Guilty Gear: Một tuổi thơ heavy metal

Chủ xị

  

Như trước đây tôi có viết về bài Walkthrough, hai anh em tôi có sở thích khác xa nhau: ông anh là một chiến lược gia đam mê Warcraft III, StarCraft 2, hoặc những tựa game chiến thuật như Ngoạ Long hay Tam Quốc Diễn Nghĩa về sau này khi không có thời gian chơi nhiều nữa; tôi là người nghiện thể loại nhập vai và cái hồi bé thì cứ quẩy Vice City thôi chứ có biết làm nhiệm vụ là cái gì đâu. Tuy nhiên, có một tựa game mà cả hai anh em ngày xưa đều đồng lòng ngồi chung một cái máy tính: Guilty Gear X2 #Reload. Từ khoảnh khắc đó, tôi được đặt một bước chân vào thế giới game đối kháng.

Khi nhắc đến game đối kháng thì người ta thường gọi tên Street Fighter, Mortal Kombat hay Tekken nhiều hơn. Với những tựa game đó thì tôi lại kém may mắn khi tiếp cận chúng với nền tảng mobile với những phần game Java như Street Fighter 2, Mortal Kombat 3 và thường không có một đối thủ nào “thật” để thi đấu, để rồi tôi không còn hứng thú với dòng đối kháng. Và rồi thời học hành đã qua, trong một dịp nghỉ dịch dài ngày vô tình được một người bạn chủ động bắt chuyện về Guilty Gear, và người bạn đó hành tôi lên bờ xuống ruộng với bản mới nhất của series game là Guilty Gear Strive. Vừa cay cú vì nhận ra bản thân đã ếch ngồi đáy giếng và niềm vui thuở bé lại được nhen nhóm, tôi quyết định viết một bài để lưu lại bước chân còn lại khi vào tựa game này.

Thông tin sơ lược

Arc System Works (ArcSys) là một công ty phát triển và phát hành game có trụ sở tại Yokohama. Được thành lập vào năm 1988, công ty đã trở thành nhà phát triển hợp đồng với Sega và một số công ty khác. Nhưng để nói đến thành tựu lớn nhất của công ty chắc chắn phải nói đến việc tạo ra những dòng game đối kháng mang phong cách đặc trưng riêng giống như NetherRealm Studios có Mortal Kombat, Capcom có Street Fighter hay BANDAI NAMCO có Tekken. Và nói đến biểu tượng của ArcSys là nói đến Guilty Gear (GG), với một hệ thống phức tạp và công bằng cho toàn bộ người chơi từ newbie đến oldbie.

Gameplay

Một phần hình ảnh của GG X2 #Reload

Như bao tựa game đối kháng khác, GG sở hữu những thuật ngữ như okizeme, chip damage, meter,… nhưng có cách gọi riêng biệt trong game. Cho đến phiên bản hiện tại là Strive, dưới đây là những điều cơ bản của game:

  • Những đòn đánh cơ bản gồm Punch (đấm), Kick (đá), Slash (chém), Heavy Slash (chém mạnh) và Dust (thông thường đây sẽ là đòn hất tung đối thủ, nếu ngồi xuống thì đây sẽ là đòn quét chân). Ngoài những đòn đánh cơ bản thì bạn cũng cần biết các commands khi kết hợp nút hướng và và đòn đánh, chia từ dạng Normal, Special và Overdrive (những bản trước đây còn có đòn Instant Kill và đúng như tên của nó là “Tất sát” khi chỉ dính một đòn là bạn thắng cả trận đấu, nhưng đáng tiếc là bản mới nhất hoặc chưa cho vào hoặc không cho đòn này nữa).
  • Tension: đây là thanh meter của GG khi người chơi liên tục gây sát thương hoặc dashing. Không chỉ là thanh tăng mana thông thường để nhân vật sử dụng đòn Overdrive, thanh Tension còn sở hữu nhiều chức năng mà một trong số đó là Roman Cancel (RC), một dạng kiểu hô ZA WARUDO khi nó sẽ cancel những di chuyển hiện tại để đưa nhân vật về trạng thái cân bằng ban đầu hay reset các chuyển động, giúp người chơi có thể tạo ra combo, gia tăng áp lực hoặc giúp bản thân tránh những áp lực của đối thủ. Tuy nhiên RC lại ngốn 50% thanh Tension nên người chơi phải biết cách sử dụng hợp lý.
  • Burst (bắt đầu xuất hiện từ bản X2): một đòn thường được sử dụng khi bị kẻ địch gây áp lực bằng một combo có khả năng đốt nửa cây máu của bạn. Burst được chia làm hai loại là Blue Burst (thường là khi bạn muốn thoát đòn đối thủ) và Gold Burst (xuất hiện khi đầy chữ Burst, và khi GB đánh trúng đối thủ thì nó sẽ làm đầy thanh Tension).
  • Guard Gauge (bắt đầu xuất hiện từ bản X): trong GG thì bạn sẽ có một thanh đo độ chịu đựng của nhân vật, khi block quá nhiều thì thanh đó sẽ ngày càng đầy và đến một mức độ nào đó thì bạn sẽ hứng nhiều sát thương hơn trong khoảng thời gian đó, nên đây có thể coi như một dạng thang đo phạt về chip damage trong game. Tuỳ thuộc vào HUD của từng phiên bản thì nó sẽ nằm dưới thanh máu, còn hiện tại bản Strive thì nó nằm dưới thanh Burst.
  • Tech Hits: một kĩ thuật reset trạng thái của nhân vật sau khi chịu sát thương và kĩ thuật này thường dùng ở trên không trung, tuy nhiên không phải toàn bộ sát thương nhận vào đều có thể reset bằng Tech Hits. Đương nhiên như những thứ khác, Tech cũng cần một khoảng thời gian sau khi sử dụng. Hiện tại theo lời của Daisuke Ishiwatari – cha đẻ của dòng game, thì cơ chế này đã không còn ở bản Strive, nhằm tối giản những phức tạp của game để người chơi mới dễ tiếp cận hơn, nhưng đồng thời cũng yêu cầu các lão làng tạo ra các chiến thuật mới.

Ngoài những điều cơ bản trên, GG từ bản Xrd có hẳn phần tutorial giới thiệu cực kỳ chi tiết những chức năng của game, đồng thời có phần Mission và Combo để hướng dẫn trực tiếp cho những newbie trải nghiệm từng nhân vật khác nhau. Nếu bạn cảm thấy chưa đủ, hãy lên youtube và có hằng hà các video hướng dẫn.

Để tổng quát về game, GG là một game có thiết kế độc đáo khi mang hơi hướng Steampunk pha chút ma thuật vào trong thế giới của game, từ đó mỗi nhân vật với khả năng khác nhau có lối chơi riêng biệt. Hãy lấy ví dụ Ky Kiske, một nhân vật trong game và cũng là người dẫn dắt tôi từ hồi còn bé đến bây giờ. Ky là một người tin tưởng vào chính nghĩa, trật tự và danh dự, đồng thời cũng là một chiến binh, một biểu tượng của hội Sacred Order of Holy Knights (hay còn gọi là Holy Orders, nôm na như hội Hiệp sĩ Dòng đền với niềm tin vào Chúa). Anh cũng là một người tốt bụng và hào hiệp, song cũng dễ nổi nóng nhưng điều này đã giảm đi sau các phiên bản. Với khả năng dùng kiếm điêu luyện và nắm được toàn bộ 5 dạng ma thuật nguyên tố nhưng lại ưa dùng ma thuật sét hơn cả, Ky thường dùng trường kiếm như Thunderseal hay Magnolia Eclair với khả năng kiểm soát tia sét. Vì thế, lối chơi của anh tập trung vào khả năng poke kẻ địch bằng cách bắn các tia sét, đồng thời các đòn đánh tầm trung kèm tia sét gây choáng tạm thời vừa tạo áp lực cho đối thủ lại vừa giữ khoảng cách an toàn cho bản thân, có thể nói là một nhân vật dễ chơi cho những người mới bắt đầu, nhưng đồng thời bởi lối chơi dễ dàng đó mà thường Ky không có vai trò đặc biệt nào mặc dù theo tôi thì anh có thể thuộc dạng Zoner – một dạng nhân vật thường dùng đòn đánh xa để đẩy đối thủ tiếp cận.

Ky Kiske cùng với cây Magnolia Éclair ở bản Xrd

Ngoài Ky ra, còn rất nhiều nhân vật nữa có lối chơi độc đáo của riêng mình, đơn cử như đối thủ kiêm bố chồng Sol Badguy với những đòn đánh uy lực, Potemkin với cơ thể to lớn và khả năng quật nửa cây máu của bạn, hay nhân vật mới nhất là Happy Chaos ở bản Strive với đúng chất một Zoner dùng súng nã đạn vào người bạn cực kỳ khó chịu. Hãy tự trải nghiệm từng nhân vật để cảm thấy bản thân thích nhân vật nào nhất.

Thêm một chút nữa, thì bắt đầu từ bản Xrd, người chơi có thể chơi online với nhau, và người viết khuyên mọi người nên mua bản Strive nếu muốn chơi bón hành với bạn bè cùng nhau, bởi người chơi đã chuyển đi chơi với Strive gần hết rồi, và việc kết nối room trong Xrd của tôi (đã mua Rev 2) cứ như là xoay chong chóng và cuối cùng trở về việc đấm nhau với máy (vì chưa tích đủ tiền mua bản Strive).

Cốt truyện

Như Mortal Kombat với một loạt dòng thời gian cốt truyện rối rắm sau MK9 hay cái dòng họ Mishima của loạt game Tekken, GG cũng sở hữu một lượng lore đồ sộ. Từ năm 2010, loài người khám phá ra nguồn năng lượng mới mang tên “Ma thuật”, đưa nhân loại lên một tầm cao mới kết hợp giữa công nghệ và ma thuật. Tuy nhiên, chiến tranh xung đột vẫn xảy ra và ma thuật được sử dụng, kết hợp với các thí nghiệm của loài người tạo ra một giống loài mới tên “Gears”. Nhưng cuối cùng loài Gears lại chống loại loài người, tạo ra một cuộc chiến toàn cầu mang tên The Crusades (Cuộc thập tự chinh). Sau một thế kỷ chiến đấu, một nhóm quân đội được biết đến với cái tên Sacred Order of Holy Knights đã chiến đấu và đánh bại Justice, thủ lĩnh của Gears. Với việc Justice đã bị nhốt trong một nhà tù không gian, tất cả các Gears khác dường như không còn hoạt động được nữa, kết thúc một kỷ nguyên xung đột.

Câu chuyện chính bắt đầu từ năm 2180 khi một kẻ tên Testament có ý định hồi sinh Justice, từ đây chúng ta có giải đấu được tổ chức để tìm ra người mạnh nhất để đánh bại Testament, đồng thời trao thưởng cho người chiến thắng bất cứ thứ gì họ có thể mong muốn. Càng về sau, các sự kiện lớn xảy ra không chỉ xoay quanh giải đấu mà còn là các cuộc đụng độ khác, đồng thời người chơi có thể tìm hiểu nhiều hơn những câu chuyện bên lề của từng nhân vật và sự phát triển của họ nhiều hơn. Có thể sắp xếp các bản chơi từ GG, GG X, GG X2 (mọi người thường khuyên chơi bản Λ Core Plus R), GG 2 -Overture- (bản duy nhất chuyển từ game đối kháng sang game hành động 3D), GG Xrd (Sign và Revelator 2), và hiện tại là GG Strive.

Hình ảnh

ArcSys là một nhà phát triển vô cùng thành công với game đối kháng mang hình ảnh anime, điển hình như series BlazBlue hay Persona 4 Arena, và có thể nói tay nghề của họ luôn vững chắc về mảng game đối kháng. Guilty Gear được hưởng lợi vô cùng nhiều vì vừa là một dòng game gốc, lại vừa có phong cách độc đáo của mình, vậy nên mặc cho là game 2D thì ArcSys muốn giữ những cốt lõi mà có thể là hay nhất của thể loại đối kháng anime. Có thể đánh giá cột mốc chuyển mình từ bản XX lên Xrd là một bước đột phá về mặt hình ảnh. Cá nhân tôi rất thích sự đột phá này.

Từ dạng 2D truyền thống (Guilty Gear XX Λ Core Plus R)

Lên hình ảnh 2.5D (Guilty Gear Xrd Rev 2)

Và hình ảnh hiện tại khi càng nâng cấp đồ hoạ lên (Guilty Gear Strive)

Thực tế đã có một video giải thích chi tiết về việc hoạt hoạ của GG ngày càng được nâng cấp lên của một kênh Youtube tên New Frame Plus, có thể tóm tắt gồm:

  • ArcSys có lợi thế về mặt kinh nghiệm làm game anime đối kháng 2D, và thực tế họ đã dùng những công cụ 3D để tạo phác cho những hoạt hoạ pixel của họ, mà điển hình là BlazBlue.
  • Phần sau của video dưới đây mô tả việc làm thế nào ArcSys làm việc với những nhân vật quen thuộc lên dạng 3D để mà tạo cảm giác vẫn như một trò chơi 2D anime (tức hô biến để game thành 2.5D), từ điều chỉnh độ sáng, lập trình di chuyển và cử động, vân vân và mây mây, vì nếu khâu này mà làm tệ thì mọi người sẽ biết đến thảm hoạ của Berserk khi lên anime năm 2016 vậy.

Âm nhạc

Bên cạnh Hideyuki Anbe là người lập trình chính cho game, Daisuke Ishiwatari, người nắm vai trò sản xuất, tạo hoạt hoạ, sáng tác âm nhạc, và lồng tiếng cho nhân vật chính Sol Badguy và Order-Sol, là một người yêu thích thể loại heavy metal và rock, vậy nên chẳng lạ khi theme của toàn bộ tựa game mang không khí dồn dập của các trận đánh và tiếng guitar. Hồi nhỏ chỉ tập trung vào những trận đấu, tôi không biết từ lúc nghe lại những bản nhạc trước đây mới thấy hết được độ cháy của từng nhân vật, mà đằng sau đó thể hiện những tính cách đặc trưng của họ. Như Ky Kiske với “Holy Orders (Be Just or Be Dead)” kéo dài nhiều phiên bản khác nhau mang âm hưởng tín ngưỡng và thần thánh, hay “Existence” của hội sát thủ Assassin’s Guild.


Và kể cả đến hiện tại, tôi vẫn thích cái anh chàng kiếm sĩ người Pháp bắn ra tia sét, chính trực, tốt bụng, hào hiệp, và bất cứ bản theme nào như “Magnolia Eclair” của bản Xrd hay “The Roar of the Spark” của Strive thì nó vẫn cứ cháy như thế đấy.

Tổng kết

Rất cảm ơn chú Daisuke Ishiwatari đã mang một thể loại âm nhạc vào cuộc đời tôi, và một tựa game để bị ăn hành

Guilty Gear là dòng game mang cho bạn cảm giác combo đã tay đến mức gãy tay với hình ảnh cháy nổ, pha với những bản nhạc cháy như Michael Bay, tăng adrenaline trong từng khoảnh khắc. Có thể bản Strive sẽ là bản cuối cùng của dòng game này, khi mà theo cốt truyện chính thì hành trình của Sol Badguy đã kết thúc với gia đình “êm ấm”, và Daisuke đã từng được phỏng vấn và thể hiện rằng chú muốn những người trẻ hơn tiếp tục bằng một câu chuyện mới. Từ đây, tôi mong muốn những người đọc bài có thể trải nghiệm dòng game, và có thể mọi người sẽ nghe qua những bản nhạc vô cùng cháy của chú.

“Mankind knew they cannot change society


So instead of reflecting on themselves, they blamed the Beasts.”

HEAVEN OR HELL

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện


4 cụng ly

  • Nawi No Ten - 04.04.2022

    Tuổi thơ t cũng gắn với GG :))) Trời hồi đó nhìn dàn nhân vật ngầu, nhạc cũng hay nữa nên nghiện lắm. Cũng đặc biệt thích Ky do anh khá dễ đánh và trông hợp gu. Nhưng kết quả lớn lên rồi thì lại dính với BB hơn.
    Và bài viết rất hay và kĩ càng nhé.


    • Không Hy Vọng - 10.04.2022

      T nghĩ nó chưa hẳn là đủ kĩ, vì khi đề cập đến đối kháng cũng nên chú ý thêm các tech của riêng dòng game nữa, nhất là GG là game từ giai đoạn cực kì phức tạp của Accent Core về đơn giản hơn và có thêm cải tiến như Break Wall của Strive vậy. Với cả t chưa đủ tiền để lên Strive :))))


  • Hoy - 17.04.2022

    hồi nhỏ chơi bản ggx2reload, bị ông anh chơi cái thằng cầm dây xích ( quên tên r ) xài cái chiêu gì treo lên nổ sml éo đỡ đc cay vl =))


    • Không Hy Vọng - 25.05.2022

      Nếu thế là ông cũng như tôi bị Axl Low treo lên bằng mấy đòn grab rồi. Feat của thanh niên bá phết mà hơi nhát. Mong ông hiện có chơi bản mới nhất để gia nhập thế giới của Công Cụ Phạm Tội