Hà Nội, một ngày mùa thu năm 2017 mà anh em chúng tôi vẫn đang dở tay những trận rank của Liên Minh Huyền Thoại.
– Ê, T, mày có chơi game này không?
– Thôi, cho em xin Boss ơi, ngồi xoay RNG với Kantai Collection là chưa đủ à mà sếp lại kêu em chơi thêm mấy game đánh đố nhân phẩm thế?
– Ừ thì game này cũng đánh đố nhân phẩm, nhưng mà nó không ngẫu nhiên như con game tàu thuyền mà anh giới thiệu với chú hồi năm ngoái đâu.
– Thế game gì thế?
– Fate/Grand Order, thể loại RPG theo lượt.
Đó chính là khoảnh khắc đầu tiên tôi biết đến với gacha, và bây giờ khi đang ngồi viết mấy dòng này, khi đã mùa thu mà trời Hà Nội nóng như cái lửa đốt, anh em thì ở nhà còn ngoài kia vẫn đang dịch bệnh, tôi vẫn chơi gacha đều đều, nhưng thời gian dành cho nó cũng không còn nhiều như trước nữa. Có lẽ là sau khi trải qua những tháng ngày trầm cảm cùng độ ảo diệu đến từ thứ còn RNG hơn cả đề kiểm tra THPT hay bất cứ bài thi nào, hay thậm chí là tỉ lệ chọn đúng món mà bạn gái bạn muốn hôm nay, thì đây là thứ địa ngục ngang hàng với loot box của mấy game AAA. Có lẽ sau bài viết kể lể này, tôi sẽ dừng chơi gacha sau một khoảng thời gian và tìm về thế giới loài người, bởi những kí ức đau buồn này.
Thật trớ trêu là lần đầu tiên tôi biết đến gacha cũng là trải nghiệm để mang đến một cái CV cho chủ quán bia. Và chủ quán bia chấp nhận một con buôn Natri Clorid đủ thể loại từ xúc miệng cho đến nhỏ mắt nhưng nồng độ lại vượt quá ngưỡng an toàn vào một quán giải khát, để rồi đến ngày hôm nay tôi nhận ra quán này còn mặn mòi hơn cả tôi. Tuy nhiên, tôi có thể khẳng định rằng những bài gacha về trải nghiệm vừa qua sẽ làm cho cái quán này đi về miền cực lạc luôn. Và để mở đầu thì tôi sẽ viết lại chính con game đầu tiên tôi bước vào quán bia này: Fate/Grand Order.
Thông tin cơ bản
Tên: Fate/Grand Order
Nhà phát triển: Delightworks
Nhà phát hành: Aniplex
Năm phát hành: năm 2015 đối với server Nhật, năm 2017 đối với server Bắc Mỹ (và còn nhiều server khác như Hàn, Trung, Đài Loan,…)
Thể loại: thẻ bài, Free to play (but pay to gacha ofc), JPRG, turn-based
Tôi là một wibu, và cái quán bia này cũng sắp thành quán trà sữa cho wibu khi một tháng tính ra tôi đọc được hơn nửa số bài là về manga/anime (trong đó có tôi). Trở về những năm 2015, lúc mà tôi vẫn trẻ trâu và chẳng hiểu gì sự đời, đu bám mấy nhóm làm meme 4 ô, để rồi nhìn lại tôi thực sự cảm thấy tuổi trẻ bất lực, và cũng lúc những năm sau đó tôi vẫn còn non nớt khi trải nghiệm những tựa game. Fate/Grand Order, càng theo đuổi theo thời gian, tôi càng phải nhìn nhận lại bài CV đầu vào quán bia này, vậy nên đây sẽ là cái nhìn khách quan của một con nghiện gacha với 3 cái acc đã bay màu này.
Gameplay
Có hai phần đáng để tâm là visual novel và phần combat. Vì phần visual novel là đọc hội thoại và chọn 1 trong 2 câu trả lời để ra các đoạn hội thoại khác nhau mặc dù phần này nó chẳng mang ý nghĩa Choices Matter gì nhiều trừ một số phân đoạn sẽ ảnh hưởng đến việc bạn bị debuff hay gặp loại quái khác nhau, mà ví dụ điển hình là ở dị điểm Babylonia khi bạn xuống địa ngục/Netherworld thuộc chương 14, còn tôi thì sẽ không spoil nội dung gì cả, vậy nên phần chính ở đây là khả năng combat turn-based của game, một thứ mà newbie hỏi lên hỏi xuống vì skip (; ̄Д ̄) .
Fate/Grand Order là một tựa game của Fate, vậy nên nó sẽ sở hữu cách phân chia class hay trường phái dựa theo những gì sẵn có của Nasuverse như cuộc chiến chén thánh giữa Master – những người có ước nguyện thay đổi, thường là những pháp sư tài giỏi – và Servant – những anh linh trong lịch sử, thần thoại, những câu chuyện dân gian hay từ những tác phẩm văn học. Được chia làm 7 class cơ bản được khắc hệ nhau với cơ chế bao – kéo – búa, bao gồm vòng tròn của Saber/Hiệp sĩ, Lancer/Thương thủ, Archer/Cung thủ cùng Rider/Kỵ sĩ, Caster/Pháp sư, Assassin/Sát thủ và cuối cùng đứng riêng lẻ là Berserker/Cuồng sĩ. Điều đặc biệt là ngay từ đầu người chơi đã được cho một class đặc biệt, cũng là class duy nhất có một servant sở hữu: Mash Kiryelight, class Shielder. Qua các bản update, ngày càng có nhiều class khác nhau cũng như có nhiều servant từ lịch sử cũng như thần thoại được vào game, và tổng cộng có 14 playable class và 1 class của địch.
Giờ là đến gameplay chính của nó, turn-based nhưng được buff skill trước khi lao vào đập kẻ địch. Ở đây tôi dùng hình ảnh của acc server Trung của tôi, cũng là hình ảnh trong bài ban đầu về FGO vào để mô tả rõ ràng hơn.
Có 3 yếu tố cần quan tâm ban đầu khi bước vào trận chiến mà tôi đã đánh dấu ở trên: Servant (vùng đỏ), bộ thẻ của Servant (vùng xanh), và Master:
- Mỗi servant có 3 skill dùng trên trận (vùng đỏ ở trên hình, cùng với đó là một số skill bị động có thể xuất hiện ở ở chấm nhỏ trên 3 skill chủ động. Những skill bị động đến từ 2 nguồn chính: từ bản thân servant và thẻ bổ sung Craft Essence/Lễ khí khái niệm/CE. Ngoài ra, trong 1 số trận đánh hoặc từ 1 số CE sẽ hiện lên hình rõ như trên ảnh, còn hầu hết là nó sẽ ẩn status đi.
- Ở dưới hình ảnh nhân vật có 2 thanh HP (máu) và NP (Noble Phantasm – bảo khí aka Ultimate Skills). Bộ thẻ của servant được chia làm 3 loại: Buster (đỏ – thiên về tấn công), Arts (xanh biển – sạc NP) và Quick (xanh lá – tạo sao/Star Generation để turn sau các thẻ có tỉ lệ crit sát thương). Mỗi servant có 5 thẻ, và bạn sẽ được phát đủ 5 thẻ từ bộ thẻ của mỗi servant trong số lượt tương ứng với số servant có trên sân, và như thế sau 3 turn thì số lượng thẻ sẽ xáo trộn ngẫu nhiên thêm lần nữa. Và khi một servant ngã xuống thì bộ thẻ sẽ bị trộn thêm một lần nữa. Và khi chọn 3 thẻ thì tuỳ theo loại của nó sẽ tạo hiệu ứng khác nhau, cũng như việc chọn thẻ đầu tiên cũng quan trọng khi đó là thẻ buff hiệu ứng thêm cho những thẻ sau. Thêm vào đó, mỗi Servant sẽ có bộ thẻ riêng và số hit/đòn đánh của mỗi thẻ cũng khác nhau, ảnh hưởng đến chiến thuật chọn thẻ của player.
- Master hay người chơi chỉ tham gia trận đánh với Mystic Code/Lễ khi ma thuật aka cái bộ trang phục đang mặc trên người, và mỗi bộ sẽ tương ứng 3 skill hỗ trợ cho servant (tuy nhiên, CD của master so với servant rất lâu, vậy nên cần tính toán hợp lý). Và đến giải pháp cuối cùng, Command Spells/Lệnh chú với những skill như sạc máu, sạc NP (tốn 1 lệnh chú mỗi cái) hoặc sạc cả hai (tốn cả 3 lệnh chú, cũng là cái mạnh nhất bởi nó sẽ hồi sinh toàn bộ servant của mình, và tốn thời nhất bởi 1 lệnh chú = 24h). Đặc biệt, khi bạn thực sự đã tàn đến mức không gì có thể cứu chữa, thì hãy chạy nâng servant đi chứ đừng dùng Saint Quazt/Thánh tinh thạch để hồi sinh. SQ chính là tài nguyên để triệu hồi ra các Servant và CE trong banner, và đương nhiên có thể dùng tiền thật để nạp vào.
Tổng hoà lại, chúng ta có: người chơi sẽ vào trận và sẽ có 3 Servant trên sân đối đầu với tối đa 3 kẻ địch bên kia. Mỗi turn người chơi có thể kích hoạt skill Servant hoặc của Master (như chơi Gunny mà bạn muốn buff Power +30% hay mạnh hơn), đồng thời lựa chọn kẻ địch nhận sát thương, bấm chuỗi 3 thẻ bạn muốn để tạo chuỗi đánh (trường hợp 1 là một combo liền tù tì của 1 servant sẽ tạo thẻ extra, hoặc 2 servant trở lên thì vẫn chỉ là 3 thẻ). Trận chiến sẽ kết thúc khi bạn tiêu diệt hết kẻ địch hoặc đội hình bạn bị tiêu diệt (thường thì chỉ xảy ra với trường hợp bạn đánh event như Nero Fest khi bạn không được phép dùng 3 lệnh chú hay 1 SQ để hồi sinh.
Đối với tôi thì gameplay của nó tầm trung, khi tính chất turn-based của FGO không quá thách thức người chơi, bởi thường thì bạn luôn là người có lượt đánh trước so với đối thủ, hoặc kẻ địch sẽ có debuff lên đội hình của bản thân (tập trung vào những trận boss hoặc event hơn) nên bạn sẽ dễ dàng vượt qua chúng. Như vậy, core gameplay của FGO xoay quanh check damage hơn và sẽ đễ dàng hơn so với những game turn-based khác như là Evertale (một tựa game gacha turn-based khác, sau này tôi sẽ có một bài trong series này) và người chơi thường ít quan tâm đến nó, trừ những người tâm huyết với game sẽ quan tâm về việc tính toán đến các chỉ số trong game để đưa ra những nhận định về đội hình đi farm, solo boss, hoặc để mọi người tự tạo sự đa dạng các đội hình đã sưu tập. Vậy nên về khoản này, có lẽ khó khăn nhất chỉ là farm material để nâng nhân vật thôi vì nó khá tốn thời gian, tức không có nút skip.
Một điều mà người chơi mới thắc mắc là tại sao FGO không có nút skip combat, hoặc ít nhất là skip bảo khí (Noble Phantasm), thì:
- Gameplay turn-based của nó dựa vào tính toán chỉ số rất nhiều, đặc biệt là việc chọn skill buff trước khi vào chain combo, rồi chain combo đó là do servant nào, và các servant sau khi nâng level sẽ thay đổi chỉ số ra sao, vân vân và mây mây. Điều này cũng đến chính từ việc lập trình đầu game (trên reddit có một bài viết chi tiết với tựa đề Why NP Skip Hasn’t Been Implemented – Serious Answer) khi người viết chỉ ra nhà phát triển ban đầu dùng Unity Engine và sử dụng một lệnh là OnCollisionEnter() cho phép tính toán những con số khi hai vật thể lập trình va chạm. Và với một game đậm chất check dmg với số hit dựa vào đòn đánh từ card, tức từ card thường đến card NP thì nút skip gần như là điều không bao giờ xảy ra.
- Ngoài ra, cốt lõi của FGO nằm ở nhân vật/Servant khi game tập trung vào việc sưu tập Servant và người chơi ngắm hoạt ảnh, nghe âm thanh chiến đấu của Servant đó. Bản thân trong một cuộc phỏng vấn thì DelightWorks đã xác nhận điều như trên. Quả thật thì nếu như skip đi thì đúng là còn cái nịt, chả còn sức hấp dẫn và độ ngầu của Servant nữa.
Để khắc phục vấn đề này, FGO đã có những đợt cập nhật cho gameplay nhanh hơn như gia tăng tốc độ sử dụng bảo khí, song điều này vẫn không giúp việc bạn ngồi farm nhanh hơn khi sau này càng ngày các Servant có hoạt ảnh bảo khí càng ngày càng dài hơi hơn (dù nó cũng đẹp và ngầu thật).
Một điều đóng góp cho gameplay của FGO không nhỏ cũng đến từ những Servant, bởi mỗi người có một bộ thẻ khác nhau, số hit đòn đánh cũng khác nhau và vai trò trong đội hình cũng khác nhau. Điều may mắn là, FGO khá công bằng cho các Servant từ nhỏ nhất là 1 sao cho đến lớn nhất là 5 sao (SSR) khi vai trò của các Servant 1 sao có thể bù đắp một cách mạnh mẽ trong các đội hình. Hãy lấy ví dụ Arash – một anh hùng thần thoại trong sử thi người Iran khi mũi tên của anh bay hàng ngàn dặm để phân chia lãnh thổ của hai đất nước Iran và Turan. Chính thành tựu của anh đã dùng cho bảo khí của mình, cũng như chính nó là một trong những bảo khí hữu dụng nhất với lượng sát thương khủng cho việc làm nông của player: Stella.
Còn nếu bạn là người chơi hệ waifu/husbando mạnh hơn (như tôi là có Shuten Douji, Sherlock Holmes, Osakabe Hime là 3 Servant tôi nhớ nhất bởi sự xuất hiện thường xuyên trong đội hình của tôi), thì con đường tà đạo với SQ chính là câu trả lời. Việc game gacha không có cơ chế bảo hiểm (khi bạn sử dụng tài nguyên tiền thật để quay một nhân vật, đến một giới hạn nào đó nếu bạn không ra thì ở giới hạn đó bạn chắc chắn 100% sẽ ra nhân vật đó) cùng với tỉ lệ ra SSR thấp (0,1%) khiến FGO trở thành một trong những game có lượng muối mặt người chơi mạnh nhất, nhưng cũng là minh chứng cho việc các con dân thực sự đầu tư mạnh nếu họ yêu thích Servant của họ vô cùng. Nhưng nếu bạn là người chơi F2P, FGO cũng rất công bằng khi tài nguyên để bạn cày SQ trong game cũng tương đối dồi dào trong game cũng như từ event, chỉ là Delightworks có “nhân từ” với bạn hay không thôi vì quay ra không là nhờ RNG hết.
Hình ảnh & âm thanh
Như đã nói, bạn không thể skip battle được vì như thế bạn sẽ không thể trải nghiệm hết hoạt ảnh trận đánh của Servant. Hoạt cảnh 2.5D được nâng cấp càng ngày càng đẹp, với ban đầu thường chỉ là những đòn đánh chém xuống chém lên đơn giản thì giờ đây các Servant được múa may, thể hiện đòn đánh nhiều hơn (và đương nhiên cũng có một chút dài hơn việc farm) tạo cảm giác đòn đánh của Servant có sát thương cực kì mạnh, đúng với danh hiệu của các nhân vật thần thoại. Ngoài ra, lời thoại trong trận đánh của các nhân vật cũng thể hiện được tính cách của họ. Dưới đây là ví dụ về Cao Trường Cung (Gao Changgong), mà người đời dân gian thường tương truyền với vương hiệu là Lan Lăng Vương (Lanling Wang).
Đây là một trong những Servant tôi thích nhất bởi tạo hình (là con trai nhé), hoạt ảnh chiến đấu, cũng như BGM của bảo khí đậm chất Trung Hoa của Lan Lăng Vương. Ngoài ra, việc nghe lời thoại của Servant trong phòng riêng của bạn cũng có thể là một niềm vui. Nhưng cũng vì thế mà dung lượng game cứ ngày càng tăng dần, và một người không có thời gian tương tác sẽ thấy nó không cần thiết khiến tui gặp khó khăn trong việc update nếu máy không khỏe. Đương nhiên ngoài nghe giọng của Voice Actor/Seiyuu, bạn cũng có thể có những OST đến từ những battle khác nhau hay từ PV/Opening của game. Và một lần nữa, OST yêu thích của tôi là Meikyou Shisui của Kocho trong event Gudaguda 5 (đồng thời bản BGM của game cũng rất bốc ở trận đánh boss, nghe mang âm hưởng những trận đối kháng của Blazblue). Thật đáng tiếc là vì vấn đề bản quyền nên bài hát chỉ có thể tồn tại trên Bilibili, nhưng bạn có thể nghe bản Grand Battle ở đây (Cực kỳ khuyến khích ♡ ( ̄З ̄) ).
Cốt truyện
Dựa trên cốt lõi của thế giới Fate nói riêng với những quy luật của nó, đồng thời được chắp bút bởi cha đẻ của vũ trụ Nasuverse, Kinoko Nasu, không khó để nói FGO sở hữu cốt truyện hay, khi mà người chơi được vào vai Master cuối cùng bảo vệ lịch sử nhân loại khỏi các Dị Điểm – một khu vực “không thể quan sát được”, không tồn tại trong lịch sử nhân loại – mà chính vua Solomon gây nên. Sau này, cốt truyện bản 1.5 (Epic of Remmant) và 2.0 (Cosmos in the Lostbelt) đã được ra mắt, và công việc dù không thay đổi gì nhiều khi giữ cho lịch sử nhân loại không bị biến đổi, nhưng đồng thời độ chi tiết về Đại Dị Văn – một dạng lịch sử song song với lịch sử hiện tại – về bề dày cốt truyện, thế giới, chủng loài, những câu chuyện bên lề đã đưa một con game gacha vào hàng ngũ những con game nhiều người biết đến nhất. Ngoài ra, sự kết hợp của Yuichiro Higashide (tác giả bản Light Novel/LN của Fate/Apocrypha) và Hikaru Sakurai (tác giả của Fate/Prototype: Fragments of Sky Silver) đã khẳng định cốt truyện của Fate/Grand Order không kém cạnh so với các tác phẩm khác. Những câu chuyện về cuộc hành trình của bạn, hay thường nói chung là Master Ritsuka Fujimaru, sẽ không chỉ là những chuyến đi giải cứu nhân lý, mà còn là sự trải lòng giữa Servant, những nuối tiếc của họ và cả những ước mơ, cũng như hằng hà câu chuyện từ vui cười đến bi kịch. Thế nên khuyến khích bạn đừng skip quá nhiều đoạn hội thoại mặc dù việc Choice Matters cũng không mang nhiều ý nghĩa ở đây, hoặc bạn có thể tham gia cộng đồng và tìm những bản dịch của những admin tiên phong, một nguồn tài liệu cực kì quý giá để hiểu thêm về vũ trụ này.
Bên lề một chút, FGO cũng là dự án mà Kinoko Nasu cùng với TYPE-MOON lập nên như là một sự phát triển cho khả năng viết của bản thân đối với vũ trụ của ông, đặc biệt là trong những bài phỏng vấn gần đây về Tsukihime bản Remake (một tác phẩm tuyệt vời khác của Nasu đối với fan của ông). Tuy rằng các con dân cũng đang chết lên chết xuống với những tuần trống không mà sẽ nói ngay dưới đây thì chúng tôi mong câu chuyện của FGO sẽ hoàn chỉnh.
Vậy vấn đề duy nhất ở đây là gì? Chính là những tuần trống không có cập nhật cốt truyện, mà vụ việc mới xảy ra gần đây của Delightworks khi họ làm ra tựa game Sakura Kakumei – một game mobile mang danh hiệu của Sakura Wars – và con game ngủm củ tỏi chỉ sau gần nửa năm ra mắt vào mùa đông năm 2020. Những người đã chơi tựa game đã chỉ ra những vấn đề mà DW gặp phải với con game, khi gameplay không đa dạng (đá xéo sang FGO), thay đổi hoàn toàn dàn nhân vật của bản gốc, đồng thời chia sẻ nguồn nhân lực từ đội phát triển bên FGO sang, dẫn đến những cập nhật chậm chạp của cả hai tựa game, và đồng thời là những lùm xùm về những người phát triển, đặc biệt là Hideo Baba. Tôi không thể rõ lắm về vấn đề này, song đây cũng là sự cảnh tỉnh cho DW khi họ lặp lại công thức của FGO vào một franchise lâu đời và cũng sắp ngủm cù tèo rồi. Về câu chuyện của Sakura Kakumei, tôi mong sẽ có thêm nhiều thông tin từ những ly bia của anh em ở phía dưới.
Cộng đồng
Chà, chắc mọi người ai cũng nghe danh cộng đồng nhà ta rồi nên tôi cũng không muốn dài dòng nữa, tuy nhiên thì nếu được, chúng tôi luôn chào đón đến với bãi biển mặn chát đang chơi vơi với hành trình cuối cùng này ヽ(*・ω・)ノ. Nhưng ở đây cũng không chỉ là những cuộc bàn luận về Fate mà còn là những tác phẩm khác liên quan đến vũ trụ của Nasu, mà hiện tính đến thời điểm hiện tại là Tsukihime đã nói ở trên. Còn những vấn đề toxic hay gáy bẩn thì, cộng đồng nào mà chả có phải không (nhưng mà tôi mong quả thánh chiến của fan Genshin đừng lây lan sang đây, nằm không cũng ăn đạn là một vấn đề lớn đấy).
Bàn về server chơi game, với những người tuyến đầu ở server Nhật sẽ được cập nhật sớm nhất, song việc giữ tài khoản của mình bởi hệ thống bind code bất tiện khiến tôi không mặn mà lắm, mà thay vào đó thì tôi tham gia vào server Trung, chậm hơn nhưng đây cũng là lợi thế cho người đến sau. Nhưng những vấn đề của chính phủ Trung Quốc gần đây cũng tạo áp lực không kém cho người chơi ở server này, và cũng đã có đợt càn quét khiến tôi thực sự khuyên nhủ rằng bạn nên chọn server quốc tế/Global/US với những lợi thế rõ ràng rồi. Thực ra, còn có server của Hàn, Đài Loan và nếu tôi nhớ không nhầm là Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng có lẽ là nằm đất rồi nên cũng không còn ai đả động nữa.
Lời kết
Đây là bài viết thứ 3 tôi đả động đến con game đầu tiên tôi chơi cùng với những người bạn thực sự trí cốt trong cuộc đời. Có thể tôi sẽ luôn đánh giá nó mức 6.5/10 so với mức độ của thực của nó (vì đến cả cộng đồng chơi còn vote 1 sao game rác cơ mà) nhưng nếu bạn thực sự muốn trải nghiệm một cuộc hành trình về thế giới của pháp sư, ma thuật, thì hãy đọc tài liệu nhiều hơn là chơi game này, vì nó nghiện đấy ( ˙꒳˙ ).