Vagabond (P.3): The “half-chad” sub characters (Phần sau)

Chủ xị

  

“Mọi người đều đang cố gắng sống sót trên một con sông gọi là định mệnh. Và họ tan biến, khi đến khoảnh khắc cuối cùng, họ thậm chí không biết mình là ai”

“Tớ muốn biết trong thế giới này, tớ là ai, tớ có thể làm được gì, số phận của tớ sẽ như thế nào”.

trích Griffith Bạch Ưng, Berserk.

Trước khi đi vào mở đầu bài viết này, tôi xin phép một chút tưởng nhớ đến Miura Kentaro, một tác giả đã mang đến cho tôi một tác phẩm hay như Berserk, không chỉ từ nhân vật mà còn là cách xây dựng thế giới của nó. Vagabond và Berserk là hai tác phẩm thúc đẩy tôi phát triển và thấu hiểu mọi người hơn cũng như nhìn ra giới hạn của mình. Một lần nữa cảm ơn bác Miura.

Mỗi người đều có một cuộc đấu tranh với số phận của mình, cũng như tìm thấy mục đích trong cuộc đời của chúng ta. Tôi cũng thế, Griffith cũng thế và Guts cũng thế, có kẻ đã xác định la bàn hướng đi của mình hay vẫn mông lung trước con đường của riêng mình.Nhưng bài viết này là Vagabond cơ mà, có phải cuộc đời tôi hay 2 nhân vật trên đâu, và để rồi tôi đọc lại, tìm lại thấy thêm nhiều mảnh đời nữa, có lẽ cũng phong phú và trắc trở chẳng khác bao ngoài đời. Cụ thể, bài viết về phần thứ ba của series kể về các nhân vật này, hôm nay tôi xin nói về những đối thủ nặng kí của Minamoto Musashi, nhưng để rõ ràng thì hãy tập trung vào những tay kiếm trẻ hơn là những bậc thầy như Ito Ittosai hay những người như Hyogonosuke Yagyu hoặc Ngũ kiếm nhà Yagyu vì họ chưa đấu với nhau (đối với phần của Hyogonosuke, còn trận 1 đấu 5 kia không lộ rõ cụ thể vấn đề tôi nêu ra). Vậy nên những người hôm nay xuất hiện sẽ là: Inshun Hozoin, Kohei Tsujikaze, nhà Yoshioka gồm cả 2 anh em đứng đầu, những người dưới trướng họ như hộ kiếm và Thập kiếm. Nào, hãy cùng bắt đầu thôi.

Inshun Hozoin

– Trận chiến chỉ trong nháy mắt… Đệ cứ ngỡ giáo mình đã cận kề bên cổ Gion Toji… Nhưng rồi… Tay và giáo của đệ… bay lên trời..!! *sob

– Rồi sao nữa?

Inshun Hozoin, tìm thấy hứng thú trong trận đánh chết chóc vừa nãy mà chính một đồng môn trong chùa suýt mất mạng, đã hỏi ngay một đồng môn khác là Agon xin thách đấu với Gion Toji – người thân cận của Yoshioka Seijuro. Như vậy, ngay từ ban đầu, người đọc đã có thể thấy ngay Inshun là một người mạnh bạo và tự tin vào khả năng của mình. Và ngay sau đó, trong cùng một chương, người đọc được tận mắt chứng kiến buổi luyện tập giữa Agon và Inshun, và người thắng là anh sư trẻ tuổi. Lòng anh tràn đầy sự tự tin và háo hức khi muốn đấu với những kẻ mạnh hơn, như Miyamoto Musashi hay Yoshioka Seijuro.

Chàng sư trẻ tuổi nóng lòng cho trận đấu sáng mai.

Và quả thật, đây có thể nói là trận debut cho Inshun cực mạnh khi mà tay kiếm trẻ tuổi tự xưng võ mồm “Thiên hạ vô địch” lại phải quắn đít chạy, đồ đệ thì mất niềm tin, Gion Toji làm khán giả thì cũng phải sủi về với tâm niệm rằng Inshun là một kẻ mạnh mà mình không thể đánh lúc này. Cũng thương cho nhân vật chính của chúng ta nhưng mà thôi kệ, tại anh gáy lấy lợi thế nhưng mà Inei khuyên anh vẫn chưa thông thì đành luyện tập tiếp vậy, và đương nhiên nhờ lần đấu sau anh thắng. Lúc này chúng ta mới có thể biết nhiều hơn về hoàn cảnh của Inshun.

Lời của Agon mô tả về Inshun đối với mối quan hệ với các sư đệ trong chùa Hozoin.

Lời của Agon là từ một người tiếp xúc và có một mối quan hệ tương đối tốt với sư phụ Inei và đồng môn Inshun, nhưng đối với những môn đệ khác ít tiếp xúc hơn thì sao? Một thần đồng với năng khiếu hơn người, ắt hẳn suy nghĩ người đó cũng khác xa với những người đồng trang lứa, nhưng trường hợp của Inshun lại quá khác biệt. Thuở nhỏ, Inshun, hay chính xác hơn là Shinnosuke Mitsuda – con của một samurai thuộc tộc Mitsuda đến chùa Hozoin thỉnh giáo thương thuật nơi đây, đã gặp phải một tai nạn, khi mà cả cha lẫn mẹ đều mất trước mắt, dẫn đến trấn thương tâm lý ăn sâu vào tâm hồn bé nhỏ, và sư phụ Inei là người che chở cho cậu bé đó. Dạy dỗ dưới mái chùa, cùng với tài năng và nỗi đau chỉ mình sư phụ biết, Inshun lao vào luyện tập, từ bỏ mối liên kết với đồng môn, mặc dù mọi người lúc đó đều muốn kết bạn với cậu.

Chính vì thế, Inshun từ đầu cũng đã nhắm đến sức mạnh vũ lực tuyệt đối, coi kẻ mạnh mới xứng đáng làm đối thủ như Seijuro và Musashi bởi chỉ họ mới tạo ra một cảm giác hừng hực khí thế, một cảm giác để đưa đến cái tối thượng của kinh nghiệm chiến đấu: Một trận tử chiến.

– Đây là vấn đề sống còn. Nếu mình làm được, vậy ngay cả thánh thần cũng phải quỳ trước mình!!

Điều cần còn lại chỉ là kinh nghiệm để đi đến con đường tối thượng, nhưng liệu con đường sức mạnh có phải là số phận của Inshun hay không? Chính sư phụ Inei đã che chở cho cậu nhóc Shinnosuke, đến bây giờ khi có một đối thủ như Musashi, ông mới tự tin bảo rằng ông dạy cho. Nhưng dạy bảo thế nào thì tôi đã có kế hoạch cho một bài về hội người thầy già này mất rồi, nên hãy đi tiếp vào con đường nhận thức của Inshun.

– Mình tưởng mình đang cố gắng để trở nên mạnh hơn, nhưng ai dè mình chỉ biết lấp vùi tất cả mọi thứ bằng cát mà thôi…

Càng mạnh bên ngoài bao nhiêu, càng yếu bên trong bấy nhiêu.

Cuối cùng, Inshun muốn sống, chật vật với tâm hồn bé nhỏ cô độc, và cũng nhờ trận đấu thứ hai mà cả hai bên đều nhận ra giá trị và kinh nghiệm quý báu của mình. Về sau, khi cái danh Miyamoto Musashi nổi lên, thì ở một góc vườn nào đó, một đệ tử trẻ và một sư phụ già vẫn đang ngồi cuốc những mảnh ruộng vườn dưa, để rồi đến khi chúng mọc lên thành cây, lại muối cho các đệ tử chùa Hozoin ăn.

Chấp niệm, buông bỏ, sống tiếp.

Có thể nói, hiện Inshun là người duy nhất còn sống sót sau khi đấu với Musashi, bởi vì những người sau đây hoặc nằm trong cơn nguy kịch hoặc là chết dưới lưỡi kiếm vô địch thiên hạ này.


Kohei Tsujikaze/Shishido Baiken

Từ arc đầu cho đến arc Shishido Baiken, Kohei Tsujikaze được chuyển biến từ một kẻ tội nghiệp trở và cô đơn trở thành một người cha nuôi biết đến yêu thương. Kohei Tsujikaze sinh ra ở làng Fuwa, bị chính mẹ mình đẩy khỏi xuống thác nước nhưng rồi lại được cứu bởi chính ông anh Tenma Tsujikaze – cái tên tướng cướp mà chính tay Takezo/Musashi hồi trẻ giết chết. Trở thành một phần của băng cướp của ông anh, không ngờ rằng chính tay Tenma lại đi bóp thằng nhỏ của cậu em mình, khiến Kohei chẳng có cơn horny nào nữa. Quả là tình anh em này khó hiểu đến mức tôi câm lặng luôn. Và có lẽ vì bị bóp bi đúng nghĩa đen, Kohei hận ông anh mình mà đặt mục tiêu giết người anh trai mình. Nhưng làm sao một tên nhóc mới 12 tuổi đánh bại một tên già đầu như Tenma được? May mắn cho Kohei là ông anh già tự tay bóp cà của mình vẫn còn tình thương gia đình nên chỉ nhốt trong một cái nhà hoang chứ không giết ngay, nhưng như thế cũng là độc ác lắm rồi chứ đời trai người ta kết thúc tuổi còn non rồi còn đâu.

Một cuộc sống khắc nghiệt tạo nên tính cách bất thường cho Kohei Tsujikaze.

Có thể nói, nửa đầu câu chuyện của Kohei Tsujikaze là chuỗi ngày méo mó dị thường của một đứa trẻ lớn lên trong môi trường độc hại, đối lập với Inshun ở trên, khi mà Kohei bé nhỏ đã biết cướp bóc và giết người, đồng thời thế giới quan của hắn bị sai lệch hẳn đi. Nhưng cho đến arc Shishido Baiken, Kohei có một bước phát triển vượt bậc khi hắn tạo được một mối quan hệ kì lạ giữa hắn và Rindo – con gái của Shishido Baiken.

Trở lại với Kohei, sau khi may mắn thoát ra khỏi cái nhà kho đó và biết tin ông anh Tenma chết vì một thằng giời đánh nào đó tên Takezo, Kohei chuyển mục tiêu sang nhân vật chính của chúng ta, nhưng mà theo tính chất bắc cầu thì chưa đập được thằng anh nhưng cố ráng đánh thêm một con quỷ cầm gỗ farm lính của quan như farm creep trong Liên Minh thì đúng là Kohei không đủ tuổi rồi. Mà thậm chí khi Takezo bị treo lên bỏ đói mấy ngày, thanh niên này cũng chỉ cắt dây cho ngã, xong bị “sát khí” của sư thầy Takuan làm cho sợ hãi mà bỏ chạy, chưa kịp xác định Takezo đã chết hẳn chưa.

Cầm kiếm gỗ nhưng anh chưa ngán thằng nào cả, lại còn trong tình trạng vừa đói vừa bị thương nữa.

Từ sau hành trình khỏi làng Sakushu đó, Kohei đi biệt tăm và lang thang, hắn cảm thấy thiếu thốn thứ gì đó, tình cảm chăng, ý chí chiến đấu chăng, thì cũng chẳng ai còn biết, nhưng điều duy nhất trước khi gặp Rindo là hắn ăn ngay vết sẹo trên mặt và một trận thua chí tử từ Sasaki Koujirou. Thật là nhọ khi nói rằng Kohei toàn phải đánh với mấy ông tay to nhất trong khoảng thời gian này, khi các bậc thầy như Yagyu Sekishusai hay Hozoin Inei nghỉ hưu hết rồi. Từ sau lần đó, Kohei tự tâm niệm bản thân rằng hắn chỉ quan tâm tới cái chết, hoặc giết người khác hoặc chết trong một trận chiến quyết định, nhưng hắn vẫn chẳng thể chết.

Lang thang sau cuộc chạy trốn trong màn đêm, cuối cùng Kohei có một trận thắng với Shishido Baiken – một bậc thầy kusarigama (gồm lưỡi hái, dây xích và quả tạ, vận dụng độ dài làm lợi thế và sự chết người từ lưỡi hái và quả tạ). Thực ra nói tên Baiken này là bậc thầy thì tôi cũng chẳng biết đúng không nữa, bởi hắn còn chưa kịp chuẩn bị đánh nhau thì đã bị Kohei chém đôi rồi, lại còn có bè lũ đi theo nữa, chẳng xứng đáng gì cả. Cuối cùng thì Kohei lại thành nhặt đứa nhóc rơi còn lại của cái băng nông dân quèn của gã Baiken kia.


Từ đây, bước ngoặt cuộc đời đến với Kohei, hoặc có thể nói là Shishido Baiken. 4 năm sau sư kiện ám sát hụt Takezo, dài đằng đẵng chuỗi ngày chém giết vì không cảm xúc và tự thúc đẩy bản thân bởi con đường sát la, Kohei đã tạo nên một mối liên kết với đứa nhóc cứ suốt ngày chực ám sát mình, đổi lại hắn cũng học được kĩ năng dùng kusarigama và đánh bại vô số kẻ tìm đến cái danh Shishido Baiken. Ấy là cho đến khi nhân vật chính của chúng ta mò đến đây sau chuỗi thắng liên tiếp với những tên gà mờ trên đường đi.

Từng là người dưng nước lã, giờ là người chung một mái nhà tranh (FBI OPEN UP!!!)

Một trận tử chiến, kẻ dưng nhưng lại khóc thương cho số phận sắp héo tàn.

Và đương nhiên, xin chúc mừng Shishido Baiken đã được chết hai lần với truyền thống một thằng ất ơ nào đó xuất hiện và bổ dọc người, nhưng lần này có vẻ đỡ hơn. Nói đùa vậy thôi, cuộc đời của Kohei là một niềm đau khi đánh mất cả mục đích sống, một giấc mơ rằng bản thân sẽ chết vất vưởng rồi bị động vật xé xác, và ôm nỗi hận cho cuộc đời. Cuộc gặp gỡ vô tình với Rindo khiến hắn nhận ra bản thân hồi bé, muốn bảo vệ cô bé và bảo vệ sợi dây liên kết người thân duy nhất trên con đường chém giết này.

Số phận của hai đứa trẻ, một đứa to xác trống rỗng, một đứa nhỏ chưa hiểu lẽ đời. Nhưng rồi cuối cùng, cả hai đều dành tình cảm thân thiết cho nhau đến cuối đường đời.

Nhà Yoshioka: hai anh em và mặt âm dương

Gia cảnh của anh em nhà Yoshioka có lẽ là tốt hơn tất thảy những người xuất hiện trong mạch truyện của Musashi, khi cả hai sinh ra trong một võ đường nổi tiếng giữa thủ đô Kyoto hoa lệ và danh vọng với phố hoa và những con người thượng lưu tụ tập. Nhưng điều làm nổi bật hình tượng hai con người này lại như mặt âm dương, trong dương có âm và trong âm có dương vậy, đối lập cả từ vóc dáng, tính cách lẫn kĩ năng và lối suy nghĩ về mục đích sống.

Một tên lùn tịt, ăn mặc loè loẹt, tóc để dài như nữ nhi, suốt ngày uống rượu và đi với gái bán hoa, thật khó có thể tin rằng Seijuro là người đứng đầu hiện tại của võ đường Yoshioka. Nhưng số phận từ người cha Kempo và truyền thống người con trai cả gánh vác mọi thứ đổ xuống đầu Seijuro như một lẽ thường tình vậy. Mặc dù không muốn nhưng từ hình thức lẫn cả trên danh dự, Seijuro vẫn phải đeo trên mình trách nhiệm đấy.

Khuôn mặt nữ nhi, bỏ bê võ đường, trông không giống một kẻ đứng đầu một võ đường danh giá nào cả.

Ngược lại, Denshichiro là con hai, cao lớn và khuôn mặt nghiêm nghị, trái với tính cách có phần buông thả của người anh trai thì người em này vô cùng nghiêm túc với chuyện tu luyện kiếm thuật và làm rạng danh tinh thần võ sĩ đạo và danh vọng của võ đường Yoshioka của cha mình. Chính bản thân Denshichiro vô cùng cương quyết khi nhận ra đáng ra anh ấy phải là người đứng đầu nhà Yoshioka chứ không phải một kẻ nào đó toàn xuống phố hoa chơi.

Den cũng thắc mắc tại sao anh mình lại là người thừa kế danh hiệu đường chủ chứ không phải bản thân mình?

Nhưng thực tế, có lẽ bản thân Kempo đã nhận ra tài năng của đứa nào tốt hơn để làm đường chủ võ đường. Thuở nhỏ, Seijuro là người đã được trực tiếp tiếp xúc với những trận tử chiến với những tên tử tù, hoàn cảnh không khác với Kohei là bao, thậm chí trong khoảng thời gian đó, Seijuro được tiếp nhận giáo thuật Hozoin, và Inshun nhận ra ngay tài năng tương xứng của cậu nhóc cầm kiếm nhà Yoshioka với bản thân mình. Đối lập một lần nữa, Denshichiro lại bình thường như bao người luyện kiếm khác trong võ đường gia tộc Yoshioka, bù lại sự chăm chỉ, tốt bụng và quan tâm trực tiếp đến các môn đồ của võ đường – một biểu hiện đối lập với hành động hay bỏ bê của người anh, được các kiếm sĩ của võ đường tôn trọng.

Cơ mà thực tế vẫn quá khác biệt, khi mà Musashi cũng đưa nhiều môn đồ của võ đường lên bàn thờ với đúng cây kiếm gỗ, khiến người đứng đầu Yoshioka hiện tại phải trực tiếp ra tay.

Và sự đối lập cuối cùng nằm ở tư tưởng của hai người anh em. Nói về bối cảnh tổng quan của câu chuyện, sau trận Sekigahara năm 1600, chiến thắng của “Đông quân” dưới sự chỉ huy của lãnh chúa Tokugawa Ieyasu đã mang đến sự thống nhất cho quốc đảo Nhật Bản, đồng thời mở đầu thời đại của Mạc phủ Tokugawa, mạc phủ cuối cùng trong lịch sử Nhật Bản kéo dài hơn 250 năm. Vậy thì nó liên quan gì đến tư tưởng của hai người anh em nhà Yoshioka?

Với Seijuro, anh ấy đã nhận ra thời đại dùng kiếm lập nên danh vọng sắp suy tàn, khi mà trên chiến trường xuất hiện những vũ khí mang lơi thế về độ dài hơn như thương và súng hoả mai. Tuy vậy, đây mới là thời kì đầu của sự kết thúc thời đại phong kiến Nhật, vậy nên vẫn còn những người tham gia vào cuộc chiến đường phố hay đến các võ đường làm rạng danh bản thân, và võ đường Yoshioka không phải ngoại lệ.

Có lẽ Seijuro đã suy nghĩ trước thời đại của đao kiếm rồi, nên dù làm “vô địch thiên hạ” cũng chỉ là cái danh.

Điều ngược lại với Denshichiro, hiếu thảo với mong ước của mọi người, và cái thời đại thay thế sắp tới hẵng còn phải trăm năm nữa, vậy nên việc mang danh tiếng đến võ đường, phải giỏi trên con đường kiếm đạo vẫn là mục đích của bản thân anh. Đáng tiếc, con đường luyện tập ngoài thế giới thật quá giới hạn cho Den, khi mà trước khi gặp Musashi thì Den chỉ duy nhất đấu kiếm thật với Kojirou, ngoài ra trong truyện thì người viết vẫn chưa thể thấy thêm một trận nào nữa. Và có lẽ thời gian đấu tập với người anh trai mình cũng quá ngắn ngủi với nhau cũng bởi vì tính cách của cả hai người.

Lãng phí 1 năm trời nhưng không thu được kết quả gì, còn kẻ rừng núi sau 1 năm lại thành nhân tài.

Như vậy đó, hai người như âm với dương với nhau, nhưng cuối cùng vẫn là anh em một nhà, cùng sống dưới một võ đường và những đệ tử kiếm phái Yoshioka, trong lòng Seijuro cũng động lòng với những kỉ niệm của từng người, còn với Denshichiro, có lẽ tiếc nuối lớn nhất của cuộc đời là không thể trở thành một kẻ mạnh như anh được, cũng chẳng thể nào giữ được võ đường được nữa. Để rồi đến cuộc quyết đấu cuối cùng, cả hai anh em đều chết dưới tay của cùng một kẻ đã từng rất vô lễ và nhà quê lên kinh thành tỉ thí những kẻ mạnh.

Khoảnh khắc cuối cùng của Sei, khi cái chết đến nhanh như phong cách rút kiếm Iai của anh – nhất kiếm đoạt mạng.

Còn cái chết của Denshichiro lại chậm rãi hơn, nhìn như một bức tượng vững trãi.

Khoảnh khắc tôi nhận ra hình mẫu hai anh em của nhà Yoshioka lại giống với hai anh em tôi y đúc: một con người tài năng nhưng bỏ bê, một người chăm chỉ nhưng lại lề mề và thiếu quyết đoán. Khi nhìn cả hai anh em họ, tôi nhận ra những lời cha căn dặn luôn mang đến điều tích cực cho tôi, và tôi cũng ước giá mà tôi có thể làm điều đó tốt hơn nữa, nhưng không ai tắm hai lần trên một dòng sông, và số phận của hai người cha cũng thế, cũng đành chúc phúc cho hành trình còn lại của những đứa con mà thôi.

“Cảm ơn cha.”

Kết

Và thế là series này đã đến phần thứ ba rồi. Tôi rất thích viết về những nhân vật trong Vagabond bởi độ chân thực của nhân vật và sự phát triển tính cách của mỗi người khiến tôi nhớ đến những mối quan hệ trong cuộc sống thường nhật. Còn về phần “half-chad” có lẽ cũng đã xong rồi, giờ chỉ còn những lão làng trên con đường kể chuyện của tôi thôi. Hẹn mọi người trong tập sau nhé.

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện