Tôi viết linh tinh về việc xem Walkthrough

Chủ xị

  

(Ảnh đại diện mang tính chất mô tả việc tôi “đi bộ xuyên qua” aka walkthrough).

Một ngày mùa hè, sau cơn mưa, vào buổi trưa.

Những dòng suy nghĩ bất chợt đưa đẩy tôi, một người đang bận nấu nồi canh bí hầm xương và cá thu rán, nhớ về những khoảnh khắc đầu tiên mà tôi biết đến video games. Ấy đừng có trách tôi về việc tôi làm multitasking và khiến chảo cá cháy khét, vì tất nhiên tất cả những thiết bị từ bếp và đèn điện đều đã tắt cả rồi. Chỉ là, cảm hứng viết bài này đến từ tiết trời của ngày hôm nay mà thôi. Nhưng trước khi đi vào chuyên mục chính, có lẽ tôi sẽ lại kể lể về khoảng thời gian tuổi thơ của mình một chút.

Chặng đường đến với việc chơi game mỗi người đến từ những lúc ra net, xem những người chơi cái máy tính màn hình lồi cùng bộ bàn phím và chuột Mitsumi màu trắng ngả vàng như màu cháo lòng do việc sử dụng thường xuyên của những tuyển thủ nhí, với những CS 1.6 hay AoE.

Tôi có lẽ may mắn hơn những đứa bạn hay anh em họ hàng trong nhà, bởi nhờ bố tôi, vì phục vụ cho việc anh tôi học tập, đã tậu một bộ máy tính y như ngoài net cỏ hồi đó về. Đương nhiên là thời đó cấu hình cũng chẳng cao gì đâu, nhưng có một cây máy tính thời 200x quả thật là cái gì đó trong mắt tôi, là điều tuyệt vời. Những kỉ niệm ùa về như mang con USB rồi ra ngoài net mang game về chơi, tranh nhau quyền sử dụng máy tính, hay quyết phân thắng bại qua mấy tựa game đối kháng như Bloody Roar 4 hay Guilty Gear XX Reload vậy. Nhiều tựa game anh tôi chơi mà tôi có thể kể được như Starcraft 2, Vice City, GTA San Andreas, Warcraft 3, nhưng tôi nhớ duy nhất và rõ ràng nhất là Guilty Gear XX Reload, bởi nó là tựa game duy nhất tôi có thể chơi với ông anh, nhờ vào việc 1 bàn phím nhưng có thể được điều khiển bởi 2 người chơi.

Anh tôi chơi Sol, còn tôi chơi Ky. Đoạn Opening vào game như thế nào thì anh em tôi cũng đánh như thế ấy. Tiếc rằng tất cả giờ là kỷ niệm.

Lớn lên, vào tầm năm 2010 trở đi, thời đại internet bắt đầu mở rộng hơn, bố tôi lại đầu tư gói mạng nhà FPT, nhờ đó tôi cũng biết đến game online hay tải game trực tiếp trên mạng (đương nhiên là tôi nhận thức một cách non nớt về game crack thời đó, bây giờ tôi mong muốn sưu tầm game hơn, và cảm ơn Steam). Nhưng đường truyền mạng thì yếu, tải một tựa game trên tầm 1 GB thôi là tôi mất hơn nửa ngày trời rồi, nói gì được phép chơi game khi tôi vẫn đang ngồi trên ghế nhà trường. Và từ đó, một giải pháp loé lên trong đầu tôi: “Sao mày không thử xem người khác chơi game như là hồi xưa hóng ké ngoài net nhưng bằng cách lên mạng xem?”.

Và rồi walkthrough bước vào cuộc đời tôi. Có lẽ lịch sử của nó đã bắt đầu rất lâu từ những người đi trước, tầm khoảng những năm 80 thế kỉ XX với những dạng bằng tạp chí game hay giấy hướng dẫn trực tiếp trong các bộ trò chơi riêng của chúng. Bên lề một chút về những hướng dẫn chơi game, tôi là một người gen Z, nên những gì tôi có thể nhận được chỉ từ những lời chỉ bảo của ông anh tôi qua máy băng Gamestation IB và PlayStation 1 với những Megaman, Double Draron, Battle City hay Kage Legend (chính là ninja cứu mẹ ngày xưa á). Vậy nên những dạng walkthrough mà tôi thường biết đến hiện nay thường định nghĩa là những video chia sẻ trên các nền tảng như Youtube dạng playthrough hay trực tiếp tự chơi tự trải nghiệm của chính người chơi như ở trên Twitch (tôi lại không thích xem ở trên đây lắm, một phần là cộng đồng chat ở nơi này), còn những walkthrough dạng văn bản thì tôi chỉ coi là guide mà thôi (nhưng mà cả hai đều thuộc định nghĩa walkthrough nên chắc có thể tôi đã tự lừa dối chính bản thân).

Máy băng GameStation IB, hay cứ đơn giản là máy băng mà anh em ai cũng quen thuộc rồi.

