EASTWARD – HÀNH TRÌNH ĐI VỀ PHƯƠNG ĐÔNG

Khách quen

  

Hậu tận thế – khi nhắc tới cụm từ này, bạn sẽ nghĩ ngay đến điều gì? Những thành phố đổ vỡ hóa thành sắt vụn, tàn dư còn lại sau những cuộc chiến, sau những cuộc xâm lăng bởi lũ quái vật, dân số giảm sút, thưa thớt,… chỉ còn lại vỏn vẹt số ít người sống sót và họ phải hằng ngày vật lộn với môi trường khắc nghiệt để tồn tại qua ngày trong sự thiếu thốn về lương thực, thuốc men… cũng như lẩn trốn trong các khu tập trung dân cư, tàu điện ngầm bỏ hoang nhằm tránh khỏi các mối nguy hiểm tiềm tàng từ môi trường bên ngoài. Đây luôn là một bối cảnh thú vị mà nhiều năm gần đây, đã trở thành một đề tài rất thịnh hành trong giới giải trí – dù đó là phim ảnh, sách vở hay thậm chí là cả game. Trước đây, chúng ta đã có những tựa game lấy bối cảnh hậu tận thế như series Metro, series Fallout, Days gone, S.T.A.L.K.E.R, Dying Light, Death Stranding,…Và nay chúng ta có một tân binh mới – Eastward.

Eastward là tựa game indie nhập vai phiêu lưu hành động có đồ họa pixel art mới nhất được Chucklefish (hãng đứng sau Stardew Valley, Wargroove) phát hành, nhưng thực tế nhóm phát triển của trò chơi chỉ là một studio indie có văn phòng tại Thượng Hải mang tên Pixpil. Tựa game được phát hành vào ngày 16 tháng 9, 2021 dành cho các hệ máy Nintendo Switch, Microsoft Windows, macOS, Mac OS. Với một studio còn non trẻ như vậy, liệu Pixpil có làm nên được kì tích? Chúng ta sẽ tìm hiểu ngay sau đây thông qua trải nghiệm của chính bản thân mình sau hơn 20 giờ đồng hồ để hoàn tất game.

Nói sơ qua về bối cảnh và cốt truyện, game lấy bối cảnh cận hậu tận thế khi mà xã hội đang đi đến bờ vực diệt vong vì ô nhiễm không khí bởi sự rò rỉ hóa chất từ các vũ khí sinh học tại một cơ sở nghiên cứu. Những người may mắn còn sống sót sau sự kiện này, họ bắt đầu đổ xô xây dựng các ngôi làng nằm sâu trong lòng đất để tránh nguồn không khí ô nhiễm bên trên. Từ năm này sang năm khác, xã hội dưới lòng đất dần phát triển cùng với đó là các thế hệ tiếp theo được sinh ra, và ký ức về bầu trời xanh dần bị xoá nhoà trong tâm trí họ.

Trong một ngày làm việc, John – một thợ mỏ lành nghề và kiệm lời, đã tìm được Sam, một cô bé tóc trắng bí ẩn đang nằm trong một buồng hóa nghiệm nằm sâu dưới hầm mỏ. Ông đã nhận nuôi Sam và xem cô bé như con của mình. Cả hai vẫn luôn ấp ủ hy vọng được tự do khám phá ở thế giới bên ngoài rộng lớn, mà trước đây họ chỉ được nghe kể qua những câu chuyện như những truyền thuyết. Vì một vài lý do hi hữu (mình không muốn spoil sự thú vị), hai “cha con” đành dắt díu nhau “Đông Du Ký” – và hành trình ý vị nhưng cũng không kém phần gian truân, nhọc nhằn này đã để lại cho họ, lẫn người chơi, nhiều kỷ niệm đẹp.

Ấn tượng đầu tiên mà mình phải đề cập đến đó là đồ họa của game, Eastward rất đẹp ngay từ những cái nhìn đầu tiên. Với mật độ pixel rất cao nhưng dừng lại vừa đủ để không biến thành game HD, Eastward sở hữu cho mình một “bộ cánh” đồ họa cực kỳ ấn tượng với hiệu ứng VHS cổ điển giống những thước phim cũ thời xưa. Từng ngọn cỏ, cành cây trong Eastward đều được chăm chút khá tỉ mỉ, kèm theo hàng đống các loại hiệu ứng ánh sáng ba chiều đã khoác lên tựa game một bộ áo cổ điển nhưng không kém phần “sáng chói”.

Game đem đến cho người chơi một bối cảnh cận hậu tận thế khá tăm tối, với những con quái vật lúc nhúc đầy đường và kèm theo đó là những màn đối đầu với boss vô cùng gian nan. Nghe thì có vẻ tới công chuyện thế thôi nhưng đây lại là một cuộc phiêu lưu vô cùng thú vị và tràn đầy màu sắc. Nhưng tại sao lại như thế? Bởi thiết kế nhân vật vui nhộn, câu thoại mộc mạc, giản đơn đem đến cho người chơi những trải nghiệm cuốn hút và vui nhộn và không kém phần sâu sắc.

Eastward on Steam

Nói tới đây thì mình phải nhắc tới một nhược điểm lớn rất quan trọng của game, mà mình không biết có nên gọi là nhược điểm không vì đây là dụng ý của nhà phát triển. Đó là câu chuyện của Eastward diễn biến rất chậm. Với tần suất giao tiếp giữa các nhân vật dày đặc, số lượng thông tin và lời thoại trong game là cực kì nhiều mà hầu như mình cảm nhận là chiếm từ 60-70% so với gameplay trong tổng thể thời lượng của game. Cứ chơi được một xíu thì lại gặp NPC và phải nói chuyện mất hàng tá phút mà đòi hỏi người chơi phải có vốn tiếng Anh nhất định thì mới hiểu game muốn truyền tải những gì.

Tuy nhiên, điều này lại vô tình dẫn đến một ưu điểm khác đó là chính vì tập trung thời lượng nhiều vào cốt truyện nên mỗi nhân vật trong game mà chúng ta đã gặp gỡ đều rất đáng nhớ, ai cũng có vai trò, tính cách và ấn tượng riêng mà họ để lại cho chúng ta. Đến sau cuối, khi mà số phận của họ có người ở lại, có người ra đi… đều để lại cho người chơi nhiều cảm xúc khó tả, vui buồn lẫn lộn hay thậm chí là cảm động và tiếc nuối.

Về khoảng gameplay, người chơi sẽ điều khiển được cả hai nhân vật John và Sam, và năng lực cá nhân của từng người chính là chìa khóa để giải quyết mọi vấn đề trong game. Nếu như John phụ trách phần “cơ bắp” với chiếc chảo trong tay, ông vừa có thể nấu ăn vừa có thể “làm gỏi” mọi kẻ địch đang cản bước trên đường đi thì Sam tuy sức chiến đấu có yếu hơn, nhưng khả năng đóng băng mục tiêu bằng siêu năng lực bắn ra tia năng lượng của cô bé lại hữu dụng cả trong việc đánh nhau lẫn giải đố. Game cung cấp cho John 4 loại vũ khí bao gồm một chiếc chảo, một khẩu súng hơi, một khẩu súng phun lửa và cuối cùng là một chiếc máy bắn ra lưỡi cưa sắc nhọn, và cả 4 loại vũ khí này đều phục vụ cho việc tạo ra chiến thuật hạ gục kẻ địch cũng như giải đố trong suốt trò chơi.

Số lượng câu đố khá nhiều và trải dài từ đầu đến cuối game, chúng không đến mức quá khó mà chủ yếu bạn sẽ phải động não để vận dụng và phối hợp nhuần nhuyễn cả 2 nhân vật John và Sam để giải câu đố. Điều đó đồng nghĩa với việc, bạn phải học chuyển đổi linh hoạt giữa hai nhân vật để sử dụng kỹ năng của họ vào đúng thời điểm. Bên cạnh đó, người chơi cần phải nắm rõ yếu tố địa hình và môi trường để tránh mất quá nhiều thời gian lẩn quẩn trong một khu vực nào đó. Những câu đố trong game được thiết kế vô cùng sáng tạo và thông minh, và chúng đủ sự thử thách nhưng không quá khó khăn để vượt qua.

Ngoài ra, game còn có một cơ chế khá thú vị đó là nấu ăn. Khi đi trên đường bạn sẽ nhặt được các loại nguyên liệu khác nhau từ rau củ quả cho đến thịt, cá. Chúng ta sẽ thường xuyên gặp những chiếc bếp gas trên hành trình và đây chính là nơi chúng ta nấu ăn. Khi lựa chọn nhiên liệu và kết hợp ngẫu nhiên chúng với nhau sẽ tạo ra một món ăn bất kì và chúng có tác dụng như một bình hồi máu sử dụng trong các trận combat. Ngoài ra, game còn có yếu tố hệ thống quản lí tài nguyên (Resource Management) bắt buộc người chơi phải thu thập và sử dụng những vật phẩm một cách hợp lí nếu muốn sống sót lâu dài và sử dụng những vật phẩm (item) thích hợp để đối đầu với nhiều kẻ địch khác nhau. Nếu đã từng chơi qua series Resident Evil thì bạn sẽ không lạ lẫm gì với cơ chế này.

Game có tổng cộng 9 con boss và mỗi con đều không phải dạng dễ xơi. Theo mình đánh giá những trận đánh boss là điểm sáng vô cùng lớn khi mỗi con đều có chiêu thức riêng được thiết kế vô cùng sáng tạo đòi hỏi người chơi phải vận dụng hết kĩ năng cũng như tạo ra chiến thuật tối ưu nhất để không bị ngậm hành. Điều này khiến cho mỗi trận đánh boss vô cùng thú vị và đáng nhớ.


Âm nhạc của game cũng là một điểm cộng khi chúng được soạn bởi Joel Corelitz. Anh chính là nhà soạn nhạc đứng sau những cái tên như Gorogoa, Death Stranding và Halo Infinite. Game không có lồng tiếng nhân vật và không có âm thanh môi trường thế nên hầu hết thời lượng game chỉ có âm nhạc và âm nhạc. Có rất nhiều bài nhạc hay mà trong số đó phải kể đến bài “Eastward”, đây là bài mà mình thấy hay và ấn tượng nhất.

Tổng kết: Eastward là một tải nghiệm trọn vẹn từ phần nghe đến cả phần nhìn. Sở hữu nền đồ họa tuyệt vời, lối chơi dễ chịu, cùng nhiều tầng lớp ý nghĩa được ẩn giấu sau câu chuyện của một thế giới kỳ ảo – Eastward thực sự là một “món hời” với cái giá quá nhẹ nhàng 24.99 USD. Tuy nhiên, mình muốn nhắn nhủ một điều này rằng, hãy cố gắng chịu khó theo dõi diễn biến game, đừng thấy game diễn biến chậm mà nản lòng, một khi đã nắm được hết từng nội dung, cá tính và câu chuyện của mỗi nhân vật, thì càng về sau diễn biến câu chuyện sẽ càng đẩy nhanh và lên cao khi đó sẽ đem lại cho bạn cảm xúc cực kì là mãnh liệt và đáng nhớ đấy, và chúng sẽ không làm bạn thất vọng!

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện