Back sau vài ngày ê ẩm cả người, hôm nay chúng ta sẽ đến với một trong những huyền thoại của Hack and Slash. No no DMC, Onimusha here, cổ hơn cả nó. Đây là Nightmare Creatures.
Nightmare Creatures
Hệ máy: PS1, Nintendo64, Windows
Phát triển: Kalisto
Phát hành: Activision, SONY
Tùy vào mỗi phiên bản trên từng hệ máy mà bạn sẽ sớm thấy là có một vài sự điều chỉnh riêng ở từng phiên bản (có thể thêm bớt content cũng như vấn đề đồ họa).
Đồ họa tổng quan như bạn thấy thì PC và PS1 cũng sẽ chỉ same same nhau (vì thực tế là bản Windows là được port từ bản PS1 lên). Bản Nintendo 64 được thay đổi đáng kể đối với thế mạnh phần cứng và những giới hạn bộ nhớ, ví dụ như họ lược bỏ bớt các phân đoạn cutscene và FMV rồi thay vào đó là phong cách text-scrolling, đồ họa thì được tranh cãi rằng có vẻ tốt hơn PS1 ở tông màu, xử lý và load textures nhanh hơn, song bị thiếu mất một số hiệu ứng. Thời gian loading trên N64 có vẻ cũng được giảm bớt đi so với PS1, việc tiếp tục thiếu sót cả những thứ như voice acting ở một số phân khúc, nhạc nền cũng được tinh giản lại… (sở dĩ chúng ta cũng phải thông cảm cho N64 bởi giới hạn bộ nhớ băng của nó là đáng kể so với một cái đĩa CD của PS1)
Phong cách
Chạy theo lối kinh dị cổ điển (Gothic Horror) của thế kỉ 19 (có thể là đến đầu 20), chắc bạn còn nhớ đây là thời kì rầm rộ của phong trào kinh dị khi mọc lên vô số kiểu settings cũng như các nhân vật kinh dị khét tiếng sống trong thời đại này như: Frankenstein, Dr Jekyll và Mr Hyde, Wolfman (trước khi chính thức trở thành Werewolf như thường gọi bây giờ), Vampire, Undeads, Necromancer, Witchcraft… Lấy bối cảnh ở Châu Âu nên bạn sớm bắt gặp những khung cảnh của đường phố lạnh lẽo của nước Anh, vào ban đêm cái làn sương mù cùng không khí khiến tất cả còn trở nên đáng sợ và ám ảnh hơn bao giờ hết. Một cảm hứng chính tồn tại xuyên suốt game đó chính là cây bút, thi sĩ, sử gia người Anh nổi tiếng Samuel Pepys (1633-1703). Ông đã viết rất nhiều tác phẩm nổi tiếng nói về cuộc sống của Châu Âu vào những thế kỉ 17 – trong đó ông miêu tả lại bức tranh toàn cảnh những sự kiện cũng như biến chuyển của vua chúa lẫn các thế lực khác. Những settings được xây dựng có một chút lấy từ của ông, thậm chí ông còn được đưa vào và trích dẫn luôn trong game như là một setting thiết yếu của cốt truyện.
Gameplay
Bạn được lựa chọn một trong hai nhân vật, cha xứ Ignatius Blackward hoặc cô nàng Nadia Franciscus với một nhiệm vụ trọng tâm, tìm ra những kẻ thật sự đứng đằng sau nỗi kinh hoàng khắp Châu Âu. Cả hai đều có những lối chiến đấu khác nhau để cho bạn khai phá. Ignatius chiến đấu bằng gậy phép với những đòn cơ bản và ma thuật là chính trong khi cô nàng Nadia tận dụng lợi thế nhanh nhẹn và khả năng dùng kiếm thành thạo. Mỗi người sẽ đều có thể gặp những hệ thống item phụ trên đường đi nhằm hỗ trợ cho hành trình của mình ví dụ như súng, những chiêu phép với các effect khác nhau, chất nổ… Mục tiêu của bạn đó là hoàn thành màn chơi, đến điểm cần đến và đấu trùm. Để tạo cảm giác áp lực hơn, hệ thống Adrenaline của game hoạt động như là một cách để giữ Sanity cho nhân vật – nó buộc bạn phải luôn combat liên tục và kiếm tìm các trận chiến nếu không, thanh Adrenaline sẽ giảm xuống và khi nó cạn kiệt, nó sẽ tiếp tục hình phạt này lên thanh HP của bạn. Hệ thống kẻ địch được phân loại khá phức tạp, tùy từng con quái, bạn sẽ phải cân nhắc từng chiến thuật riêng thay vì cứ lao lên và spam nút. Một vài con creep thông thường sẽ khá yếu ớt nhưng hãy cảnh giác với đám Wolfman, Spider hay Facelessman bởi chúng luôn có thể phản công bạn đầy hiểm hóc cho dù loạt đòn bạn tung lên chúng có mạnh đến đâu. Chúng cũng sẽ là những A.I đáng gờm ít nhất là trong một hai lần chơi đầu tiên – chúng có thể nhận biết tình huống và sự delay trong control của bạn, ví dụ như chúng luôn chơi trò nhảy lùi hoặc để hở cho bạn tấn công rồi bất ngờ phản đòn khiến bạn không đỡ kịp, chúng thậm chí cũng có thể tự ra đòn mạnh mà không có một dấu hiệu nhận biết cụ thể nào cả. Bạn thấy chúng đứng yên rồi… bốp một cái và bạn bị mất máu, ngã ngược về phía sau. Mỗi nhân vật cũng sẽ có hẳn các combo riêng nhằm cho phép họ triển khai các loạt đòn nhuần nhuyễn và mỗi loại cũng sẽ giúp bạn trong một tình huống cụ thể, ví dụ như nó có thể phá vỡ thế phòng thủ của quái vật (Break Defend), tạo cho bạn thế Defend vững (tức là combo này sẽ không thể bị gián đoạn bởi bất kì đòn tấn công nào của quái vật), Chop-Up (chặt luôn con quái thành từng mảnh nếu bạn triển khai thành công)… Level Design có vẻ khá đơn giản nhưng chớ có xem thường, nó sẽ thường xuyên áp buộc bạn vào không gian bóng tối, sẽ luôn có thể có những khúc jump scare nhất định ở một số đoạn như quái vật đột nhiên nhảy bổ ra rồi thét lên những tiếng gầm cực kì khó chịu, các mechanic ẩn, secret cũng như cả việc tìm kiếm các item được cất giấu tỉ mỉ…
Và một trong những cái chắc sẽ khiến bạn cảm thấy khá khó nhằn ở game đó là góc camera. Vì thời đó vấn đề góc camera có vẻ vẫn khá là mới cho nên ngay từ khi vào game, bạn sẽ sớm thấy là bạn sẽ thường xuyên phải xoay hướng nhân vật để đạt hiệu quả tối đa cho các hành động như jump hay né (nếu bạn đã quen với những góc fixed camera thì tôi tin là vấn đề này không quá khó nhằn nhưng đôi khi có những tình huống, platform hay kể cả là combat – cái góc camera thật sự như muốn đấm vào mặt bạn. Lấy ví dụ nho nhỏ là vì thông thường góc camera khi ở tâm chính giữa có thể thỉnh thoảng hơi “thấp” xuống cho nên nó cũng khá dễ gây hiểu lầm bởi bạn không chắc chắn là cái tầm đánh của bạn (range) có chạm đến kẻ địch hay không bởi cái góc camera quá thấp, và nhiều khi bạn tưởng mình đánh trúng nhưng hóa ra là lại không). Và như thường lệ, khi combat trở nên quá rối rắm hoặc bạn thật sự cần thời gian để nắm bắt các đòn đánh của những con quái vật thì không sao cả, block, dodge hoặc back step sẽ luôn giúp bạn (hành động back step của game sẽ là những pha Bunny Jump về phía sau, nhưng hãy cẩn thận nhé, bởi bạn vẫn sẽ quay mặt thẳng về phía trước và nếu như bạn định giải quyết một kẻ địch đang định “cắn trộm”, bạn sẽ lại phải theo thao tác đó là quay mặt về phía sau). Chào mừng đến với Nightmare Creatures – nơi mà Boss Fight hay đám đông sẽ là những kẻ địch mạnh thứ hai chỉ sau góc camera và gameplay. Âm nhạc được phối bằng những bản Metal khá chất thế nhưng giá như control không quá khó chịu thì tôi tin bạn luôn có thể biểu diễn cho đúng với chất nhạc và tiết tấu game.
Nightmare Creatures cho dù nói gì đi nữa thì nó là một phát pháo đỉnh cao của thời đó, phong cách Gothic Darkness, những bản Metal, cộng thêm một cốt truyện Bác Học Điên cùng phong cách Platform xen lẫn Hack and Slash vẫn là những yếu tố kinh điển mà bạn sẽ khá khó để tìm thấy ở thời đại này. Khi chơi tựa game này, tôi vẫn tìm thấy một cái charm khá ấn tượng và thử nghĩ rằng tựa game này cần được remake (đừng remaster vì nói thật engine đồ họa đã khá là cổ mà kể cả nếu có thì đồ họa cũng chưa chắc đã khá lên nhiều đâu). Nếu được thiết kế đúng, Nightmare Creatures sẽ không đơn thuần chỉ là Hack and Slash mà yếu tố Horror cũng có thể trở nên đặc sắc hơn – có lẽ là đi theo phong cách Bloody Disgusting chẳng hạn, có thể chưa đủ để làm bạn sợ nhưng nhìn thấy vài cảnh máu me và xác thịt, cảnh thân xác con người bị mang ra giống như là thú vật cũng đủ để làm vài bãi nôn đối với những ai hơi yếu đấy.
HenryMason AKA TranVietBach
As your service.