Game thế giới mở đối với riêng bản thân tôi thì đó không chỉ là một xu thế mà có thể nói nó là một điều hiển nhiên trong quá trình phát triển của ngành công nghiệp game.
Là một người có tuổi thơ lớn lên trong hoàn cảnh khi mà công nghệ thông tin còn lạc hậu, điện thoại bàn cố định, Tivi hộp, băng cát- sét, đầu Dvd, tin tức hội nhập thế giới còn hạn chế. Tôi không thể nào có thể quên được cái cảm giác tuyệt vời khi lần đầu tiên được chơi những game thế giới mở như GTA Vice city hay GTA San Andreas. Chúng tôi (những cậu bé chỉ quanh quẩn trong “khu tao sống” và gần như đã nắm rõ trong lòng bàn tay từng con đường, từng con ngõ nhỏ trong khu vực xung quanh) cảm nhận được sự tươi mới của một thế giới đầy mới mẻ bầy ra trước mắt.
Game bây giờ không chỉ còn gói gọn trong một đấu trường nhỏ như Dota, hay một khu vực nhỏ như Counter strike nữa. Game như Vice city, San Andreas mới là “chuẩn mực”.
Cho đến tận bây giờ, khi phải đối mặt với dịch bệnh và làm bạn với 4 bức tường thì có thể thấy vị thế độc tôn của game thế giới mở ngày càng được khẳng định.
Công thức hoàn hảo cho game thế giới mở:
Sự tự do và kích thích (sự tò mò)
Đây theo ý kiến cá nhân của tôi có lẽ là thế mạnh lớn nhất của game thế giới mở làm nó khác biệt với những thể loại khác. Sự tự do. Bạn thích đi đâu thì đi, chẳng ai cấm bạn dành hàng giờ chỉ để lái xe quanh thành phố vừa ngắm cảnh vừa nghe nhạc; chẳng ai cấm bạn trèo lên đỉnh một ngọn núi hay đi lang thang trong một rừng cây; chẳng ai cấm bạn ngó nghiêng vài cửa hàng bán đồ hay tán tỉnh một cô nàng xinh xắn nào đó…
Thế nhưng tự do không thôi thì chưa thể đủ. Tự do để làm quái gì khi không có gì để mà khám phá. Vì nếu thế giới đơn giản một màu thì chỉ cần khoảng trên dưới 30p khám phá thế giới đó là ta đã có thể cảm thấy nhàm chán.
Thế là một yếu tố khác sinh ra và luôn gắn liền không thể thiếu bên cạnh sự tự do: các yếu tố kích thích (sự tò mò).
Đơn giản thì có thể là các collectible hay các easter eggs hay ho:
Hay ho hơn nữa thì có thể là những ghi chép về những câu chuyện nhỏ hay có thể là những phẩn thưởng vô cùng giá trị:
Bạn thấy hang động kia không vào đấy khám phá thử xem hay bạn thấy căn nhà bỏ hoang kia không vào đấy xem thử đi còn chần chừ gì nữa,…
Những tựa game làm tốt nhất về phần này theo ý kiến có phần hơi chủ quan của tôi thì đó là Skyrim và series Fallout từ Fallout 3 trở lại đây.
Với Skyrim thì đó là hàng trăm địa điểm, hang động và vô số những nhiễn vụ phụ được thiết kế để tiếp cận người chơi một cách cực kì tự nhiên. Bên cạnh đó phần thưởng cho sự tò mò cũng vô cùng xứng đáng ví dụ như một món vũ khí bá đạo hay bộ giáp độc nhất vô nhị nào đó.
Với Fallout thì bên cạnh những điều cốt lõi từ Skyrim hay dòng Elder scrolls nói chung thì Fallout còn có một cách xây dựng thế giới và tiếp cận người chơi thông minh hơn khi mà nhà phát triển đã dày công thiết kế cách kể những câu chuyện gián tiếp thông qua những tập tài liệu và manh mối buộc người chơi phải xâu chuỗi lại và phải suy luận để có thể hiểu hết được câu truyện.
Cái cách thiết kế của Skyrim và Fallout hướng trực tiếp đến trải nghiệm của người chơi khiến họ muốn khám phá nhiều và tất nhiên nó cũng góp phần làm cho thế giới cực kì có hồn. Cái chất riêng trong cách thiết kế Skyrim và Fallout theo cách gọi vui của tôi đó là game thế giới mở kiểu Bethesda
Mức độ chân thực của thế giới:
Tôi nghĩ không phải bàn cãi nhiều về vấn đề này vì bên cạnh các bước tiến không ngừng về mặt hình ảnh thì game thế giới mở không còn chỉ dừng lại ở việc đẹp nữa mà thế giới đó có thực sự hấp dẫn hay không phụ còn phụ thuộc cực kì lớn về độ chân thực mà nó mang lại. Thời tiết, bầu trời, cây cỏ, bề mặt vật thể và quan trọng nhất là hệ sinh thái. Hệ sinh thái trong một game thế giới mở theo quan điểm của tôi đó chính là linh hồn riêng của cả tựa game thế nhưng làm thế nào để nó đặc biệt và quan trọng nhất là làm thế nào để nó tồn tại độc lập với sự có mặt của người chơi thì lại không phải là chuyện đơn giản một chút nào. Đó có thể hoạt động thường ngày của con người, cách để NPC đưa quest cho người chơi, cách người chơi tương tác với môi trường, hoạt động của động thực vật,…
Và vị vua tạo ra những thế giới mở chân thực không ai khác đó là chính là Rockstar. GTA V một game từ 2013 vẫn còn đẹp và chân thực không kém mà có khi còn hơn một số game ở thời điểm bây giờ. Còn với Red dead redemption 2 thì có thể nói đây như là chuẩn mực mới cho mọi game thế giới mở cần phải đạt được. Những game như vậy tôi hay gọi vui là game thế giới mở kiểu Rockstar.
Thế nhưng vẫn có nhưng game thế giới mở vẫn khá thành công mặc dù không hề làm tốt hay cũng có thể nói là làm rất tệ 2 yếu tố kể trên. Vậy thì tại sao? Đây có lẽ là khi sức nặng của cốt truyện và gameplay lên tiếng.
Những cái tên như Sleeping dogs, Yakuza có lẽ là 2 cái tên tiêu biểu cho game thế giới mở siêu nặng về mặt cốt truyện và nhiều khi tôi nghĩ rằng chúng có là game tuyến tính đi chăng nữa thì cũng chẳng có vấn đề gì lắm.
Còn về gameplay thì không thể nào bỏ qua hệ thống thu phục Orc đỉnh cao của 2 game Middle earth, thử đủ loại đồ chơi công nghệ cao trong Batman arkham knight, rồi thì Just cause 3, Prototype 2, Sunset overdrive, chơi game spiderman mà không có đu tơ ấy hả chắc bạn đang đùa…
Tất nhiên là vẫn có những tựa game thế giới mở gần như hoàn hảo:
Legend of zelda breath of the wild: Sự tự do khám phá 10/10, tương tác môi trường 10/10, cơ chế gameplay 9/10, về mặt cốt truyện của game tôi thấy chưa thực sự xuất sắc thế nên 8/10
Witcher 3: Sự tự do khám phá 9/10, cơ chế gameplay 10/10, cốt truyện 10/10, mặc dù cái bầu không khí của game được làm khá tốt thế nhưng độ chân thực và trương tác với môi trường chỉ đạt 7/10
Red dead redemption 2: chuẩn mực cho mọi game thế giới mở nhưng game thiếu cái sự tự do và có phần cứng nhắc trong gameplay đâu đó 6/10, còn lại thì các yếu tố khác không có điều gì có thể chê được.
Skyrim: mặc dù là game tôi yêu thích bậc nhất thế nhưng công bằng: Sự tự do khám phá 10/10, cơ chế gameplay 9/10, Skyrim mặc dù nhiệm vụ phụ siêu hay thế nhưng lại hơi yếu về cốt truyện chính đâu đó 7/10. Còn về độ chân thực thì không thể đòi hỏi quá nhiều từ một game ra cách đây cả thập kỉ mặc dù hệ sinh thái khá tốt 8/10
Vui vẻ một chút thì cũng có những game có đầy đủ cả 4 yếu tố thế nhưng mà các yếu tố vẫn ở mức bình thường chưa đủ để chạm tới mức siêu phẩm: ví dụ điển hình đó là mấy bản Assassin’s creed ra gần đây với tuần suất đều đặn 1-2 năm. Thành ra những game như vậy khá thành công trong việc chơi chữa cháy trong lúc chờ đợi những siêu phẩm.
Nói đền đây thì chúng ta hãy suy nghĩ một chút nếu như ban đầu tôi có nhận định rằng: Game thế giới mở không chỉ là một xu thế mà nó là một điều hiển nhiên trong quá trình phát triển của ngành công nghiệp game. Thì có một vấn đề phát sinh từ đây theo quy luật cung – cầu.
Bạn thích game thế giới mở – ok bạn sẽ có – bạn mua game – nhà phát triển có tiền – bạn sẽ game thế giới mở tiếp – bạn lại mua… Vô hình chung nó tạo ra những con quỷ vắt sữa, treo đầu dê bán thịt chó như… ồ khoan để tôi đếm lại xem còn bao nhiêu hãng game còn giữ được niềm tin của gamer cái đã…
Thôi có lẽ bài bàn luận cũng đã khá dài rồi, chúc mọi người một năm mới hạnh phúc bên gia đình… Và hẹn gặp lại.
Theo ông thì Genshin liệu đã đủ để trở thành một game thế giới mở tốt chưa? Đối với tôi thì nó khá nửa nạc nửa mỡ vì phần gacha của nó.
Tôi thấy mọi thứ Genshin làm đều tốt lại còn free to play rồi đa nền tảng nữa Ối dồi ôi. Nhưng mà cũng chỉ 9 điểm thôi :)) (nếu game không thiết kế nhân vật theo kiểu wibu thì xứng đáng 10)
Điểm wibu thì chắc tôi vẫn cho cao =))) nhưng có lẽ để hôm nào xem xét làm một bài viết về cái open-world của nó đã, tại đôi lúc nó sẽ tạo ra cái end content phân cực ý