Nói là hướng dẫn chứ đa phần mục đích tôi xem walkthrough là để xem cốt truyện mà. Tôi nhớ video đầu tiên về walkthrough tôi xem là Silent Hill 2 của theRadBrad – một kênh lâu năm đậm chất walkthrough. Là một người khá rén với thể loại kinh dị cùng với việc hồi bé từng nói mớ và gặp ác mộng khi mới chỉ chơi một tựa game rất chi là đơn giản là trò đào vàng, có lẽ do vấn đề chưa thể phá đảo được game (lúc đó tôi đã đến màn 19 và có vẻ quá ám ảnh với việc phá đảo nên hồi đó mẹ bảo tôi rằng sao toàn nói từ “đào, đào” nhiều thế), tôi lưỡng lự khi xem nó. Nhờ vào chất giọng to và mạnh qua mỗi đoạn hội thoại mà tôi biết rằng ít nhất có người chơi hộ mình và không có một con quái vật hay bóng ma nào đó sẽ vồ mình. Nhờ đây, tôi mới khám phá ra một lợi thế của xem walkthrough, ngoài việc người ta hướng dẫn từng đường đi ngõ ngách của game, là tôi không trực tiếp chơi game và không cảm thấy sợ sệt với những tựa game kinh dị vậy. Nhưng thực sự, chơi game trực tiếp mang lại cảm giác chân thực hơn cho những người muốn trải nghiệm cảm giác mạnh, nhưng với người yếu tim như tôi thì xin kiếu vậy.

Bradley Lamar Colburn, hay thường biết đến với cái tên theRadBrad

Một ví dụ quen thuộc hơn đối với anh em người Việt có lẽ là kênh Trực Tiếp Game của anh Nguyễn Anh Dũng đã quen thuộc đối với cộng đồng gamer Việt Nam. Tôi không dám nhận là người theo dõi thường xuyên, nhưng tôi vẫn nhớ khoảng thời gian ban đầu là khi kênh stream và đăng lại những video đó, và The Evil Within – một game thuộc thể loại kinh dị (lại kinh dị, ghét chơi nhưng thích xem) đưa tôi đến với kênh. Cảm giác lần này không phải là giọng Mỹ to và vọng nữa mà là một người Việt thuộc tông giọng nhẹ hơn, nhưng rồi thời gian trôi đến tận bây giờ chắc ai cũng đoán được một anh già rất chi là đen tối, theo rất nhiều nghĩa khác nhau. Vả lại tôi còn băn khoăn liệu kênh này còn có phải là walkthrough hay không nữa khi chính người xem stream còn phải hô hướng dẫn cho ông anh già. Nói vậy thôi chứ kênh này lại giải trí, tấu hài, mang tính cá nhân của người sáng tạo với khiếu hài hước của mình, và thêm nữa đây là một kênh của người Việt nên mang tính thân thuộc nhiều hơn cho tôi. Bản thân tôi lại là người có một thói quen phải mở một kênh Youtube nào đó phát bất cứ thứ gì, từ nhạc, bản tin, review, cốt truyện, và walkthrough. Việc mở một kênh Youtube trong lúc làm một việc nào khác như dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn, hay thậm chí là chơi game (đương nhiên là những game khiến tôi ngồi farm nhiều như Genshin Impact làm như một nông dân thiếu IQ vì RNG của nó, và những game lỗi âm thanh mà chẳng thể khắc phục như Liên Minh Huyền Thoại) trở thành thói quen, và có lẽ là thói quen xấu mất rồi. Và Trực Tiếp Game là một lựa chọn đối với tôi.

Và đôi lúc nhờ vào những tâm sự của viewer của kênh, tôi cũng hiểu thêm một chút về những khía cạnh khác của cuộc sống (ừm, walkthrough của game này có tên là Cuộc Đời nên chắc vẫn tính nhỉ?)

Đôi lúc, tôi mới thực sự đi tìm đúng bản chất của việc xem walkthrough là những hướng dẫn hay achievement mà tôi bỏ lỡ trong game. Nếu theRadBrad và Trực Tiếp Game là 2 kênh mang hướng walkthrough trò chuyện thì Shirrako lại là một kênh theo hướng No Commentary hay miễn bình luận, chỉ có gameplay của người chơi. Theo tôi đây cũng là một thể loại walkthrough có mức độ từ ổn cho đến khá, bởi nó tập trung vào đi tìm đồ, thành tựu, theo dõi cốt truyện hay xem gameplay để tự đánh giá theo ý kiến cá nhân xem có nên mua game đó hay không, nhưng có một nhược điểm là nó không có sự tương tác giữa người chơi và và người xem như 2 kênh Youtube trên. Tuy vậy, tôi vẫn coi đây là một nguồn để tham khảo việc chơi game của mình, nhưng vì là con nhà nghèo nên cuối cùng tôi cũng lại trở về giả lập Youtube thôi.

Cuối cùng thì bài viết này xảy ra tại vì tôi nghĩ quẩn lúc làm bếp thế thôi. Chứ với tình hình dịch bệnh đang nghiêm trọng thế này, phòng lại trường hợp nhà anh em nào không có máy tính hay laptop để chơi những con game ngon thì chắc bài viết sẽ là nguồn cảm hứng để anh em có thể lao vào giả lập chơi game qua Youtube thôi. Vậy anh em còn có những kênh nào để theo dõi cốt truyện không? Nếu có thì hãy chia sẻ cho tôi, còn tôi sẽ chuẩn bị dọn cơm đây. Hẹn gặp lại anh em trong những bài sau.

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện