DEVOTION – KHI TÌNH YÊU ĐẶT NHẦM CHỖ

Khách quen

  

Trước khi vào vấn đề chính, mình muốn khoe với anh em rằng mình mới được gia đình cho lên đời một con lap gaming khá là chiến nên cuối cùng sau 22 nồi bánh chưng mình cũng đã đủ điều kiện để tập trung vào niềm đam mê của mình đó là chơi game. Vì trước đây con lap cũ của mình khá là yếu và già cỗi, hồi cấp 3 được gia đình mua chỉ dùng cho mục đích để học hành chứ không chiến được nhiều game, nhất là những tựa game ở giai đoạn 2015 cho đến hiện tại là con lap già cỗi của mình bó tay luôn, vì nó quá yếu so với cấu hình mà những tựa game đó đưa ra. Sau khi có lap mới mình cuối cùng cũng đã có thể trải nghiệm được những tựa game mình từng ao ước, và trong đó có cả Devotion – một tựa game kinh dị tâm lý nhưng đậm tính nhân văn.

Mình rất ít khi review game kinh dị nhưng con game này sau khi chơi xong đã để lại cho mình rất nhiều cảm xúc và ấn tượng, nên hôm nay quyết định ngồi đây hàn huyên vài lời cảm nhận về con game này. Lưu ý là vì mình có khá nhiều cảm xúc về các tình tiết trong game nên không thể tránh khỏi một vài spoiler, các bạn nên cân nhắc trước khi đọc tiếp nhé!

Đầu tiên mình sẽ nói sơ lược qua thông tin về con game này trước để các bạn nắm rõ hơn. Devotion là một game kinh dị tâm lý góc nhìn thứ nhất do hãng Red Candle Games từ Đài Loan phát triển và phát hành cho nền tảng Microsoft Windows thông qua Steam vào ngày 19 tháng 2 năm 2019. Hãng này trước đây từng làm game Detention cũng rất là chất lượng và thành công.

Game lấy bối cảnh tại Đài Loan những năm thập niên 1980, với phần lớn thời lượng trò chơi diễn ra trong một khu chung cư ở Đài Bắc. Vì là game của người Châu Á nên nó mang đậm nhiều yếu tố văn hóa cũng như tôn giáo dân gian Đài Loan, với cốt truyện xoay quanh nhân vật chính Đỗ Phong Vu, vì muốn cứu con gái mắc bệnh nên đã tin tưởng tuyệt đối vào lời thầy cúng thực hiện những nghi thức mê tín dị đoan gây nên bi kịch gia đình.

Theo mình được biết là đây thực sự là một game chất lượng và nhận được rất nhiều lời khen có cánh, tuy nhiên vì có một chi tiết trong game, cụ thể là trong game có một tấm ảnh chế giễu chủ tịch nước Tập Cận Bình với gấu Winnie The Pooh nên game đã bị lên án và gỡ bỏ khỏi Steam, đây là một điều thực sự rất đáng tiếc và mình cũng không hiểu vì sao nhà làm game lại cài cắm chi tiết đó vào.

When Will Devotion Return To Steam? Devs Said They're "Uncertain"

Về gameplay, Devotion đơn giản là một game kinh dị tuyến tính, gameplay không quá đặc sắc, các màn giải đố trong game cũng khá đơn giản và dễ solve chứ không thử thách như kiểu Amnesia: the dark descent. Thế nhưng nổi bật trong game chính là việc nhà phát triển đã thành công trong sự truyền tải văn hoá, truyền tải một câu chuyện đầy đau lòng mà khiến ai ai trong chúng ta sau khi chơi xong đều phải suy nghĩ về nó rất nhiều. Mình chơi game này cảm giác hoảng sợ thì ít mà đượm buồn thì nhiều.

Về nội dung chính của câu chuyện, vào những năm đầu của thập niên 70, Đỗ Phong Vu là một nhà biên kịch trẻ đầy tài năng với nhiều lối viết mới lạ, đoạt được rất nhiều giải thưởng lớn lúc bấy giờ. Đây cũng là giai đoạn khởi sắc trong sự nghiệp của ông Vu. Cuộc sống của ông càng đẹp hơn nữa khi kết hôn với Củng Lệ Phương, bà là một minh tinh kiêm ca sĩ nổi tiếng thời bấy giờ. 2 người đã có với nhau một cô con gái xinh đẹp tên là Đỗ Mỹ Tâm. Cả ba người chung sống trong căn hộ nhỏ tại khu chung cư, bà Phương từ khi lập gia đình cũng đã từ bỏ sự nghiệp ca hát, diễn xuất của mình để toàn tâm toàn ý chăm lo cho gia đình, chu toàn trách nhiệm của một người vợ, giống như những gì mà định kiến của xã hội lúc bấy giờ đã áp đặt lên cuộc đời một người phụ nữ đã có chồng.

Screenshots for Devotion Adventure Game | Adventure Gamers

Và rồi chuyện gì đến cũng sẽ đến, ông Vu hiện tại là trụ cột duy nhất trong nhà nhưng rồi sự nghiệp đang đi xuống, chất lượng sản phẩm của ông không còn được như thời huy hoàng trước, khiến ông bị áp lực nặng nề. Bà Phương, vợ ông Vu vì thương ông và lo lắng cho gia đình, đã ngỏ ý với chồng về việc sẽ quay trở lại sự nghiệp diễn xuất để phần nào phụ giúp tài chính trong nhà. Nhưng, bản tính gia trưởng của một người đàn ông lại nổi lên, ông Vu không cho vợ mình quay trở lại nghiệp diễn, mà còn cay nghiệt hơn khi đỉnh điểm là lúc ông cắt nát tươm bộ váy đỏ sườn xám của bà, biểu tượng thiêng liêng của minh tinh một thời. Tuy nhiên người đáng thương nhất trong căn nhà chính là cô bé Mỹ Tâm, em luôn phải chịu cảnh bạo lực gia đình, bố mẹ cãi nhau triền miên khiến cho em rơi vào chứng rối loạn thần kinh mà người chơi chúng ta có thể thấy được qua những lần Mỹ Tâm khó thở, mất bình tĩnh và ngất xỉu đột ngột.

Ông Vu vì quá thương con lại tìm đến một bà thầy cúng, bà Hà nói bà đã nghe về chuyện của Mỹ Tâm, và nghĩ bà có thể chữa được cho cô, còn ông Vu thì liền răm rắp nghe theo những gì bà Hà bảo. Bà thầy cúng khuyên ông Vu cần phải cúng bái Từ Cô Quan Âm để chữa cho Mỹ Tâm, lần đầu chỉ là một cỗ cúng nhỏ thôi, nhưng bệnh tình thuyên giảm, sắc mặt Mỹ Tâm cũng tốt hơn, nên ông Vu đã tin hoàn toàn vào việc cúng bái này và đã dốc hết toàn bộ tiền bạc cho bà thầy cúng kia để thỉnh thần độ trì cho gia đình mình.

Giọt nước tràn ly, khi thấy chồng mình liên tục ói tiền cho bà thầy cúng đó, người vợ đã quá thất vọng và quyết định chuyển đi. Lại thêm một biến cố rời xa mẹ khiến bệnh tình của cô bé tội nghiệp ngày lại một nặng hơn.

Ông Vu liên tục cúng bái, nghe lời bà Hà đi tìm các kỷ vật của gia đình ngâm cùng với rượu rắn cạp nong để cho ra một bình rượu phép trong truyền thuyết của Từ Cô Quan Âm. Sau đó bà thầy cúng hướng dẫn ông Vu đi vào cõi tâm linh để hiến tế các bộ phận của mình nhằm lấy lại sự sống bên trong Mỹ Tâm, hiến mắt, hiến lưỡi và hiến máu là 3 điều ông Vu đã làm để chứng minh sự thành tâm của mình. Chưa dừng lại ở đó, ông Vu còn nghe theo lời bà Hà rằng là dùng rượu phép đã ngâm được đổ đầy bồn tắm và dìm Mỹ Tâm vào để rượu phép thanh tẩy cô bé trong 7 ngày. Ông đã làm theo nhưng khi thấy Mỹ Tâm không còn cử động, thì ông nhận ra Mỹ Tâm đã chết vì sự ngu ngốc và mù quáng của ông, còn bà thầy cúng thì mất liên lạc luôn.

Mình sau khi hoàn tất game đã thực sự buồn và cực kì giận với nhân vật người bố trong game. Thật quá tội nghiệp cho cô bé Mỹ Tâm rất dễ sụp đổ khi tuổi còn quá nhỏ mà phải trải qua nhiều cú sốc tinh thần quá lớn. Còn người bố thực sự quá đáng trách vì sự mù quáng của bản thân. Ông luôn yêu thương con hết mực nhưng lại quá tin tưởng vào những cái mê tín dị đoan và dễ bị dắt mũi, từ đó khiến cho ông bị mụ mị. Người mẹ cũng là một nhân vật tuy xuất hiện rất ít trong game nhưng cũng là một nhân vật đáng thương không kém khi bà rất quan tâm đến gia đình nhưng lại bị ông chồng gia trưởng thể hiện những hành động rất…thiếu tôn trọng!

Trong game có một trường đoạn mà đối với riêng mình nó khá là ấn tượng, đó chính là cảnh ông Vu bị hồn ma của bà Phương rượt đuổi khắp khu chung cư. Ông Vu lúc này không tìm được đường ra, càng chạy càng lạc lối trong mê cung, bà Phương thì liên tục đuổi theo sau, chi tiết này theo mình nghĩ đối với ông Vu, bà Phương luôn liên tục gây sức ép, áp lực về tài chính, công việc, gia đình cho ông Vu nên khiến ông bị ám ảnh và chi tiết hồn ma của bà Phương đuổi theo là thể hiện cho nỗi ám ảnh đó.

Horror Game To Remain Pulled From Steam Following Backlash

Và ngược lại, phân cảnh khiến cho mình khó chịu nhất có lẽ là phân cảnh mà khi ông Vu hiến tế các bộ phận của mình nhằm lấy lại sự sống bên trong Mỹ Tâm, hiến mắt, hiến lưỡi và hiến máu. Đây là phân đoạn khá là máu me và chân thực, nó khiến cho một thằng sợ máu như mình phải rùng mình. Biết là làm vậy để thể hiện sự thành tâm và sự hy sinh vì tình cảm yêu thương dành cho con gái, nhưng quả thực phân cảnh này làm mình phải vừa xem vừa nhăn mặt, thốn thật sự! 🙁

Không có mô tả.

Vì là một game kinh dị tâm lý nên game sử dụng những chất liệu kinh dị cũng không kém phần… bất bình thường. Tất cả bối cảnh và môi trường trong game đều vặn vẹo và bất hợp lý như một giấc mơ. Ngay cả kiến trúc căn nhà cũng vậy, có những khi bạn mở cửa phòng ngủ lại thấy trước mặt là hành lang chung cư. Cũng là hành lang chung cư nhưng mỗi khi bạn bước ra thì nó lại là một cái khác như đường thẳng với đầu kia… cũng là cửa nhà bạn (nhưng ở một mốc thời gian khác) hay thậm chí là cầu thang lên tầng hay hành lang rẽ ngoằn nghoèo. Và nó sẽ luôn thay đổi liên tục khiến người chơi bất ngờ và không ngừng cảm thấy hoang mang.

Ví dụ nếu hỏi mình về một phân đoạn mà đáng sợ nhất trong game, chắc bạn sẽ nghĩ đến jumpscare ngay đúng chứ, thì câu trả lời là không. Phân đoạn mà làm mình hoảng sợ nhất phải kể đến những con búp bê ngồi trong nhà, cứ mỗi lần bạn quay mặt đi chỗ khác và quay lại thì phát hiện rằng nó đã đổi tư thế, và cảm giác như nó đang nhìn bạn, và cứ mỗi lần mình lại ngoảnh đi chỗ khác và nhìn lại thì thấy bọn chúng nhìn chằm chằm vào mình, thề luôn đoạn này khiến mình hoang mang cực độ!


Game cũng có lồng vào 2, 3 cái jumpscare nhưng được sắp xếp một cách hợp lý và logic chứ không phải thêm vào cho có chỉ để hù dọa người chơi một cách rẻ tiền. Ví dụ như có một phân đoạn đang đi ở hành lang bỗng nhiên khuôn mặt của hồn ma bà Phương bay xoẹt qua người khiến mình giật bắn người lên tuy nhiên xét lại thì vì bà Phương luôn là nỗi áp lực của ông Vu nên việc ông cảm giác bị đeo bám bất cứ lúc nào là lẽ đương nhiên, chứ không phải nhà làm game thêm vào cho có.

redcandlegames hashtag on Twitter

Bên cạnh phần cốt truyện xuất sắc đầy tính nhân văn, yếu tố âm thanh và hình ảnh cũng được đầu tư rất chỉn chu. Về mặt âm thanh, mình rất khen nhà phát triển vì đã làm phần âm thanh quá xuất sắc, game sử dụng âm thanh môi trường rất tốt khi đã thiết lập nên một bầu không khí im ắng, u tối và “không an toàn” khiến cho người chơi luôn phải dè chừng. Cho dù nếu game không có jumpscare, thì riêng việc bạn đi lang thang trong nhà hay những hành lang tăm tối với âm thanh ma mị cực kì chân thực, bạn sẽ không biết điều gì sẽ xảy ra và ập đến bất cứ lúc nào với mình, điều đó làm gia tăng độ đáng sợ của game hơn rất nhiều.

Bên cạnh đó, về mảng âm nhạc, mình cực kì thích bài hát “Cô gái nơi bến tàu” ở đoạn kết game, bài hát này thực sự rất hay và sau khi nghe lần đầu mình đã phải lên Youtube để tìm và nghe lại. Còn về mặt hình ảnh, game sử dụng Unity Engine và tạo nên những khung cảnh đậm chất Châu Á của những năm 70 rất đẹp, bóng bẩy và huyền ảo trong tiềm thức ma mị. Các mảng tối sáng của ánh đèn neon, ánh nến leo lét, ánh đèn dây tóc vàng vọt và mờ ảo được xử lý khá tốt tạo cảm giác hoang phế và bất an cho môi trường trong game.

Banned Taiwanese horror game Devotion is available again, DRM free | PCGamesN

Devotion - Download Free Full Games | Horror games


Điều mà làm mình không thực sự hài lòng lắm khi không để người chơi bấm left shift để chạy như bao game khác mà chỉ để nhân vật đi bộ từ từ chậm rãi kiểu walking simulator khiến cho thằng thiếu kiên nhẫn như mình hơi khó chịu. Tuy nhiên cái này cũng không quá đáng kể vì mình hiểu rằng nhà làm game cố tình làm vậy để người chơi trải nghiệm game và khám phá một cách trọn vẹn hơn. Nên thôi cũng không phải khuyết điểm gì quá lớn.

Devotion review | Rock Paper Shotgun

Lời kết: Devotion là một tuyệt phẩm xuất sắc về cốt truyện nếu bạn đủ trình độ tiếng Anh để hiểu nó, tuy nhiên cũng có bản Việt hóa rồi nên các bạn có thể tải bản Việt ngữ để có một trải nghiệm trọn vẹn hơn. Nó như một quyển tiểu thuyết động mang một chút yếu tố giải đố hơn là một game phiêu lưu giải đố thật sự. Nếu bạn muốn tìm một câu chuyện với thông điệp nhân văn và đầy ý nghĩa kèm thêm một chút giải đố lục lọi thì không thể bỏ qua Devotion. Nhưng nếu bạn thuộc tuýp thích vắt não giải câu đố khó hay thích hành động bắn súng không cần suy nghĩ, bỏ qua cắt cảnh không cần biết cốt truyện thì Devotion có lẽ không dành cho bạn. Tuy nhiên, đây chắc chắn phải là tựa game ai cũng phải nên chơi qua ít nhất một lần, để có thể đồng cảm và biết được giá trị của gia đình đối với mỗi chúng ta luôn quan trọng như thế nào.

Rate: 8.9/10

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện