CALL OF CTHULHU SẼ ÁM ẢNH BẠN NHƯ THẾ NÀO?

Khách quen

  

Call of Cthulhu được sản xuất và xây dựng theo thể loại game nhập vai có yếu tố kinh dị làm chủ đạo. Cảm hứng xây dựng cốt truyện được dựa theo nguyên tác của nhà văn H.P.Lovecraft, truyện ngắn có tên The Call of Cthulhu. Sau đó vào năm 1981 nó đã được chuyển thể thành trò chơi nhập vai như bây giờ. Vào ngày 30 tháng 10 năm 2018 game được ra mắt với người chơi trên PC, Xbox và PS4. Thời gian gần đây thì đã được phát hành trên Nintendo Switch. Call of Cthulhu đã có những đánh giá khá tốt khi được phát hành lần đầu vào năm 2018, bản 8.6/10 do tạp chí IGN chấm, 79% từ tạp chí PC Gamer và 87% từ Metacritic.

Mình là một fan của những tiểu thuyết H.P.Lovecraft nên chính vì vậy từ lúc trailer tựa game này được công bố, mình không thể cầm nổi sự háo hức. Trước đây đã từng có một tựa game cũng lấy đề tài này có tên Call Of Cthulhu: Dark Corner of The Earth từ nhà phát triển Headfirst Productions ra mắt vào năm 2005 với chất lượng cực kì tốt, chính vì vậy nên mình không ngần ngại mà kì vọng vào tựa game Call of Cthulhu ra mắt gần đây. Và cuối cùng kì vọng của mình đã được đáp lại một cách xứng đáng, vậy Call of Cthulhu có gì hấp dẫn? Sau đây là vài phân tích từ trải nghiệm của bản thân mình sau 14 giờ đồng hồ để hoàn tất game.

Sơ lược về bối cảnh trong game, lấy mốc thời gian là vào năm 1924, người chơi sẽ vào vai một điều tra viên tên là Edward Pierce. Nhiệm vụ của bạn là khám nghiệm và điều tra cái chết bí ẩn, bi thảm của gia đình Hawkins. Những người này đều chết thảm trong một vụ hỏa hoạn. Manh mối duy nhất là một bức tranh được người mẹ điên cuồng vẽ lại ngay trước khi bà chết. Bí ẩn này dẫn Edward đến một hòn đảo nằm ngoài đại dương cách xa đất liền và ít người biết đến có tên là đảo Darkwater, và với quá khứ là một chiến binh, từng trải qua những cuộc chiến tranh đầy khốc liệt và đau thương, Edward bị ám ảnh và phải sử dụng rượu, thuốc ngủ hàng ngày. Khi lâm vào cuộc điều tra này, mọi thứ trở nên mờ ám, bí ẩn hơn. Một thế giới đầy điên loạn xuất hiện với những khoảng mông lung vô định. Bạn sẽ phải đối diện với bối cảnh vô cùng đáng sợ, những góc tối đầy ghê rợn. Những cái xác đầy thương tích, bóng ma chập chờn, những cái chết bí ẩn,….

Khi càng ngày càng phát hiện ra nhiều manh mối, thám tử tư Edward càng khám phá ra nhiều tình tiết rùng rợn và bí ẩn. Những thi thể đầy vết thương cùng với những vụ mất tích không rõ nguyên nhân. Tất cả những điều đó chỉ là khởi đầu của một cuộc phiêu lưu đen tối phía trước, nó sẽ khiến chính Edward nghi ngờ sự tỉnh táo của mình.

Call of Cthulhu là trò chơi nhập vai điều tra theo hướng kinh dị tâm lý và sử dụng gameplay ẩn nấp, lén lút. Hầu hết thời gian trong game bạn sẽ tập trung vào tương tác với NPC, chọn lời thoại và hành động nhằm có thêm manh mối để giải mã từng bí ẩn, và đặc biệt đây là tựa game có yếu tố choice matter chính vì thế nên mỗi lời nói hoặc hành động mà bạn lựa chọn sẽ ảnh hưởng đến hệ quả sau này, bao gồm cả cái kết của game. Game sẽ có 4 kết thúc tùy thuộc vào những lựa chọn và hành động của bạn xuyên suốt trò chơi. Bên cạnh đó game cũng có yếu tố giải đố, thi thoảng bạn sẽ tìm, thu nhặt đồ vật để giải các câu đố, nhưng thực sự thì chúng không quá thử thách và người chơi có thể dễ dàng giải được.

Call of Cthulhu bao gồm tất cả 14 chương. Nếu chơi liền mạch, người chơi sẽ cần khoảng 12 đến 15 giờ để hoàn thành tất cả. Game sẽ có 4 kết thúc, trong quá trình chơi sẽ kết thúc theo 4 cách bất kỳ tùy bạn lựa chọn thao tác khi chơi.

