“THERE’S HATE IN THERE” – Blackmore (Có sự thù ghét ở sâu trong mày – Blackmore)
Hoàn thành xong The Suffering: Ties That Bind và tôi thật sự tự hỏi liệu chúng ta có cần phải lo về vấn đề rối loạn… Dù sao thì trò chơi giữ được chất lượng tuyệt đối không thua kém gì phần đầu cho dù công thức thì chưa hoàn toàn đổi mới cho lắm. Đi sâu hơn vào bên trong nào nhỉ?
Ties That Bind tiếp diễn các sự kiện sau phần The Suffering đầu tiên, mở đầu là một phân cảnh hồi tưởng quá khứ – được dàn dựng khéo léo nhằm hướng dẫn cả người chơi cũ lẫn mới về các cơ chế và một vài sự thay đổi trong game. Bạn cũng được giới thiệu với một Villain mới của game là Blackmore. Hắn từng là Boss của Torque cũng như rất trọng dụng anh, cho đến một ngày Torque muốn thoát ra và cải tà quy chính để sống cùng gia đình mình. Sau phân đoạn hồi tưởng đó và trò chơi phóng bạn quay trở lại hiện tại nghiệt ngã. Torque tưởng như thoát được khỏi hòn đảo Carnate đã là kết thúc của cơn ác mộng, cho đến khi cập bến bờ Baltimore và anh chợt nhận ra rằng mọi thứ còn rối tung hơn mức anh tưởng tượng.
Một lực lượng bí ẩn đã có mặt tại nơi này và các báo cáo về “những cuộc chạm trán với quái vật dồn dập”, Torque sau đó bị bắt lại – anh bị coi là đối tượng chính (Prime Target) với những lời tò mò về việc tại sao anh sống sót được Carnate hay anh quan trọng thế nào bla bla. Trò chơi mở đầu rất từ từ và chậm rãi cho đến khi chính cơ sở thí nghiệm cũng thất thủ, Torque trốn thoát và những gì anh biết đó là Baltimore đã trở thành địa ngục sống theo đúng nghĩa đen. Mọi thứ ở Carnate đang lặp lại với chính nơi này và Torque sớm được trải nghiệm một chuyến “Homecoming” không mấy đẹp đẽ như anh nghĩ.
Gameplay: Giữ toàn bộ cơ chế và mô típ quen thuộc của bản The Suffering đầu, vẫn có thể chuyển giao giữa 2 góc nhìn người thứ ba và người thứ nhất vô tư, tôi để ý thấy có vẻ vấn đề Hitbox đã cải thiện một chút nhưng bạn vẫn cần có các kĩ năng đấy. Có thêm cơ chế Crouch (cúi xuống) và một vài chuỗi segment mới nhưng đó không phải những cái quan trọng cho lắm. Phần thay đổi chóng mặt nhất của game đến từ chính những tiết tấu combat và các chiến thuật bạn cần đưa ra. Cho phép tôi được phân tích dài ở chỗ này: Ở cả hai phiên bản The Suffering thì tôi đều auto chọn độ khó cao nhất đó là Impossible. Nhưng ngay cả với The Suffering 1, có những thứ như việc bạn được cầm tối đa 9 lọ thuốc giảm đau với mỗi lọ hồi ít nhất 20% Hp hay môi trường xung quanh luôn có nhiều Object, các cung đường cũng như control dễ dàng để bạn nhào lộn, né và phản công một cách nhuần nhuyễn; thì sang The Suffering: Ties That Bind, Hitscan của lũ kẻ địch lên người bạn có thể nói là khá dính hơn đấy, và họ cũng làm lại control một chút cho nên bây giờ cơ chế né trở nên rối hơn và sẽ cần nhanh tay hơn thay vì chỉ một nút bấm Q hay E như bản trước.
Một thay đổi cực kì tăng mạnh độ khó nữa bây giờ đó là bạn sẽ không thể cầm những lọ thuốc giảm đau Xombium theo nữa mà nó sẽ là thuốc dùng tại chỗ. Đồng nghĩa với việc đang ở giữa trận chiến và thanh máu đang thấp dần mà bạn không thể tự hồi phục kịp thì khá là đen đủi đấy. Và mỗi ngón đòn của những con quái vật thì bạn cũng sẽ thấy chúng cực kì trâu lì và khỏe hơn bạn rất nhiều nên đôi khi cận chiến không hoàn toàn là giải pháp đâu đấy. Hầu hết các quái vật lần này cũng được nâng cấp đáng kể, chẳng hạn như tính bầy đàn của đám Slayer lần này sẽ cao hơn kha khá so với phần đầu, đám Marksman bắn rát hơn, đám Mainliner hay Burrower có tần suất tấn công tăng lên…
Ngoài ra có bổ sung nhiều loại quái mới như những con Triggerman – chơi súng giống Marksman nhưng lì lợm hơn rất nhiều và nó biết dùng những cái chân hình nhện để bảo vệ cho nó chứ không expose như Marksman đâu. Những tên Arsonist là bản nâng cấp của Infernal từ The Suffering 1, nhanh hơn đến mức có thể né đạn, hitscan kinh khủng hơn, tốc độ Projectile của chúng đủ để dọa bạn ở khoảng cách vài mét đấy. Những con Isolationist tuy không phải là Fester nhưng thật sự thì đây lại là một bản nâng cấp khá chất lượng – bên cạnh việc có thể thả những con giòi kí sinh phát nổ ra (giống chuột của Fester) thì đám này còn trâu lì hơn và rất thích giật điện bạn đến chết. Những con Mauler biến dạng từ những con chó tuy rất dễ hạ nhưng tính bầy đàn cao và khả năng rỉa cắn nhanh khiến chúng chết người, hay đám Gorger có sức mạnh áp đảo mọi thứ và thích ngoạm đầu bạn…
Mọi mối nguy hiểm trong Ties That Bind còn rình rập điên đảo hơn so với The Suffering 1 rất nhiều, những tác nhân như bắt lửa hay dính Axit, rơi từ độ cao cố định nào đó cũng có thể tiễn Torque xuống mồ rất nhanh cho dù bạn chỉ quẹt hay vướng rất nhẹ vào những thứ này.
Về các chiến thuật mà bạn có thể nắm rõ nhất ở đây chẳng hạn như cúi người và lộn vào bất kì chỗ nấp nào mà bạn có thể tận dụng, thậm chí là bạn được phép bỏ qua một vài trận chiến thay vì cứ phải lao vào combat với quái vật, ưu tiên chất nổ và hỏa lực mạnh cho những thứ đáng gờm… Một điểm mà tôi lưu ý đó là có những địa điểm sẽ có level design cực kì khó chịu, tăng thêm độ khó cho game. Chẳng hạn như không gian quá hẹp, hay quá ít Object để nấp mà bạn gần như không thể run and gun theo kiểu liều mạng được. Nó thậm chí còn liên tục spam ra những con quái mạnh như Triggerman và Marksman tạo ra một thế dồn ép bởi bạn sẽ không thể nào chịu được hỏa lực dồn dập của chúng theo kiểu may mắn đâu.
Mặc dù cơ chế Insanity thông qua nút C trở nên hữu dụng hơn trong rất nhiều trận chiến, song không phải lúc nào nó cũng có thể là một thứ sẵn có được. Về sau sẽ có những con quái vật thuộc loại “captain” và chỉ có thể giết bằng Insanity mode của Torque, và chúng sẽ luôn spam ra các con quái nhỏ cho bạn làm đầy thanh Insanity của bản thân. Song vấn đề là bạn có thể sống sót và lo được mọi thứ hay không thì nó lại là một chuyện khác. Có một cơ chế khá thực tế được cải biên lại ở đây đó chính là việc từ giờ trở đi trong Ties That Bind, Torque sẽ luôn chỉ có thể mang theo được 2 vũ khí bên mình thay cho việc cầm hết tất cả những gì mà Carnate có từ phần trước.
Lựu đạn trở nên khan hiếm hơn so với các phần trước nhưng bù lại hệ thống hỏa lực lại đa dạng hơn rất nhiều. Bạn chủ yếu có các loại vũ khí từ thế chiến thứ hai cho đến thập niên 7x 8x như các loại súng M1911, 357 Magnum, Double-barrel shotgun hay Pump Shotgun. Các loại súng liên thanh là được đa dạng hóa nhất, từ những khẩu Thompson quen thuộc, đôi khẩu Vz scorpion 61, M3 “Greasegun” cho đến cả các loại súng máy hạng nặng như M60… Thêm cả các loại vũ khí công phá mà chắc chắn bạn luôn muốn mang vào cuộc vui như súng phóng lựu Milkor đời cũ hay kể cả một khẩu RPG-7.
Một điểm dễ thở của game đó là đôi khi bạn không cần bận tâm về vấn đề đạn dược nhiều cho lắm vì họ luôn vứt những hòm súng rải rác ở nhiều nơi, các hòm súng dao động đáng kể luôn là những khẩu M1911 hay những khẩu Pump shotgun và VZ-61. Một số khuyết điểm về A.I phần lớn đã được cải thiện rất nhiều, đôi khi vẫn còn có tình trạng quái vật di chuyển hoặc có hành vi không đúng nhưng nó rất hiếm khi xảy ra trong Ties That Bind so với phần trước.
Có thêm nhiều segment hơn trong Ties That Bind hơn như là những chuỗi cọ xát với cả tấn kẻ địch trên những tuyến phố lớn, phòng thủ bằng ụ súng, đấu một vài mini-boss hay tìm cách thoát ra khỏi những cạm bẫy, giải vài câu đố nhẹ. Nhìn chung thì trò chơi tập trung vào yếu tố hành động nhiều hơn so với The Suffering 1. Phần lớn các yếu tố vẫn được duy trì rất cao độ và lôi cuốn như phần đầu nhưng cũng vì thế mà đây vô tình là 1 điểm yếu của Ties That Bind. Bên cạnh những sự thay đổi mà tôi đề cập thì trò chơi vẫn chưa thật sự nổi bật hẳn lên hay cho bạn thứ gì đó mới mẻ, ngoại trừ khía cạnh cốt truyện giờ đây đã được mở rộng lên rất tốt – không hẳn là kiểu hành động- kinh dị Hollywood mà bạn nghĩ đến nhưng nó vẫn thật sự là điều gì đó.
Một tính năng rất hay ở Ties That Bind đó là nó có thể đọc ổ cứng của bạn và nhận biết nếu như bạn đã hoàn thành The Suffering 1. Sau khi hoàn thành The Suffering 1, bạn sẽ kết thúc với một trong 3 Ending của nó tương đương với 3 hướng từ Ác – Trung Lập – Thiện, và Ties That Bind bắt đầu tiếp từ Ending mà bạn nhận được, bạn được giữ lại toàn bộ thành tích, một vài hồ sơ và ghi chép sẵn có của một vài quái vật cũng như thanh đạo đức và nó sẽ lại xuyên suốt tiếp cả game. Nhờ điều này mà cả 2 phần game ảnh hưởng lên nhau với 9 endings lận cho Tied That Bind, với mỗi cặp 1-3 endings cho phép bạn được nhìn nhận về Torque và câu chuyện của anh ở các góc độ.
Một tính năng nữa mà tôi khá thích đó là Form quái vật của Torque bây giờ biến thiên dựa theo chính phần đạo đức và nhân tính trong anh. Nếu Torque của bạn thật sự là một người tốt và lương thiện sau tất cả, con quái vật của anh ấy sẽ vẫn giữ nguyên gương mặt của Torque, trở nên to lớn và cồng kềnh hơn và toát ra một ánh sáng trắng xanh khá đẹp – giống như tượng trưng cho thiên thần vậy. Đòn đánh đặc biệt của nó được biến thiên từ xích quật của Burrower, những khẩu súng máy M60 mọc lên từ lưng và khi đã đạt đến form Ultimate cuối cùng thì nó có thể shock năng lượng xung quanh và tiễn những con quái vật cũng như lũ Captain của chúng rất nhanh chóng. Form trung lập vẫn giữ nguyên là con quái vật truyền thống từ Carnate trong khi form độc ác biến bạn trở thành một con quỷ đúng nghĩa, mất dần dần những phần quen thuộc của Torque, mọc gai mọc sừng và toàn thân màu đỏ giống như những thớ thịt máu vậy.
Form quỷ cũng sẽ mạnh không kém gì Form thiên thần với những đòn như lưỡi dao, thả giòi bọ nổ giống Isolationist và Ultimate cũng tương tự như của thiên thần, chỉ khác ở chỗ tất cả sẽ chỉ là những vụ nổ của máu và thịt… Ngoài ra, tự bản thân Torque cũng biến thiên theo phần đạo đức trong anh, màu da, quần áo và cơ thể của Torque có thể trở nên tàn tạ, rách, người đầy vết thương và băng bó, da thịt xanh xao dần đi nếu Torque càng ngày càng rơi dần vào cái ác và đôi tay anh nhuốm đầy máu đỏ…
Thêm một điểm mà tôi cũng khá đề cao ở game đó là dàn nhân vật phụ của game cũng để lại cho tôi rất nhiều ấn tượng so với các nhân vật phụ ở phần trước. Dù bạn không còn Hermes hay Horrace nhưng bù lại bạn vẫn còn Dr Killjoy, có một kẻ phản diện phụ mới là ả tiến sĩ Jordan – chỉ huy của lực lượng The Foundation mà bạn sớm đối mặt tại Baltimore. Mặc dù ả Jordan này vẫn chưa thật sự xứng để gọi là một phản diện xuất sắc nhưng tôi thích những sự gợi ý ngầm ở game. Tôi sẽ không spoil ả và cũng không thể spoil được đâu vì tại sao ư? Bạn sẽ muốn hoàn thành game ở cả 3 con đường: “Tốt – Trung Lập – Ác” để thấy vai vế của ả có thể biến thiên ngoạn mục đến thế nào (Hoặc nếu bạn cho là ả không đủ quyến rũ bạn thì hãy làm như Uncle Wayne thường nói: BẮN CÔ Ả =))).
2 kẻ phản diện phụ khác là Copperfield thợ săn nô lệ và Creeper tên tú ông. Cả 2 kẻ này trở thành các Sub-boss đối với 2 thể đối lập đạo đức của Torque là tốt và ác. Copperfield đại diện cho những kẻ phân biệt chủng tộc, man rợ và quyết tâm săn giết những người da màu theo hướng dã man nhất, hắn dĩ nhiên đã săn cả tổ tiên của Torque và vợ anh. Ngôn từ của hắn dùng sẽ chuyên là tiếng lóng kiểu thành thị, những dạng ngôn ngữ khó nghe dùng để miệt thị người da màu. Trái lại thì hắn lại không khiến tôi ấn tượng như Creeper, bạn biết tại sao tôi lại gọi Creeper là tên tú ông không? Well nếu bạn đi tuyến Evil để quyết chạm trán với Creeper thì nó sẽ khiến cho bạn cảm thấy như bạn đang tham gia vào game pỏn trá hình vậy (may là tôi clear game trước NNN nên sẽ không phải lo nhiều lắm).
Trước tiên, tạo hình của Creeper là một trong những tạo hình TUYỆT nhất tôi từng thấy ở trong game kinh dị, hắn mặc chiếc áo dài che kín thân quen thuộc của những gã chuyên giấu hàng, và khi show ra: Đó là những “Xúc tua lưỡi đao” của những gái điếm trong hình ảnh cứ thọc thòng lọng như vậy. Và tôi xin được thú nhận một sự thật với bạn là tôi đã vừa cảm thấy ghê tởm nhưng cũng vừa hỏny cứ mỗi khi thằng chết tiệt đó phanh áo ra. Thậm chí cái ngôn từ của The Creeper là một trong những thứ khiến tôi thề “Tại sao mình lại học tiếng anh để hiểu cái này nhỉ?”. Tôi không biết kinh nghiệm của lão Richard House đến từ đâu, như quả Punchline: “Blood is the best lubricant” (tự hiểu nhé =)). Scott S Bulloch đã làm rất ngoạn mục trong việc lồng tiếng và thổi hồn cho The Creeper – đây có lẽ là một trong những phản diện Underated nhất của cả làng gaming mà tôi từng thấy.
B****, B****, B****. There’s no satisfying them! Is there? I’ve found the only way to really satisfy the ladies. STOP F***ING COMPLAINING RIGHT QUICK! But I don’t need to tell you that, you’re man whose technique I admire! – The Creeper
Bên cạnh đó, nhiều nhân vật phụ khác và phát triển tính cách của họ là rất tuyệt. Chẳng hạn như Consuela là vợ của Ernesto – cai ngục mà bạn gặp ở phần trước, cô ta luôn nói kiểu nửa tiếng anh và nửa tiếng Tây Ban Nha giống hệt chồng mình vậy. Dĩ nhiên việc giúp cô ta cảm thấy khá là mãn nguyện và thưởng rất nhiều điểm Good Moral. Nhưng thành thực mà nói tôi chỉ muốn giúp cô ta là để cô ta thôi bắn tiếng Tây Ban Nha giống chồng cô ta thôi.
Hay quản ngục Elroy Jr, anh ta có một cái nhìn không mấy tươi sáng về tù nhân do việc bố anh ta cũng là một quản ngục chết trong một vụ bạo loạn 30 năm về trước, bất chấp vẻ ngoài yếu ớt nhưng tên cận thị này lại mạnh mẽ hơn bạn tưởng. Để cố gắng chiến đấu với mục tiêu lớn hơn không chỉ là sống sót mà còn là chiếm lại cả thành phố, Elroy đã gạt thù hận của bản thân cũng như các quan điểm cá nhân để tập trung cho một đại cuộc lớn hơn. Trong hội thoại Elroy sẽ thường bày tỏ việc mình khá căm ghét những tên tội phạm nổi loạn thế nào nhưng rồi dần dần, giọng điệu của anh ta thay đổi bớt kì thị và ghét bỏ đi. Thậm chí khi đứng trước mặt các đồng nghiệp cai ngục của mình, họ sẽ đòi xử lý Torque và đoán xem? Elroy bật lại đầy uy quyền: “TÔI KHÔNG QUAN TÂM ANH TA LÀM GÌ TRONG QUÁ KHỨ! GIỜ ANH TA LÀ NGƯỜI CỦA TÔI! NẾU BẤT CỨ AI Ở ĐÂY ĐỊNH ĐỤNG ĐẾN ANH TA THÌ BƯỚC QUA XÁC TÔI TRƯỚC ĐÃ!”…
Game cũng tự sở hữu cho mình một cú Plot Twist mà tôi tin là nếu nhập tâm cao độ bạn vẫn có thể nhận ra được, nhưng cái tài tình vẫn lại là nằm ở chỗ khi bạn đã cuốn sâu vào game thì bạn lại dễ lờ đi nó hoặc không mấy bận tâm khi đang bận xả súng mất rồi. Nó thậm chí cũng trêu ngươi tôi bằng cách ngầm “tiết lộ” và “phô ra” vài chi tiết nhưng vẫn đảm bảo rằng nó chỉ nói ngầm hoặc trêu ngươi theo kiểu bóng gió. Ngay cả Dr Killjoy cũng rất thích ăn nói kiểu chơi chữ tâm lý ẩn dụ đến Torque và trường hợp của anh bằng cách ví von thông qua các thuật ngữ cũng như chuyện kể ngụ ngôn. Nói chung khoản viết lách của game là rất tuyệt – điểm cộng cho lão Richard House ở phần biên kịch này.
Ngoài ra phần tài liệu và miêu tả ở trong game cũng rất tuyệt: Trong phần này thì tài liệu chủ yếu được kể rất nội tâm thông qua Consuela và Carmen – về những con quái vật theo cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen. Cách mà Consuela tin rằng những con quái vật không chỉ xuất thân từ đảo Carnate như trong phần trước mà còn luôn hiện diện muôn nơi, tượng trưng cho tội ác con người. Và bên cạnh đó, Carmen viết văn một cách truyền cảm lại cho bạn thấy rằng chính những con quái vật lại ở sâu bên trong con người, qua cách mà cô ấy từng miêu tả về chính chồng mình Torque, về những mặt hoàn hảo cũng như không hoàn hảo của anh, về con quỷ ở sâu bên trong Torque có thể khiến mọi thứ mất kiểm soát tồi tệ đến đâu…
Về đồ họa thì game vẫn dùng bộ Riot Engine tiêu chuẩn của bản trước nhưng đã có sự nâng cấp đáng kể. Bây giờ bạn được chứng kiến một Torque trông già dặn hơn, đúng tuổi hơn. Trên gương mặt anh giờ là những nếp nhăn, hằn xen lẫn bụi bặm cũng như bộ râu. Nó tạo ra ấn tượng khá tốt bởi chúng ta đều biết anh đã trải qua những gì ở Carnate. Torque nay cũng không còn vô cảm như trước mà thay vào đó, bạn chứng kiến tất cả của Torque từ tức giận, điềm nhiên cho đến cả những khoảnh khắc anh thật sự mủi lòng khi đứng trước linh hồn của người vợ cũng như 2 đứa con Cory và Malcolm.
Không chỉ Torque mà phần lớn các Models của game đều được làm tốt hơn, chi tiết hơn cũng như các gam màu tương phản tốt hơn, một thành quả rất đáng ghi nhận nếu như bạn nhìn vào thực tế là Ties That Bind ra mắt chỉ đúng một năm sau phần The Suffering đầu tiên. Môi trường có sự đầu tư đáng kể khi một số địa danh, con phố trong game được làm mô phỏng dựa theo Baltimore ngoài đời, những con hẻm đen tối hay tòa công trình đầy rẫy những hình vẽ, góp phần tạo nên một Baltimore tăm tối và rợn ngợp của tệ nạn, tội phạm đường phố. Các models quái vật cũng được nâng cấp đáng kể từ Slayer, Marksman, Mainliner hay Burrower. Death Scenes giờ thậm chí còn làm chậm, góc camera thoáng hơn và mọi thứ đều chi tiết lên hơn rất nhiều.
Nếu như bạn cho rằng nhà tù ở Carnate là chưa đủ tăm tối thì chờ đến khi bạn được chứng kiến một Baltimore phủ đầy bóng đêm và chìm trong ngọn lửa địa ngục – giống như Raccoon City nhưng khác ở chỗ bây giờ sẽ là một đám quái vật và quỷ chực chờ để xé xác bạn ra và sẽ không có bất kì thợ săn quỷ hay Doomslayer ở đây để cứu bạn đâu. Về phần âm nhạc thì thứ mà bạn chủ yếu nghe thấy là những giai điệu kinh dị hỗn loạn của Baltimore kèm thêm một chút đường phố của Hip Hop và Rap.
Âm thanh của trò chơi tùy vào ngữ cảnh cũng như việc bạn đang cho Torque đi trên con đường đạo đức nào được thể hiện cực kì rừng rợn. Bạn gần như sẽ liên tục bắt gặp những đoạn hội thoại từ những người đã chết hay âm thanh rền rĩ gào thét thảm thương của ai đó, thường biến thành một đoạn phim cắt cảnh theo phong cách ảo giác mờ ảo. Với một kịch bản tuyệt vời thì nó cũng cần có cả những diễn viên lồng tiếng tuyệt vời. Nếu như Scott S Bulloch cho bạn một Creeper ấn tượng như đã đề cập thì hãy chờ đến khi bạn gặp Blackmore. Giọng trầm và ồm của Blackmore cho bạn một cái nhìn toàn cảnh nhất về việc cả trò chơi đen tối thế nào và đến khi gặp người lồng tiếng của kẻ phản diện này thì đoán xem?
Đó là Micheal Clarke Duncan đấy! Ý tôi là tất cả mọi người đều nhớ hình ảnh đáng thương và thánh thiện của ông từ phim Green Mile (Dặm xanh) và cái cách mà ông luôn nói ồm và trầm như vậy… Bạn sẽ không thể tin nổi rằng thiên thần tội nghiệp đó trong Green Mile (Dặm xanh) bây giờ lại đang dìu dắt và hướng dẫn, cổ súy bạn làm những trò xấu xa và đồi bại nhất. Để tăng tính Immersive và nhập tâm thì Blackmore rất thích nhấn mạnh vào chính người chơi thay vì Torque, qua cái giọng và ngôn từ: “You wanna be Da Player?”. Ngoài ra thì ả Jordan được lồng tiếng bởi Rachel Griffiths hay Copperfield được lồng tiếng bởi Bob Papenbrook (David King từ Resident Evil: Outbreak)…
Đánh giá chung: Đây không hoàn toàn là một trò chơi cách mạng hóa bất kỳ thể loại nào. Nhưng nếu bạn đã chơi phiên bản The Suffering đầu tiên và yêu thích nó hay thích nhiều trò tương tự hơn, thì The Suffering: Ties That Bind sẽ không làm bạn thất vọng. Và ngay cả khi bạn chưa bao giờ nghe nói về trò chơi đầu tiên nhưng đang tìm kiếm một cuộc phiêu lưu hành động hay, chắc chắn game có cốt truyện tốt, game’s mechanic được thiết kế và trau chuốt đủ tốt, một chút giá trị chơi lại và những hiệu ứng Gory đẹp mắt. Và lại, cả dòng The Suffering này thật sự là một series Underated ngang hàng với Dead Space, đây là một sự thật không thể chối cãi. Nếu Dead Space là quân át chủ bài của EA để đối đầu với Resident Evil thì The Suffering của Midway lại cho bạn cả Resident Evil và Silent Hill cùng tồn tại ở trong gameplay và trong từng nội dung, contents của nó, thậm chí Writing và Scenario của Richard House cũng là rất tuyệt vời cùng với Creature’s Designs của trường Stan Winstons nữa.
HenryMason AKA TranVietBach
As your service.