Vagabond (P.4): The father and the master (Phần đầu)

Chủ xị

  

Như vậy thì loạt series Vagabond của tôi đã đến phần thứ tư. Sau những câu chuyện về kẻ cặn bã lừa lọc, những kẻ lao vào con đường đao kiếm thì bài viết này là dành cho những con người đi trước, những người tiền nhiệm, người thầy, và người thân của họ. Tương tự như “The half-chad characters”, một bài sẽ tả hoàn toàn những con người có nhiều điều tốt hơn, và một bài sẽ gồm những nhân vật mắc lỗi trong cuộc đời của họ nhiều hơn. Và hôm nay, bài viết sẽ đi trực tiếp vào những nhân vật mắc lỗi luôn, vì bỗng dưng tôi nhận ra tên họ có chữ “sai” (đương nhiên chỉ là phiên âm sang cách nói ngôn ngữ Việt thôi). Tam “sai” này là: Shinmen Munisai, Itto Ittosai, và Kamegaki Jisai. Những người đỡ đầu này, có người vừa là cha là thầy, hoặc là sư huynh, song những tác động từ cả thế giới xung quanh lẫn bản thân khiến họ mắc những sai lầm cho bản thân. Vậy chi tiết nó như thế nào?

Shinmen Munisai: Sai từ cách làm cha

Trong truyện ngắn “Nhân gian thất cách” của nhà văn bạc mệnh Osamu Dazai, nhân vật chính Yozo vì không tài nào hiểu con người nên đã tự huỷ bản thân suốt cuộc đời, còn Munisai là một danh kiếm với lịch sử từng đánh bại Yoshioka Kempo – trưởng phái kiếm đạo Yoshioka ở Kyoto lúc bấy giờ. Vậy tại sao tôi lại đem 2 người không có liên hệ gì với nhau ở hai tác phẩm này vào chung một đoạn văn này? Bởi vì cả hai đều sợ các mối quan hệ xã hội, sợ con người, thậm chí sợ cả người thân. Spoil một chút từ nhân vật Yozo, có thể nói hắn là người ở đáy xã hội do chính lời nguyền không thể hiểu nhân gian mà tự tách biệt với xã hội, dần dần tự huỷ hoại bản thân và những mối quan hệ với mình. Còn với Munisai thì sao, bởi đáng ra ông ấy là một người có danh vọng cơ mà?

Kẻ ám ảnh “Thiên hạ đệ nhất”

Một ví dụ từ thời xa lắc xa lơ và cơ bản nhất tôi có thể nghĩ tới: anh hùng đánh bại quỷ vương. Quỷ vương lo sợ sẽ có kẻ mạnh nào đó sẽ đánh bại được hắn, sẽ không ngần ngại dùng mọi thủ đoạn, thủ hạ, cách thức để đánh bại người anh hùng. Nhưng đó chỉ là một góc nhìn từ những câu chuyện cổ tích chuyển thể thành game thôi. Về bản chất như ban đầu, nó là sự tranh đấu giữa những kẻ mạnh, và kẻ đứng đầu có một nỗi lo sợ rằng một ngày nào đó sẽ hạ bệ mình. Và Shinmen Munisai cũng chỉ là một con người, ông ta có nỗi sợ hiển nhiên nhất của một kẻ “đứng đầu”.
Sau khi đánh bại Kenpo – người đứng đầu trường phái kiếm đạo lúc đó (theo lịch sử thì phái Yoshioka lập nên sớm nhất từ năm 1532 – 1554, trong khi đó các trường phái như Hozoin hay Yagyu thực sự nở rộ từ những năm 1560 trở đi) thì có thể coi Munisai hiện đang là kẻ “thiên hạ vô song”.

Sự ám ảnh về danh hiệu này khiến ông ta biến chất, hoặc có lẽ bản chất của ông ta đã như thế từ trước khi câu chuyện dưới góc nhìn của Takezo rồi. Hình ảnh một người đàn ông mặt hầm hầm sát khí, cảnh giác với mọi thứ, thậm chí là với đứa con của mình, khi những bài học dạy về kiếm thuật vừa dạy dỗ người con nhưng cũng ẩn trong đó những lời nói mà thường một người cha không dạy con như vậy. Tất cả trong góc nhìn của Takezo, hay Musashi, thấy được rằng cha của anh luôn nói những lời cay nghiệt, mồm nói là con của người mạnh nhất thiên hạ, mà rồi trong lòng luôn ấm ức và lo sợ bị sát hại. Có thể nói bản chất bài học mà Munisai dạy cho Takezo như một bài thử thách sinh tồn giữa chiến trường nhưng là giữa hai cha con vậy.

Kết quả của một cuộc sống thiếu thốn tình thương cha mẹ

Bản chất ác độc đó truyền vào một đứa trẻ, biến nó trở thành một con quỷ làng Sakushu, ai cũng phải xa lánh mà chẳng ai biết rằng bên trong đứa trẻ đó yếu đuối như thế nào. Bên ngoài bọc một lớp thể xác mạnh mẽ, một vung kiếm gỗ đoạt mạng người như chơi, bên trong thì vẫn chỉ là đứa trẻ thiếu thốn tình thương, chỉ có những người bạn đặc biệt (Otsu và Matahachi, hai nhân vật này đã được giới thiệu trong những bài viết trước đây) và có thiên nhiên che chở mà tự suy nghĩ về cuộc đời. Mặc cho chính bản chất này làm nên một Musashi mạnh mẽ hơn tất thảy những kẻ vô lại vung kiếm ngoài kia, nhưng có thể nói Munisai đã không làm tròn vai trò của một người cha được. Nhưng nếu không phải là cha con, vậy liệu cách dạy của Munisai liệu có hiệu quả hay không?

Itto Ittosai: Sai lầm khi đánh mất những mối quan hệ, ta mặc kệ cuộc đời

Như đã nói ở trên, nếu không có một mối quan hệ tình cảm như cha con thì liệu phương pháp dạy của Munisai có thực sự hữu dụng hay không, thì sự thành công đó được thể hiện ở Itto Ittosai – kiếm hào nổi tiếng với phái kiếm Nhất đao lưu (Itto-ryu). Có thể nói Ittosai vừa đạt được những thành tựu to lớn, nhưng đồng thời cả cuộc đời của ông là cô độc, song chính Ittosai chấp nhận số mệnh của mình như thế. Từng là học trò của Kamegaki Jisai, với năng khiếu kiếm thuật và sự chăm chỉ không ngừng, và chỉ vỏn vẹn 5 năm đã học xong kiếm pháp Choju-ryu của thầy mình. Theo một số tài liệu, Kamegaki Jisai cảm phục người học trò tài năng nên đã trao cho cái tên Ittosai cùng cực ý của môn phái là “Cao thượng cực ý ngũ điểm”. Vậy nhưng trong Vagabond là một góc nhìn khác của tác giả, khi mà cái tôi của những kiếm sĩ cao ngút trời cùng với cái kĩ năng của họ, và khi cuộc tỉ thí ngã ngũ cũng là lúc kẻ thắng người thua bước tiếp trên con đường của mình.

3 năm sau cuộc chiến, kẻ thắng oai phong, kẻ thua thảm hại

Itto Ittosai, thắng được sư phụ, dứt áo ra đi để đi tìm những kiếm sĩ mới và học hỏi những kẻ khác trên giang hồ, giúp ông sắc sảo hơn cả thầy của mình cả về kiếm pháp lẫn cách dạy người. Chính sự bôn ba nhiều nơi giúp Ittosai mở rộng tầm nhìn hơn so với Munisai, tự tin nhận thức bản thân và không lệ thuộc vào bất cứ ai và cũng chẳng muộn phiền gì về cuộc đời, kể cả sau này chính việc sư đệ của mình vượt mặt và làm thương ông.

Phương pháp dạy của Ittosai cũng rất đơn giản: quẳng mình vào thực chiến, để sống chết dày vò tâm hồn và thể xác. Lần trở về thăm sư phụ khi Kojirou đã là thanh niên, ông đưa con hổ non này vào một trận chiến vô tình trên bãi biển với những kiếm sĩ lang thang mà trong đó có cả cậu em Denshichiro nhà Yoshioka. Mặc dù không phải lần đầu tiên cầm kiếm chém người, nhưng ở Kojirou vẫn thiếu sót cảm nhận nỗi đau và sự sợ hãi, vậy nên chính Ittosai đã đâm cậu để cậu tự trải nghiệm. Và nếu trận đấu trên bãi biển là bước đầu để con hổ non trưởng thành, thì trận chiến một mất một còn trên chiến trường Sekigahara, không phải để lập công danh mà để trực tiếp trải nghiệm sự đẫm máu hơn của sống chết. Song có lẽ, khi đã quá ngưỡng giới hạn thì sự thực ảo trong tâm kẻ cầm kiếm cũng bị lu mờ, và bài học của Ittosai được đền đáp bởi một nhát chém làm tàn phế tay phải của ông.

Nối gót kẻ mạnh là phải biết đến giới hạn cùng cực, phải biết đến sự sợ hãi mà sống sót

Ittosai là người thẳng thắn và tự cao, ông ấy biết sức mạnh của mình và địch thủ tới đâu, nhưng đồng thời cũng hiểu những thứ làm nên một kẻ mạnh. Nếu Munisai là sợ hãi thì Ittosai là người đương đầu với chúng. Nhưng có lẽ, vì làm một kẻ mạnh nên họ đã thiếu một điều gì đó, như là mối quan hệ với những người thân xung quanh, mà điều này lại có ở một “lão già gàn dở, kì lạ”: Kamegaki Jisai.

Kamegaki Jisai: Kẻ đứng lên sau sự tự huỷ, sai nhưng biết lỗi để sửa

Lũ trẻ ở một ngôi làng nọ ra chỗ bãi biển mà chúng hay chơi, không chỉ là những trò như đuổi bắt mà còn là một trò đùa với một lão già kì quái ngồi trên mỏm đá. Mặt lão thẫn thờ như kẻ mất hồn, lão chẳng làm cái quái gì cho cái làng cả, lủi thủi trong một túp lều tranh sâu trong rừng và cách biệt với thế giới bên ngoài. Khi lão ta ngủ, lão gặp cơn ác mộng, mà trong đó chính đồ đệ giỏi nhất của lão đã chiến thắng đường đường chính chính, cái thằng thiên tài chỉ mất 5 năm học kiếm pháp từ lão. Lão tỉnh dậy, sợ hãi khoảnh khắc đó, nhưng mồm vẫn bảo rằng: “Ta sẽ chết theo cách huy hoàng nhất.”. Lão già đó, chính là Kamegaki Jisai. Khoảnh khắc bại trận trước đứa học trò tài giỏi là một ám ảnh lên một tay kiếm như Kamegaki Jisai. Cả đời chuyên tâm kiếm pháp không bằng một chàng thanh niên thiên bẩm học trong thời gian ngắn, tinh thần và ý chí của Jisai vỡ vụn. Ông đóng cửa lớp dạy kiếm pháp của mình, dành gần như hơn nửa cuộc đời chỉ ngẫm nghĩ về cái danh dự của bản thân và bản thân ông – một điều mà sau này khi Ittosai trở lại thăm thầy, lại chế nhạo rằng thầy vẫn chỉ quan tâm tới bản thân mình mà không biết rằng đứa nhóc ông đang nhận nuôi là một đứa nhóc câm điếc bẩm sinh.

Lão ngồi đó, lẩm bẩm một mình, mặc kệ xung quanh

Nhưng có ai đâu biết rằng, đứa trẻ tàn tật đó lại là nguồn sinh mệnh mới của một lão già gàn dở đâu. Ban đầu, lão già này khi tìm thấy cái nôi trên một cái ghe đang chống chọi yếu ớt với sóng dữ ngay ngoài mỏm đá lão đang ngồi, tay vẫn cầm bức thư của đồ đệ, thì lão đã lao ra cứu lấy đứa bé đó. Những ngày xin sữa, đêm hôm tối hoắc, chỉ có cái bóng nhỏ của một lão già ôm đứa trẻ chạy xin sữa một gia đình đông con trong làng. Có lúc lão đã nghĩ sự gàn dở của bản thân sẽ khiến tương lai thằng nhóc đó thêm mệt mỏi, rồi bỏ đứa bé ở gia đình nọ, xong rồi lại chạy lại xin lại đứa trẻ đó. Và kể cả khi biết cái tin mà đứa trẻ đó bị câm điếc, lão khóc vì số phận của nó ngặt nghèo, và lão hứa sẽ bảo vệ nó suốt cuộc đời.

“Ta phải đảm bảo rằng con được sống”

Thời gian trôi tiếp, đứa trẻ trưởng thành hơn, và mặt của Jisai ngày càng một già đi. Tuổi của lão cũng chẳng thể đi làm những công việc nặng nhọc trong thôn xóm được, rồi lòng tự tôn của kiếm khách đưa Jisai trở lại việc mở lớp, mặc dù chẳng ai đến thỉnh cầu cả. Tuy nhiên, lần thỉnh cầu đầu tiên sau mười mấy năm cũng suýt trở thành lần thỉnh cầu cuối cùng của Jisai, khi mà trưởng lão của thôn làng kia đã nhờ Jisai giải quyết kẻ bảo kê cho làng. Có 2 điều xảy ra đối với Kagemaki: điều tốt, mặc cho việc thương tích thì ông đã thành công chém chết kẻ kia, nhưng điều mà ông thấy xấu là khi Kojirou đã biết “chém giết” – một thứ ông mặc niệm sau lần thất bại to lớn nhất trong đời, bởi đối với Jisai thì lúc danh dự bị đạp đổ cũng là lúc thế giới chỉ  còn là màn đêm.

Nhưng con hổ cũng có lúc trưởng thành, và đó là lúc đồ đệ tốt nhất của ông lại trở về thăm ông lần nữa. Lần về thăm này, Ittosai nhận thức được tiềm năng to lớn của một thanh niên câm điếc, cũng như đã dạy cho chàng trai đấy một đêm chiến rực lửa với những võ sĩ khác. Giờ, Kojirou đã già như vừa trải qua mấy năm cầm kiếm, mà thời gian mới trôi qua một đêm duy nhất. Cơ thể già cỗi, giờ đây cũng khó nắm bắt lòng của đứa con nuôi, đành nhờ kẻ mạnh hơn chăm nom vậy.

Ta già rồi


Cũng chẳng biết khí lượng của con trông thế nào

Chỉ biết là

To lớn

Giờ đến lúc xa rồi

Đi tìm khí lượng của con đi

Đa tạ thần linh

Ít nhất, tiên sinh đã đi hết cuộc đời mà cũng chẳng còn hối tiếc gì cả, làm tròn vai trò vừa là người cha đỡ đầu vừa là người thầy đầu tiên


Kết

Vậy là phần 4 này đã ra được hơn nửa những nhân vật tiêu biểu trong Vagabond rồi. Thời lượng dài nhất trong bài có lẽ là Kagemaki Jisai, bởi theo Arc của truyện thì nội tâm của nhân vật này rất hay và cũng được tập trung kể nhiều nhất, vậy nên tôi cũng đồng cảm với nhân vật này nhất. Tôi nhận ra một số bài viết của tôi đã dài dòng mà không kể trực tiếp những chi tiết chính để làm nên nhân vật nên đang dần rút kinh nghiệm, viết ngắn và cô đọng lại cho anh em. Hẹn gặp lại anh em ở bài viết tiếp theo (chắc gì đã là Vagabond P.5) (¬‿¬ )

Hình ảnh đáng giá nhất của đời cha đấy

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện