Hỏa Phụng Liêu Nguyên: Đọc, ngẫm, và luận

Chủ xị

  

(Bài viết này là quà tặng quán bia, cũng như chỉ là một phần công sức nhỏ nhoi của một kẻ vừa mong muốn tìm hiểu kiến thức vừa muốn truyền bá một tác phẩm tuyệt vời, đồng thời là lời cảm ơn cho đội ngũ dịch truyện HỘI NHỮNG NGƯỜI HÂM MỘ HỎA PHỤNG LIÊU NGUYÊN)

Tam Quốc là một trong những thời kì lịch sử của Trung Hoa dân quốc mà sau này có vô vàn tác phẩm được sinh ra từ nó, điển hình nhất phải kể đến Tam Quốc Diễn Nghĩa của La Quán Trung. Từ chính cuốn tiểu thuyết chương hồi này, nhà nhà biết đến Gia Cát Lượng, Lữ Bố, Lưu Bị, Tào Tháo, vân vân và mây mây các nhân vật và sự kiện của một thời kì đấu tranh điên đảo thiên hạ. Các tác phẩm về sau, nhờ vào những thành công có được của Tam Quốc Diễn Nghĩa, cũng bắt đầu xây dựng hướng đi riêng của mình trong nhiều lĩnh vực như phim truyện, trò chơi điện tử và truyện tranh. Không ít tác phẩm có thành công cho riêng mình như 2 tác phẩm phim cùng tên năm 1996 và năm 2010, hay phần truyện cùng tên của tác giả Lý Chí Thanh.

Ông anh tôi là một người nghiện Tam Quốc Diễn Nghĩa, xem Tam Quốc Diễn Nghĩa bản 2010 lại vài lần trong lúc rảnh và mỗi tối khi ngủ, đồng thời chơi nhiều tựa game liên quan như Đả Tam Quốc và Ngọa Long. Cái gì tôi có thể hỏi, ông có thể trả lời được. Ít nhiều niềm cảm hứng của ông anh truyền cho tôi, và tôi tìm đến bộ truyện của Lý Chí Thanh. Đáng tiếc, bản dịch dừng đột ngột vào năm 2015 trên BlogTruyen, tìm những bản Eng cũng khó khăn không kém, niềm vui của tôi với những trận đánh phai nhạt dần. Phải một thời gian dài sau, tôi mới biết đến Hỏa Phụng Liêu Nguyên.

Ảnh bìa tập 1, nhân vật trung tâm của bìa là Liêu Nguyên Hỏa (cầm binh khí) và Tư Mã Ý.

Thông tin cơ bản

Tên: Hỏa Phụng Liêu Nguyên (Chữ Hán: 火鳳燎原 – Tiếng Anh: The Ravages of Time)

Tác giả: Trần Mỗ, có bản ghi Trần Mưu  (Chữ Hán: 陳某 – Tiếng Anh: Chen Mou, có bản ghi Chan Mou)

Số chap: 538 (bản dịch Tiếng Việt của HỘI NHỮNG NGƯỜI HÂM MỘ HỎA PHỤNG LIÊU NGUYÊN) – 537 (bản dịch tiếng Anh của 8clouds)

Lần đầu xuất hiện: năm 2001

Thể loại: Action, Historical, Manhua, Military.

Lại bẻ lái một chút, như tôi đã nói ở trên, tôi biết một cách chính thức về Tam Quốc Diễn Nghĩa thông qua bản truyện tranh của tác giả Lý Chí Thanh. Lần đầu được đăng tại izmanga (hiện đường link trang web chính đã chết, thay thế bằng link quảng cáo cờ bạc, và cả tài khoản twitter của web cũng thành trang quảng cáo) và re-up bởi nhiều trang truyện khác, Tam Quốc Diễn Nghĩa được khắc họa bám sát những đặc điểm của nhân vật và trận đánh, đồng thời thay đổi một số khoảng thời gian kể chuyện để hướng góc nhìn người đọc trực tiếp vào 3 nhân vật Lưu Bị, Quan Vũ, Trương Phi một cách dễ dàng hơn. Nói chung, nếu là người mới biết đến một bản truyện tranh để mở mang kiến thức, hãy đọc nó, và tìm đến bản tiểu thuyết gốc của La Quán Trung nếu đã hoàn thành 112 chap của bản truyện tranh, bởi bản thân người viết bài cũng gặp khó khi tìm bản tiếng Anh, hoặc xem phim bản 2010 nếu muốn có trải nghiệm điện ảnh.

Nhưng nếu từng đó chưa đủ thỏa mãn trí tưởng tượng bay xa, ngay bây giờ tôi sẽ giới thiệu một Tam Quốc mà hiện đại hơn, cốt truyện hay hơn và đặc biệt không thể thiếu trong Tam Quốc: mưu kế. Xin lưu ý: Bài viết này sẽ chứa thông tin tham khảo của Hỏa Phụng Liêu Nguyên Wiki Fandom, và cơ bản trang web fandom đã bao quát hết những nội dung đặc biệt của bộ truyện, thế nên bài viết này chỉ như một cảm nhận riêng của người viết nằm trong hằng hà sa số những cái mà những người đọc lâu năm đã biết. Những người đọc lâu năm như vậy, ắt có thể sẽ chê cười một chút, song tôi mong công sức của tôi có thể đóng góp một phần nhỏ, tự thúc đẩy bản thân tiếp tục theo dõi bộ truyện đến cuối.

Vậy những gì làm nên sức thu hút của một tác phẩm mang trong mình “bình mới, rượu cũ”?

Ý nghĩa nằm rải rác trong truyện

Hỏa Phụng Liêu Nguyên (viết tắt là HPLN) giờ đây không đưa người đọc nối gót 3 anh em vườn đào nhà Thục nữa mà sẽ đến với Tư Mã Ý nhà Tào Ngụy và bắt đầu câu chuyện từ thời gian lúc Đổng Trác phế ngôi Hán Hiến Đế Lưu Hiệp. Tôi rất ấn tượng với cách mở đầu của truyện:

“Tàn tồn diệc một lộ
Binh bại tựa sơn đảo”
(Tàn phế chẳng còn đường
Binh tan như núi lở)

Đây là câu nói mở đầu cho chap đầu tiên, trong lúc mơ, Tư Mã Ý đã về già, lên ngôi vương, mà theo lịch sử là lúc ông hoàn toàn lật đổ hoàn toàn nhà Tào Ngụy trên lý thuyết. Cảnh sau đó là sự chấp nhận cái chết của bản thân với con quái vật rực lửa không ngừng bước càn vào hàng hàng lớp lớp binh lính phòng thủ. Ở đây, bản thân tôi tự hiểu rằng Trọng Đạt đã già (tàn phế, không thể đi lại an tọa), binh lính không thể cản số phận đã sắp đặt (“binh bại”) nên ông chấp nhận để nó diễn ra, song 2 người con Tư Mã Sư và Tư Mã Chiêu sẽ tiếp tục đại cục thống nhất giang sơn, kết thúc thời đại Tam Quốc.

Và 2 chap sau, 2 câu nói mở đầu đó lại lặp lại, đưa người đọc trở lại với bối cảnh Đổng Trác ung dung cưỡi Lưu Hiệp. Vua đã bị phế chỉ còn trên danh nghĩa (“tàn tồn”), binh lính trong triều cũng bại hoại khó mà so bì với quân của Đổng Thái sư. Thực tế, hai câu nói trên đã lặp lại không ít lần, trong vô vàn hoàn cảnh khác nhau, mang nhiều dạng ý nghĩa khác nhau để người đọc phân tích, và phân đoạn giấc mơ Tư Mã Ý và việc lên ngôi của Đổng Trác cũng nằm trong tầng tầng ý nghĩa này. Như vậy, truyện đã mở đầu một cách ấn tượng đối với người đọc về bối cảnh lịch sử, thế giới chung, góc nhìn nhân vật mà sắp tới bạn đọc sẽ đồng hành.

2 câu vế tương xứng nhau, xin phép mượn từ fanpage

Đó chỉ là phần mở đầu đã có một hai ý nghĩa như thế, đi kèm đằng sau lại nhiều ý nghĩa hơn, mà nó lại vừa nằm trong nhân vật, bối cảnh, trận đánh mưu lược, nhưng tôi lại đặc biệt thích là tuyến nhân vật của HPLN, thể hiện góc nhìn hiện đại của Trần Mưu, hợp lý hóa các tình tiết của truyện.

Tuyến nhân vật lôi cuốn

Nếu như trong Tam Quốc Diễn Nghĩa, La Quán Trung hay Lý Chí Thanh đều mặc định một hình tượng Đổng Trác độc ác, Lữ Bố “hữu dũng vô mưu”, Trương Phi cộc cằn và suy nghĩ đơn giản, thì Trần Mỗ đã thay đổi hoàn toàn họ bằng góc nhìn hiện đại của tác giả và thời đại. Trước hết, khi nhìn Đổng Trác, vẫn là một gian thần, một tên quân phiệt bạo tàn, nhưng theo tôi thì sự xuất hiện của hắn là hiển nhiên khi chính bản thân đất nước loạn lạc, giặc Khăn Vàng nổi dậy cũng là từ dân mà ra, âu cũng tại chính các “trung thần” không lo việc nước, và bản thân vua cũng không làm tròn trách nhiệm của mình.

Liệu có kẻ nào trong sử sách mà béo ú, ục mịch lại biết nhìn nhận sâu xa hiện thực đất nước hay không?


Một Đổng Trác bạo tàn mà biết thu phục lòng quân, ắt cũng chẳng phải tay vừa.

Tiếp đến là Lữ Bố. Người ta có câu “Nhân trung Lữ Bố, mã trung xích thố” để miêu tả một mãnh tướng cao lớn dưới trướng Đổng Trác, hùng mạnh, rắn rỏi, nhưng cũng là người “hữu dũng vô mưu” – chỉ biết cái lợi trước mắt, dùng sức mạnh cơ bắp đè thắng chiến trận. Về với bàn tay của Trần Mưu, Lữ Bố như trở thành một “hữu dũng vô mưu” thật. Xin trích “Sĩ khí luận” của Thủy Kính tiên sinh Tư Mã Huy trong truyện, mà được thuật lại từ lời Văn Xú khi chuẩn bị đấu Lữ Bố:

Chê địch khen ta có 3 cách:

  • Thứ nhất, tướng địch mới thắng thì chê tướng bên ta cẩu thả.
  • Thứ hai, tướng địch thắng nhiều thì chê quân sư bên ta bày trận không hợp, sai dự đoán.
  • Thứ ba, khi tướng địch luôn thắng, thì chê tướng của địch hữu dũng vô mưu.

Như vậy, “Sĩ khí luận” cốt nhắm tới việc binh lính không mất sĩ khí trên chiến trận, bởi một phần chiến thắng của trận đánh đều nhờ sức quân mà ra. Nhưng, liệu tướng địch luôn thắng, liệu hắn có phải “hữu dũng vô mưu”? Trong thiên hạ, cũng chẳng có mấy ai nhận được danh hiệu ấy. Lữ Bố chính là kẻ như thế, khi mà những tập đầu tiên Trần Mưu đã đưa plot twist của hắn vào chính trận thành Lạc Dương cháy (ở đây tôi không muốn spoil cho các bạn đọc mới, nên xin phép dừng ở đây, và tiếc rằng ở đây sẽ không có ảnh anh Lữ để người đọc tự hình dung). Càng về sau, những chương truyện có mặt Lữ Bố, là người đọc thấy trùng trùng lớp lớp các mưu kế đan xen, mà ở đây cũng từ bản thân tài trí của Lữ Bố, càng khiến tôi cảm thấy bội phục tài năng sáng tạo của Trần Mưu. Sau này, dù có Thủy Cảnh Bát Kỳ – những học trò tài giỏi của Thủy Cảnh tiên sinh, tham gia vào các phe khác nhau, thì tôi vẫn mang một cảm xúc lâng lâng khi có sự xuất hiện của Lữ Bố, chỉ tiếc rằng số phận lịch sử thì không thể thay đổi được.

Tôi muốn phân tích thêm sự thay đổi về Trương Tam Gia Trương Phi lắm, song nhận thấy bản thân bài cảm nhận tổng hợp của HPLN Fandom đã tập hợp những ý hay nhất rồi, vậy nên ở đây tôi chỉ tóm gọn hình ảnh của tam đệ của ba anh em vườn đào trong từ: “Ngầu”.

“Nào, để họa gia ta vẽ cảnh nào” ông tổ nghề body painting said.

Hình ảnh 4K sắc nét dù đã trải qua một khoảng thời gian dài

Người đọc truyện cũng như người thưởng thức món ăn, đầu tiên luôn phải chú tâm vào hình thức. Tôi là người ưa đọc truyện tranh đen trắng hơn là truyện màu, và những khung tranh liền nhau trong một trang giấy vẽ hơn là kiểu đọc webtoon hiện giờ. HPLN đáp ứng đầy đủ nhu cầu cơ bản đó, khi những người đọc tiền nhiệm cầm trên tay quyển truyện thơm mùi giấy mực in cảm nhận được từng khung tranh cân đối và được phân bố đều nhau. Những khung đoạn tập trung vào nhân vật, biểu cảm của họ được vẽ rất tốt: từ lông mày, ánh mắt, đến cử động của miệng. Bối cảnh chiến trường, địa điểm, thành quách, những khoảng xa vẽ mà vẫn hình dung được, những khoảng gần lại chi tiết, đơn giản mà vẫn đẹp. Đặc biệt là những trận đánh tay đôi của các tướng, từ binh khí đến thế đòn đơn giản mà hiệu quả, không màu mè cường điệu, từ đó người đọc dễ nắm bắt trận đánh và nhịp truyện.


Lưu Huyền Đức ta đây cũng có khuôn mặt của một người đoạt thiên hạ đấy nhé.

Những câu chuyện của những nhân vật phụ

Chiến tranh loạn lạc, con dân điêu đứng, bá tánh mong mỏi hòa bình, vậy nên dù bên nào có thắng thì họ cũng ủng hộ. Chỉ tiếc, chiến tranh quá dài, nỗi đau người người trải qua, từ binh sĩ xa cha mẹ già mà tiếc nuối, người chồng ra chiến trận tiếc thương vợ mong ngóng đợi chờ mà đánh mất tuổi xuân, người cha xa nhà đau lòng đứa con có thể sẽ không còn gặp lại phụ thân của mình. Tất cả khổ đau ấy biết ai thấu. Trước đây đọc Tam Quốc Diễn Nghĩa của Lý Chí Thanh, cũng nhà tan cửa nát vì chiến tranh, song có lẽ nét vẽ không hợp gu, cũng như nỗi khổ đau đấy được miêu tả không sâu, mà tôi chưa trải nghiệm hết được. Mãi đến bây giờ bản thân vẫn còn nhớ:

“Trên chiến trường, huynh đệ cũng là vô tình …”
“Nước không ra nước, nhà không ra nhà, người không ra người …”

Một chương chuyện riêng chỉ kể về hai nhân vật vô danh, không danh tính, không mặt mũi, nhưng sức nặng như ngàn tấn đất đá đổ ập xuống trận địa.

Một chương chuyện riêng chỉ kể về hai nhân vật vô danh, không danh tính, không mặt mũi, nhưng sức nặng như ngàn tấn đất đá đổ ập xuống trận địa.

Tổng kết

“Toàn diện” là thứ tôi có thể tổng kết khi vừa đọc vừa ngẫm Hỏa Phụng Liêu Nguyên. Để nói về luận, đã có bài viết trên Fandom riêng, nên hãy coi như bài viết này như một lời giới thiệu mở rộng hơn. Đấu trí, luận ý, chiến tranh, con người, cuộc sống thời đao binh, tất cả được mô tả chi tiết ở một Tam Quốc kì diệu mà Trần Mỗ đã xây dựng công phu. Trong tương lai, tôi vẫn mong tác giả tiếp tục hoàn thành bộ truyện của mình, cũng như mong nhóm dịch vẫn giữ khí thế dịch truyện cho các chư lão và kẻ non kém như tôi có thể thưởng thức.

P/S: bài này mà không có lỗi nào chắc tôi như Trương Liêu mất :v.

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện


7 cụng ly