Witcher 3 replay: (P.5) “Damn, you’re ugly”… ý tôi là chọn witcher sword hay Relic

Huyền thoại ★

  

Nếu nói về số lượng vũ khí cụ thể ở đây là đao kiếm trong Witcher 3 thì phải nói là rất phong phú với đủ mọi mẫu mã từ thượng vàng hạ cám đều đủ cả. Có những thanh kiếm trông đúng kiểu xoàng xĩnh xấu xấu bẩn bẩn mà lúc nhìn vào giá khiến tôi giật nẩy cả mình vì giá cũng phải ngót nghét nghìn vàng nhất là mấy thanh kiếm bạc, rồi thì mấy thanh kiếm rỉ sét trông như mẩu sắt cũng có,… nói chung là nhiều thành ra tôi cứ loot được thanh nào mới cũng phải lôi ra ngắm nghía thật kĩ.

Có một chuyện lúc mới chơi cũng khá vui đó là tôi bị quen cách phân loại đồ theo màu sắc kiểu mấy game RPG khác. Màu cam thì là đồ Legendary, màu tím thì là đồ epic, xanh da dương thì là đồ super rare đồ xanh lá thì là đồ Rare rồi thì màu trắng là đồ common. Thành ra lúc động tay vào Witcher 3 cứ thắc mắc hoài không hiểu sao rõ là cùng Level mà đồ Rare chỉ số bá hơn mấy lần mấy đồ Super rare khác. Mãi sau mới để ý là màu xanh lá là witcher sword.

Về witcher sword thì phải là công nhận cũng kì công và tinh tế, set nào đi theo set đấy trông cũng khá ngầu mà các chỉ số cộng thêm cũng phải nói là khá lợi.

Về ngoại hình thì đẹp mắt nhất là phần cuối chuôi kiếm mỗi trường phái khác nhau lại có những nét độc đáo riêng.

Ví dụ như trường sói thì: Chuôi kiếm bạc giống biểu tượng của dây chuyền, còn cuôi kiến thép chắc là đầu 2 con rắn :))

Trường gấu: Thiết kế chuôi cũng có vẻ đầm và đầu gấu hơn

Trường mèo: thì có vẻ hơi nữ tính một tí nhưng được cái chuôi kiếm thép hình cái đầu một con gì đấy họ mèo trông cũng khá

Trường Griffin thì có lẽ là chất chơi nhất từ đốc kiếm mạ vàng quý sờ tộc cho đến chuôi nhìn cũng khác biệt so với phần còn lại

Rồi thì trường rắn, trường Manticore cũng khá bắt mắt

Đấy là phần chuôi thiết kế khá cầu kì thế nhưng nếu bạn muốn yêu cầu lưỡi kiếm cũng cần bản sắc riêng và đặc trưng riêng thì có lẽ rằng witcher sword khó mà có thể đáp ứng nổi yêu cầu đó.

Chắc có thể do logic của game thiết kế witcher sword cần tuân thủ những tiêu chuẩn ngoặt nghèo nào đó thành ra thiết kế về hình dáng kiếm từ phần đốc kiếm đến lưỡi kiếm khá là giống nhau (giống nhau đến 90%).

Cá biệt lắm mới có những thanh thiết kế đặc biệt hơn một chút như kiếm thép trường mèo superior với lưỡi uốn lượn, kiếm thép trường mèo mastercraft với lưỡi kiếm răng cưa.

Hay kiếm của trường Griffin với đốc kiếm được mạ vàng cực kì thích mắt.


Về mặt chỉ số bên cạnh những chỉ số cộng thêm đặc trưng của mỗi trường thì witcher sword còn cho chúng ta một chỉ số cố định cũng vô cùng lợi thế đó là tăng thêm điểm kinh nghiệm khi giết quái vật hoặc người và dã thú. Thành ra witcher sword khá lợi cho việc farm… ý tôi là đi giết quái vật, dã thú hoặc cướp,…

Bên cạnh đó, Witcher sword còn tạo cho người chơi cảm giác ổn định và an tâm khi mà mỗi thanh kiếm có thể nâng cấp dần lên với các chỉ số và sát thương cao hơn và ngoài ra các rune gắn lên kiếm vẫn được giữ nguyên thêm một chút lợi thế về mặt kinh tế nữa.

Ổn định và có nhiều lợi thế là vậy đấy thế nhưng mà bạn có sơ đồ chế tác hay không rồi phải chạy đông chạy tây vất vả để kiếm chúng thế nào thì nó lại là một câu chuyện hoàn toàn khác.

Chưa hết, về mặt ngoại hình, witcher sword có một điểm trừ mà tôi không thể nhắm mắt cho qua được đó là một số bản nâng cấp kiếm khiến phần đốc kiếm chừa thêm ra một vòng tròn nhỏ trông khá là ngứa mắt và thiếu thẩm mĩ. Còn về mặt độc đáo về thiết kế thì witcher sword phải gọi Relic là cụ nội.

Để mà nói về kiếm dòng Relic thì nhận định của tôi đó là ngoại hình thiết kế vô cùng đẹp và các chỉ số cũng khá ổn tất nhiên là không thể so với witcher sword về mặt chỉ số thế nhưng cũng một 9 một 10. Có những thanh cực kì hiếm chỉ có thể tìm thấy ở những vị trí cố định hay làm những nhiệm vụ phụ hay hợp đồng nhất định. Những thanh kiếm có độ hiếm cao như thế thì thường rất đẹp. Cũng có những thanh Relic thi thoảng có thể loot được trong một số hòm đồ theo kiểu ngẫu nhiên thế nhưng những thanh kiếm kiểu vậy thường xấu và không nhiều điểm độc đáo cho lắm.

Cùng điểm qua một vài thanh kiếm dòng Relic mà tôi ưng ý nhất nhé !


Kiếm thép:

Headhunter:

Cái tên thôi nghe cũng đủ thấy độ chất chơi rồi. Headhunter mà lại còn là kiếm thép nữa thì đúng bài quá rồi mặc dù tôi cũng đã cố gắng để Geralt không trở thành một cái máy xay thịt theo đúng nghĩa đen. Tôi cực kì ưng cái lưỡi kiếm vì nó trông cực kì đầm.

Daystar:

Thêm một thanh kiếm từ cái tên cho đến ngoại hình đẹp một cách nhức nhối.

Vitis và kiếm của ngài Geralt:

Hai thanh kiếm có lẽ là có thiết kế phần đốc kiếm khoa trương bậc nhất. Nó khiến tôi liên tưởng đến những thanh kiếm của lính ngự lâm quân vừa hoa mĩ nhưng cũng vừa nguy hiểm chết người.

Tesham Mutna steel sword:

Cái tên hơi dài thế nhưng nó ghi điểm vì phần chuôi kiếm giống với thanh kiếm Zireael của Ciri. Ngoài ra ta cũng có thể kiếm được một phiên bản màu đỏ của thanh kiếm này với tên Hen Gairdth steel sword.

Ofieri Kilịj và Iris:

Hai thanh kiếm có thể kiếm được trong bản mở rộng Hearts of stone mà tôi hay gọi vui là kiếm anh, kiếm em. Về ngoại hình thì cả hai khá giống nhau đều to bản, lưỡi kiếm cong và đầm tạo cảm giác khi chém cực kì chắc chắn (và đã tay). Riêng với Iris thì đặc biệt hơn khi tích đủ nộ lưỡi kiếm sẽ chuyển sang đỏ cực kì thích mắt bên cạnh đó đòn tấn công mạnh sau đó sẽ uy lực hơn.

Hjalmar’s sword:

Một thanh kiếm cũng khá chất mà rất dễ bị bỏ qua và chỉ có một cơ hội duy nhất để lấy nó trong nhiệm vụ King’s gambit.

Ngoài ra thì chúng ta còn có xẻng, cời than và mấy thứ khác nữa…

Kiếm bạc:

Weeper:

Đây là thanh kiếm thuộc hàng Relic thế nhưng lại không thể kiếm được bằng cách loot mà lại cần tìm bản thiết kế. Về mặt chỉ số khá tốt khi tăng sát thương chí mạng và tỉ lệ chém đứt lìa bên cạnh đó là chỉ số cực kì đắt giá đó là tăng thêm 20% kinh nghiệm khi giết quái vật – một chỉ số mà rất hiếm gặp ở các thanh kiếm dòng Relic (nếu có thì cũng cũng chỉ cộng thêm khá ít) và thường chỉ có ở witcher sword.

Về ngoại hình thì Weeper nhìn khá gọn gàng, màu sắc đen tuyền từ đốc kiếm cho đến chuôi cũng rất đặc biệt. Thế nhưng Weeper gắn bó với tôi không được lâu mà cái lý do thì khá đơn giản là vì cần Level 31 để sử dụng Weeper mà vừa hay khi đó tôi lại cuốn vào chuỗi nhiệm vụ chính khá dài hơi thành ra sau đó cũng lên gần level 35 rồi, mà lên Level 35 lại chế được thanh kiếm khác khỏe hơn hẳn. Dẫn đến việc Weeper chủ yếu là để ngắm trong cut scene là nhiều.

Moonblade và Reach of the Damned: thiết kế phần đốc kiếm quá đẹp

Azure wrath:

Một thanh kiếm mà cái tên nghe thôi đã thấy ưng lắm rồi. Ngoại hình thì đẹp khỏi bàn với màu xanh lam và một số chi tiết được mạ vàng cực thích mắt.

Sarrim:

Đây là thanh kiếm ngon lành khác và là lý do khiến thanh Weeper bị thất sủng. Sarrim cũng giống với Weeper là một thanh kiếm thuộc hàng Relic chỉ có thể có được bằng cách chế tạo. Về mặt ngoại hình thì tôi ấn tượng cực kì mạnh về phần chuôi kiếm, đây có thể nói là thiết kế chuôi khác biệt so với phần lớn các thanh kiếm khác. Về mặt các chỉ số cộng thêm thì Sarrim cũng khá độc đáo khi tăng lực phép Aard, Igni và Axii rồi sát thương chí mạng và tỉ lệ ra đòn chí mạng. Đây cũng là thanh kiếm tôi dùng để chọc tiết Caranthir và Eredin thế nên Sarrim nghiễm nhiên còn mang thêm trong mình một ý nghĩa vô cùng lớn.

Tlareg:

Thiết kế làm tôi liên tưởng đến những thanh kiếm trong phim kiếm hiệp Trung Quốc

Deargdeith:

Một thanh kiếm phải nói là gần như hoàn hảo về ngoại hình, Deargdeith đẹp từ lưỡi kiếm cho đến phần chuôi.

Aerondight:

Đây chính là chân ái của Geralt, thanh kiếm chứ danh với lịch sử có liên quan đến cả 2 phần game trước là Witcher 1 và Witcher 2.

Nôm na thì đây là thanh kiếm bạc bá đạo nhất trong game mà chúng ta có thể sở hữu với khả năng tăng tiến sức mạnh trong từng đòn đánh lẫn việc tăng tiến theo cấp độ của Geralt.

Với Aerondight thì mỗi đòn đánh chính xác sẽ khiến thanh kiếm được tăng theo 10% lực tấn công với tối đa là 10 lần (tăng 100%) và khi tích đủ nộ thì thanh kiếm sẽ luôn gây sát thương chí mạng. Nếu nói về sát thương thì không thanh kiếm nào có thể bì được. Chưa hết nếu mà giết một kẻ địch khi kiếm đang đầy nộ thì sẽ sử dụng hết nộ để tăng sát thương gốc của thanh kiếm lên. Quá là bá đi mỗi tội :)).

Mỗi khi bị trúng đòn thì lượng nộ sẽ bị trừ đi thành ra khi cầm Aerondight chúng ta tự dưng có thêm một mini game mới đó là chém chém chém, né né né. Phải căn làm sao để đầy nộ càng nhanh càng tốt trước khi giết hết kẻ địch và phải hạn chế tối đa việc bị dính đòn. Thế nhưng quái trong blood and wine phải nói là toàn loại cục súc và khó chịu như Archespore hay Bruxa,… sẽ làm cho quá trình tích đức cho Aerondight trở nên vô cùng khó khăn trắc trở.

P/s: Phù, quá nhiều ảnh cho một ngày siêu bình thường :))

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện


1 cụng ly

  • Không Hy Vọng - 12.11.2021

    Bây giờ tôi mới bắt đầu hành trình cùng phượt thủ =))) chắc tôi sẽ cố lấy hết diagram trong lần chơi đầu tiên