buông bỏ luôn…

Thôi càm ràm thế là đủ rồi. Rất vui được gặp lại mọi người, nếu mọi người còn “dám” nhớ đến gã này.

Cái hồi còn trẻ trâu, chơi game nhiều hơn làm lụng và học hành, chịu khó đi khắp nơi build fame cho bản thân thì tui đã từng “rảnh và điên” tới mức list 1 loạt… 30 game mà lúc bấy giờ tui có thể nhớ ra ngay trong đầu ở thời điểm đó. Có một số trong đó thú thiệt là tui còn chưa chơi đủ 1/3 để nói là mình đã có thể đánh giá về nó, có khi là bỏ vào để cho nghe là mình ngầu cool thôi. Nhưng thời gian rồi cũng qua, kinh nghiệm chơi game rồi cũng đã dày hơn kể từ khi gặp tất cả anh chị em trong cộng đồng (còn admin thì chẳng giúp ích được gì, chỉ tổ làm bực thêm thôi.)

Vậy thì, hãy cùng nhau làm lại từ đầu với list update 10 game offline mà tui đã thực sự tự tay hoàn thành. Sẽ có thêm những cái tên mới và sự lặp lại của những cái tên cũ, nhưng sẻ có những khía cạnh khác hơn một tí. Mọi người cố “chịu đựng” cùng tui bên dưới nhé.

10. Bioshock Infinite

Chà, từ vị trí hạng hai ngày nào tuột cái vèo xuống hạng 10. Nhưng sau hai lần chơi lại Bioshock Infinite thì có lẽ cái “Wow factor” và những yếu tố vặn não gây bất ngờ đã không còn nữa. Đó là chưa kể, Bioshock Infinite đã có phần phá đi phong cách đã tạo nên một Bioshock dị biệt trong các game FPS.

Tuy nhiên, nếu chỉ tính riêng về khía cạnh “một game bắn súng thuần túy”, Bioshock Infinite thật sự rất hay khi nhiều cơ chế đã đẩy tốc độ của game lên rất nhanh như thể ngấm ngầm truyền tải sự hỗn loạn cả về chính trị lẫn tinh thần của những cư dân bị tẩy não sinh sống ở Columbia. Lục lọi lại từng câu thoại, từng cái voxophone (bản ghi âm) để tìm gợi ý về cái kết thúc hại não khét tiếng cũng như có cái nhìn sâu hơn về việc xây dựng ngầm giữa Booker và Elizabeth thật sự làm tăng độ sâu của trải nghiệm chỉ riêng với Bioshock Infinite. Có những thứ ta đã biết rõ, nhưng khi lắng lại thêm một chút để hiểu hơn thật sự là một cảm giác khó tả.

Đúng là tui đánh giá cao Bioshock bản gốc hơn, nhưng Infinite có một sự gắn bó lớn lao với tui khi giúp tui vượt qua cơn thất tình lớn đầu đời nên được thiên vị một tí về mặt tình cảm là điều khó tránh khỏi.

 

9. Batman: Arkham Knight

Là một tên fanboy Batman, thì có lẽ một tựa game với trải nghiệm “Be The Batman” đúng nghĩa dĩ nhiên sẽ luôn luôn có vị trí trong top 10 của tui. Điều bực mình nhất có lẽ chỉ là kịch bản game này chẳng được viết bởi Paul Dini nữa, nên cốt truyện trở nên khá là dở hơi. Về mặt tích cực, tui chẳng có quá nhiều vấn đề về việc sử dụng Batmobile nhiều đến phát nhàm (kể cả sự vô lý đến nực cười với mấy thử thách đua xe của Riddler,) combat gần như hoàn thiện và cả những side quest vô cùng thú vị vẫn giữ chân tui lâu lâu mod trang phục lại một chút để nhào lên chơi game này như thường.

Tui từng gọi nó là một “Hồi kết ngoạn mục kém vui” trong bài review khi mới chơi xong ngày trước, và bây giờ tui vẫn giữ nguyên ý kiến đấy. Kiểu ai mà ngờ được rằng chương cuối đầy hứa hẹn như thế lại có thể “chỉ có nhiêu đó,” điều này đúng với cả gameplay, cốt truyện, sự đón nhận của người chơi. Cứ trong tất cả mọi thứ đều phải có một chút “gợn” gây tranh cãi. Buồn cười thay là trừ những thứ gì liên quan đến cốt chính, mọi thứ còn lại game này đều làm khá tốt, cả về gameplay, sự đóng góp của nó vào lore Arkhamverse lẫn trải nghiệm “đa dạng” các nhân vật playable ở các DLC – Nightwing, Harley Quinn, Batgirl, Red Hood, Robin,…

Và để thoát khỏi cái bản port PC lỗi vụn vặt chết tiệt, tui sẽ trải nghiệm trên PS4 để xem lái Batmobile và chỉnh remote batarang khó đến cỡ nào (Note: biết chắc sẽ chửi.)

 

8. Hollow Knight

(hơi cheat 1 chút vì chưa đánh boss cuối. Biết sai rồi, im đê!)

F**K THIS GAME! Lạy trời, tui cũng thú thực với tất cả là tui thật ra chẳng có hardcore đến mức muốn tìm một game khó để chơi đâu. Và ngay từ đầu, tui đã rất lưỡng lự với game này, nhưng tui có một đam mê khá lớn với thể loại Metroidvania. Và tui đã không hề thất vọng dù bị hành hạ tơi bời.

Hollow Knight quả thật là danh bất hư truyền khi được truyền tụng là Dark Souls 2D, nhận định đó đúng cả về độ khó trời đánh và cách kể chuyện bằng môi trường rất ẩn ý, để rồi khi mở hết ra và ngẫm nghĩ là cả một thế giới Hallownest được xây dựng vô cùng sâu sắc. Về mặt hình ảnh thì art direction nhìn có vẻ đơn giản nhưng TeamCherry đã rất biết cách để biết sự đơn giản đó trở thành như lời của Bích Phương từng hát, “một cú lừa”, khi bao nhiêu là ấn tượng dễ thương tròn xoe cu te hột me ban đầu chuyển sang thành sự kinh dị (Deepnest) và sự tang thương (khi dịch bệnh bắt đầu lây lan), thì nó thật sự creepy và đáng sợ… Đấy là chưa kể có những câu chuyện đằng sau những nhiệm vụ phụ vô cùng f***ed up mà đến khi lộ ra tui hoàn toàn bị bất ngờ ( **** you, Grubfather!).

Gameplay của Howllow Knight khó thì đã không nói, nhưng tui thích cái cách nó đã ngay từ đầu đã định hình được “chế độ vận hành chính” của nó là gì để rồi khiến người chơi gần như phải bấu dính lấy nó để giải quyết mọi vấn đề. Nói cho vui, “chặt chém giải quyết được hết”, còn nghiêm túc thì nó đã “tutorial” cho người chơi biết về cách tương tác với thế giới như thế nào chỉ ngay cái đường hầm đầu game, ví dụ bạn thấy cái gì lạ lạ thì cứ “chém phát” rồi tính tiếp, ok xong nhé good luck chàng trai/cô gái (những kỹ năng sau khi đánh boss sẽ có thì khi đấy mới có hướng dẫn.) Và tui thích điều này nhiều hơn là tui nghĩ. Một cái tutorial nhỏ nhoi mà như xác định màu sắc và tính chất của game.

Nói chung, Hallownest cũng vô cùng đa dạng đến… đáng ghét với những màn platforming mà tui cũng không hiểu sao tui đã chơi đến gần 70% game với một con tay cầm cùi bắp ngày còn bên Úc. Sau này có tay cầm ngon lành rồi cũng khá khẩm hơn nhưng hình như cũng bò cày ải mới qua hết được Colosseum of Fools.


Nhưng mà… ****** cái White Palace, **** Depp Nest, ***** cái nhiệm vụ Delicate Flower, **** cái lore game này, ***** **** ******!!!!!!!!!! 

Chắc viết xong bài này mở game lên hoàn thành thôi.

 

7. Doom (2016)

Tui chưa bao giờ là một người chơi FPS giỏi, dẫu có là game chuyên về PvE hay PvP thì tui vẫn nói là tui dở tệ. Nhưng Doom (chưa đến cấp độ Nightmare vì mệt quá!) ít ra đã cho tui có cảm giác là tui bá đạo thật sự khi có thể lao vào chỗ bọn quỷ bắn giết, rip and tear, tung hoành khắp thiên hạ như thể mọi thứ chỉ là nhãi nhép. Cảm ơn cậu em Hy đã tài trợ chương trình này.

Chưa kể, là một metalhead thì dĩ nhiên Mick Gordon đã cho tui được “quẩy” cả về tinh thần, tay chân lẫn nghệ thuật – đến mức khi sơn nhà cách đây một năm tui từng vừa mở cả DOOM OST vừa làm. Và khi tui chợt nhận ra thứ âm nhạc ấy có vai trò là chất xúc tác cho bạn lao vào giữa bầy quỷ, tui càng quý tựa game này hơn.

Cũng thật lòng mà nói là sau thời gian đó tui đã phải ngồi định hình tâm lý lại là mình có thật sự có vấn đề tâm lý không khi mà tui đã “tận hưởng” lúc xé xác bọn quỷ hơi bị quá. Đến nỗi đó là thứ duy nhất tui có trong đầu suốt 1 tuần.


Với tình hình “cắn nhựa” như bây giờ chả biết khi nào mới được biết “DOOM is Eternal” là như thế nào.

 

6. Metro Exodus

Giai đoạn trước, nếu cho phép tui sẽ chẳng bao giờ động vào series Metro, vì tui là một tên nhát cáy. Nhưng rồi thì có người bạn cũng dụ dỗ tui chơi được Metro Redux và HOLY **** tui đã trở thành fan gần như ngay lập tức. Tui đã ngồi suy nghĩ khá lâu là liệu Metro: Last Light hay Metro Exodus sẽ được lên sàn. Cuối cùng tui chọn Exodus, vì nếu phải lựa chọn mình chấp nhận “chơi lại lần nữa” game nào thì tui sẽ hướng đến Exodus nhiều hơn là Last Light.

Metro Exodus đối với tui có lẽ là sự thử nghiệm bất thành nhưng đáng quý của 4A Games. Như đánh giá cá nhân từng viết, tui thích việc Exodus dám mạo hiểm đưa người chơi ra khỏi những đường hầm như cách họ đã làm rất tốt ở hai game trước để mang lại trải nghiệm đi tìm miền đất hứa đúng nghĩa, kể cả việc mỗi chương chỉ là từng cái hub không quá rộng lớn. Và rồi ở những chương giữa, lẫn trong vài khu vực của game, người chơi lại một lần nữa bị ném vào những cái hốc tăm tối quen thuộc để nhung nhớ cảm giác “rong ruổi” ở bên ngoài. Trải nghiệm immersion của game cũng là cực tốt khi việc tương tác với môi trường, NPC đều có những “thứ” để ngẫm nghĩ đôi chút (e hèm, Anna is the best Russian waifu).

Những trải nghiệm mới mà Metro Exodus đem lại nếu phải công tâm mà đánh giá là chẳng hoàn hảo. Nhưng mà có sao chứ, nó vẫn rất thu hút, ít nhất là với tui. Kể cả cái hệ thống đạo đức nổi tiếng được giảm bớt xuống, cái việc bắn súng cứ cứng cứng giật giật, việc tùy chọn chỉnh sửa súng và quản lý tài nguyên để giữ súng ống ở tình trạng tốt nhất, cái thế giới khá là “trống không” hậu tận thế ấy cứ khiến tui thật sự có một sự say đắm đến kỳ quái…

À, có bản Enhanced Edition rồi nhỉ. Hẹn hôm nào quay lại xem anh bạn đã khá hơn về mặt glitch/bug hay chưa nhé.

 

5. Red Dead Redemption 2

 

Ở lần đầu chơi Red Dead Redemption 2, nó có hơi vội vàng một chút nên phải đến lần thứ 2 chơi lại tui mới dám xem xét kỹ hơn về nó. Đánh giá của tui vẫn như cũ rằng RDR2 chỉ “lại là một game thế giới mở với những thứ cơ chế và trải nghiệm cổ điển đến lỗi thời của Rockstar”.

Nhưng nó lại nổi bật với một thứ khác và nó giúp tui có thiện cảm với game hơn, đó là nó giữ chân người chơi lại ở cái khu vực nước Mỹ giả tưởng đó bằng cách riêng của chính người chơi. Có người muốn trải nghiệm lại cốt truyện, có người thích làm outlaw bắn súng quậy phá cướp tàu xe, có người muốn làm các challenge, có người chỉ đơn giản là thích rong ruổi săn bắn, có người muốn bỏ thực tại và sống theo kiểu năm 1899 với cả việc ăn uống tắm táp ngủ nghỉ, cái game này chiều được hết. Có câu đùa là chơi RDR2 giống như làm một công việc full time, và nó đúng thật, đến mức phiền toái.

Với bản thân tui thì nội cái việc đi lựa chọn ngựa thôi là đã tốn hết cả một ngày (theo nghĩa đen.) Và lựa chọn hoàn thành cái game này (theo nghĩa lấy Platium trophy ấy) thật sự là đáng hối hận vô cùng. Nhưng nghiêm túc mà nói, trừ phi phải dính vào cái sự tuyến tính đến mức bị dắt tay chỉ đường của mạch chính, tui đã có một trong những khoảng thời gian rong ruổi chiill nhất từ trước đến nay cùng với RDR2. Thế nên đây có thể được xem là việc “tận hưởng game có chọn lọc” nên chơi lần 2 mãi chả xong.

Và chỉ nói theo kinh nghiệm tự có, đây có lẽ là game mà Rockstar thật sự muốn dồn hết toàn bộ công lực để xây dựng nhân vật cho tốt nhất có thể, khi mà Arthur Morgan mới xuất hiện có hơn 2 năm đã được đánh giá là nam chính tuyệt vời nhất Rockstar từng tạo ra. Thế nên chơi cũng cứ nhây nhây vì chả muốn Arthur Morgan lại chết một lần nữa. Ngoài ra thì dàn nhân vật phụ rất có cá tính cũng đã được xây dựng rất tốt, làm cho cốt truyện có phần… bị kéo dài không đáng (đôi khi đến mức nhây luôn) vẫn có thể chấp nhận được.

Chỉ vì cái game RDR2 này mà hôm nào phải làm một bài về cái chuồng ngựa trong đây mất.

4. Final Fantasy VIII

Vẫn khá là vững chắc so với ngày trước nhỉ?

Người ta thường hay nói là FF đầu tiên sẽ luôn có vị trí đặc biệt trong tim, điều này đúng với tui. Final Fantasy VIII chưa bao giờ là một game J-RPG tốt với một sự thử nghiệm nhiều lỗ hỏng, một game có câu chuyện không quá hay, hay bất kỳ cái gì quá sức nổi bật so với những kẻ anh em cùng thế hệ như FFVI, FFVII, FFIX hay FFX. Nhưng tui thật sự chẳng quan tâm vì đây là game FF đầu tiên mà tui thật sự bỏ hết công sức, trí lực để chơi… Ngày ngày tự bản thân mày mò để hiểu được hệ thống junction, đọc walkthrough để hiểu thêm về luật đánh bài Triple Triad, nắm các tuyến nhiệm vụ phụ và nơi để trigger, tính toán từng điểm magic và căn chỉnh toàn bộ nhân vật đồng đều nhất. Đó là những điều tui sẽ không bao giờ quên được. Và với thời gian chơi game ít òi lúc học lớp 9, tui đã tốn đến gần 6 tháng mới có thể coi là xong tựa game này!

Và sau bao lâu chờ đợi thì (ít nhất) cũng đã có bản Remastered rồi. Lại có thêm một buổi hẹn với “mối tình đầu” nhé, sớm thôi.

“Whenever sang my song, on this stage, on my own…”

3. Chrono Trigger

Nếu như tui nói rằng, tựa game JRPG hay nhất và mang tính cách mạng hóa nhất thật ra đã có mặt từ năm 1995 trên một hệ máy mà đa số GenZ có khi còn không biết đến sự tồn tại của nó, có lẽ nhiều người sẽ nói là tui bị điên. Nhưng đó là sự thật, vì Chrono Trigger đã làm được gần như tất cả những gì hay nhất mà một game J-RPG có thể làm được theo cách… đơn giản đến chẳng ai ngờ – cả về hình ảnh lẫn cách chơi.

Sự tập hợp của ba ông tổ hàng khùng của giới văn hóa đại chúng Nhật thật sự đã tạo ra một tựa game “Từ trước đến nay chưa bao giờ thấy.” Theo kiểu bạn chỉ cần nghe là: Cơ chế đánh theo lượt “chán òm” của J-RPG mà lại linh hoạt, biến ảo thì nó đáng chơi rồi. Mỗi một lần tạo lập nhóm để chiến đấu là mỗi lần sẽ có những skill khác nhau, để rồi theo thời gian đồng đội hiểu ý nhau hơn, skill phát triển hơn để phối hợp tốt hơn, nó đã thật sự! Và cả quái lẫn đội hình của mình cử động, di chuyển chiến đấu có chiến thuật hẳn hoi (dĩ nhiên là theo cách đơn giản,) khiến cho việc đánh theo lượt trong Chrono Trigger là một ván cờ thật sự – đặc biệt là lúc choảng nhau với Magnus (và khi thanh niên về với người chơi thì bị nerf đến phát thương)

Đó là chưa kể sự tuân thủ các quy tắc du hành thời gian đến mức ảnh hưởng cả item, cách xây dựng thế giới có sự khác biệt hẳn hòi trước và sau khi có tác động lên dòng thời gian chứ không như cái phim siêu anh hùng overrated 2 tỷ đô nào đó. Kinh khủng nhất, tùy trải nghiệm của người chơi để cho đến 13 cái kết thúc khác nhau (YES! bản gốc chỉ có 12, but c’mon!) với một tựa game vốn dĩ chỉ có tối đa khoảng 4 MB! (tìm ROM giả lập SNES thì bảo là 2,39 MB, cài 820MB trên Steam). Và game này kéo dài khoảng 20 tiếng để hoàn thành trọn vẹn lần chơi đầu tiên! Điên rồ thật sự!

Ngày còn bên Úc, hằng đêm mở walkthrough (yeah, có vài cái nên mở thì mới biết trigger point một số nhiệm vụ ở đâu) và chiêm nghiệm toàn bộ câu chuyện chỉ bắt đầu từ đi hội chợ để rồi chuyển qua cứu cả thế giới không bị sụp hủy diệt xuyên suốt không thời gian có lẽ là cách tốt nhất để bệnh trầm cảm không còn nặng thêm. Điều tui vui mừng nhất là dẫu đã có thêm nhiều phiên bản, nhưng Chrono Trigger nhìn chung vẫn giữ được cái gốc dễ mến ấy.

2. The Legend of Zelda: Breath of the Wild

Nếu tính về mặt tình cảm, thì BOTW chỉ là game đứng hạng nhì trong bản xếp hạng của tui. Nhưng nếu đánh giá tổng quan, nhất là về gameplay, BOTW chính là tựa game thế giới mở hay nhất mọi thời đại (tính đến nay.) Tui không đến mức độ yêu nó đến nồng cháy, nhưng oh boy, tui có thể quay lại chơi game này cả ngày trời mà không nhận ra mình cần phải ngủ để sáng đi làm.

Cái cách game này làm một thế giới mở với cơ chế game mở thật sự là một điều hoàn toàn mới mẻ. Theo kiểu bạn hoàn toàn có thể thử nghiệm gần như… bất cứ điều gì trong cái game chết tiệt này. Từ việc nấu ăn, băng đèo vuợt suối, đốt lửa trải, giải đố, gliding, sử dụng các rune và vũ khí đầy “sáng tạo”, v.vv, toàn bộ game đều là một chuỗi những thí nghiệm có thể kéo dài lên đến hàng trăm giờ. Kể cả cái hệ thống và cơ chế vật lý của cái game này nó… vừa ảo vừa thực tế đến một cách oái ăm. Cách xây dựng thế giới Hyrule “mới” cũng được làm rất kín và tỉ mỉ, khiến người chơi phải thật sự mày mò, chẳng khác gì cách Link đi tìm lại ký ức trong game vậy (nếu không speedrun). Điểm yếu nhất đáng bực bội nhất của BOTW có lẽ chỉ là boss cuối mà thôi.

Tui đã viết một review rất dài, thậm chí là liệt kê cả những điều tui thích nhất và ghét nhất về BOTW. Nhưng nếu mà kể lại trải nghiệm, hai kẻ chơi BOTW sẽ hoàn toàn có thể ngồi với nhau nói về một game nhưng trải nghiệm, cách thức “hoàn thành” một quest gì đó hoàn toàn khác nhau. Đây chính là vẻ đẹp và sự thành công thật sự của BOTW. Đán nói nhất, điều này về mặt nào đó rất friendly với cả những người chưa bao giờ chơi game, nếu như Youtuber Razbubten nói đúng.

Chờ lắm BOTW2. Ủa điều đó đồng nghĩa với việc tui phải mua Nintendo Switch sao?

Honorable mention:

To The Moon + Finding Paradise: Vì cốt truyện thì nhiều hơn nên không muốn bao gồm vào top. Nhưng nghĩ lại cứ luôn nhói lòng thế nào ấy.

Okami: Đây sẽ mãi mãi là “cô người tình năm 18 tuổi” đẹp nhất mà tui từng có, ngày trước tui xếp ở hạng 4 nhưng có lẽ Okami giờ đây chỉ còn ở hạng 11. Nhưng không sao, giờ đây với bản Remastered HD trên Steam tui sẽ luôn có thể ngắm nhìn cô ấy.

Deus Ex: Mankind Divided: Loại trừ cái cốt truyện chính và kết thúc sequel bait chẳng bao giờ có, Mankind Divided là 1 immersive sim đỉnh thật sự!

1. The Witcher 3: Wild Hunt

Ủa mọi. người mong đợi sự thay đổi gì ở vị trí này cơ chứ? Lúc mà tui viết bài top 30 game tui thậm chí còn chưa chơi hết DLC đấy, và sau 4 lần chơi lại (yup, suốt cả cái năm 2017 tui chỉ biết Witcher 3) thì vị trí này đã quá vững chãi, và chưa có cái gì xô đổ được cả. Ai nói gì tui mặc kệ, tui biết quá rõ điểm mạnh yếu của cái trò chết tiệt này rồi.

Lời chốt cho admin VLS: Team Triss is the best! Ciri là con gái của Geralt!

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện