Code Of Princess có lẽ là một trong những trò chơi Beat Em Up dị nhất mà tôi từng chơi từ cơ chế, cốt truyện cho đến cách mà từng nhân vật được giới thiệu, chơi ra… Đổi lại nó là một trải nghiệm tuyệt vời đến từ năm 2012 với những sự độc đáo đến kì dị từ phong cách, âm nhạc, giới thiệu… Tôi tự hỏi nếu như có một Code Of Princess khác ngoài đó mà tôi chưa được chơi không nhưng nếu có thì quá tốt. Ra mắt năm 2012, được phát triển bởi Agatsuma Entertainment, 1 hãng đã có tuổi đời từ tận 1997 chuyên về lĩnh vực giải trí, đồ chơi, anime. Con này đã từng là hàng độc quyền của hệ thống Nintendo dành cho máy Nintendo 3DS cho đến năm 2018 khi phiên bản port Code Of Princess Ex được cho ra mắt trên các phần cứng hiện đại như PC, Nintendo Switch. Phiên bản mà tôi đang nói về ngày hôm nay là phiên bản 3DS. Và không chần chừ gì nữa mà đi sâu hơn vào bài thôi nhỉ ?
Gameplay: Môi trường trong game là side scrolling 2.5D, có 3 làn đường để di chuyển nhưng nếu để ý kỹ thì nhiều assets, môi trường background vẫn là 2D tĩnh nhưng nhiều hiệu ứng hỗ trợ để giả 3D. Các model nhân vật được biểu diễn 3D với animation làm bằng tay khá đẹp mắt. Hệ thống combo không quá đa dạng nhưng vừa đủ, dễ học và dễ tiếp cận. Có hệ thống lock on và né đòn, đâm, chạy… Một cái hay ho trong game đó là kể từ khi game có 3 làn nên bạn có thể bấm để đảo qua lại giữa 3 làn đường coi như là né một số đòn nhất định hoặc né tránh việc bị hội đồng cả trước lẫn sau. Nhân vật cũng có cả chiêu quick recover trên không trung lẫn mặt đất để tự hồi nhanh, phản công và tránh bị knock hay cancel action. Chơi trên máy 3DS có cái hay ho là màn hình phụ bạn có thể theo dõi đồ equip và có chức năng chạm vào để xem command list – tức danh sách combo phòng trường hợp bạn quên hay không thuộc. Vấn đề spam trong game giữa cả người lẫn máy là như cơm bữa, bạn sẽ cười khi tưởng rằng mình bạn là đứa duy nhất có thể đảo cần analog với nút B để spam đòn special mà quên mất rằng đôi khi lũ quái cũng spam projectiles lẫn hiệu ứng full màn hình được, nhất là Bosses. Dùng đòn special thì tốn mana và mana cũng có thể được dùng cho chức năng rage đặc biệt thông qua nút Y, tăng toàn bộ mọi chỉ số của bạn cũng như bạn thấy đòn đánh, khả năng chiêu thức của nhân vật là khủng khiếp hơn, tuy nhiên nó đốt mana kinh khủng vì thế bạn sẽ cần rất nhiều mana hoặc giữ cái này mà dùng cho đấu Boss. Thỉnh thoảng quái có thể drop ra đồ hồi máu lẫn hồi mana xong cái này là random thôi, không nên quá dựa dẫm.
Yếu tố nhập vai trong game thực ra đơn giản hơn mức bạn nghĩ, qua từng màn chơi, đánh quái, cày cuốc hay một cách rất random thì bạn luôn có thể tìm nhặt các hòm kho báu mà trong đó có chứa các loại đồ trang bị mặc vào cộng chỉ số. Về sau bạn gặp được con mèo đen Ai Cập Marco Neko với cửa hàng The Empurrium của nó ( chơi chữ ) thì nó cũng bán luôn cả nhiều đồ trang bị cho bạn đỡ phải lo cày, nhưng nó bán cho bạn thì cũng đòi giá thành khá chát mà chính kho đồ của nó cũng random tức là bạn vừa phải cày tiền bục mặt, vừa phải đánh một màn rồi vào check liên tục thì thuật toán lập trình mới chịu cho ra đồ mới không trùng đồ cũ. Sẽ phải mất kha khá thời gian và có yếu tố may rủi để thật sự tìm thấy cái đồ trang bị mà bạn cho là có giá trị phù hợp với bản thân. Khi lên level thì bạn được cho 1 số điểm nhất định để mà tự cộng tuỳ ý vào chỉ số theo ý bạn muốn. Game không lằng nhằng mà nói thẳng luôn chỉ số này để làm gì chỉ số kia cho cái gì ví dụ như Attack là tấn công ( + dam), defend là phòng thủ ( Đòn đánh của đối phương lên bạn sẽ kém hiệu quả hơn ), vitaly cộng thẳng vào thanh máu, speed là tốc độ đánh và di chuyển, mind + thẳng vào Mana… Bạn hoàn toàn có thể dồn vào chỉ cho 1 chỉ số và biến nhân vật theo những lối Build kì dị nhất như dồn Full Attack trong khi kệ xác các chỉ số khác khiến nhân vật của bạn đánh mạnh khủng khiếp hơn nhưng với một cái máu giấy hay defend giấy thì Bosses chỉ cần tặng bạn vài cú là đủ, hitscan của chúng lên người bạn vẫn khá là dính đấy chứ chả tưởng bở chút nào đâu. Hoặc nếu bạn chày cối bạn có thể dồn full Mind và có một thanh Mana dày bự chỉ dùng để Spam chiêu đặc biệt hoặc kéo dài thời gian Rage của bạn hơn…
Nhờ có dàn nhân vật đa dạng mà game không chỉ mang rất nhiều giá trị chơi lại mà ngay trong giữa game bạn đã có thể thử nghiệm với đủ loại nhân vật và đủ trò. Game không đặt nặng quá việc phải progress game và nó cũng vô tình để lộ một khuyết điểm lớn đó là yếu tố lặp ( Repetitive ) là cực căng thẳng. Bạn được tùy ý chọn các màn chơi mà bạn đã mở khóa hoặc chơi qua và nếu bạn thích bạn vẫn có thể nhảy về cày màn cũ nếu muốn, cày EXP, cày đồ, khai phá nhân vật etc… Bạn khởi điểm với công chúa Solange và thanh Holy Sword của cô. Solange có tốc độ combo vừa phải nhưng cách mà thanh kiếm ra đòn là cực kì có lực khiến cho bạn có cảm giác như bạn lại được làm Guts múa cây kiếm khổng lồ của mình vậy. Sang màn hai và Solange gặp được 1 cô nàng Tomboy chuyên đi loot đồ khác là Alibaba ( Vâng ! Alibaba và 40 tên cướp đó ), đúng lý Alibaba chỉ quan tâm đến chuyện hôi của và hôi cả thanh kiếm của Solange cho đến khi cô nàng học được là chuyện này còn lớn hơn cả cái trò Loot đồ của mình và Alibaba quyết định đưa Solange cùng đi trốn chạy khỏi quân của đế chế. Vì là tướng cướp nên Alibaba đánh khá yếu nhưng bù lại là combo cực nhanh và nếu đánh đủ tốt bạn có thể dồn kẻ địch vào cái thế bị cancel và knock liên tục… Tiếp tục theo chân các màn chơi sau và bạn có một tá các nhân vật thú vị được xây dựng đầy đủ từ ngoại hình đến tính cách như Lady Zozo – là một bà cô Zombie Necromancer với thân thể theo như cô kể đó là: ” Ờ thì tôi chả có gì nên tự lấy các bộ phận tạp nham từ nghĩa trang để tự ráp thành cái cơ thể hiện tại “, cô chiến đấu bằng gậy phép với các đòn Special rất mạnh, đốt mana nhưng đảm bảo dùng là lóe cả màn hình. Rồi chúng ta có một gã Bard trong Team là Allegro Nantabile Cantabile – Tên nghe khá dài và ngớ ngẩn nhưng đây là lí do khiến thằng cha này sáng giá nhất cả game ! Hắn không chỉ là nhạc sĩ mà kiêm luôn cả thằng hề của Team. Game xây dựng thằng cha này theo đúng lối nghệ sĩ dỏm không phải vì nhạc của hắn không hay mà là vì cái cách hắn hành xử như thường xuyên tấu hề, giả vờ ngầu nhưng nhát chết và quan trọng nhất là hắn rất sợ con mèo Marco Neko. Bạn có thể thề Allegro là kiểu thằng bạn thân số 1 của bạn: phút trước vừa nhảy ra Rock And Roll Baby và vèo cái: ” Oh sheesh ! Chúng ta đang bị bao vây, mạng ai người nấy lo ” ( Every Sage for himself ) – which khá là hài hước vì phần lớn team là con gái và trong các chapter đầu thì hắn là thằng đực rựa duy nhất của cả team. Allegro đánh bằng cây đàn của mình, gợi nhớ lại cho bạn Dante ở DMC3 với cây đàn Nevan nhưng kém ngầu lòi hơn. Bộ combo đàn nhìn tuy cơ bản nhưng thực ra để chơi Allegro tốt bạn cần kĩ năng và khả năng ghi nhớ kha khá vì cái cách mà họ set nút combo cho thằng cha này và việc bạn phải để ý đánh tầm gần hay tầm xa để còn biết đường spam Projectiles. Về sau bạn gặp sơ Helga – là một trong những nhân vật có thiết kế đẹp nhất game theo quan điểm của tôi vì cách mà bộ đồng phục sơ trông hiền khô nhưng hai tay bà là một cái chùy Mace và một cái khiên kiểu thập tự chinh với những đòn Spam Area Splash không chỉ hiệu quả mà còn knock mạnh, thậm chí tên của Helga là chơi chữ vì trong game họ chủ yếu gọi bà là Sister Hel ! ( Sơ Hel – chữ Hel nghe vần với Hell ý ) . Hai thằng cha nữa gia nhập cùng bạn đó là Tsukikage và Master T với Katana và nắm đấm, Tsukikage cũng có bộ combo phức tạp một chút vì họ cố nắm bắt cái cảm giác ngầu lòi với thanh Katana đó trong khi Master T đấm với lực cùn nhưng bù lại là dễ chơi, dễ thích nghi. Cả nhóm của bạn có tất cả những thanh niên này là chính yếu nhất, về sau bạn vẫn tiếp tục có thể mở khóa thêm Playable Chars từ kẻ địch, tướng tá bên phe Đế Quốc, nhân vật đặc biệt etc… Nhưng chủ yếu họ dùng trong Free Play nhiều hơn là đi bàn Campaign. Một nhân vật khác tôi tin là cũng đáng nhớ không kém đó là viên tướng kẻ địch Baku Juppongi – là một gã Ninja tâm thần, người yêu cũ của Alibaba và cái cách mà gã này có đầy đủ context của kẻ phản diện kiểu hoạt hình – Ngu từ tướng đến thuộc hạ, nói văn vẻ theo lối dí dỏm, biết nhận thua nhưng không bỏ cuộc, hắn kể ra khá là trong sáng vì trái với hình dung về kiểu bạn trai cũ độc hại thì thằng cha này khá là ngu ngốc và ngớ ngẩn, đến mức bạn nghĩ Alibaba bỏ gã vì không chịu được cái kiểu ngu si và tấu hài của hắn hơn là việc hắn có vài tham vọng xấu xa của bản thân, bạn sẽ sớm hiểu vì sao cái đôi này xứng đáng hợp nhau thế…
Đây không hẳn là một game mạnh về cốt truyện bởi vì xuyên suốt gần 30 màn chơi bạn sẽ thấy cái cách cốt truyện vẫn được viết như các mô tuýp nhập vai cơ bản thôi. Công chúa Solange mang theo thanh Holy Sword của gia tộc chạy trốn khỏi chiến tranh và hỗn mang từ cả vương quốc Distron đối địch lẫn lũ quái vật tràn làn khắp cả lục địa, đến một lúc thì công chúa nhận ra rằng chạy trốn mãi không phải là giải pháp mà điều cần làm thật sự đó là đánh thẳng vào kẻ phản diện – nữ hoàng Distiny của vương quốc Distron. Đến cuối thì lại mô tuýp người tốt sẽ chiến thắng kẻ xấu và đến khi kết thúc sẽ lại phải có khâu lựa chọn. Game có 2 endings khác nhau nhưng bạn không cần bận tâm nhiều lắm vì 2 cái kết này chỉ được quyết định đúng vào giây phút phá đảo của game. Có một plot twist liên quan đến thân phận thật của Lady Zozo nhưng cảm tưởng nó chả đáng kể lắm bởi vì theo cốt truyện thì nó khá là tiện lợi khi kế hoạch của kẻ phản diện Queen Distiny không tính đến yếu tố đó là cô ta cần dụ đúng và đủ tất cả người hùng trong Team Solange vào tròng, bao gồm cả Lady Zozo nhưng thế éo nào giao thức ma thuật không được kích hoạt vì Lady Zozo không hề ở trong cơ thể thật của bản thân. Hai endings của game kể ra không có cái nào là Bad hay gì cả, nó chỉ đơn giản là theo presets bạn chọn, phá hủy nguồn năng lượng ma thuật của thế giới cũ để phá vỡ cái vòng lặp luân hồi của quái vật khủng bố suốt các thế kỉ và cũng chấp nhận mất luôn tất cả những cái ma thuật độc nhất kia hay quyết định giữ tất cả lại rồi từ từ tính tiếp, với một thay đổi nho nhỏ là Lady Zozo ở kết hai sẽ vẫn chưa lấy lại được cơ thể thật của mình và cả lũ lại lên đường để giúp cô nàng.
Với nền đồ họa kèm một Art Style có sức hút thì OST của game cũng cực kì chất lượng và rất cháy, họ thậm chí còn rất chu đáo khi ngần này nhân vật và họ quyết định mỗi người phải có một Theme song riêng cơ, Từ Solange với nhạc Piano âm hưởng quý tộc, Alibaba thì có cái chất nhạc bụi của băng cướp, thằng cha Alegro thì múa Rock N Roll, nhạc của Zozo thì chơi như nhạc đám ma và cái giai điệu cực kì u uất (Zombie mà nhỉ ? ) và rồi bộc một cái bạn lại thấy nó bốc hẳn lên cứ như tà thuật Voo Doo vậy… Game chủ yếu dùng chất giao hưởng nhưng yếu tố upbeat kiểu nhạc điện tử trong những lúc combat căng cơ cũng cực kì cuốn hút. Đây cũng là một trong những con game có nhạc nền của Boss mà tôi cực kì cảm thấy thích và phê bởi vì nhìn thì nghĩ nó là game Nintendo 3DS thôi nhưng nhạc Boss bá cháy quá… Cứ như đang tham gia Epic Battle giữa thần với thần ý.
Và cho những ai không tin thì soạn nhạc cho game là bộ đôi ACE bao gồm Tomori Kudo và Hiroyo Yamanaka – 2 nhà soạn nhạc của Nintendo và Monolithsoft với thành tựu máu mặt nhất đó là 2 ông này cũng là Composer của cả Xenoblade series.
Về những giá trị chơi lại của Code Of Princess không chỉ bao gồm ở Single Play mà còn có cả những thứ như chơi Co Op, chơi Versus đấu online. Ngày xưa cộng đồng 3DS của game này cũng khá là mạnh và sau này khi được mang Port lên PC và Switch với bản Code Of Princess Ex thì bạn vẫn có thể chơi Online với Netcode tiêu chuẩn từ Nintendo và Steam. Giá trị chơi lại lớn nhất của game có lẽ là việc thay vì làm một Roster các nhân vật người hùng lẫn kẻ xấu là đủ rồi họ lầy đến mức cho phép bạn nhập vai cả NPC trong các phần chơi thử thách. Tức là gì ? Các NPC của game có những người còn chẳng có tấc sắt nào trong tay hay chỉ là những con quái vật ngờ nghệch với bộ combo giới hạn và đoán xem ? Cứ ném hết tất cả vào dùng trong cả Freeplay Single Player lẫn Online và bạn được chứng kiến những người chơi chày bừa nhất như cầm NPC cô thôn nữ và cứ hai tay múa lốc và chỉ spam cái lốc đó, bà già thôn làng lưng còng cũng có thể mang ra làm Playable được, mấy con quái cây, Slime, Lính của Đế Quốc. Nó khiến cho cả cái Roster thực tế của game không khác gì một nồi cháo thập cẩm, cười không ngậm được mồm vì khi chơi Online tôi đã bắt gặp tình huống đấu 4 với 3 đứa Chars là set nhân vật chính và tự nhiên thòi lòi ra một thằng cha nông dân ở đâu và rồi thằng cha nông dân đó múa sạch cả 3 đứa còn lại… Bình thường không đáng nói đâu nhưng đặt trong Context kiểu game đối kháng và Beat Em Up thì đây là một tính năng cực kì hay ho và có giá trị không chỉ bởi việc bạn được chơi những thứ ngớ ngẩn nhất mà game mang lại mà còn yếu tố niềm vui hay Try Hard – Như tôi đã nói đấy ? Các NPC và quái có combo khá giới hạn và dị hợm nhưng dùng được những cái đó để Beat được Roster nhân vật chính thì khá là Out trình. Kể cả sau game bạn vẫn cảm thấy có hứng thú chơi lại để cày full Level cho các nhân vật cũng như lấy Chalenge này nọ các thứ, nó khá là tuyệt vời vì khi nói đến thiết kế giá trị chơi lại trong game trong cái thời buổi 2023 2024 này thì không Grind thì cũng lại Live Service khá là không vui.
Đánh giá chung: Code Of Princess có thể là một tựa game khiến bạn có cảm giác như nó được làm theo tiêu chuẩn cuối 9x đầu 2K nhưng chính điều đó là cái mà khiến cái giá trị vui của nó tăng lên khá nhiều. Như tôi đã nói thì điểm yếu lớn nhất mà game có thể có đó chính là yếu tố lặp Repetitive tồn tại ở việc cày Level và cày đồ có thể hơi nhọc, cộng thêm bản chất gameplay và mechanic chỉ tập trung vào Beat Em Up nên đến cuối nó cũng chỉ giới hạn thế thôi nhưng thật sự game vẫn rất là vui. Chưa kể vì nó là game 3DS nên bạn có thể thấy cái cách thiết kế được nhắm đến ở đây đó là việc bạn pick máy lên và chơi 1 2 tiếng hoặc làm vài trận vài màn một ngày, nó vẫn rất là được. Đồ họa tốt và OST bá cháy cũng giúp ích một phần rất nhiều cộng thêm cốt truyện tuy đơn giản nhưng dàn nhân vật lố bịch và ngớ ngẩn theo đúng tiêu chuẩn Nhật nên bạn chẳng thể đòi hỏi gì hơn. Nếu bạn có bản 3DS hay bản Steam thì tôi cho là cái nào cũng đáng chơi thôi.
HenryMason AKA TranVietBach