Bên cạnh việc đọc truyện, thì các dân comic còn thêm một thú vui tao nhã khác, đó chính là sưu tập comic. Uhm thì…hồi mà internet còn chưa phát triển, để muốn tìm hiểu truyện tranh thì đương nhiên chúng ta phải ra những tiệm comic để mua về đọc, và mọi thứ cứ thế tiếp diễn cho tới khi các hãng truyện tranh quyết định phát hành một loại truyện gọi là Digital Comics và người mua có thể mua trực tiếp chúng và đọc trên các trang web. Nhưng tạm thời không nói về loại ấy, vì bài viết ngay hôm nay xoáy sâu vào việc làm cách nào có thể sưu tập comic một cách hợp lý nhất.
Trước khi bắt đầu trên hành trình sưu tập comic, thì chúng ta cần phải hiểu rõ về nó cái đã, và một trong những đặc điểm nổi bất nhất của comic? Chính là những định dạng.
Giống như bao cuốn sách khác, comic cũng có rất nhiều định dạng khác nhau, tại sao khi nhìn vào, chúng ta lại thấy có những cuốn mỏng như một cuốn tạp chí, và có những cuốn thì dày cộp như từ điển, vậy chúng là gì? Comic có những loại định dạng nào?
Về cơ bản, Comic sẽ được chia thành 2 loại lớn nhất là Comic và Graphic Novel, dưới hai loai ấy sẽ chia ra thành các loại định dạng khác.
Loại thứ nhất: Comic (bao gồm 1 tập duy nhất, có định dạng giống như những cuốn magazine).
Issue/Single Issue: đây là kiểu định dạng đầu tiên và cơ bản nhất của comic. Các cuốn issue thường giống những cuốn tạp chí magazine, khá là mỏng, mỗi cuốn sẽ có chừng 20 đến 32 trang, và đôi khi có thể nhảy lên tới 100 trang tùy theo cuốn. Giống như manga thường có những tập truyện gọi là chapter, các cuốn issue sẽ được đánh số thứ tự bằng dấu thăng, chẳng hạn #5. Một cuốn issue thường có giá từ 3 đến 5 đô, một số cuốn có khi đắt tận 10 đô.
Prestige Edition: giống như game Liên Minh Huyền Thoại, có những skin vô cùng đắt giá và sành điệu mang tên là “Hàng Hiệu”, thì comic cũng có những cuốn truyện “Hàng Hiệu” cho mình. Prestige Edition là phiên bản các cuốn truyện tranh có độ dày từ 48 đến 64 trang truyện, và phần gáy sống của truyện cũng sẽ dày hơn bình thường. Tất nhiên là cũng sẽ đắt hơn bình thường.
Digital Comics: là phiên bản kĩ thuật số của các cuốn truyện chỉ có thể thấy trên màn hình. Đấy cũng là những trang truyện mà chúng ta có thể đọc trên mạng. Số tiền bỏ ra cũng sẽ rẻ hơn nhiều so với những cuốn truyện cầm được, nhưng mà cầm một cuốn truyện để đọc thì chẳng phải sướng hơn rất nhiều sao?
Digital First: cũng giống như Digital Comics, chỉ khác một điều nó sẽ ra đời trước khi cuốn truyện được in ra, còn cái kia thì sẽ xuất hiện sau khi truyện được ra mắt.
Variant Cover (bìa biến thể): mỗi cuốn issue sẽ có một bìa gốc, và đôi khi độc giả không thích những tấm bìa ấy. Đó chính là sự ra đời của Variant Cover, bao gồm các bìa thay thế khác thay thế cho bìa gốc.
Annual: là những tập truyện thường ra một năm một tập trong mỗi đầu truyện đang diễn ra, nội dung của Annual sẽ nằm ở một bối cảnh khác sao với mạch truyện đang diễn ra.
One-shot: đúng như tên gọi của nó, One-Shot chỉ bao gồm một issue, mọi câu chuyện sẽ bắt đầu và diễn ra kết thúc ngay trong nó, và thường thì là bìa giấy như issue.
Loại thứ hai: Collected Edition hay Graphic Novel (được tập hợp từ rất nhiều những cuốn issue lại với nhau trở thành một câu chuyện hoàn thiện).
Limited Series/ Mini Series: đây là những bộ truyện giới hạn bao gồm từ 4 đến 6 issue, mạch truyện không dài lắm và có kết thúc khá ngắn.
Max Series: đây cũng là bộ truyện thường thấy nhất, chúng dài hơn các Mini series, hơn 12 issue đối với một đầu truyện.
Original Graphic Novel (OGN): đây là những tập truyện chỉ có duy nhất một tập, nhưng lại kể hẳn một câu chuyện bên trong nó, khác với issue chỉ kể một phần trong cả câu chuyện. Khá giống One-shot, nhưng OGN thường có bìa mềm hoặc bìa cứng.
Trade Paperback (TPB) thường bao gồm từ 5 đến 8 issue vào một cuốn, thường thì các tập truyện bên trong sẽ gom lại thành một volume hoặc một sự kiện (event) trong một đầu truyện nào đó, chẳng hạn như đầu truyện Hawkeye có Matt Fraction sẽ có 4 volume tương ứng với 4 cuốn Trade Paperback. Bìa của TPB là bìa nhựa mềm, trung bình một quyển TPB có từ 150~ 250 trang nhưng đôi khi cũng có ngoại lệ lên đến hơn 500 trang, nên giá của chúng thường từ 15 cho đến 20 đô.
Digest: đây là loại định dạng có độ dài và cân nặng nhỏ hơn với các cuốn truyện thông thường, Digest là định dàng của các cuốn truyện dành cho mọi lứa tuổi và Manga.
Hardcover : một phiên bản tương tự như TPB nhưng sử dụng cover là bìa cứng và giá mắc hơn TPB một chút, thường thì từ 25 đến 35 đô.
Oversized Hardcover (OHC): một phiên bản khác nữa giống như HC nhưng có kích thước to hơn. Và to hơn thì đắt tên, tầm 40 đến 75 đô.
Deluxe Edition: cũng là một phiên bản nâng cấp của HC.
Library Edition: là một phiên bản độc quyền của Dark Horse Comics, về cơ bản cũng giống như HC, nhưng bìa của Library Edition sẽ được thiết kế vô cùng đặc biệt, đậm chết Dark Horse hơn.
Omnibus: tương tự như OHC nhưng được nâng cấp về số trang, Omnibus là cách gọi cho các đầu truyện khổ Oversized với bìa cứng và số lượng trang truyện từ 600~1500 trang, ở những trang cuối của mỗi cuốn Omnibus đều tổng hợp concept art, variant cover, thông tin nhân vật trong truyện, tâm sự của tác giả, etc….. Omnibus thường được xuất bản dưới nhiều hình thức khác nhau, ví dụ như Omnibus tổng hợp các đầu truyện X-Men do Jim Lee vẽ , hoặc Omnibus tổng hợp các sự kiện lớn như event Age of Apocalypse , hay Omnibus tổng hợp series Astonishing X-Men của nhà văn Joss Whedon (đạo diễn Avenger 1 + 2). Giá của những cuốn Omnibus cũng khủng khiếp hơn nhiều, đối với Marvel, giá sẽ từ 75 đến 125 đô, còn bên DC sẽ lên tới 150 đô.
Compendium: là một phiên bản độc quyền của Image Comics, tương tự như Omnibus nhưng khác một điều là Conpendium bìa mềm giống với TPB. Giá của Conpendium thường vào khoảng 60 đến 70 đô.
Absolute Edition: đây là một phiên bản độc quyền của DC Comics, có kích thước lớn hơn so với Omnibus, có hộp đựng riêng gọi là slipcase và có giá khá cao ngang với Omnibus đôi khi mắc hơn. Tuy nhiên số lượng trang giấy của phiên bản Absolute Edition hầu hết chỉ bằng khoảng một nửa so với Omnibus. Giá của Absolute thường vào khoảng 100 tới 125 đô.
Platinum / Adamantium / Vibranium Edition: một phiên bản độc quyền khác của Marvel với kích thước còn khủng bố hơn cả Absolute Edition của DC, trung bình 15kg chưa tính hộp đựng. Nhìn to vậy thôi chứ giá cũng khá rẻ, chỉ với 200 đô là bạn sẽ có ngay cho mình một quả này (nếu bạn là rich kid).
Bây giờ ta sẽ đi vào phần chính, về việc sưu tầm comic!
Ở nước ngoài, đặc biệt nhất là ở Mỹ, việc mua bán truyện trở thành một thứ gì đó vô cùng bình thường, trước khi những định dạng Graphic Novel ra đời sau này, thì các dân comic thường chỉ có thể mua những cuốn issue đơn lẻ, và đến giờ vẫn vậy đối với những nhà sưu tầm chịu chơi, bởi vì một đầu truyện có rất nhiều issue, và việc tìm cũng như đầu tư vào cả một đống cuốn lẻ thì thực sự cũng không dễ dàng gì, đặc biệt là đối với cuốn truyện hiếm, limited (giới hạn) và OOP (out of print – ngưng xuất bản). Nhưng issue vẫn là thú vui tao nhã của đa số dân comic nước ngoài.
Ở Việt Nam, phải nói rằng những những thứ như comic vẫn còn rất xa lạ và xa xỉ đối với chúng ta. Thứ nhất là vấn đề ngôn ngữ, hiện tại các hãng comic lớn ở nước ngoài vẫn chưa đầu tư và lập ra các chi nhánh ở Việt Nam nên vẫn chưa có comic được Việt hóa, và không phải ai cũng rành rọt tiếng Anh để có thể đọc cả. Thứ hai là giá cả, đây cũng là một vấn đề vô cùng nan giải. Trước đây chúng ta chỉ mua những cuốn manga thông thường với giá dao động mấy chục nghìn một cuốn, nhưng một cuốn issue đơn giản nhất cũng phải cỡ 3 đô, một cái giá khá cao so với những cuốn manga, chính vì vậy, nếu như không có ham muốn sưu tầm comic thì một cuốn issue còn chưa mua được chứ đừng nói tới việc sưu tầm comic. Và theo tôi thấy thì những bạn newbie thường rất hay mua issue, có lẽ vì nó rẻ nhất, nhưng đó cũng là khởi đầu tốt.
Sau khi sưu tập issue một thời gian dài thì đã đến lúc nâng cấp khả năng sưu tầm comic. Thay vì trước giờ sưu tập những cuốn truyện lẻ issue, thì tại sao không mua những định dạng bao gồm chúng lại, đó là lúc mà các dân comic thay thế issue bằng TPB.
Theo đánh giá của tôi thì TPB chính là một lựa chọn vô cùng tuyệt vời cho những dân mới tập tành sưu tập comic. Những tập issue được đóng thành 1 cuốn bìa mềm, trông đẹp mắt hơn, và cũng dễ bảo quản hơn rất nhiều. Giá thành cũng vô cùng phải chăng, bởi vì hiện tại có rất nhiều dân sưu tầm muốn thanh lý những cuốn TPB đã qua sử dụng, nên những tân binh rất dễ kiếm những deal giá vô cùng hời, thay vì bỏ ra mười mấy hai chục đô thì giờ có thể kiếm những deal với giá mấy trăm trở xuống.
Hardcover cũng vậy, mặc dù chúng sẽ đắt hơn TPB khá nhiều. Nhiều người sẽ bảo rằng TPB cũng khá là giống Hardcover, vậy tại sao không mua TPB với giá rẻ hơn mà phải sưu tập hardcover làm gì? Well, đây cũng là 1 vấn đề khiến cho nhiều dân sưu tầm có suy nghĩ như thế vẫn chưa nâng cấp lên hardcover.
Và để trả lời vấn đề này thì chỉ có thể đưa một vài dẫn chứng ra. TPB có bìa mềm, nên trải qua thời gian, chúng rất dễ hỏng bìa và trường hợp dễ thấy nhất chính là quăn góc. Thay vào đó, bìa của Hardcover lại là bìa cứng, dễ bảo quản hơn, bảo vệ được cả bìa lẫn những trang truyện bên trong, và phần gáy cũng trông đẹp hơn TPB. Không những vậy, một số cuốn sẽ được bọc bởi Dust Jacket (bìa rời – nếu các bạn có sưu tầm manga sẽ bìa bìa rời là bìa giấy bọc bên ngoài bìa chính), trông đẹp và sang trọng hơn TPB. Về nội dung bên trong cũng không hẳn là giống nhau. Hardcover không những chỉ bao gồm 1 volume nhỏ trong 1 đầu truyện, mà còn kèm theo một số tập lẻ khác và đôi khi là cả một sự kiện ngắn ít tie-in. Số lượng art và variant cover cũng sẽ nhiều hơn TPB thường nữa. Nên đừng thắc mắc tại sao Hardcover lại đắt hơn TPB nhé.
Cuối cùng là thứ mà chỉ có những dân chơi thực sự mới có thể sưu tầm được – Omnibus và Absolute. Tiền nào của nấy, để có thể có được một cuốn truyện dày cộp cùng với tất cả tập truyện liên quan tới một sự kiện cu4gn như đầu truyện dài xuyên suốt của một nhà văn nào đó, thì cái giá bỏ ra phải rất lớn. Omnibus cũng có những đặc điểm như Hardcover, có điều nó lại đầy đủ hơn rất nhiều. Absolute cũng vậy, ngoài ra nó còn có một hộp riêng để giữ an toàn cho truyện. và cả hai thứ được trưng rất đẹp, vượt trên đẳng cấp của các định dạng truyện khác. Giá của những cuốn Omnibus và Absolute dao động từ 75 – 150 đô, rất đắt so với các định dạng khác. Nhưng vẫn có thể tìm được những deal hời từ những collector nước ngoài khác.
Vậy nên mua truyện ở đâu?
Đây cũng là một câu hỏi được rất nhiều bạn đề cập tới, hiện nay, ở Việt Nam đã có 1 số shop bán truyện và nhận order truyện từ nước ngoài về, đặc biệt nhất trong số đó là Amazing Comics. Ngoài ra, còn có hai nhóm sưu tập comic ở Việt Nam là Comic Collectors VN và Superhero Books Comic Collectors, các bạn có thể tham gia để tìm kiếm những cuốn truyện yêu thích. Còn nếu muốn solo thì hãy tìm comic trên Marketplace, Amazon hoặc Ebay nhé.
Chúc các bạn thành công trên con đường nghiện ngập ma túy giấy!
See ya!