61 ngày đã qua cùng Days gone

Huyền thoại ★

  

Ấn tượng ban đầu khiến cho tôi quyết định chơi Days gone có lẽ cũng chính là từ cái tên Days gone.

Những ngày đã qua. Tôi lẩm nhẩm trong đầu và tự dưng tôi nhớ đến một cách khá trực quan mà vui vẻ để mô tả một số kiểu người thông qua cái cách họ nhìn một chiếc cốc chứa 1/2 lượng nước.

Với những người theo chủ nghĩa lạc quan họ sẽ nhận định rằng cái cốc này đầy được một nửa rồi.

Những người thực tế thì sẽ nhận định đây là một cốc nước.

Những người thích phân tích thì lại nhận định cái cốc đựng một nửa là chất lỏng và một nửa là khí.

Còn những người theo chủ nghĩa bi quan thì chắc bạn cũng đoán được rồi, cái cốc này đã vơi đi một nửa.

Cái tên Days gone cho tôi một cái cảm giác rằng đây sẽ là một tựa game về những con người mắc kẹt trong quá khứ. Cái bối cảnh của game – thế giới hậu tận thế sau một đại dịch – càng khẳng định cho suy nghĩ đó của tôi. Thế nhưng có lẽ tôi đã nhầm vì kẻ duy nhất mắc kẹt trong quá khứ lại chính là nhân vật chính của chúng ta. Deacon St. John

Bối cảnh

Nếu có thể mô tả một cách trực quan nhất về Days gone thì có lẽ tựa game giống như một series phim truyền hình dài tập. Với mạch game chậm (đặc biệt là khoảng nửa đầu game) kết hợp với một bầu không khí khá u ám dễ khiến cho người chơi liên tưởng đến những series phim như The walking dead.

Vì đây là game thế giới mở thế nên có kha khá thứ hay ho mà ta không bao giờ có thể tìm thấy ở các tựa game loot shooting lấy đề tài zombie khác. Súng sắp hết đạn? Ta có thể kiểm tra cốp xe tuần tra của cảnh sát để tìm thêm đạn dược. Hết đồ sơ cứu, thuốc men. Thế thì còn chờ đợi gi mà không ghé qua các cửa hàng thuốc trong các khu dân cư. Hết đồ ăn dự trữ, hãy xách súng lên đi săn vài con hươu hay nhặt vài quả dại (mặc dù game không bắt nhân vật phải ăn như Red dead redemption 2). Thấy một ngôi nhà bỏ hoang ve đường. Hãy khám phá thử xem biết đâu lại có món gì đó hay ho.

Bạn muốn thử khẩu súng mới mua. Tại sao lại không thử dọn dẹp vài ổ nest. Ngứa nghề quá thì tìm vài bầy horde mà thử cảm giác mạnh. Ngoài ra ta còn có thể dụ một bầy zombie đặc biệt là vào buổi đêm vào những trại địch nhỏ tạo nên những tình huống cười ra nước mắt.

Cơ chế bắn súng cũng khá đã tay với khả năng focus làm chậm thời gian cho những pha căn chỉnh headshot khá thoả mãn. Súng ống không quá đa dạng nhưng có thể tạm chấp nhận được. Zombie khá phong phú về chủng loại (mặc dù bọn newt – zombie trẻ con – khiến tôi có phần không được thoải cho mái lắm).

Đặc biệt nhất phải kể đến chiếc xe máy có thể độ được theo ý thích. Từ màu sắc, hoạ tiết trang trí, động cơ, bánh xe, giảm sóc,…Càng độ cảm giác lái càng mượt. Sau này còn có thể trang bị thêm cho xe những túi đựng đạn dược bổ xung nhằm chữa cháy cho những tình huống lỡ nóng máu mà xả đạn quá nhiệt tình.

Thế nhưng game cũng còn vô số những điểm trừ không hề nhỏ. Đầu tiên phải kể đến cái cảm giác khó chịu, không thoả mãn khi mà nhân vật của chúng ta chỉ có thể mang một số lượng đồ giới hạn thành ra tình trạng “no dồn đói góp” là chuyện không thể tránh khỏi. Tất nhiên tôi hiểu rằng nhà phát triển muốn chúng ta không chỉ có chăm chăm đi loot đồ mà cứ sử dụng thoải mái đi. Thế nhưng với cơ chế như vầy có phần không phù hợp với mạch game chậm và quan trọng nhất là gián tiếp làm giảm sự kích thích tò mò khám phá của người chơi – cái thứ đáng lẽ phải là thế mạnh của các tựa game thế giới mở.

Không biết có phải do tôi hay do ý đồ của nhà phát triển mà tôi cảm thấy các vùng đất trong Days gone mang tiếng là thế giới mở thế nhưng có phần hơi tù túng. Ngoài những trung tâm Nero để kiếm thuốc tăng chỉ số hay trại bandit để mở map và học thêm đồ craft ra thì cũng chẳng có nhiều thứ để khám phá cho lắm. Chưa kể đến hệ thống AI cực kì khó hiểu và còn rất nhiều lỗi khác.

Mạch chuyện rất dài và có lẽ được thiết kế để người chơi khám phá hết mọi thứ đến mức đôi khi tôi nghĩ nếu game được làm theo kiểu semi-open world có lẽ sẽ hay hơi rất nhiều vì những khu vựa đã đi qua gần như là không có gì nhiều để lôi cuốn người chơi quay lại nữa.

Nhân vật

Deacon St. John có lẽ không phải là một nhân vật chính được xây dựng theo hình mẫu hoàn hảo. Deacon có lẽ cũng giống như bao người khác may mắn sống sót sau đại dịch. Có lẽ vì thế tôi mới dễ dàng cảm nhận được sự gần gũi và thấu hiểu được những băn khăn, trăn trở cũng như nỗi đau của anh.

Trong vài tiếng đầu tiên chúng ta được biết rằng vợ của Deacon đã chết không lâu sau cái đêm định mệnh trong cutscene đầu tiên. Và có lẽ tâm trạng của anh đang ở giải đoạn chuyển giao giữa sự tức giận và dằn vặt (trong 4 gian đoạn tâm lý cơ bản: phủ nhận – tức giận – dằn vặt – chấp nhận). Tôi có thể cảm thấy trong anh một cơn cuồng nộ mặc dù chỉ thoáng qua thôi còn lại thì phần lớn vẫn là sự dằn vặt. Cũng có thể vì vậy mà Deacon không muốn gắn bó với bất kì một camp nào. Deacon chỉ như một người chạy việc cho các camp chủ yếu để trao đổi thuốc men đạn dược để chuẩn bị cho một chuyến hành trinh dài tìm một khởi đầu mới ở phía bắc. Thế rồi biến cố xảy ra: người anh em Boozer bị thương, mất xe,… khiến cho Deacon càng chìm sâu trong quá khứ. Những dòng hồi ức về quá khứ của anh và vợ xuất hiện nhiều hơn. Đặc biệt những dòng hồi ức có tông màu tươi sáng trái ngược hoàn toàn với hiện tại mà Deacon đang phải trải qua.


Thế rồi một bước chuyển biến lớn sau khi anh giải cứu một cô bé có tên Lisa. Anh bắt đầu hướng sự quan tâm của mình dành cho cô. Có lẽ vì vợ anh cũng đã từng có một người em gái.

Thế rồi anh gặp lại tay kĩ thuật viên của Nero cùng ở trên trực thăng của vợ anh trong cái đêm định mệnh. Tôi không thể nghĩ rằng một nhân vật siêu phụ, nhát cáy và có lẽ được xây dựng như một nhân vật tấu hài như O’brian lại có giây phút hết sức con người. Với một câu nói khiến Deacon và tôi phải bừng tỉnh:

“I’m sorry about your wife but you not the only one who lost someone that night”.

Deacon bừng tỉnh khỏi cơn giận dữ và dằn vặt. Tôi thì bừng tỉnh vì gần như bị cuốn theo lối suy nghĩa lẫn cảm xúc của Deacon từ đầu game cho đến tận bây giờ. Và phân đoạn đấy của nhân vật O’brian có lẽ là phân đoạn đáng giá nhất trong cả tựa game này. Phải rất lâu rồi kể từ sau Red dead redemption 2  mới một phân đoạn đỉnh cao đến vậy. Damnn!

Có lẽ sự quan tâm của anh dành cho Lisa và câu nói của O’brian đã khiến tâm trạng của anh có một sự chuyển biến lớn tạo tiền đề cho giải đoạn cuối cùng. Sự chấp nhận.

Deacon đến thăm tảng đá tưởng niệm tại khu tập trung Nero vỡ trận bởi cuộc tấn công của Zoobie nơi có lẽ vợ anh đã không qua khỏi. Đây không phải lần đầu anh đến đây thế nhưng có lẽ đây sẽ là lần cuối cùng. Có lẽ Deacon đã sẵn sàng để bỏ lại mọi thứ phía sau và bắt đầu một khởi đầu mới.


Diễn biến tâm lý của Deacon được thể hiện thực sự rất tốt mà có lẽ có thể nói rằng Deacon là nhân vật game có nội tâm sâu sắc mà tôi thấu hiểu nhất trong tất cả những tựa game tôi từng được trải nghiệm. Có thể vì tôi cũng giống anh cũng đã phải trải qua nỗi đau mất đi một người quan trọng nhất trong cuộc đời mình. Một nỗi đau dai dẳng gặm nhấm từ bên trong, một vấn đề khó khăn khi mà nó không hiện hữu để có thể giải quyết. Để rồi khi đứng trước biến cố cuộc đời hoặc là buông xuôi để nỗi đau nuốt chửng hoặc là bỏ lại mọi thứ ở phía sau tiếp tục bước đi mặc cho những nỗi đau vẫn sẽ để lại những di chứng nặng nề thay đổi chúng ta mãi mãi.

Tôi tự dưng lại nhớ đến hình ảnh của Keanu Reeves một thần tượng của tôi không phải anh là siêu sao hay quý ông lịch thiệp nhất Hollywood. Không. Tôi thích anh bởi vì anh là một người thể hiện được bản lĩnh của mình, đứng dậy, toả sáng và thậm chí là lan toả những điều tốt đẹp ngay cả khi bị những biến cố của cuộc đời ập đến dồn dập và quật anh đến tàn tạ.

Deacon bắt đầu gặp lại những ngườ bạn cũ Rikki, Addy,… và phải dành một lời khen khi mà những nhân vật phụ tuy ít nhưng mà họ đều có những nét riêng và cái cách họ nói chuyện, tương tác với nhau cũng hết sức gần gũi. Quá trình xây dựng lòng tin của Deacon và tương tác của anh với họ cũng hết sức tự nhiên.

Thế nhưng cốt truyện chính bắt đầu hé lộ những thông tin rằng có thể vợ của Deacon vẫn còn sống. Tôi cảm giác hơi hụt hẫng bởi vì tôi biết rằng nhà phát triển chắc chắn sẽ chẳng bao giờ giám mạo hiểm đâu. Sẽ lại là một cái kết an toàn như bao tựa game khác. Sẽ chẳng có tựa game nào giám mạo hiểm đặt người chơi vào một câu chuyện đen tối và phải suy nghĩ nhiều được như The last of us 2. Có thể nhiều người sẽ không thích. Đúng! Thế nhưng những studio như Naughty dog có lẽ cũng có thể vui vì đã làm hài lòng một số ít những gamer đã chán ngấy những game có cốt truyện an toàn và lặp đi lặp lại ngày nay.

Tôi đã định dừng game ở tại đây vì sau khi gắn bó vài chục tiếng đồng hồ thì có vẻ như sự phát triển về tâm lý của Deacon không còn quá nhiều ý nghĩa nữa. Thế nhưng có lẽ vì sự tò mò và quan tâm đến những nhân vật thú vị đặc biệt phải nói đến chuyện tình của Deacon và Sarah làm động lực chính để tôi vẫn tiếp tục mạch chuyện.

Nhịp độ game từ khoảnh một phần 3 cuối về sau nhanh và gay cấn hơn. Mặc dù có nhiều lúc diễn biến hơi vội (trong khi nửa đầu game lại quá chậm) thế nhưng diễn biến câu chuyện của game hoàn toàn xứng đáng để tôi bỏ ra hơn 100 tiếng đồng. Và tất nhiên tôi hoàn toàn mong chờ vào một hậu bản mặc dù nghe có vẻ hơi mong manh vì câu chuyện đã kết thúc khá trọn vẹn.

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện