Vào cái thời đỉnh cao của Playstation khi mà bạn được chứng kiến một playstation dám thử nghiệm, dám đánh liều và kết quả cho ra là một loạt các thương hiệu lẫn game mang đầy tính độc đáo và quái lạ đến từ chính Sony. Extermination cũng được sinh ra trong thời đại đó. Bạn tự hỏi mấy thằng cha Soyny thật sự nhảy vào survival horror sớm đến đâu và đây là kết quả. Extermination được phát triển bởi Deep Space – một studio con Nhật chính hiệu của Sony và quy tụ một đội ngũ khá khủng từ Yuzu Sugano – một lão đại ở Sony với bề dày từ thời Sega Saturn với việc là biên kịch của Deep Fear cho đến những ngày làm việc ở Sony tham gia vào phát triển Ape Escape, Rain, The Tomorrow Childrens… hay biên kịch scenario writter của Extermination chính là Hidetaka Suehiro tức Swery65 khét tiếng, nhà sản xuất của game cũng không ai khác chính là Tokuro Fujiwara – người thầy chứ danh của Shinji Mikami…
Gameplay: Game được ra mắt năm 2001 nên dễ thấy cái cách mà game mang tất cả những cái ADN của gaming thời đó: Góc camera đặt sẵn với một dạng drone cam mà bạn được thấy ở trong Resident Evil: Code Veronica, vẫn là dạng nhắm bắn quen thuộc nhưng được cài cắm nhiều cái twist hành động giống Metal Gears. Vì nhân vật của bạn là một gã lính nên khi ngắm bắn, họ bổ sung một chế độ FPS khá tốt nhưng cái ức chế và khuyết điểm đầu tiên ở đây là reverse Analog. Vâng ! Đây là cái game khiến cho bạn chửi thề cay đắng bởi vì nhắm bắn kiểu FPS nhưng reverse analog là bắt buộc, bạn không có bất cứ lựa chọn nào để điều chỉnh cái đó, không thể tắt đi hay cũng không thể làm được gì, cách duy nhất đó là nếu bạn chơi trên giả lập thì bạn có thể làm riêng một cái phần force input trong một profile tay cầm riêng chỉ để cho cái game này, còn nếu bạn chơi nguyên si trên PS2 thì game giơ ngón F với bạn và nói: ” Chúc may mắn “. Trong khi nhắm bắn thì như thường lệ bạn không thể di chuyển nhưng bạn được sử dụng tâm laze định hướng giúp tăng độ chính xác đến tối đa. Tùy theo các góc camera trong game nếu bạn để nguyên chế độ nhắm thường nó có thể biến thành một game TPS cũng khá thú vị. Game có một vài cái đột phá sau này mà chính RE học theo ngoài vụ tâm laze định hướng ra thì nhân vật có nút bấm để chém dao nhanh, nhiều vật thể trong môi trường là các thùng gỗ, khối có thể bị phá hủy để tìm kiếm vật phẩm hoặc họ chơi khá khó chịu là nhét quái vật vào trong thùng và khi bạn chém vỡ thùng: ” Suprise MFker ! “…
Về độ khó nhất định các thứ thì như tiêu chuẩn Survival Horror thì nhu yếu phẩm kiểu máu và đồ hồi phục là rất khan hiếm. Các nhu yếu phẩm hồi máu tùy theo túi nhỏ hay túi to thì sẽ vứt rải rác lẫn lộn trong môi trường cực kì lộn xộn và xuyên suốt hành trình bạn có cần phải căng mắt ra đấy, mức khan hiếm của chúng ở mức tiêu chuẩn chung của cả thể loại. Extermination đưa vào một cơ chế độc đáo có thể nói là cũng rất đầu tiên của cả thể loại đó là cơ chế Infection làm tăng độ khó của game lên. Khi bạn bị dính đòn trong game thì không chỉ bị mất máu đâu ! Mà nó còn coi như là bạn vừa bị phơi nhiễm với virus, chất độc đấy ! và thanh Infection của game sẽ nhảy vài nháy và bắt đầu tăng dần lên, cách duy nhất để bạn không hóa quái vật hay bay màu đó là bạn cần có Vaccine để dùng cho buồng chữa bệnh, và đây lại là vấn đề này ! Vaccine là cực kì khan hiếm suốt cả game, còn hiếm hơn cả chính đồ hồi máu, mà tìm được Vaccine xong thì bạn cần buồng chữa bệnh nữa cơ mà cái này nó cũng vứt rất là lộn xộn trong các phòng của cơ sở nghiên cứu trong game đồng nghĩa bạn vừa phải đảm bảo nguồn cung nhu yếu phẩm là đủ, rồi lại phải thuộc map và căn thời gian chạy thục mạng về buồng chữa bệnh để còn chữa hết Infection không là sẽ ngỏm. Game chi tiết đến mức khi Infection đạt các cấp cao bạn còn có thể thấy cơ thể của nhân vật bắt đầu xuất hiện các phần đột biến và biến dạng tạm thời – cực kì thú vị. Mặc dù nó cũng làm tăng độ phức tạp của game lên vì hết máu cũng chết, infection nhảy lên đỉnh cũng chết, bên cạnh việc bạn cũng có thể chết vì cả tá các tác nhân ngớ ngẩn khác trong game.
Bạn không phải lo về đạn dược trong game này trừ một số loại đạn đặc biệt bởi vì game biên chế các phòng save hay kho có thể có máy cấp đạn tự động – xạc đầy đạn cho bạn theo tiêu chuẩn thiết kế của NATO như game nêu ra nhưng đạn đặc biệt thì không thể xạc và game chỉ cung cấp một số lượng có hạn trong mỗi một lần chạy thôi nên bạn cần lưu tâm đấy. Đây cũng hiếm hoi là cái game survival horror nơi mà bạn thấy yếu tố Tactical – quân sự hóa hiện diện khá hay ho chẳng hạn như gã lính của bạn cầm một khẩu M16 full auto có thể tháo lắp phụ kiện các thứ cho nhiều tình huống chẳng hạn như Underbarrel lắp được Grenade Launcher, Nòng shotgun phụ, súng phun lửa,… Rồi còn có thể thay cả ống ngắm, thay băng đạn thay chuôi khá thú vị, mỗi cái khi thay sẽ cho một lợi thế nhất định và tùy theo cách mà tình huống của game đặt ra, mỗi cuộc chạm trán bạn được phép thử nghiệm chiến thuật với vũ khí khác nhau hay phụ kiện khác nhau ví dụ như có thể lắp ống ngắm hồng ngoại để nhìn trong bóng tối hoặc thấy lũ quái vật có ngụy trang, lắp súng phun lửa để vừa bắn vừa đốt một cách khá cơ động,… Có cả các cơ chế ẩn được giấu ở sâu trong combat chẳng hạn như nhân vật có thể nhào lộn né ( Dodge Roll ) đối với một số đòn tấn công của quái vật, chém dao nhanh cũng có thể cứu bạn trong rất nhiều tình huống tưởng như ngớ ngẩn… Nhưng phần lớn thời gian combat là khó khăn cồng kềnh chủ yếu do cái vụ reverse analog mà tôi nói ở trên, bởi vì rất dễ hỏng tay khi đang ngắm bắn mà quen tay di cần lên nghĩ là nó sẽ lên như thông thường chỉ để thấy bạn đang chĩa thẳng xuống chân, thật sự khó chịu và tôi không hiểu tại sao ai đó thiết kế chức năng này và không cho đảo ngược lại trong hệ thống của game.
Game cũng là một game đặt nặng vấn đề platform với việc nhân vật cũng có thể đu trèo hay đứng trên nhiều bề mặt cực kì khả nghi mà bạn không nghĩ là trò chơi cho phép bạn làm được, một điểm mà tôi cũng thấy hơi hoài nghi ở game đó là cách mà nó thiết kế platform và biên chế tần suất các phân khúc này khá là na ná Prince Of Persia nhưng với một tiết tấu cực kì chậm. Thật đấy, bạn sẽ dành vài phút đầu ingame để làm theo hướng dẫn, lục tung mọi đồ đạc có thể và loại kẻ địch đầu tiên mà bạn chạm trán cũng là mấy con larva siêu bé nhưng khó chịu vì vấn đề hitbox. Phần lớn gian tôi thấy bản thân mình trèo ống, đu ống, bám gờ tường các kiểu khá nhiều, game có cả secrets, documents và một vài thứ đặc biệt bắt buộc cần đến platform, bạn cũng sẽ để ý thấy chúng thường được đặt ở những chỗ rất oái oăm và khó khăn, cồng kềnh. Và lại đã là một game survival horror thì ngay lập tức bạn lại phải nghĩ đến một vấn đề nan giải khác chính là giải đố. Vẫn là mô tuýp đi tìm chìa khóa hay kích hoạt các điều kiện đặc biệt để progress game nhưng nhìn chung thì hệ thống câu đố của Extermination cũng không phải dạng vừa. Mặc dù phải nói công bằng đó là Extermination có một vài cơ chế platform hay ho mà tôi chưa thấy nhiều game khác làm lại chẳng hạn như nhân vật quân nhân của bạn có thể tự buộc dây vào ống nhanh chóng trong lúc đang đu để cố định bản thân rồi 2 tay chắc súng ngắm bắn, một số khúc leo trèo cũng cho phép bạn cơ động tay dao tay súng như thế này,…
Game có ưu điểm là khi nhặt được key items nó sẽ có màn hình phụ giải thích cho bạn luôn nó là cái gì, giống cái gì hay có thể làm gì nên dựa vào đó bạn biết nó là cần cho câu đố nào hay để mở cửa, mở cái gì, tuy nhiên cách mà bạn phải thường xuyên backtracks, di chuyển vô định, thuộc map ngoằn nghèo, rồi cũng việc platform cũng phải ứng dụng vào đây… Nó sẽ cho bạn nhiều khoảnh khắc khá là đau đầu nếu bạn không quen hoặc lười động não. Có cả một mechanic phụ khác trong game làm tăng độ khó của game lên rất nhiều đó chính là bộ pin xạc của nhân vật – thứ này có thể được dùng để kích điện nhiều máy móc, cũng là cần thiết cho một số câu đố, dùng để xạc một số đồ nhất định và đau điếng nhất đó là nếu muốn save game bạn cũng phải cần đến thứ này. Đây là một mechanic thật sự cực kì trừng phạt bởi sẽ có rất nhiều khúc bạn phải nặng đầu suy nghĩ xem pin có đầy không ? còn bao nhiêu cục ? Có nên save không vì một lần save là bay 2 cục, các máy xạc pin ngược cho bạn cũng rất giới hạn ở chỗ có phòng save có nhưng có phòng lại không cơ ? Vì thế nếu bạn đã đến được với một câu đố mà đúng lúc nó yêu cầu là bạn cần có pin mà sờ cả người, mở tung hòm đồ lên và thấy thanh Battery đã cạn sạch thì… Chúc may mắn chạy ngược lại mấy đoạn đường về lại phòng có máy xạc gần nhất mà bạn tìm thấy để xạc rồi nhớ mà lại tiếp tục. Cách chơi hoàn hảo nhất mà game gợi ý cho bạn đó chính là hạn chế save đến tối đa thậm chí là thà đừng save cái quái gì cả nếu như không tìm thấy phòng có máy xạc, và nếu bạn chẳng may chết một cái thì load lại một đoạn cực dài cực xa thì cực kì đau đớn và chửi thề.
Dù nhiều ưu điểm nhưng cũng cần phải nói đến một vài khuyết điểm nhất định của Extermination, góc camera đặt sẵn với drone cam tuy nhiên bạn vẫn được phép tự điều chỉnh góc camera trong một số trường đoạn nhất định, nhưng nó cũng chẳng vui vẻ chút nào vì drone cam đôi khi vướng víu hơn mức bạn nghĩ rất nhiều. Chức năng tự cân bằng góc camera về chính giữa tầm nhìn không phải lúc nào cũng phát huy được hết hiệu quả đặc biệt là trong các chuỗi combat hay platform. Ngoài ra nhịp game lúc đầu là rất chậm, rất dễ để gây tụt hứng và toàn bộ phần thú vị nhất của Extermination là rơi vào đến giữa game và late game cơ. Thiết kế quái vật đa dạng hình thù và chủng loại với nhiều loại thiết kế khá độc, xong chúng cũng giống Deep Fear ở chỗ là không hẳn là những thiết kế quá đáng nhớ, trừ khi bạn yêu thích những thứ bùi nhùi phệt xanh đỏ tím vàng lên không hẳn là có một sự cụ thể nào trong cái gì đó, độ Gore trong game làm cũng rất nửa vời thôi chứ chưa đạt đến mức nào đó lắm. Và quan trọng nhất là Gameplay của Extermination khá thú vị và nghiêm túc, nhưng nghiêm túc quá cũng mất vui vì có rất nhiều khúc trong game thay vì chơi suy nghĩ giải đố hay tính chiến lược combat thì game nhét cái ý tưởng vào đầu bạn là bạn cứ phải nghĩ xem nhân vật của bạn có thể làm được những gì, làm được cái gì hay mình có bỏ xót điều gì đó không ? Nhịp độ game cũng chưa hẳn là đồng đều trong một số khúc nữa, có những trường đoạn bạn sẽ thấy nó kiểu lê thê hoặc quá ngắn, hay một số trường đoạn thiết kế rất rườm rà, cù nhằng như loại kẻ địch ụ súng trong game khi bạn phải tối ưu cách giết nó bằng việc vòng ra sau chém dao, và nó cứ xoay xoay khiến bạn luẩn quẩn như chơi chong chóng vậy, có cả một số trường đoạn bạn phải chơi thật sự chậm dãi vì một số kẻ địch cũng có thể cầm vũ khí và bắn trả cực rát, trong khi một số trường đoạn khác đẩy mọi thứ lên rất nhanh trước khi bạn có thể kịp khám phá những thứ hay ho, nói chung game cũng phải hứng chịu một cái lời nguyên chung của game survival horror đương thời trong vấn đề pacing và phân bổ combat mà tôi tin bạn có thể để ý thấy với RE, SH, Vampire Countdown, Carrier,… Một vài nhân vật trong game còn nói những câu thoại rất mơ hồ đến mức tôi không biết họ có ở đúng game hay không hay đôi khi cái quái gì đang diễn ra – mặc dù đây là một game do Swery65 viết kịch bản chính cho.
Về cốt truyện thì mặc dù Swery65 là huyền thoại rồi nhưng bạn vẫn có thể thấy sự ngờ nghệch và ngớ ngẩn trong phong cách kịch bản hạng B của lão, nói đúng hơn đây là cái game mà bạn thấy một Swery còn trẻ, vẫn còn cố để nghiêm túc theo lý lẽ nào đó nên kịch bản hạng B thẳng tuột và còn nhiều thứ khiến bạn nghĩ ngợi nhiều. Game sắp xếp các tình tiết cốt truyện đan xen giữa âm mưu, quá khứ, tâm lý và diễn biến của các nhân vật với 1 sự dễ đoán nhất định khi 2 nhân vật tâm lý nhất của game được dành nhiều thời gian nhất, sống sót không tì vết và có đầy đủ trải nghiệm là anh quân nhân chính bạn điều khiển – trung úy Dennis Riley và cô tiến sĩ nghiên cứu ở cơ sở này là Cindy Chen. Chen là bạn gái của một đồng đội của Dennis mà đã hi sinh trong một cuộc chiến giả tưởng ở Campuchia trong timeline của game vài năm trước đó. Dù game được làm năm 2001 nhưng bối cảnh giả định tương lai của nó nhắm đến năm 2005, giải thích cho một số phát kiến của game đi hơi lệch tông so với khoa học đời thực. Mặc dù game có mô tuýp kiểu âm mưu cũng khá hay như RE nhưng bạn sẽ không thấy nó được phát huy sâu xa hay tiềm tàng gì kể từ khi cốt truyện diễn biến rất nhanh, vèo cái đã có nhân vật chết, nhân vật mà bạn chỉ vừa mới gặp với tổng thời lượng vài phút cũng ngỏm, rồi cả team chả thể trông chờ gì ngoài mỗi Riley. Cơ sở nghiên cứu trong game nằm ở Nam Cực nơi quân đội Hoa Cầy thử nghiệm vũ khí hạt nhân lẫn vũ khí sinh học. Họ khám phá ra một loại vi trùng kì lạ tên là HO213 và khỏi phải đoán thứ này đã làm gì khi nó lây nhiễm bất cứ sinh vật sống nào nó tìm thấy được dẫn đến tình trạng trong game. Cả cơ sở nghiên cứu thành mồ chôn cho cả binh lính lẫn các nhà khoa học và chỉ có bạn – tức Dennis mới giải quyết được tất cả. Game có kết thúc có hậu và không suy nghĩ gì nhiều cho lắm, có thể thấy cốt truyện không hẳn là một mặt mạnh mẽ của game. Âm nhạc trái lại nghe rất được vì kiểu âm thanh giật gân và gây shock đã được họ làm rất tốt – nghe rất đậm chất Lo-fi, hành động và kinh dị kiểu thập niên 9x, đầu 2k. Voice acting cũng phải rất chất RE, siêu dở nhưng kích thích đối với bạn. Về đồ họa thì so với năm 2000, 2001 thì game rất được, môi trường full 3D và thiết kế không gian, ngoại cảnh khá đẹp, models cũng rất chi tiết và họ show-off được nhiều hiệu ứng thú vị cũng như phim cắt cảnh trong game phần lớn thời gian là In-engine luôn thay vì phải làm FMV dựng sẵn.
Nhìn vào quá trình phát triển của game tôi đã sửng sốt vì hóa ra nguồn gốc của Extermination cũng rất là điên rồ. Deep Space được thành lập từ tận năm 1998 bao gồm nhiều cựu binh từ Capcom, SEGA, Namco và Sony. Extermination là một trong những trò chơi đầu tiên của họ. Ban đầu ý tưởng của game được đề ra là một phiên bản sequel của trò Deep Fear – lí do kể từ khi Yuzu Sugano từng là biên kịch gốc của Deep Fear, ông tin rằng game có tiềm năng bất chấp một vài tính toán sai lầm từ phía SEGA. Extermination cũng được phát triển và build engine lúc đầu là trên phần cứng và devkit của máy Sega Dreamcast trước. Tuy nhiên ban lãnh đạo của SEGA khi đó vốn đã rất đau đầu với vấn đề cạnh tranh với SONY và Nintendo – đầu họ mong chờ là một trò chơi sẽ giúp hệ thống của họ thành System Seller – sản phẩm độc quyền mà sẽ kích cầu cho máy Dreamcast. Đồng thời khi họ nhìn vào Extermination và studio Deep Space, họ nhận thấy là studio tuy nhiều cựu binh nhưng chưa có danh tiếng, chưa có gì đảm bảo là các khách hàng ra cửa hàng mua đĩa game sẽ nhìn vào cái tên của Studio mà tự tin quyết định, một số nhà sản xuất ở Sega lúc đó cũng nghĩ rằng cái nội dung và chủ đề, contents của game là quá xa rời so với Deep Fear, bất chấp thực tế là Deep Fear cũng chưa nổi đến mức thành cái gì đó cho lắm và vì thế coi như bản beta pitch này của game đã bị hủy – mặc dù assets và nhiều phần leftover vẫn được mang sang thành phẩm cuối cùng và nếu bạn để ý thiết kế quái vật của Extermination thì nó có na ná Deep Fear với nhiều design và cách chọn màu sắc thật. Và khi SEGA đã từ chối, Tokuro Fujiwara đã kiểu: Anh em để tôi thử kèo này, ông quay trở lại với CAPCOM đúng lúc đó khi mà RE còn đang trên đà thăng đỉnh và họ đã dự tính trước cả một tá sequel cho RE. Fujiwara tận dụng các mối quan hệ của mình và hứa hẹn rằng Extermination có thể là tựa RE tiếp theo mọi người tìm kiếm, Sequel hay Spin-off đều được, chỉ cần các sếp ngó thử qua cái đã. Các sếp ngó qua và kiểu: What the hell is this ? Họ nhìn vào cả concepts và cách mà Extermination thiết lập gameplay cốt truyện và cũng cho rằng nó quá là xa rời so với RE. Bất chấp lúc đó Fujiwara có hứa là nếu nó được phê duyệt để được vào vũ trụ của RE thì chắc chắn ông ấy sẽ điều động cả Team Deep Space thay đổi cũng như chỉnh sửa toàn bộ cho khít. Một vài người thấy hợp lý nhưng rồi nó lại dẫn đến một vấn đề khác ! Một vài nhà sản xuất của CAPCOM nhìn vào game và nói: ” Khoan đã ? Anh có chắc đây là game Survival Horror không đấy ? Tôi thấy cái này khá là hành động đấy ! ” Đây là một lí do rất mỉa mai bởi vì sau khi RE Code Veronica hoàn thành cho máy Dreamcast, rồi đến RE 1 remake và RE 0 dành cho máy Gamecube thì toàn bộ Team Production Studio sản xuất RE khi đó đều thống nhất RE cần đột phá và cách tân khỏi cái gốc rễ và kết quả là RE4 – which Extermination cũng truyền cảm hứng cho RE4 sau này với một vài mechanic và hệ thống, nếu không muốn nói là cả dòng RE nói chung cũng có học vài cơ chế từ Extermination chẳng hạn như hệ thống Infection có được thiết kế lại để cho RE Outbreak sau này, các trò Dodge Roll, hệ thống Customization cho vũ khí… Tia hi vọng cho game chỉ đến sau khi Sony thấy tiềm năng ở game và thật sự dám tin và thế là họ cung cấp các bộ devkit của máy PS2, phiên bản Sega Dreamcast chấp nhận bị hủy và toàn bộ dữ liệu giờ sẽ được port lại và tái tối ưu lại nhằm phát huy hết các thế mạnh của máy PS2. Trò chơi được giới thiệu lần đầu tiên trong triển lãm showcase của máy PS2 tại Nhật Bản cuối năm 1999, đúng lý Extermination đã phải ra mắt vào đầu năm 2000 hoặc chậm nhất là quý cuối của năm 2000 theo kế hoạch của Sony như là một trong những tựa game rất đầu tiên của máy PS2. Mặc dù bị delay sang tận năm 2001 nhưng Extermination vẫn là một trong những game Survival Horror đầu tiên của máy PS2, nếu không muốn nói là một trong những game theo công thức Survival Horror ăn theo RE đầu tiên của SONY thầu và giúp đỡ phát triển. Deep Space cũng được SONY đích thân giúp đỡ cho khâu Marketing nên họ có thể sản xuất được các bộ Pre-Order độc đáo đi kèm cho game, bán ra trước nhằm giúp thu hồi một phần kinh phí sản xuất của game. Thậm chí kể cả khi game bán có phần thua lỗ và không được tốt lắm theo đánh giá của chính SONY, một phiên bản tiếp theo của game là Extermination: World Plague được bật đèn xanh và thậm chí là có đi vào phát triển một thời gian rồi, mục đích của Sony lúc đó tin rằng thương hiệu Extermination đã chót lỡ dở ở thời điểm launch cho PS2 rồi thì họ có thể sẽ thành công hơn nếu tiếp tục cho phần tiếp theo này của nó là launch tittle cho máy PS3, tuy nhiên thì Deep Space trong những năm 2005,2006 đó đã sớm nở chóng tàn nên những nhà sản xuất đã giao cho 1 studio phương Tây khác là Factor5 đảm nhận. Vụ bê bối của game: Lair cũng do Factor5 sản xuất cũng như drama trong suốt thời kì đầu của máy PS3 và cách quản lý của Sony khi đó dĩ nhiên đã khiến Factor5 giải thể và đóng cửa vào năm 2009, toàn bộ các dự án còn ở trong lò của studio này khi đó cũng bay màu luôn, bao gồm cả Extermination: World Plague.
Đánh giá chung: Thực ra công bằng mà nói tôi nghĩ rằng Extermination là 1 game survival horror khá là underated, dĩ nhiên nó có nhiều lựa chọn design hay cũng như nhiều lựa chọn design phức tạp khác mà vô tình kéo game xuống. Đồng thời game cũng không có nhiều giá trị chơi lại hay unlockables hay ho ngoài việc chỉ mở khóa thêm độ khó tuy nhiên thì một hay hai lần Run của game vẫn là những trải nghiệm đáng nhớ. Trên thực tế tôi khá thích game và thích nhiều lựa chọn của game, ngoại trừ cái vụ cơ chế điều khiển ép cần Analog ngược đó của game – cái thứ mà chỉ có thể tránh được nếu như bạn chơi trên giả lập. Nó không phải hay nhất nhưng cũng không phải tệ nhất và thậm chí có một bộ phận fanbase vẫn yêu cầu được tái phát hành, remaster, remake hay sequel cho nó. Và đây cũng hiếm hoi là một trong những lần mà Sony thật sự chịu khó chịu chơi và bạn lại nhớ lại về một cái thời khi mà Sony dám thử nghiệm, dám liều lĩnh và PS2 trở thành 1 trong những kỉ nguyên tuyệt vời nhất của hãng.
Henrymason AKA TranVietBach