TREK TO YOMI – KHI LÒNG DANH DỰ TẠO NÊN MỘT SAMURAI

Khách quen

  

Kurosawa Akira là một nhà làm phim người Nhật. Được coi là một trong những nhà làm phim quan trọng và có ảnh hưởng nhất trong lịch sử điện ảnh, Kurosawa đã đạo diễn 30 bộ phim trong sự nghiệp kéo dài 57 năm. Ông gia nhập nền công nghiệp điện ảnh Nhật Bản vào năm 1936, sau một thời gian ngắn làm họa sĩ. Những thước phim của ông nổi tiếng với những tông màu đen trắng đặc trưng và thường kể về những câu chuyện liên quan đến võ sĩ đạo (Samurai) của nước Nhật thời phong kiến, cụ thể hơn là thời đại Edo. Cho đến tận ngày nay, di sản của ông để lại vẫn mang giá trị lịch sử lâu đời, và trở thành nguồn cảm hứng cho nhà phát triển Flying Wild Hog tạo nên một tựa game với phong cách như vậy.

Cuối cùng, vào ngày 05/05/2022 Trek to Yomi đã chính thức được phát hành. Phát triển bởi Flying Wild Hog và được xuất bản bởi Devolver Digital, nhà làm game đứng sau hàng loạt tựa game indie chất lượng. Trek to Yomi được phát hành cho Windows, PlayStation 4, PlayStation 5, Xbox One và Xbox Series X / S.

Vì quá ấn tượng với nền đồ họa của game nên mình xin viết cảm nhận về yếu tố này trước. Ngay từ lúc xem trailer mình đã cực kì bị cuốn hút bởi lối đồ họa, hay nói đúng hơn là định hướng mỹ thuật mà tựa game sử dụng. Trek to Yomi chọn cho mình một lớp áo trắng đen với những góc quay đậm chất điện ảnh làm ta liên tưởng đến ngay những thước phim của cố đạo diễn Akira Kurosawa. Cho đến khi được tận tay trải nghiệm Trek to Yomi toàn bộ đến cuối, mình thực sự bị choáng ngợp trước những hình ảnh mà tựa game phô diễn, đó là những góc quay camera đậm chất điện ảnh, cảm tưởng như có một người quay phim với trình độ chuyện nghiệp đứng đằng sau để chỉ đạo vậy. Tuy tựa game chọn màu đơn sắc nhưng cảnh vật trong game vẫn cực kì sống động và đậm tính nghệ thuật của những thước phim thời xưa. Game chọn cho mình góc camera cố định (giống kiểu Resident Evil cổ điển hay Silent Hill) nhưng đối với những lúc combat thì camera sẽ chuyển thành dạng màn hình ngang (side-scrolling). Với vốn từ ngữ hạn hẹp, mình khó có thể diễn tả hết sự tuyệt vời trong khía cạnh đồ họa của Trek to Yomi.

Mặc dù định hướng nghệ thuật của game rất đẹp, nhưng game vẫn có một điểm trừ ở khoảng đồ họa. Khi dòng credits game hiện lên lúc game kết thúc, mình đã rất ngạc nhiên khi có riêng một mục đề cập tới những người đảm nhận motion capture trong game. Tuy là vậy nhưng chuyển động của nhân vật cùng với nét mặt khá là thô cứng và không được tự nhiên. Ừ thì có thể tự nhủ rằng nhân vật chính là một samurai lạnh lùng, hay cô người tình của anh là một cô gái mạnh mẽ, hay tên bạo chúa là phản diện nên không cần bộc lộ cảm xúc nhiều, song mình vẫn nghĩ điều này vẫn có thể làm tốt hơn. Cũng may mắn khi game chọn tông màu đen trắng nên cũng che lấp được phần nào khuyết điểm này.

Câu chuyện của game kể về Hiroki, một Samurai trẻ đơn độc, người đảm trách nhiệm vụ bảo vệ cho ngôi làng của mình sau khi sư phụ của anh qua đời trong một cuộc tỉ thí với kẻ địch mà không ai là người chiến thắng. Và tất nhiên, tên kẻ thù tưởng như đã chết này một ngày kia quay lại và lợi dụng lúc Hiroki không có mặt đã chỉ huy bè lũ của mình đến ngôi làng và tàn sát dân làng, đốt trụi hết nơi đây, trong đó có cả người con gái mà anh đem lòng yêu. Và thế là, với thanh kiếm trong tay cùng với lòng danh dự của một samurai, Hiroki bắt đầu cuộc hành trình trả thù và lấy lại sự yên bình cho ngôi làng. Motive trả thù này tuy có vẻ quen thuộc nhưng Trek to Yomi vẫn đưa vào những thông điệp giá trị về con đường của Samurai, hay nói rộng hơn là một con người. Liệu chúng ta sẽ để hận thù che lấp, hay lấy lại sự cân bằng của lý trí để đạt đến sức mạnh tuyệt đỉnh nhất? Liệu tình yêu sẽ là mục tiêu mà bạn hướng tới hay là lòng kiêu hãnh, là trách nhiệm của một người lãnh đạo của những người mà mình phải bảo vệ? Trek to yomi có nhiều kết thúc, và nó kết thúc thế nào sẽ là do lựa chọn của bạn.

Bên cạnh đó, nhà phát triển cũng có lồng ghép vào yếu tố siêu nhiên khiến cho tựa game không hề một màu mà bù lại còn đa sắc hơn rất nhiều. Đó là khi Hiroki tỉ thí tay đôi với tên bạo chúa kia lần thứ nhất nhưng bị hắn cho một nhát đâm ngay bụng. Và thế là Hiroki gục xuống, trong tiềm thức, anh được đưa đến Yomi, một thế giới nơi ranh giới giữa sự sống và cái chết, ở đây anh phải đối mặt với các linh hồn người lính đã ngã xuống, các con quái vật dị dạng, các con Boss với tạo hình to lớn đồng thời tiếp tục cuộc hành trình để trở về với thân xác nhằm trả thù tên bạo chúa một lần nữa.

Hệ thống combat của game khá đơn giản, vì là một Samurai nên chắc chắn vũ khí chủ đạo của Hiroki là một thanh katana. Game cho ta 2 cách đánh một là light attack và hai là heavy attack, trên hành trình người chơi sẽ học được thêm các combo mới thông qua việc đánh boss hoặc nhặt được bí kíp trên đường đi, game cũng có thêm thắt vào cơ chế block (đỡ đòn) và parry (phản đòn), vì vậy việc spam nút đánh trong game không phải là một lựa chọn khôn ngoan, thay vào đó game thủ phải biết canh thời cơ để đỡ đòn, phản đòn nhằm kết liễu kẻ thù nhanh nhất nếu không muốn thanh máu của mình tụt xuống không còn giọt nào. Bên cạnh đó, game cũng có cung cấp cho người chơi các vũ khí tầm xa như thanh kunai, cung tên và súng, nhưng chỉ với số lượng hạn chế nhằm giúp bạn xử lý bớt ít kẻ địch cho dễ thở hơn mà thôi, vì vậy thanh katana trong tay vẫn luôn là chủ đạo và chân ái.

Game cũng có thêm thắt vào một ít yếu tố giải đố, tuy nhiên nó cực kì đơn giản đến nỗi trẻ con cũng có thể giải được, nên nếu game thủ nào thích sự thử thách trong cơ chế giải đố thì có thể đây là một điểm trừ, ngược lại với những ai dễ tính như mình, thích tập trung vào combat và các yếu tố khác thì đây cũng chả phải vấn đề gì lớn lao. Tuy nhiên, khi giải đố xong, cùng nhờ phần hình ảnh tuyệt đẹp nên cũng bù đắp được phần nào cơ chế giải đố đơn giản kia.

Yếu tố âm thanh cũng là một vấn đề đáng bàn tới, trước hết là về yếu tố lồng tiếng. Nhà phát triển rất có tâm khi đã cung cấp cho game tận 2 ngôn ngữ lồng tiếng riêng biệt đó là tiếng Nhật và tiếng Anh. Về khoảng lồng tiếng Nhật, các diễn viên đã làm khá tốt và tròn vai đối với mỗi nhân vật, thể hiện được cảm xúc và tính cách của mỗi con người. Ngược lại phần lồng tiếng Anh thì khá là còn đơ và cứng, cảm tưởng như diễn viên đang đọc lại những câu thoại đã được soạn sẵn vậy chứ không thể hiện được cảm xúc gì cả. Vì vậy mình khuyên nên chọn tiếng Nhật nghe hấp dẫn hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, game cũng sử dụng những bài nhạc đậm chất Nhật cổ với những âm thanh từ các nhạc cụ dân gian, rất phù hợp với bối cảnh của game.

Sau cuối, Trek to Yomi là một trải nghiệm khá thú vị với lối đồ họa mỹ thuật độc đáo đỉnh cao cùng với cơ chế gameplay tầm trung, cốt truyện tạm được. Mặc dù là một người mong đợi game này đã lâu, song nó vẫn tồn tại một số vấn đề khiến cho mình không thể nhắm mắt làm ngơ. Một tựa game đòi hỏi chúng ta một chút đức tính kiên nhẫn, giống như một samurai thực thụ, mới có thể thưởng thức nó được trọn vẹn.

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện