Tâm sự về game, tôi và cuộc sống

Huyền thoại ★

  

Trong những năm trở lại đây, nếu để ý các thông tin truyền thông đại chúng thì ai cũng có thể nhận thấy rằng: Có vẻ như quan niệm của mọi người (trong đó Việt Nam nói riêng) về việc chơi game phần nào đó đã thoáng hơn…Từ việc VTV đưa tin về các giải đấu Liên Minh Huyền Thoại; esport được công nhận là một môn thể thao tranh huy chương tại Sea Games; hay đến gần đây VTV đưa tin về tựa game Assassin’s Creed Unity có thể giúp tái xây dựng nhà thờ Đức Bà của Pháp…

Là một người yêu game và đã từng có tuổi thơ sống với những định kiến về việc chơi game, trước những thay đổi dần dần về suy nghĩ của mọi người khiến tôi cảm thấy có phần nào đó vui nhưng cũng không khỏi trăn trở.

Lần đầu đầu tiên tôi đến với game là từ những tựa game 4 nút rồi những game trực tuyến (flash games) năm lớp hai lớp ba. Khi đấy còn nhỏ, suy nghĩ còn đơn giản, thấy anh chị chơi cũng đòi chơi bằng được, cứ game nào hình ngộ nghĩnh đáng yêu là thích (thực ra đến bây giờ tôi vẫn thích :v). Khi đấy tôi chơi game đơn giản vì vui.

Lớn hơn một chút thì tôi thích java games trên điện thoại cục gạch (vì nó tiện). Nhiều trò hay lắm nhưng đáng nhớ nhất chắc là Diamond Rush (game này chắc ai cũng biết :v). Khi đấy tôi chơi game đơn giản là để giải trí.

Lên cấp 2 tôi lại chuyển sang thích những game lan như là: Dota, CS, đế chế; rồi những game chơi đơn nhẹ như là: Halo, Hafl Life 2; rồi dần dần chuyển sang chơi game trên Zing Me. Lên cấp 3, tôi gắn bó với Liên Minh một phần vì máy ở nhà không đủ cấu hình để chơi game chơi đơn, một phần vì Liên Minh chơi khá hay và quan trọng nhất là có chiến hữu chơi cùng. Khi đấy tôi chơi game không còn chỉ để vui, chỉ để giải trí nữa. Ở cái tuổi dậy thì bồng bột lúc bấy giờ, tôi chơi game còn là vì muốn thể hiện bản thân, thích solo kill, thích gánh team, thích sự thử thách.

Vào đại học, tôi được ông anh tặng cho máy tính mới, hội bạn thì mỗi người một trường, thi thoảng mới ngồi cùng nhau đánh Liên Minh được, thế nên tôi lại quay lại game chơi đơn. Khoảng thời gian học đại học đúng là được tự do thoải mái thật nhưng bên cạnh đó còn rất nhiều việc phải làm, cần phải cân bằng thời gian một cách hợp lý; xa nhà, xa gia đình, những mối quan hệ mới. Khi đấy tôi chơi game không chỉ vì vui, chỉ để giải trí nữa. Tôi chơi game còn để bù đắp nỗi cô đơn trong lòng.

Có những khoảng thời gian vì bận, vì áp lực học hành mà tôi mất đi niềm vui khi chơi game. Cái cảm giác mất phương hướng khi mở game lên rồi nhưng ngồi nhìn màn hình một hồi lâu rồi tắt máy đi ngủ nghĩ lại mà lòng thấy man mác buồn. Thế nhưng cái khoảng thời gian đấy cũng không quá lâu vì mọi thứ dần ổn hơn và tôi cũng đã tìm lại được niềm vui với game bằng những game RPG cổ điển.

Đến bây giờ khi đã trưởng thành hơn rồi, tôi lại thích ngồi chơi lại những tựa game cũ. Vừa chơi, vừa thưởng thức, vừa hoài niệm. Nhớ lại những ngày tháng đã qua, nhớ lại những game mình đã chơi, hoàn thành nốt những game còn giang dở. Một niềm vui nho nhỏ. Tôi chơi game không chỉ vì vui, chỉ để giải trí nữa. Tôi chơi game còn là vì đam mê.

Nói đến game thì lại có một vấn đề khá đau đầu đó là tiền (măn nì, măn ní). Tôi là một người ủng hộ việc chơi game bản quyền (chứ không phải nạp tiền vô những game hút máu đâu nhá) mặc dù giá thành của những tựa game chất lượng không hề rẻ. Những tựa game mới ra, rẻ thì vài trăm, đắt thì hơn triệu. Với tôi nó như xa xỉ phẩm vậy. Nhưng tôi vẫn có cách riêng của mình đó là mỗi năm tôi chỉ mua nhiều lắm là 2 game và mua vào những đợt giảm giá. Năm nay chơi game của năm ngoái hoặc năm trước nữa hoặc trước trước nữa,… tôi thấy hoàn toàn bình thường. Lựa chọn đắn đo thật kĩ rồi mới mua mà đôi khi vẫn mua phải những game không vừa ý :).

Đối với tôi, game cũng như rượu vậy. Khi vui, ta tìm đến rượu để ăn mừng, niềm vui được nhân lên. Khi buồn, ta tìm đến rượu để giải sầu, nỗi buồn cũng vơi đi phần nào. Thế nhưng, cơn say nào rồi cũng phải tỉnh, game hay nào rồi cũng phải kết thúc. Và rồi chúng ta lại quay lại hiện tại, đối mặt với cuộc sống. Đó là điều không thể thay đổi. Có người sẽ không chấp nhận để rồi lại tìm đến với những cơn say khác. Có người sẽ mạnh mẽ đương đầu, chấp nhận cuộc sống mà mình có. Vì cuộc sống này là của ta, do ta quyết định.

Bản thân tôi mỗi khi buồn hay khi gặp những chuyện không như ý trong cuộc sống, tôi thường hay rủ lũ bạn đi làm vài trận Liên Minh, vừa chơi game vừa nói chuyện. Khi đấy bản thân cũng thấy thoải mái hơn. vừa có thêm động lực để tiếp tục cố gắng. Một chút thông tin ngoài lề: Tôi không uống đồ uống có cồn (rất xin lỗi chủ quán Hiệp Sĩ Bão Táp), không hút thuốc, thi thoảng có uống nước ngọt mặc dù biết nó không tốt. Cái cảm giác thăng hoa khi vừa ngồi chơi game vừa nhâm nhi chai nước ngọt mát lạnh thật sự không từ ngữ gì diễn tả nổi.

Chẳng biết mọi người thế nào chứ tôi cứ nghĩ đến những năm tháng học cấp 2 cấp 3 là điệp khúc: “…chơi game là cái trò vô bổ, chơi game làm xao nhãng học hành, chơi game có kiếm được ra tiền không,…” cứ vang vọng trong đầu. Nghe có giống điệp khúc: “…yêu đương gì tầm này vô bổ, yêu đương làm xao nhãng học hành, yêu đương có đỗ được đại học không…”. Nghĩ thì buồn cười nhưng phải thú nhận một điều là ngày xưa tôi bị cấm chơi game nhưng tôi vẫn chơi trộm và tôi học hành vẫn tốt, vẫn đỗ đại học đúng nguyện vọng bản thân và gia đình. Nói thế không phải để chê bai bố mẹ (gia đình, bố mẹ vẫn luôn là động lực lớn nhất để tôi không ngừng học hỏi, phấn đấu). Bố mẹ nào chẳng muốn tốt cho con, đấy là điều dễ hiểu thôi. Nghĩ lại những buổi được nghỉ học, ở nhà thấp thỏm chờ bố mẹ đi làm để mở máy tính lên nghịch mà thấy thoáng qua trong lòng một niềm vui không hề nhẹ.

Ngày nay nếu nói video game là vô bổ thì là một sai lầm. Video game đem lại cho ta những bài học, triết lý đơn giản nhưng sâu sắc từ những kiến thức lịch sử được lồng ghép khéo léo, giá trị của gia đình và bạn bè cho đến những bài học đạo đức, mối quan hệ giữa người với người… Một số video game còn cho ta cái nhìn chân thực về cuộc sống bằng cách tái hiện lại những sự thật, châm biếm những mặt tối của xã hội.

Không có ai mà không nhớ những bài học sâu sắc về gia đình trong Witcher 3, giá trị của tình bạn trong Life Is Strange, hiểu thêm về lịch sử với dòng game Total War, cảm nhận sự khốc liệt của chiến tranh trong This War of Mine, suy nghĩ về sự tha thứ trong Red Dead Redemption 2 hay Civilization V đã từng được thí điểm đưa vào chương trình giáo dục tại Mỹ bởi vì game tập cho người chơi cách tư duy của một chính trị gia, một nhà lãnh đạo. Chưa kể còn học được khối từ tiếng anh, nâng cao khả năng giao tiếp ấy chứ!

Mỗi tựa game như một tác phẩm nghệ thuật vậy. Thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật mỗi người lại có một góc nhìn khác nhau. Có người thích, có người lại không, thế nhưng tôi mong rằng mọi người hãy để game được là game, đừng gán ghép những cái tên hay những nhận định không đúng về nó.

Chơi mà học, học mà chơi – trong game có đời sống, trong đời sống có game.


Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện


1 cụng ly

  • Lần đầu thấy có người giống mình :”)
    Mới học năm nhất nhưng em cũng đã bắt đầu với game như thế này ạ…
    Thật hoài niệm~~~.
    Cảm ơn anh!