Nhà phát hành đã cho biết rằng trò chơi này mang yếu tố tâm lý kinh dị nặng nề. Khi lấy bối cảnh là những năm sau thế chiến, thời kỳ loạn lạc và đen tối của xã hội. Một người lính sau khi trở về từ chiến trường, mang trong mình nỗi ám ảnh về quá khứ. Nguyên nhân mà Call of Cthulhu trở nên đáng sợ và ám ảnh người chơi là vì Cyanide Studios đã lồng ghép vào các cảnh bạo lực máu me hạng nặng để tái tạo lại không khí trong game giống như nguyên tác văn học như những phòng thí nghiệm u ám đáng sợ, cùng với những căn nhà hoang yên tĩnh đến rợn người, hoặc những bệnh viện ma đầy rẫy sự bí ẩn. Chắc chắn sẽ khiến cho bạn không thể nào bình tĩnh nổi khi chơi.

Kết quả là trong quá trình trải nghiệm game sẽ có rất nhiều cảnh rùn rợn mà mình khuyến cáo bạn đừng nên chơi nếu yếu tim. Chưa kể, chính vì Edward bị chứng bệnh PTSD (hội chứng rối loạn stress sau căng thẳng) nên trong suốt cuộc hành trình, anh sẽ lạc vào những mộng ảo nửa thực nửa mơ, khung cảnh méo mó đến kì dị, những con quái vật với tạo hình đáng sợ luôn truy đuổi và săn lùng anh, hay những nhân vật tưởng chừng như đã chết thì lúc sau lại xuất hiện trước mặt Edward một cách bí ẩn,… tất cả sẽ đưa người chơi vào một cơn ác mộng đúng nghĩa. Đối với những ai ưa thích thể loại kinh dị tâm lý chắc chắn sẽ vô cùng thích thú.

Call of Cthulhu được xây dựng trên công cụ trò chơi Unreal Engine 4 nên đồ họa của game khá đẹp và chân thực, các chi tiết cảnh vật, hiệu ứng đổ bóng hay độ bóng bẩy bề mặt vật thể đều được xây dựng rất tốt, tuy nhiên vẫn còn một ít hạn chế như mô hình và cử động nhân vật vẫn còn thô cứng và thiếu tự nhiên. Tuy nhiên thì cũng không quá đáng kể vì chúng cũng không quá ảnh hưởng đến trải nghiệm chơi. Một điều cần lưu ý là đôi khi chữ trên màn hình hơi nhỏ để đọc và cần có thị lực tốt, sẽ phải khiến bạn gặp một chút khó khăn khi đọc subtitle trong game. Thời gian load các phân cảnh giữa các chương sẽ khiến bạn phải đợi một lúc để có thể load về đầy đủ màn chơi tầm khoảng vài phút để chuyển cảnh.

Âm thanh của game phải nói là cực kì tốt, chính vì đây là một tựa game kinh dị tâm lý nên xét về độ chân thực của âm thanh, chúng đủ để khiến người chơi phải luôn dè chừng và bất an trong suốt quá trình chơi. Công bằng mà nói, có rất nhiều phân đoạn Jumpscare thật sự rất ấn tượng sẽ khiến bạn phải giật thót lên trong khi chơi, đặc biệt là khi chơi trong bóng tối và đeo cặp tai nghe headphone, chắc chắn phần âm thanh sẽ là điểm nhấn khiến bạn sẽ cảm thấy lôi cuốn hơn khi bước vào thế giới trong game.

Tổng kết lại, các trò chơi mang yếu tố kinh dị luôn thu hút rất nhiều người chơi trải nghiệm. Vì thế nếu bạn là người muốn trải nghiệm cảm giác kinh dị, thì đến với tựa game này chắc chắn là sự lựa chọn vô cùng hợp lý. Còn đối với cá nhân mình hay những ai yêu thích những câu chuyện của H.P.Lovecraft, thì Call of Cthulhu là trò chơi khiến mình thật sự rất ấn tượng. Thời lượng 12-15 giờ cho game là đủ dài. Bên cạnh đó đồ họa cũng ấn tượng và thể hiện tinh thần đúng với nguyên tác, tuy có phát sinh một vài vấn đề đã đề cập trong bài. Với thể loại trò chơi này, cốt truyện và kịch bản xây dựng tương đối rất quan trọng, và tất nhiên Cyanide cũng đã làm rất tốt nhiệm vụ của họ khi có thể khai thác sâu phần kịch bản của game và truyền đạt tới người chơi rõ ràng hơn, đặc biệt là game sở hữu một cốt truyện hack não, vì nó khiến bất kì game thủ nào cũng sẽ tò mò và muốn tìm hiểu những gì đang xảy ra cho đến những giây phút cuối cùng khi sắp hoàn thành game.

Game hiện có giá 260.000đ trên Steam và 9.99$ trên Nintendo Switch.


Rate: 8.5/10

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện