Tôi ngẫu hứng viết một bài về nhạc từ hồi bé đến lớn trong khi chờ hết bị phạt AFK

Chủ xị

  

Cho đến khi bài viết này được ra mắt, tôi đoán rằng cây PC của tôi không còn bị lỗi màn hình đen khi ngồi chơi game nữa, và có khi là thay toàn bộ dàn máy tính mới để có thể tận hưởng game tốt hơn, và cũng không phải tranh thủ ngồi viết bài cho quán trong khoảng thời gian ngồi phạt 20 phút nhân 5 trận nữa.

Tôi không phủ nhận tôi là quí bửu, thời nay 1 mét vuông 5 người làm wibu. Điều này càng được chứng minh cụ thể hơn nữa khi mà gu âm nhạc của tôi hầu như chỉ toàn là nhạc Nhật như Jpop hay những bản nhạc Opening hay Ending của một bộ anime hay đến từ một PV của một bộ manga/Light Novel/Game nào đó. Nhưng trước đó, tôi cũng như bao người khác, trôi nổi giữa nhiều dòng nhạc khác nhau.

Sở thích nghe nhạc của mỗi người thường bị ảnh hưởng từ người thân, mà với tôi thì từ bố tôi và một người bạn thân từ hồi cấp 2. Với bố tôi, với cái đài casset ở nhà cùng dàn loa cũ kĩ truyền lại, những ngày Chủ Nhật nắng lên và nghỉ ngơi tại nhà lại là những ngày mà bố tôi mở những bài nhạc Việt xưa, nếu so sánh thì chắc tôi có thể so sánh gu nghe nhạc này với các anh các chú vào quán bia này uống bia mất. Đa phần những bài nhạc đấy là về tình cảm nam nữ, cũng có lúc là về sự xa cách, những điều mà một thằng nhóc như tôi chả hiểu và chả thích. Duy chỉ có một cặp đĩa CD nghe nhạc và Video CD của một cặp ca sĩ nam mà bố tôi hay bật bên cạnh bộ sưu tập nhạc Việt.

Here we go, Modern Talking

Yup, tôi nghĩ khi mọi người nhìn vào bức ảnh này thì chắc cũng đã biết đến họ rồi. Với tôi thì chưa, bởi cái thứ duy nhất tôi biết là tiếng nhạc xập xình nhẹ nhàng nhưng bắt tai của hai anh chàng nhìn tây tây nước ngoài này. Mình thấy hay thì mình cứ nghe thôi, và bố tôi cứ mở nó suốt à. Sau này, khi thực sự lớn lên, tôi mới tìm hiểu về họ. Hóa ra Thomas Anders và Dieter Bohlen lại nổi tiếng trên toàn cầu và trên cả dải đất hình chữ S này đến vậy. Và có lẽ từ cái thời cưới mẹ tôi, bố tôi chắc mở suốt, rồi cũng để tóc dài một tí, cái thời mà đất nước vẫn còn bao cấp và nhà tôi vẫn chỉ bán bánh cuốn và những bát bún riêu cua vỉa hè. Cái loại nhạc disco ấy, nghe tưởng không nghiện, nhưng đến khi bây giờ nhớ ra và mở lại, nó vẫn luôn trong tâm trí của tôi:

Cheri Cheri Lady

Goin’ through emotion

Love is where you find it

 Listen to your heart

Cheri Cheri Lady

Livin’ in devotion

Always like the first time

Let me take apart

Cheri, Cheri lady

Like there’s no tomorrow

Take my heart, don’t lose it

Listen to your heart

Cheri, Cheri lady

To know you is to love you

If you call me baby


I’ll be always yours

Cái thời mà ngày xưa các anh các chú thi nhau nuôi tóc dài, tôi nghĩ một phần cũng nhờ những ảnh hưởng từ dòng nhạc của Modern Talking

Lớn thêm một chút nữa, tôi lại nghe nhạc Hàn. Theo xu thế hồi đấy thì cũng không hẳn, bởi lúc đấy là tuổi bốc đồng của tôi, và người đưa tôi vào dòng nhạc này là ông anh khó tính của tôi. Tính cách thì đối lập, giữa một người quậy phá hướng ngoại dạy dỗ một thằng nhóc nhút nhát hướng nội và được dạy dỗ là không đi vào bước xe đổ, thì âm nhạc Hàn hồi đấy đã kích thích tuổi trẻ nông nổi của tôi. Những nhóm đấy có lẽ ai cũng biết rồi: Super Junior, BIGBANG, Girls’ Generation aka SNSD. Ba nhóm nhạc đấy tôi đoán chắc ai cũng đã nghe qua hết những bài ca về Haru Haru hay Fantastic Baby của BIGBANG, Oh! hay The Boys của Girls’ Generation, và Bonamana, Sorry Sorry hay Mr. Simple của Super Junior.

Một bức ảnh với background huyền thoại của Super Junior trong MV “Sorry Sorry” của mình

Tuy nhiên, phần tuổi trẻ nông nổi ấy dần dần được thay thế sang một gu khác chứ không lưu giữ nhiều như Modern Talking. Vũ đạo, hình ảnh, chất lượng âm thanh dù cải tiến vượt bậc, nhưng có lẽ một phần do hiệu ứng vịt con mà tôi không quá mặn mà với nhạc Hàn quá lâu. Nếu nghe Modern Talking là cả một quãng đường dài từ lúc sinh ra đến lúc đi học (do ngày nào bố tôi ở nhà là ngày đó dàn loa toàn là nhạc của Modern Talking) thì quãng thời gian nghe nhạc Hàn của ông anh gói gọn trong những ngày ra net.

Và giờ, đến sở thích nhạc hiện tại: nhạc Nhật. Tôi không có giấu diếm gì khi tôi làm quí bửu cả, khi mà ngay sau thời kì nghe nhạc Hàn thì tôi đã bị dụ dỗ vào cái hố sâu Anime/Manga từ một người bạn cùng lớp. Hắn ta đang chơi một trò gì đó mà đạn bay vèo vèo liên hồi trên cái laptop, nhưng chắc chắn không phải Air Strike 3D bởi làm gì có game nào mà đạn bay kín đến 99,99% cái màn chơi vậy, đã thế còn chưa đến boss stage nữa. Hỏi hắn thì tôi mới biết là Touhou Project 6: Embodient of Scarlet Devil. Rồi hắn thấy tôi có hứng thú, cho tôi chơi thử (tất nhiên, tôi chết lên chết xuống), rồi dần dần hai thằng quen nhau. Những sở thích của hắn lây sang cả tôi, và thế là cộng đồng quí bửu hồi đó lại có thêm một thằng ất ơ nào ấy gia nhập. Meme 6, 8 ô, AMV, ảnh chế linh tinh, và vô vàn những thứ quái đản nữa, giờ nhìn lại chắc tôi cũng xin hít mùi đất cho quen luôn quá.

Gu âm nhạc Nhật từ đó dần dần len lỏi qua các bài Opening/Ending trong các bộ anime nổi tiếng thời đó. Nếu anh em theo dõi tôi từ bài viết về nhạc trước đây, chắc chắn anh em sẽ biết đến Aimer rồi, bên cạnh chị thì tôi mê những bản nhạc của GRANRODEO hát cho Kuroko no Basket (tựa Việt: Kuroko – tuyển thủ vô hình) với những bài Opening như Can Do và RIMFIRE (mùa 1), The Other Self và Hengen Jizai no Magical Star (mùa 2), Punky Funky Love và Memories (mùa 3). Với những người xem phim không skip Opening, thì GRANRODEO luôn mang đến một không khí hứng khởi trong nhạc của mình, để rồi người xem hào hứng hơn với những trận bóng rổ nảy lửa cùng với những buổi luyện tập của nhân vật chính và cả đội của cậu ta để có thể đánh bại những đội bóng rổ khác. Đối với tôi mà nói thì GRANRODEO đã mang cho tôi cảm hứng để yêu thể thao hơn và hướng ngoại hơn, không giới hạn bộ môn nào cả.


Một thời từng đam mê bóng rổ, cho đến khi nhận ra tôi quá lùn và chẳng phải nhân vật chính, và đến bây giờ mãi tôi vẫn lùn.

Thời gian lại trôi thêm một khoảng nữa, cho đến khi tôi biết đến quán bia, tôi đã có một lượng bài hát Nhật, mà đa phần là từ thể loại anime shounen như Noragami (mùa 1 với Goya wa Machiawase của Hello Sleepwalkers, mùa 2 với Kyouran Hey Kids!! của The Oral Cigarettes), Durarara (mùa 1 với Complication của ROOKiEZ is PUNK’D, bản X2 Ketsu với Steppin’ out của FLOW). Nhưng nếu đáng nhớ nhất thì tôi đề cử những bài hát của JoJo Blizzard Adventure. Không cần nhất thiết phải là nhạc Opening/Ending mà là những bản theme được lồng trong những phân cảnh để tạo cảm xúc tốt hơn. Nhờ bài viết của anh Lợn Traitor, tôi càng yêu thích bộ truyện mà tôi đang theo dõi hơn.

Tôi thích phần 4 nhất, còn anh em thì sao?

Với cả series ra đến 5 phần thì tôi thích mùa 4 nhất. Sự thể hiện của Josuke Higashikata vừa mang biểu tượng công lý của cụ Jonathan như phần Blood Phamtom, vừa hơi hướng nghịch ngợm như Joseph của Battle Tendency, mà những bí mật ở Morioh Cho có tính chất phiêu lưu mà không quá rộng mở như hành trình của Jotaro ở Stardust Crusaders. Vừa thích tính cách đó, tôi cũng thích Stand của cậu ta khi nó cân bằng về các chỉ số lẫn khả năng của nó, hồi phục trở về nguyên dạng. Và đương nhiên, những OST của phần Unbreakable Diamond nghe nhẹ nhàng và bắt tai nữa, như là bản theme chính của chính Josuke “Diamond is unbreakable”, “Peaceful Street” đúng như cái tên của nó, rất nhẹ nhàng, hay những bản theme trong trận đấu như “Fight, Fight!”, “Stand Activated”, hoặc đặc trưng nhất cho tên phản diện Kira Yoshitake “Killer” nhẹ nhàng, thanh tao như cái vỏ bọc của gã, và rồi người nghe dần cảm thấy sợ hãi dù tiếng piano vẫn đều đặn như thế, để rồi chốt lại gần cuối, hắn lộ bản chất của kẻ sát nhân thực sự.

Bên cạnh những bài Opening/Ending/OST của anime ra, tôi còn cảm thấy nhẹ nhõm từ những bài nhạc từ Shinya Shokudou mà bác superQ đã giới thiệu tại quán. Mỗi câu chuyện ở Quán Ăn Đêm lại là một con người khác nhau, có người sẽ có kết đẹp, có người có cái kết không vui vẻ lắm, nhưng phần chung họ đã tìm được điều gì đó ý nghĩa ở mỗi tập phim Live Action. Cho đến hiện tại, tôi mới theo dõi hết mùa 1 trong tổng số 3 mùa của bản chiếu trên đài MBS, và hiện còn 2 bản Tokyo Stories của Netflix nữa, nên có khi dài dài đêm hôm thèm ăn vặt làm việc thì chắc tranh thủ nghỉ giải lao làm một tập để nhấm nháp cơn đói mất.

Anh Đăng Bông làm chủ quán bia, còn chú Kaoru Kobayashi làm chủ quán ăn đêm hợp lắm ý

Và đương nhiên, trước khi kết thúc bài nhạc này, cũng như đã đêm, tôi mong anh em hãy nghe bản Opening của Quán Ăn Đêm: Omoide/Ký ức/Memories, trình bày bởi Suzuki Tsuneyoshi, như một lời tạm biệt với bài viết ngẫu hứng này.

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện