Darkwood – Rừng sâu nước độc

Khách quen

  

Darkwood là một tựa game kinh dị sinh tồn phá cách đã tạo một lối đi riêng cho dòng game kinh dị hiện nay. Nếu có ai hỏi tôi Darkwood nên được xếp vào bậc nào, tôi sẽ trả lời thẳng thừng “masterpiece”. Tuy chỉ là game đầu tay của Acid Wizard Studio nhưng bản thân Darkwood thực sự là tựa game đầy hứa hẹn với yếu tố không jumpscare và đã mang lại tiếng vang rất lớn cho bản thân tựa game và cả nhà sản xuất. Được ra mắt bàn dân thiên hạ vào ngày 18 tháng 8 năm 2017 và hỗ trợ trên rất nhiều nền tảng, ai ai cũng nên thử qua tựa game kinh dị có một không hai này, bởi những trải nghiệm độc nhất mà nó đem lại.

Game survival-open world trá hình

Có thể nói Darkwood là game sinh tồn mang nặng tính kinh dị hơn là một game thuần kinh dị. Việc của người chơi là tìm mọi cách để sống sót trong một khu rừng đầy các loại quái vật nguy hiểm. Game có cơ chế ngày-đêm, ban ngày người chơi phải hóa thân thân thành cỗ máy tìm kiếm và thu gom, có nghĩa là thu gom tất cả mọi thứ khi chơi vì tất cả sẽ hữu ích trong tình huống nhất định, cốt là để phục vụ cho việc sinh tồn trong hideout khi màn đêm buông xuống. Thực tế thì màn đêm của Darkwood sẽ là một ác mộng có thật, khi người chơi sẽ không thể nào đoán được phải đối mặt với thứ gì, từ việc bàn ghế tự di chuyển, cửa tự mở, những bóng ma thấp thoáng đến tiếng đập cửa thất thanh, ảo ảnh mơ hồ, những con quái vật liên tục tấn công. Chưa một game nào tôi chơi mà có cơ chế phòng thủ đến tuyệt vọng như vậy, game sẽ biến mọi hàng rào người chơi dựng nên thành một trò đùa.

Chúng ta sẽ không phải lo về ăn uống, hình thức “nấu nướng” của Darkwood chủ yếu dùng để nâng kĩ năng của nhân vật, mỗi lần nâng cấp kĩ năng sẽ kèm theo một tác dụng phụ nhất định làm cho game mang tính thử thách hơn. Để giảm bớt tính sinh tồn của Darkwood, game còn có thương nhân để trao đổi những vật dụng cần thiết cho người chơi. Mỗi thương nhân đều có một tính cách riêng, một câu chuyện riêng để kể, mặc dù bản thân tôi không đánh giá cao phần này lắm. Ngoài ra mỗi lần chơi lại game sẽ tự động tạo ra một map mới với những địa điểm cũ nhưng mới, có nghĩa là map vẫn giữ số nơi chốn như cũ nhưng sắp xếp lại địa điểm của những nơi đó và việc này hoàn toàn ngẫu nhiên giúp cho quá trình chơi lại đỡ nhàm chán hơn.

Sự tuyệt vời không nằm ở đồ họa

Cái hay ở Dark wood là nó không khoác lên mình một nền đồ họa lộng lẫy và sống động. Đồ họa của game chỉ phục vụ một mục đích duy nhất: làm tăng thêm không khí âm u đầy mùi tử khí trùm lên cả khu rừng. Lấy góc nhìn từ trên xuống kèm với tầm nhìn có hạn tạo nên một cảm giác rờn rợn người đến khó tả. Tuy đồ họa không được trau chuốt kĩ càng như những tựa game cùng thời điểm nhưng những hình ảnh có phần “khó chịu” sẽ ám người chơi một khoảng thời gian khá dài. Và một điểm nhấn khá quan trọng nữa khi ta nói về đồ họa, đó chính là màu sắc của game. Được miêu tả như “một bộ phim cổ điển trong những thập niên 90”, thứ màu ta thường thấy nhất chính là màu xám đen – gam màu của cô đơn và nỗi buồn, đã làm nổi bật lên sắc đỏ đầy bạo lực của máu trong cái khu rừng Phần Lan nhuốm đầy sự chết chóc và đau thương.

Bước tiến về âm thanh

Hầu như xuyên suốt game, có rất ít những bản nhạc rùng rợn khiến cho một số phân cảnh có nhạc làm người ta cảm thấy sợ hãi hơn, những âm thanh chính của game mang lại cảm giác rất chân thực, tiêu biểu như tiếng bước chân đầy nặng nhọc, tiếng đập cửa đến ai oán, tiếng xào xào của cây cối,… tất cả đều mang lại cảm giác rất thực, thực đến mức mỗi khi có âm thanh nào đó vang vọng trong game đều khiến người chơi bất giác rùng mình. Hóa ra điều đáng sợ nhất không phải là những âm thanh chói tai đến giật mình, hay những âm thanh ma quái mang đầy vẻ creepy ma mị, mà chính là sự im lặng. Bằng cách nào đó Acid Wizard Studio đã nâng sự im lặng đến một cấp độ cao hơn, một mức thang mới của sự kinh dị, một nỗi sợ mà ai ai cũng có thể cảm nhận được càng làm cho không khí của Darkwood càng nặng nhọc, u ám và đen tối.

Nguồn gốc của nỗi sợ

Được nhắc đến như một tựa game kinh dị nói không với yếu tố jumpscare, game mang đến cho người chơi một nỗi sợ nguyên thủy: sợ “cái không biết”. Không cần phải tạo ra một con quái ba đầu sáu tay trông thật gớm ghiếc với đầy những cơ chế phức tạp, Darkwood đánh sâu vào tiềm thức của mỗi người, để trí óc tự chơi đùa với chính nó. Quả thật vậy, sau khi chơi lại lần thứ ba và đã khá quen thuộc với không khí của game, tôi đã hiểu vì sao lần chơi đầu lại khó khăn và mọi thứ trông thật ghê rợn. Không cần đến những thứ rõ ràng và chân thực để sợ hãi, bản thân sẽ tự tạo ra một nỗi sợ vô hình, đến cả những chuyển động nhẹ nhàng nhất của game cũng sẽ khiến những game thủ phải dè chừng và cẩn thận. Carleton có thể miêu tả khá chính xác nỗi sợ này: “fear of the unknown may be a, or possibly the fundamental fear”.

Bên cạnh đó những hình ảnh trong Darkwood khá ám ảnh và đen tối, bản thân tạo hình của các thương nhân trong game cũng đã mang lại cho người chơi một cảm giác ghê gớm đến khó chịu. Càng chơi về sau các hình ảnh này xuất hiện càng nhiều và độ khủng khiếp thì khỏi phải bàn, thậm chí một số bức ảnh có thể khiến cho người tinh thần yếu đuối phải nôn mửa và phải mất một thời gian sau mới có thể xóa chúng ra khỏi tâm trí của mình.

Xoắn não với cốt truyện

Darkwood là một câu chuyện cổ tích đen tối” – Mandalore đã có nhận xét chung về cốt truyện và đó là đánh giá đúng đắn. Do cần tạo cho người chơi nỗi sợ vô hình nên Darkwood đã dựng nên một cốt truyện khá khó hiểu và những câu hỏi trong suốt quá trình chơi có thể không được trả lời một cách thỏa đáng khiến cho việc trải nghiệm game có phần bị giảm. Cốt truyện sẽ là yếu tố cuối cùng cần để mắt đến do độ rời rạc và khó hiểu của nó, một số thứ tưởng chừng như quan trọng nhưng lại chẳng có gì, không có bước trưởng thành lớn ở nhân vật. Điểm cộng vớt vát cho phần cốt truyện chính là “choice does matter”, các hành động, các quyết định của người chơi dù ít hay nhiều cũng đều sẽ ảnh hưởng đến khu rừng. Có thể không ngay lập tức nhưng từ từ chúng ta sẽ tự nhận ra được mức độ quan trọng và cân nặng trong từng quyết định của mình. Darkwood có hai ending và tôi khuyến khích mọi người nên trải qua hai ending để biết rõ hơn về mọi thứ đang diễn ra trong khu rừng bị nguyền này.

Đôi lời dòng cuối

Tưởng tượng Darkwood như một chuyến đi tàu lượn siêu tốc qua công viên khủng long, trải nghiệm mà tựa game này mang lại thực sự rất đáng để tâm. Bên cạnh điểm trừ nhẹ về cốt truyện, các yếu tố khác như âm thanh, lối chơi, màu sắc,… đã thực sự hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, biến Darkwood thành một game kinh dị không jumpscare đúng nghĩa. Với mức giá hợp lí và chất lượng mà game mang lại, tui hoàn toàn có thể khuyến khích mọi người nên liệt game vào hàng “must buy” để có thể tận hưởng vào thời gian rảnh cũng như giúp Acid Wizard Studio có thêm động lực để ra lò những tựa game chất lượng khác trong tương lai.

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện


3 cụng ly

  • TRí - 16.07.2020

    Gọi đây là survival open world trá hình tôi không đồng ý, hướng đi của game dễ dàng thấy được chủ đạo là kinh dị còn yếu tố sinh tồn nó luôn song song từ thời có khái niệm survival horror rồi. Nếu game dồn lực và hướng đi vào việc làm survival open world thì nói thẳng game fail.


  • TRí - 16.07.2020

    Còn lại thì mình đồng ý với bạn ở hầu hết các ý.


  • TRí - 04.08.2020

    thật ra thì gọi nó là một trải nghiệm công viên khủng long thì hơi…..