TAILS OF IRON – CÂU CHUYỆN VỀ VƯƠNG QUỐC CHUỘT

Khách quen

  

Những tựa game đi cảnh màn hình ngang luôn có một sức cuốn hút kì lạ cũng có thể đối với cá nhân mình nhưng cũng có thể đối với nhiều người, với Tails of Iron thì mọi thứ còn tốt hơn nhiều khi nó đem lại lối chơi và phần hình ảnh đặc biệt lôi cuốn. Ngay từ đầu khi mình vừa thấy game này trên Steam lập tức đã bị ấn tượng bởi phần đồ họa vẽ tay cực kì độc đáo. Thế là mình quyết định tậu con game này về để trải nghiệm và thực sự những gì game đem lại còn vượt hơn những gì mình mong đợi. Chính vì thế, đây sẽ là một bài review về Tails Of Iron mà do chính bản thân mình tâm huyết trải nghiệm và viết bài.

Tails Of Iron là một tựa game phiêu lưu RPG có yếu tố soul-like được phát triển bởi Odd Bug Studio và phát hành bởi United Label, phát hành vào ngày 17/09/2021 dành cho các hệ máy PC, PlayStation 4, Xbox Series X và Series S, Nintendo Switch, PlayStation 5, Xbox One. Game kể về hành trình của nhà vua trẻ Redgi, chàng chuột nhắt nhỏ bé vừa lên ngôi tại vương quốc chuột. Bất hạnh giáng xuống đầu Redgi cùng thần dân của mình vào đúng ngày đăng quăng, khi kẻ thù truyền kiếp của bọn chúng là đám ếch đầm lầy đột kích bất ngờ, mọi thứ gần như bị xóa sổ . Từ đây Redgi phải một mình đứng lên với trọng trách gây dựng lại vương quốc từ con số 0, và đồng thời báo thù cho anh em của mình.

Game có cơ chế chiến đấu rất hay và độc đáo mà mình lần đầu được trải nghiệm kiểu này. Lối chơi của Tails of Iron vẫn là phong cách hành động đi cảnh màn hình ngang quen thuộc, nhưng có các yếu tố Souls-like rất rõ nét, điển hình là sát thương từ đám lính thường thôi cũng đủ tiễn Redgi đi từ 1/3 tới 1/2 cây máu. Tuy nhiên, vì là game lấy bối cảnh giống như nước Anh thời trung cổ, vì thế cơ chế ra đòn của các trận đấu có nhịp rất rõ ràng và đi theo tiết tấu đỡ – né và phản đòn, sẽ không có chuyện nhấn nút rầm rầm đánh bừa, mà gamer phải tính toán rất kĩ trong từng tình huống nếu không muốn lên bàn đếm số.

Chính vì cơ chế chiến đấu như thế, nên vũ khí của Redgi cũng được chia làm 3 loại chém (kiếm), đâm (giáo) và bổ (rìu và vũ khí hai tay). Mỗi loại vũ khí như vậy sẽ đại diện cho một phong cách chơi khác nhau, ví dụ như kiếm chém nhanh nhất nhưng tầm gần, giáo đâm xa và tốc độ trung bình, còn rìu thì sát thương cao nhưng cực chậm. Game tái hiện lại các trận đấu kiếm thời trung cổ khá rõ ràng, tức là hai bên sẽ dùng khiên che kín người, sau đó chờ đối thủ sơ hở để ra hoặc phản đòn, đó cũng chính là một trong những điểm độc đáo của game. Bên cạnh các vũ khí cận chiến, game còn cung cấp thêm cả vũ khí tầm xa như cung, nỏ và súng. Ngoài ra còn có cả áo giáp và mũ giáp. Chính vì thế kho tàng item trong game phải nói là cực kì đồ sộ và việc chọn item sẽ phụ thuộc vào phong cách chơi của từng game thủ.

Tiết tấu của Tails of Iron vì thế khá chậm, cơ bản bạn có muốn đánh nhanh cũng không được, vì nếu liên tục tấn công thì kẻ địch sẽ phản lại bằng những đòn đánh không thể đỡ, mỗi lần như vậy mất máu cũng phải gần 50%. Thành ra yếu tố kiên nhẫn là điều cực kì quan trọng khi chơi. Có thể đối với nhiều game thủ, lối chơi của Tails Of Iron càng về sau thì vẫn vậy chứ không có gì thay đổi nhưng điều khiến game giữ chân được game thủ đó là từng đòn đánh mỗi lần chém cực kì lực đến sướng phê cả tai, bạn có thể cảm nhận được từng nhát chém nặng nề của vũ khí. Ngoài ra các con boss cũng là điểm nhấn của game khi mỗi con đều có một move-set riêng biệt và không con nào giống con nào, vì thế các trận đánh boss trở nên đa dạng và thú vị rất nhiều. Về độ khó thì cũng không phải là quá khó nhưng cũng không phải là quá dễ, chỉ cần bạn chết vài lần thì bạn sẽ học được từng nước đi của boss từ đó tự đề ra chiến thuật nhằm chiếm lợi thế trong trận đấu.

Tuy nhiên, vì mình là game thủ dễ tính nên cũng không phàn nàn gì quá nhiều về mặt chiến đấu của game nhưng có lẽ đối với một số game thủ khó tính thì đây có thể là điểm trừ,vì nó hơi bị mất cân bằng. Đầu tiên là sát thương giữa trùm và lính thường quá cách biệt, thậm chí là đôi khi lính thường còn đánh mạnh hơn cả trùm. Move set của các con trùm cũng khá dễ đoán, thành ra những trận đánh trùm nhìn thì ghê nhưng thực ra lại quá dễ.Nếu so sánh theo chuẩn của Souls-like thì Tails of Iron coi như thất bại, vì nó chưa tạo đủ mức độ thử thách, chơi thì cũng hay nhưng càng về sau càng cảm thấy nhạt, điều này là thứ khiến cho game chỉ thuộc dạng “khá” thôi chứ còn “cực hay” thì còn xa. Dù sao thì Tails of Iron cũng có nỗ lực đáng khen, với game thủ dễ tính như mình thì như vậy cũng là ổn.

Game cũng rất có tâm khi các điểm lưu (ở đây là những chiếc ghế, ngồi lên thì game sẽ lưu, khá giống Hollow Knight) được bố trí khá nhiều trong game và trước khi đánh boss đều có một điểm lưu để game thủ đỡ mất công đi xa nếu bị thua. Trên cuộc hành trình, Redgi không hề đơn độc mà sẽ gặp các nhân vật phụ để nhận nhiệm vụ, làm side quest và thỉnh thoảng có một vài NPC đi theo để hỗ trợ chiến đấu cho Redgi.

Về mảng đồ họa của game, có thể nói đây là yếu tố được khen nhiều nhất của Tails of Iron, khi game đi theo lối vẽ tay dựng hình 2D cổ điển, thứ làm nên cái chất của thể loại đi cảnh màn hình ngang. Bạn sẽ cảm nhận rõ hình ảnh của nước Anh thời trung cổ, với công trình, hiệp sĩ và trang bị đặc trưng, cũng như những chú chuột và đám ếch được nhân hóa với đống áo giáp cùng vũ khí hầm hố gai góc, thể hiện rõ chất hiệp sĩ của từng nhân vật.

Mỗi vùng đất trong Tails of Iron đều có chất riêng và phân chia rất rõ ràng, mặt đất là nơi của vương quốc chuột hay “sự sống”, với làng mạc cùng con người sôi động, những sinh vật đang tìm cách xây dựng lại ngôi nhà của mình sau cuộc xâm lược. Đối nghịch với sự sống là cái chết, với phần lãnh thổ của đám ếch là đầm lầy đầy khí độc, các ngôi nhà làm bằng xương cùng gỗ mục đại diện cho sự hủy diệt.

Sự tương phản này tạo ra ấn tượng rất mạnh cho Tails of Iron, càng về cuối game người chơi sẽ càng cảm nhận được tại sao hai loài chuột và ếch phải đánh nhau tới chết, khi nó đơn thuần là sự khác biệt về lẽ sống khi một bên phải xóa sổ kẻ còn lại để tồn tại. Tầng thấp của vương quốc là nơi ở của lũ bọ, đám sinh vật phiền nhiễu giống như một loại dịch bệnh ăn mòn mọi thứ.

Về mặt âm thanh, có lẽ mảng âm nhạc của game chưa đủ xuất sắc nhưng cũng làm tròn nhiệm vụ của nó khi sử dụng các bài nhạc có âm hưởng của thời trung cổ, bên cạnh đó âm thanh môi trường làm rất tốt và sinh động, bạn có thể nghe được sự nhộn nhịp của làng mạc nơi vương quốc chuột hay sự âm u đến rùng rợn của vương quốc đầm lầy của lũ ếch. Game không hề có câu thoại nào mà lũ chuột chỉ giao tiếp bằng tiếng:”chít chít chít” kì lạ nghe khá hài hước, nhưng không hiểu sao mình lại thích nghe cái âm thanh đó, rất vui tai =))))

Lời kết: Tails of Iron xứng đáng là một tựa game mà ai cũng nên trải nghiệm qua, với những yếu tố như đồ họa và gameplay cùng với độ khó vừa phải, Tails of iron rất phù hợp với mọi đối tượng game thủ. Với cá nhân mình, đây là một trong những game đi cảnh 2D ấn tượng trong thời gian gần đây.

Rate: 9/10


Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện