[Học lịch sử qua Civilization 5] Văn chương, hội họa và âm nhạc

Huyền thoại ★

  

Civilization 5 (Civ 5) có nhiều cách để chiến thắng. Bạn có thể xây một đội quân hùng hậu để “làm cỏ” thế giới. Bạn có thể xây tàu không gian để bay lên vũ trụ, không cần quan tâm ở Trái Đất đang chém giết loạn lạc thế nào. Bạn cũng có thể dùng tiền để mua “tình hữu nghị”, rồi sau đó cả thế giới sẽ bầu bạn làm “World Leader”. Hoặc bạn cũng có thể dùng sức mạnh văn hóa để xâm lăng thế giới. Kiểu như cả thế giới sẽ mặc quần bò, nghe Lady Gaga hát và bàn về dân chủ. Bài viết này sẽ tập trung vào kiểu cuối cùng – Cultural Victory và giới thiệu một số nét đặc sắc của Cultural Victory trong Civ 5.

Trong Civ 5 có một chỉ số tạm dịch là “độ ảnh hưởng văn hóa tới nhau”. Hai quốc gia có chung đường biên giới, có hiệp định “Open Borders”, có chung ý thức hệ, có chung cái này cái nọ, vv và vv thì ảnh hưởng tới nhau. Trong Civ 5 giới thiệu khái niệm mới là Tourism, đại để là “Khách du lịch”. Quốc gia nào có chỉ số văn hóa cao, chỉ số Tourism cao thì tốc độ ảnh hưởng càng lớn. Người chơi sẽ dành chiến thắng – Cultural Victory nếu có hơn 100% độ ảnh hưởng tới tất cả quốc gia còn lại trên thế giới.

Nếu nghiên cứu sâu hơn thì Tourism và Culture Point có thể coi như các chỉ số “tấn công” và “phòng thủ” trong văn hóa. Tuy nhiên bài viết này mình không đi sâu vào cơ chế của trò chơi (mặc dù cơ chế này rất thú vị và nhiều tính suy tưởng). Bài này đơn giản là bài giới thiệu để dụ dỗ thêm người chơi Civ 5 (và Civ 6) với mình trong thời gian tới.

Trong Civ 5 có hệ thống gọi là Great Person – dịch nôm na là các vĩ nhân của thời đại. Các Great Person này bao gồm Great General, Great Admiral, Great Scientist, Great Engineer, Great Prophet, Great Merchant, Great Writer, Great Musician, Great Artist. Nhìn tên thì chúng ta có thể thấy mỗi “vĩ nhân” này đều có những nhiệm vụ riêng biệt. Ví dụ như Great General sẽ tăng thêm sức mạnh của bộ binh và có khả năng xây dựng Citadel, Great Prophet thì có khả năng “truyền giáo” hoặc xây dựng Holy Site, Great Engineer có khả năng xây dựng Factory hoặc xây-nhanh World Wonder… Điều đặc biệt là Civ lấy tên của những Great General này từ nhân vật có thật trong lịch sử, điều đó có nghĩa là nếu chơi Civ đủ nhiều bạn sẽ gặp Einstein, Michelangelo, Tesla, Cao Cao, Jeanne’d Arc…  Đủ các vĩ nhân trên thế giới cho bạn điều khiển và tìm hiểu.

Nếu mục tiêu là Cultural Victory – Chiến thắng văn hóa thì chúng ta cần quan tâm đến Great Writer, Great Musician và Great Artist. Tương tự như các nhân vật kể trên, Great Writer (GW), Great Musician (GM), Great Artist (GA) đều có những khả năng đặc biệt. Khả năng đầu tiên là “boost văn hóa” – Great Writer, Start a golden age – Great Artist (không biết dịch sao cho đúng nên mình để tiếng anh) hay tổ chức đại nhạc hội (Music festival) – Great Musician. Khả năng thứ 2 là tạo ra các Great Work, dịch nôm na là các tác phẩm nghệ thuật vĩ đại. Tức là tạo ra Mona Lisa, Thằng gù ở nhà thờ Đức Bà hay Sonata ánh trăng nổi tiếng.

Mỗi Great Work đều đến kèm một đoạn thông tin trích dẫn cũng như minh họa trực quan. Ví dụ bạn tạo ra một Great Work of Music, đó là bản Rokudan No Shirabe của Yatsuhashi Kengyo thì bạn sẽ được 30s bài nhạc đó. Còn nếu bạn tạo ra một Great Work of Writing, ví dụ như Odyssey, thì bạn sẽ được đọc những đoạn trích ấn tượng nhất của tác phẩm đó.

“Men are so quick to blame the gods: they say

that we devise their misery. But they

themselves in their depravity design

grief greater than the grief that fate assigns.”

-Odyssey-

Điều này làm nên một trải nghiệm thú vị trong Civ: Bạn có thể ngồi 1 chỗ mà vẫn tìm hiểu được rất nhiều thứ thú vị trên thế giới. Cái cảm giác bất ngờ và hồi hộp mỗi như “mở” một Great Work mới là cảm giác rất riêng của Civ. Thường thì mỗi lần như vậy mình đều dừng lại một chút để nghe/đọc/ngắm tác phẩm đó.

Nhưng nghe/đọc/ngắm mãi thì cũng phải có lúc hết. Mặc dù số tác phẩm Great Work mỗi loại trong dữ liệu của Civ là tương đối lớn, tầm 50-70 tác phẩm một lĩnh vực, nhưng mình chơi Civ tương đối Hardcore, vài tuần là đã ngắm nghía tìm tòi xong xuôi rồi. Ở đây dẫn đến một cơ chế thứ 2, đó là tính sưu tập các tác phẩm đó.

Civ có nhiều cách để chiến thắng, giả sử bạn thích chiến tranh thì bạn chẳng cần quan tâm đến “văn hóa” hay “nghệ thuật” là gì, bạn cứ mang gươm đi mở bờ cõi thôi. Lúc đó nếu có “vô tình” có được Great Writer, Great Musican, Great Artist thì bạn cũng sẽ sử dụng các tác dụng phụ (thường là boost văn hóa hoặc start a golden age) chứ ít khi tạo Great Work. Tuy nhiên nếu bạn muốn chiến thắng bằng văn hóa, dùng “quyền lực mềm” trói buộc thế giới thì bạn phải quan tâm đến thời điểm cũng như sắp xếp hợp lý các GW, GM, GA cũng như Great Work của họ một cách hợp lý.

Trong hình là các Great Work đặt tại thủ đô Paris của nước Pháp. Các Great Work này được lưu giữ tại bảo tàng hoặc các công trình đặc biệt (World Wonder chẳng hạn). Một số Great Work khi được sắp xếp với nhau sẽ tạo ra bonus đặc biệt, gọi là theme bonus. Nếu biết tận dụng tốt theme bonus thì đây là một yếu tố quan trọng để dành chiến thắng văn hóa – Culture Victory.

Cái hay ở đây là, bạn có thể đi đổi các Great Work của mình cho người chơi khác để tận dụng tối đa theme bonus. Kiểu như Mỹ đi đổi “Ông già và Biển cả” lấy “Thúy Kiều” của Việt Nam để tối đa sự “đa dạng văn hóa”. Giống như đi chợ vậy. Một điểm hay nữa là ngoài các tác phẩm nghệ thuật ra chúng ta còn có các vật phẩm khảo cổ học, do một nhân vật gọi là “nhà khảo cổ” mang về. Một dạng Indiana Jones bằng xương bằng thịt. Các “nhà khảo cổ” này sẽ phải tỏa đi khắp thế giới để tìm các di tích lịch sử gọi là Antiquity Site để tạo ra di tích văn hóa hoặc các sản phẩm khảo cổ (Artifact). Đây chính là điều khác biệt ở Civ 5 BNW để tránh tình trạng người chơi sử dụng chiến thuật “đóng cửa ngồi nhà”. Giờ đây muốn chiến thắng bạn phải “bơi” ra thế giới, phải tương tác, phải tính toán chứ không còn tình trạng “mặc kệ thế giới tao ngồi nhà luyện công”. Trò chơi dần trở nên thực tế và gần gũi hơn.

Về sau, khi chơi Civ và hướng tới chiến thắng văn hóa, mình thường “spam” các nhà khảo cổ đi khắp nơi để tìm cổ vật mang về đất nước. Nhưng giả sử di tích ở chỗ vô chủ thì okay, nhưng di tích ở bên trong lãnh thổ một quốc gia thì lại là vấn đề. Rồi còn việc phải hộ tống các vị khảo cổ “chân yếu tay mềm” này nữa, mấy vị này không bá đạo như Indiana hoặc Lara Croft, gặp thổ phỉ (Barbarian) hoặc các quốc gia thù địch thì các vị này bị “thịt” như chơi. Nhiều tình huống cũng dở khóc dở cười kiểu mình nhìn thấy di tích rồi nhưng nước sở tại cấm mình vào (Không có hiệp định “open border”), đành ngậm ngùi nhìn di tích đó bị một đất nước khác đồng minh với nước chủ nhà đào mất. Ở những game căng thẳng, đôi khi mình phải gửi cả tàu sân bay đi để bảo vệ mấy vị này.

Nhìn chung cảm giác phiêu lưu vẫn có trong Civ. Phiêu lưu theo một cuộc chiến tranh (mình tấn công nó thì mình có thiệt không), dò đường đầu game (cái cảm giác đi mở bản đồ lúc đầu đã vãi), đi tìm di tích khảo cổ, chạy đua World Wonder…. Đó là những thứ đặc sản riêng của dòng chiến thuật 4k mà Civ làm rất tốt. Mình từng chơi những game như Warcraft 3, Starcraft, AoE thì đó là một dạng game chiến thuật khác, nó “quyết liệt” nhưng không “phiêu” bằng. Dòng Total War thì tập trung vào điều khiển các cuộc chiến (đẹp – đã mắt) chứ ít tính phiêu lưu như Civ. Ngoài những yếu tố trên thì Civ là nơi duy nhất có Map World Earth – bản đồ Trái Đất thật. Thành ra còn có thêm cả một cuộc phiêu lưu (tưởng tượng) trong đầu mình: từ một góc nhỏ bé nào đó mình sẽ đi khám phá (hoặc phá đám) toàn bộ thế giới. Cuộc phiêu lưu này đã tốn của mình rất nhiều đêm không ngủ.


Nhắc lại một kỉ niệm trong game: ai chơi theo trường phái “quân sự” hẳn biết câu nói: We don’t build things, we take things! Không cần quan tâm gì cả, cái gì không có thì tìm xem thằng nào có, rồi mang quân đến chiếm! Một lần mình chơi theo Sweden trường phái “hòa bình”, đang nhắm đến xây World Wonder Nhà nguyện Sistine, gần xây xong rồi thì bị thằng hàng xóm Etiopia xây trước. Cơ mà ngạc nhiên là Etiopia xây nhà nguyện Sistine tại một thành phố rất gần biên giới với mình. (Cũng dễ hiểu vì chiến thuật của Etiopia là phát triển Tall chứ không Wide). Thế là vài chục năm sau mình chỉ “spam” quân đội, ngấm ngầm mang 1 đạo quân sang “úp” thánh phố đó. Kết quả là vừa cướp được thành phố có nhà nguyện Sistine vừa cướp được các Great Work của Etiopia được lưu trữ trong đó. Thế mới biết phải linh hoạt trong mọi tình huống, bạo lực và máu me đôi khi là cách hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề!


Mình là người theo trường phái hoàn hảo hoặc không gì cả. Nếu không thể giải quyết được vấn đề thì hãy “nuke” vấn đề, để không bao giờ phải nghĩ về vấn đề nó nữa. “Nuke the problem” là một thuật ngữ hay và mang nhiều tính suy tư.

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện