Finding Paradise: Người anh em chất lượng của To The Moon

Huyền thoại ★

  

Sau To The Moon và A Bird Story, Kan Gao một lần nữa trở lại với tựa game Finding Paradise, phần tiếp theo của câu chuyện về Eva Rosalene và Neil Watt trong việc giúp những người sắp mất – chính xác hơn là đang hấp hối ở những giây phút cuối cùng có thể thay đổi trí nhớ mà sống một cuộc đời như ý hơn ở một nơi giả tưởng đầy những con số và thuật toán nào đó.

Câu chuyện lần này tuy không cảm động đến phải bật khóc như mưa, thế nhưng nó lại lắng đọng và điều khiển suy nghĩ của chúng ta theo một cách khác biệt hơn. Và cũng có người bảo rằng A Bird Story không thật sự quan trọng và cần thiết phải chơi nhưng chính những tiểu tiết mới làm mọi thứ hoàn hảo, và với tựa game tiếp theo này cũng không là ngoại lệ…

And dream of para…para…paradise
Para…para…paradise
Para…para…paradise

Về mặt gameplay thì tôi vẫn xin khẳng định lại là… chẳng có gì nhiều để nói cả, có họa chăng thì lần này các puzzle không còn theo kiểu chơi “lật hình” mà là chơi candy crush với những memento khơi gợi ký ức mà thôi. Nhưng kết cấu của Finding Paradise thì lại khác hoàn toàn với To The Moon, điều này sẽ được nói đến ở phần cốt truyện nhé.

Dĩ nhiên, cũng như To The Moon, Kan Gao và Freebirds Game một lần nữa “nail it” với một cốt truyện đầy tính triết lý và cảm động.

Công ty Sigmund có một hợp đồng để chuyển đổi tâm trí của người sắp mất, như thường lệ, bệnh nhân lần này là là Colin Reeds, một cựu phi công – và dĩ nhiên đây là một reference khá dễ thương của A Bird Story khi cả câu chuyện của game đó nói về tuổi thơ với những mơ mộng về 1 chú chim non là bạn và những chiếc máy bay giấy để cùng chú bay đi khắp nơi. Thế nhưng Eva và Neil không hề được đón tiếp quá nồng hậu – do việc thay đổi trí nhớ của một người cũng chẳng khác gì là việc thay đổi tâm tính, cuộc đời của cả con người đó trước khi họ rời xa thân nhân – một cuộc đời mà có thể ông chẳng hề biết vợ và con trai mình là ai…

Thế rồi khi cả bọn tìm hiểu về những thứ có thể được dùng để làm dấu mốc thì Neil phát hiện ra ở gác xếp có một quyển sổ nhàu nát nhưng không hề có một chữ nào trong đấy, những trang giấy cũng có vẻ là được chắp vá bí ẩn. Tất cả không biết rằng, cũng như con thú mỏ vịt hay chú thỏ giấy ngày nào, đây là một vật cực kỳ cực kỳ quan trọng.

Cả 2 sau khi thâm nhập vào tâm trí của ông lão Colin, chứng kiến được ký ức gần nhất của ông về việc ông muốn ký ức của mình thay đổi như thế nào (vì Neil đã quên hợp đồng còn người nhà gần như không ai biết) thì điều ước của ông lão Colin Reeds rất kỳ lạ: KHÔNG THAY ĐỔI GÌ CẢ/HOẶC THAY ĐỔI CỰC ÍT NHƯNG HÃY LÀM TÔI HẠNH PHÚC. Một đề nghị chả giống ai cả, như một tựa game với kết mở – muốn làm gì cũng được, Eva và Neil có toàn quyền quyết định. Điều này làm cho họ rất rối ren vì không có một mục đích cụ thể. Họ quyết định tiến sâu hơn, tìm tất cả những điều “đáng tiếc” từng xảy ra trong đời Colin để mà “sửa chút đỉnh”… Nhưng cuộc hành trình lần này của họ không hề suôn sẻ và một chiều chút nào.

Do trí não của Colin có phần rối loạn, như một cơn lốc nên mọi thứ bị di chuyển theo hình xoắn ốc, thế nên bọn họ sẽ liên tục ở thời tuổi già rồi nhảy đến tuổi thơ, lặp lại cho đến khi họ đến được “tâm bão”… Việc này đã làm cho việc “hấp thụ” cốt truyện vốn phi tuyến tính nay còn rắc rối hơn so với To The Moon, nhưng không đến độ nhức não lắm.

Ngoại trừ mạch truyện chính, chúng ta còn được “chiêu đãi” một sub plot khác về Neil (với những người kịp lựa chọn đủ hành động ở To The Moon và cả chơi hai phần Sigmund Holiday sẽ cảm thấy dễ theo dõi hơn) khi Neil vẫn còn đó cơn nghiện thuốc giảm đau và ý đồ biến tấu cỗ máy theo “sự thông thái” của bản thân mà sau này sẽ đem lại cho chính Neil nhiều phiền toái. Đại khái là Neil đã “tháo chốt an toàn” của máy để tạo một thứ của riêng mình.

Quay trở lại với câu chuyện chính, tôi sẽ cố gắng phân tích theo hai hướng:

– Colin khi về già cảm thấy rằng cuộc đời của mình tuy rằng rất thành công và hạnh phúc, gần như là trọn vẹn theo nghĩa thông thường nhưng ông vẫn thấy có gì thiếu sót… Để tìm cho ra điều đó, ông đã có ý muốn nhờ đến Sigmund “giúp mình”. Tuy nhiên vì vậy mà mối quan hệ của ông và gia đình có chút trục trặc, vợ ông là Sofia sợ rằng ông sẽ quên đi tất cả… Quên đi lần đầu họ gặp nhau khi chơi chung dàn nhạc, của cuộc hẹn đầu tiên ở viện hải dương học, về lần ông cầu hôn fail kinh hoàng do gã lái máy bay không biết chữ, lần đi tuần trăng mật ở Bora Bora nhiều nuối tiếc với tiếng ngáy kinh hoàng của vợ khi say xỉn, của lần bà ấy dạy ông viết “mật mã vô hình” bằng nước chanh, của những lúc hạnh phúc nuôi con lớn cùng nhau. Đặc biệt là của những chiều khi ông kéo đàn cello chỉ đúng những nốt cơ bản chứ chẳng có âm điệu gì nhưng bà Sofia luôn đánh đàn piano dẫn theo… Trong cuộc đời có những sự kiện khiến ông “hối hận”, Eva và Neil đều note lại hết.

– Ở tuổi thơ, Colin là một đứa trẻ cực kỳ cô đơn do ba mẹ luôn vắng nhà đi làm xa. Cậu cô đơn đến nỗi ở A Bird’s Story cậu chỉ có một con chim làm bạn, sợ rằng con chim ấy sẽ bay mất khi hồi phục và điều đó đã diễn ra làm cậu buồn tủi hơn nữa… Thế nhưng đối diện nhà cậu, ở ban công bên kia có một cô bé là Faye luôn bên cậu, đã thúc giục cậu rằng hãy bay như chú chim non kia – hãy trở thành một phi công. Là người đã cổ động cậu rằng dù chỉ biết chơi có mấy nốt cơ bản do cậu thật sự khá ghét cái đàn này do bị ép học. Là người thúc đẩy Colin còn bé tí tự đi làm ở một sân bay tư nhân để tích cóp và một ngày thật sự học bay. Colin còn học cùng trường với cả Johnny và River nữa đấy, ngạc nhiên không nào?
.
.
.
.
.
.
( … Xin lỗi…. đi khóc chút đây… *sụt sịt sụt sịt* )

Phù… Và cuối cùng họ đã đến với điểm mấu chốt, hay nên gọi là tâm bão trong trí nhớ và cảm xúc của Colin: Đó là khi Colin đi biểu diễn và gặp Sofia, từ đó cậu xa lánh với Faye hơn… Thậm chí có một mảnh ký ức rằng ở lần bay cuối cùng của Colin ở sân bay ấy trước khi bị đóng cửa thì Faye đã chết trong một tai nạn máy bay. Có lẽ vì vậy mà Colin đã ân hận…

Tuy nhiên, plot twist diễn ra khi mà Eva kiểm tra lại rằng thật sự không có một người nào tên là Faye cả. Vì Neil đi ra ngoài, Eva ở lại thế nên Eva đã bị thất lạc… Cả câu chuyện, Eva lẫn Neil đã cố nhấn mạnh rằng Colin có trí tưởng tượng cao siêu thế nào khi “phép màu hóa” các ký ức của mình lung linh hơn, dramatic hơn; tất cả chỉ để lộ ra rằng Colin đã tưởng tượng ra một Faye như thật suốt cả thời thơ ấu của mình và có lẽ thậm chí tưởng tượng ra cả vụ tai nạn này (dù do tôi đã nghi do vài chỗ đã hint trước nếu bạn thật sự tương tác mọi thứ nên không hoàn toàn bất ngờ.) Nhưng đáng nói là vì Neil đã tháo chốt an toàn của máy, cảm xúc của Colin-Faye đã chiếm hoàn toàn quyền kiểm soát và muốn đẩy cả Neil lẫn Eva ra khỏi tâm trí mình (Xuyên suốt game có một cái bóng lạ luôn lẩn quẩn trong tâm trí Colin già, đó là Faye)… Đến lúc này game chuyển qua thành có gameplay thật sự với ba đoạn chiến đấu với Faye giành lại quyền kiểm soát – đoạn này thì vừa hài hước vừa căng thẳng và nó thay đổi toàn bộ cái không khí bí ẩn thành một cái gì đó khá là… nhộn, nhộn hơn cả đoạn Zombieva trong To The Moon khiến tôi có chút hơi bực mình. Nhưng rồi Neil và Eva đánh bại Faye, Neil đưa ra một giao kèo nhẹ và muốn được xem đoạn quyết định cho “sự biến mất” của Faye sau này.

Faye đã quyết định rời đi, vì đó là điều tốt nhất cho Colin… Colin đã không còn cô đơn, đã và sẽ có một cuộc đời riêng và Faye sẽ không thể nào cứ xen và nữa… Và Colin rất sợ, rất sợ mất đi một phần của bản thân mình vì Faye rất quan trọng để giúp cho Colin đứng vững… Nhưng đấy là chuyện nên làm, và từ lúc đó trở đi Faye đã mãi rời xa Colin. Và bạn có biết thật sự là Faye sống ở đâu không? Ở ngay trong những trang sổ ấy, trong quyển nhật ký mà mỗi ngày Colin đã tự viết ra những tình huống và cuộc đối thoại của mình với Faye suốt cho đến khi ông tự ngừng lại.

Neil, mặc cho Eva không hoàn toàn đồng ý, để cho Faye hay chính nội tâm của Colin tự viết lại cuộc đời mình, họ không nhúng vào… Vì ngay từ đầu, Colin đã không cần họ, Sigmund chỉ là một chất xúc tác để Colin biết rằng mình thật sự muốn gì thôi… Eva và Neil rời máy, để nó chạy với Faye mãi cho đến khi Colin trút hơi thở cuối cùng với một vẻ mặt mãn nguyện… Neil tìm đến quyển sổ kia, và anh đã hiểu vì sao nó bị chắp vá. Những ai đã chơi A Bird’s Story sẽ nhớ về chiếc máy bay giấy được xé ra từ những tờ giấy trong quyển sổ, nhưng thật sự là sau này Colin đã thay giấy và ghi chép lại toàn bộ về Faye bằng nước chanh để không ai bao giờ thật sự đọc được…

Và ở trong cỗ máy kia, Faye đã làm đúng việc mình nên làm: Hoàn toàn không thay đổi gì về cuộc đời thật của Colin, thậm chí còn hiện ra rõ sự thật về cậu bé cô đơn tự động viên bản thân ấy cho đến ngày hạnh phúc bên vợ con. Sự thay đổi sau chót chỉ diễn ra thế này: Ông không hề đến với công ty Sigmund theo như trí nhớ mới này, và trước khi mất, ông được thật sự gặp lại cô bạn thân tưởng tượng Faye một lần sau cùng trước khi thật sự tìm thấy thiên đường bình yên trong tâm trí và trái tim mình. Và khi ấy, bài “Wish my life away” nổi lên…

Không cần phải nói thêm, âm nhạc của Finding Paradise lại một lần nữa tạo ra không khí cực kỳ yên bình, lãng mạn lẫn gay cấn và hồi hộp khi cần thiết để có thể đẩy cảm xúc của chúng ta theo câu chuyện… Hãy tìm và nghe đi, gần như không có từ nào có thể diễn tả được sự duyên dáng của âm nhạc trong những tựa game thế này… Kan Gao is good, damn good.

Nếu To The Moon đã dạy chúng ta hãy luôn yêu quý những người bên cạnh, hãy trân trọng lời hứa để sau này không hối tiếc; Finding Paradise sẽ giúp cho bạn hiểu rằng chính sự không hoàn hảo, cả những mất mát lẫn những sai lầm mới thật sự làm cho cuộc đời đáng sống, và rằng chính cuộc sống bạn tạo ra bằng bàn tay của mình mới thật sự là thiên đường đáng sống nhất với tất cả những hỉ nộ ái ố rất con người của chính bản thân.


Thêm một điều nữa rất cá nhân đã khiến cho tôi có nhiều sự “đầu tư” vào cho Finding Paradise hơn để thay vì cảm động mà phải ngẫm nghĩ đó là… Tôi đã từng là một đứa trẻ như vậy: cô đơn, tự tìm niềm vui, tưởng tượng ra những câu chuyện, những thế giới trong đầu thay vì “nhìn nhận” sự thật là bao quanh chỉ có sách vở, máy chơi game và 4 bức tường – và điều đó cũng chẳng thay đổi là mấy ở thực tại. Nó khiến cho tôi có cảm giác đời còn đáng để tận hưởng, để vươn lên mà “hiện thực hóa” những điều tưởng tượng ngày non trẻ đó, nhưng rồi cũng phải từ bỏ tất cả khi thật sự bước vào đời.

Thiên đường ở nơi đâu? Có lẽ câu trả lời nằm ở một câu quote tôi rất thích trong phim Live By Night. “Đây là thiên đường. Ngay đây thôi. Chúng ta đang ở đó đấy.”

Oh think twice, it’s another day for you and me in paradise
Oh think twice, ’cause it’s just another day for you,
You and me in paradise

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện