Truyện tranh có ích gì?

Chủ xị

  Hiệp Sĩ

Truyện tranh, hay các hình thức kể chuyện bằng hình ảnh, là một thứ quyền lực đáng kể. Kể chuyện, dù là hình thức nào: văn xuôi, thơ ca, phim ảnh, truyện tranh, trò chơi… đều là cách thức định hình cho kinh nghiệm. Phần lớn các câu chuyện xưa nay, từ cổ tích, chuyện dân gian, thánh kinh… đều là lề lối chỉ bảo/dẫn dắt con người đến một khuôn mẫu hành xử theo quy định. Nếu một đứa trẻ đọc Lucky Luke hay Superman, nhiều khả năng khi lớn lên đứa trẻ đó sẽ đề cao giá trị của tự do cá nhân hơn một đứa trẻ đọc Doremon hoặc Slam Duck. Những sự tiếp thu đầu tiên: niềm vui, niềm đau, niềm tin… sẽ ảnh hưởng lâu dài. Kinh nghiệm là một thứ đáng sợ. Sự khác biệt giữa chưa từng và lần đầu tiên, đôi khi là cả thế giới.

1000 năm trước tổ tiên chúng ta không có Lucky Luke hay Doremon. Họ có kinh thánh. Hoặc bạn tin vào Chúa và yêu Chúa, tình yêu của Chúa sẽ cứu rỗi linh hồn bạn khỏi địa ngục. Hoặc bạn tin vào Allah. Sống, học tập và làm theo tấm gương của Allah, lúc chết sẽ lên thiên đường với 72 trinh nữ. Ở thời đại này chúng ta không bị bó buộc trong những lựa chọn hiểm nghèo như thế. Ngày nay, chúng ta có thể lựa chọn tương đối hình mẫu mà mình có thể trở thành.

Truyện tranh có lẽ là hình thức sơ khởi nhất của sự lựa chọn này. Bạn yêu tự do, mong muốn con mình độc lập, luôn giữ sự tò mò, có tinh thần của công dân địa cầu? Con bạn 3 tuổi hãy mua bộ sách Discovery World for Kid, 5 tuổi mua bộ ảnh National Geographic Kids, 7 tuổi mua Tin Tin, 9 tuổi mua One Piece… Bằng cách này bạn có thể nuôi dưỡng và “truyền hình mẫu” một cách tự nhiên cho đứa trẻ, tránh trường hợp 18 tuổi phải đập bàn đập ghế nói chuyện với nhau.

Sự truyền đạt luôn là thách thức trong lịch sử loài người. Chúng ta không như máy tính, tai và não không có tốc độ upload 100MB 1 giây. Chúng ta phải học. Việc này mệt mỏi. Tại sao xã hội ngày xưa phụ quyền, và trinh tiết quan trọng? Vì điều đó đảm bảo đứa con đẻ ra là đứa con của mình, và do mối quan hệ cha-con được đặt cao trong lề lối xã hội, nên đảm bảo phần nào công sức truyền dạy không bị… phí phạm. Còn ngày nay? Đứa con có thể 100% ADN với ông bố, nhưng nếu bố nó nghe nhạc cách mạng còn nó nghe nhạc MLTR, thì nhiều khả năng có một ngày nó và bố nó sẽ đập bàn chửi nhau và coi khinh tất cả những kinh nghiệm và giá trị sống của người đối diện.

Ngày nay, sự đau đớn và nhục nhã một thằng đàn ông nhận được khi vợ hoặc con nó bảo nó sai rồi, có một thằng đàn ông khác đúng hơn, và rằng vì thế im miệng đi, chắc cũng ngang bằng với thời cổ đại nhận ra đứa con này không phải con mình. Tất nhiên, ví dụ trên chỉ là nói quá lên để làm rõ vấn đề, tuy vậy ví dụ trên nói lên phần nào sự đứt gãy giữa các thế hệ, sự đấu tranh giữa các luồng văn hoá, và cách con người có thể kẹt giữa những điều trên.

Vì thế, truyện tranh, hay đọc truyện tranh, truyện chữ, thơ ca… là một cách chỉ bảo và kết nối. Nó là công cụ trong quá trình phát triển nhân loại. Và là công cụ, nên nó là nấc thang, để tiếp nối chứ không phải để phân biệt. Tại sao nhạc cổ điển giữ vị trí cao trong nhận thức về nghệ thuật? Vì nhạc cổ điển là thứ thưởng thức của những người quyền lực, giống như một người đàn ông 50 tuổi thì chơi ô tô thép 50 tấn, còn trẻ con 5 tuổi thì chơi ô tô nhựa 50 gram. Bảo so sánh ô tô nhựa với ô tô thép thì kệch cỡm, tuy nhiên không có ô tô nhựa thì cũng không có ô tô thép. Cũng giống như 5 tuổi không đọc truyện tranh, truyện cổ tích thì 50 tuổi sẽ không nghe nhạc cổ điển. Vì thế những phát ngôn mang tính đánh đồng thường cho thấy một tầm nhìn ngắn hạn hoặc một trò bôi chữ ăn tiền của truyền thông. Nếu có gì cần lưu ý, đó là cách tiếp thu. Giống như đứa bé 5 tuổi thì đưa nó cái ô tô rồi chỉ nó đâu là bánh xe, đâu là đường đi, ô tô chạy như nào. Chứ không phải đưa nó cái ô tô để nó ném vào mặt đứa khác. Việc đó ngu dốt như việc mua truyện 13+ 18+ rồi bảo truyện tranh đục khoét tâm hồn vậy.

Theo thời gian, các câu chuyện luôn phải biến đổi để phù hợp với thế giới. Các hình thức truyền tải cũng phải biến đổi theo. Đã có giải Pulitzer đầu tiên cho hình thức truyện tranh. Các bạn có thể search “Welcome to the New World” để đọc thử. Vài trăm năm nữa có khi có giải Nobel cho truyện tranh, nếu giải Nobel vẫn còn giá trị. Một bộ truyện tranh tốt, cũng giống như các hình thức văn hoá khác, nên truyền đạt và hướng con người tới những giá trị phổ quát. Giá trị phổ quát của nhân loại là gì? Đây là câu hỏi khó, chưa có nhiều mẫu chung, đôi khi phải đánh nhau tỉ người chết tỉ người bị thương để hiểu ra. Có lẽ vẫn phải đánh nhau thêm rồi yêu nhau thêm, để tiếp tục hiểu ra. Đường dài nhưng chúng ta vẫn đang đi tới.

Ảnh trên là trang mở đầu truyện “Welcome to the New World”, một dạng truyện tranh cho cả trẻ con và người lớn.

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện


2 cụng ly

  • VNTPSam2 - 04.05.2020

    hay


  • Không Hy Vọng - 05.05.2020

    Đọc truyện tranh, đôi khi có những bài học trong đó, có lúc lại tìm ra những giờ phút thư giãn sau khoảng thời gian làm việc căng thẳng. Mình khá tự ti trong kinh nghiệm đọc và khả năng nhận xét truyện, mình vẫn muốn đóng góp những suy nghĩ về truyện tranh, sách và phim ảnh.
    P/s: mấy dòng trên toàn tự trải lòng thôi, ông không cần để ý UwU.