Khi Max Payne mới ra mắt vào cuối năm 2001 khỏi phải nói trào lưu mới bùng nổ như thế nào, lần đầu tiên mọi người được chiêm ngưỡng một hiệu ứng Bullet Time thời gian chậm lại cực kì ấn tượng đến mức ngay cả cấu hình tiêu chuẩn của PS2 khi đó cũng phải rất khập khững để đảm nhiệm nổi ( Yeah tôi sẽ không bảo bất cứ ai chơi bản PS2 của cả 2 phần Max Payne đầu tiên đâu ), mấy thằng cha Nhật Bản nhanh chóng liên lạc và huy động các Studio của mình bắt trend và nghĩ ngợi cái này cái nọ… Ngày hôm nay chúng ta sẽ nói về thằng cha Namco của chúng ta khi đó, ở mảng game đối kháng thì Tekken lúc này vẫn phải chịu sự cạnh tranh gay gắt từ Street Fighter, King Of Fighter, Dead Or Alive cũng vừa mới ra phần 2 rất nóng hổi hay việc Bloody Roar vẫn còn rất hùng mạnh khi đó, anh bạn Namco của chúng ta muốn giải tỏa chút sức ép và sẵn tiện săn trend luôn, Studio Namco Hometek ở bên Nhật liên lạc với chuỗi Namco Santa Clara ở California để bàn về một tựa game hành động mới đánh mạnh vào thị trường Console Gen6 và sẵn tiện phát triển engine sử dụng sau này luôn. Đồng thời vào sấp chừng năm 1998, 1999 khi đó thì Namco có làm sẵn các bản hình ảnh Demo lẫn Graphic Teaser về một tựa game lấy bối cảnh vũ trụ Escape From LA của John Carpenter và khi mà không xin được bản quyền thương hiệu thì may thay là những Assets có giá trị này đã không bị cho bay màu vội, họ quyết định áp dụng nó luôn vào dự án game hành động mới này ! Một thương hiệu mới của Namco ra đời khi đó với một cái tên không thể gai góc và hành động hơn: Dead To Rights !
Gameplay: Mặc dù đúng là khi đó Max Payne khuấy đảo thể loại hành động và rất nhiều người đặt ra những sự so sánh giữa các game ăn theo này nọ lọ chai, Dead To Rights cũng không hẳn là ngoại lệ tuy nhiên nếu bạn thật sự được chơi game, Dead To Rights chứng tỏ bản thân nó vượt lên rất nhiều so với cái mác ăn theo chỉ vì mấy thằng cha nhà báo vẫn còn quá mới mẻ với khái niệm Bullet Time – Slow Motion khi đó. Dead To Rights thay vì có một hệ thống combat dynamic kiểu người chơi tự do bắn tự do điều khiển thì nó chọn hướng đi Arcade ( điện tử thùng ) hơn một chút để game thủ dễ làm quen. Bạn sẽ hầu như không phải lo hoặc ít phải bận tâm vấn đề bắn trúng bắn trượt trong Dead To Rights vì nó sử dụng hệ thống Auto-aim. Bạn giữ nhắm bắn và hồng tâm tự động khóa vào kẻ địch đầu tiên mà nó tìm thấy bất kể xa hay gần. Hồng tâm cũng rất tiện ở chỗ nó tự đánh giá khoảng cách cho bạn luôn, nếu hồng tâm khóa vào là màu xanh lá – tức là bạn chưa vào đủ tầm và những phát đạn sẽ Miss rất nhiều, hồng tâm màu vàng tức là ít nhất 40% trượt và đỏ là auto trúng hết. Điều này có ảnh hưởng lên các loại vũ khí chẳng hạn như súng lục thường dùng cho tầm trung và tầm gần, Shotgun thì auto tầm gần mới Ok, Assault Rifle thì tầm trung đến xa và Sniper Rifle hay Magnum thì auto nhắm xa được. Ngoài ra game có một chế độ Manual Aim nhắm thủ công chỉ dùng cho các tình huống cố định bắn tức là bạn sẽ không thể di chuyển được. Khi không có súng thì bạn vẫn có thể lao lên Disarm kẻ địch, tước vũ khí của chúng bắn trả hay ra lệnh cho người bạn đồng hành chó lai sói tên Shadow insta-kill kẻ địch và mang súng về cho bạn. Shadow có một thanh Cooldown thời gian hồi nho nhỏ nhưng kể từ khi game có cung cấp cả các giải pháp dự phòng như tìm chỗ nấp hay quanh map luôn vứt đồ rải rác nên bạn hoàn toàn không bị rơi vào kiểu tình thế thụ động trong phần lớn thời gian của game. Hệ thống Cover Shooting của game tuy có thì có nhưng cũng khá thô thôi, nó thô y hệt như trò Winback mà tôi từng viết về trước đó, vì thế đây có vẻ là thứ bạn sẽ ít khi dùng trong game nhất. Game ngoài ra có cả một hệ thống Human Shield bá nhất mà tôi từng thấy trong lịch sử, cứ ở gần kẻ địch là bạn có thể bấm nút O nếu là PS2 hoặc B nếu là Xbox và bạn có thể Grab lấy tên kẻ địch dùng như lá chắn trong khi tiến lên phía trước, toàn bộ sát thương đằng trước thì tên khiên người đen đủi này sẽ lãnh hết cho bạn.
Bên cạnh bắn súng thì game có biên chế cả các màn chơi dạng Melee Brawl – Beat Em Up khi nhân vật chính phải tự chiến đấu bằng tay không. Cơ chế này khá sát sườn và khó nhằn kể từ khi game không có hệ thống định hình hay cảnh báo quen thuộc như bạn thấy trong game hiện đại, tức là gì ? Khi nào bọn kẻ địch ra đòn thì sẽ chẳng có gì gợi ý đâu, chúng nó sẽ đánh rất nhanh và combo rất khô máu đến nỗi bạn mà muốn block đỡ đòn thì phải đoán đúng từ 1 giây trước khi chúng nó kịp vung đánh. Hệ thống combo cũng khá cơ bản với đấm đá chẳng hạn như 2 lần đấm 2 lần đá sẽ cho ra combo xoạc chân cực kì hiệu quả, 3 lần đấm 1 lần đá sẽ là một combo 3 đường quyền và 1 phát đạp nhưng tôi thường ít khi dùng chuỗi này vì bọn máy có vẻ rất khôn nên chúng nó luôn block được, chuỗi 4 lần đấm và 1 lần đá nếu căn thời gian chuẩn có thể lừa kẻ địch block 4 phát đấm đầu của bạn chỉ để phát thứ 5 bạn làm 2 cú đá bất ngờ… Nó đơn giản nhưng vẫn rất vui bởi khả năng xoay và ném combo bất cứ lúc nào bạn muốn miễn là bạn đỡ được hết đòn của kẻ địch. Mỗi khi đỡ đòn thì thanh thể lực của bạn sẽ tự động trừ và bạn chỉ cần căn được thời gian bị đánh rồi giữ nút đỡ thay vì có hệ thống Counter bất ngờ kiểu hiện đại ở đây. Ngoài ra có cả đòn ôm và vật truyền thống, xong cái này khá là tù bởi vì phần lớn thời gian bạn bấm hết lực cái nút O và B này là để phá đòn ôm của đối phương nhiều hơn.
Và giờ đến phần quan trọng nhất, hệ thống Slow mo. Đây là nơi mà bạn chắc chắn muốn vả vỡ mồm mấy thằng lều báo và nhà páo, những thằng Ignorant hay Gamerant hay Eurogamer bla bla… Sở dĩ đây chính là cái nơi mà mấy thằng cha này chơi một tí rồi ném bừa vài chữ Max Payne clone vào qua hệ thống này và đây là cái buồn cười này ! Slow Mo của Dead To Rights còn chẳng phải một hệ thống hoàn chỉnh mà nói đúng hơn nó là một cái mechanic rất nhỏ bị gói vào trong một nút bấm chức năng còn nhỏ hơn nữa. Bạn chỉ có thể Slow Mo khi giữ nút Y (Xbox ) hoặc tam giác của PS2 và lúc này thì nhân vật chính làm động tác lao lộn người lên phía trước và thời gian chậm lại, cho phép bạn bắn nhanh hơn, triệt hạ kẻ địch nhanh hơn. Và nó chỉ thế thôi, bạn chỉ có thể Slow mo bằng cái Dive này, chả có gì khác.Nó không giống như Max Payne thích bật Bullet Time lúc nào chẳng hạn như lộn người, nhảy bay lên các kiểu,… Trong Dead To Right tất cả chỉ là giữ nút lộn lao lên. Cũng không giống với Max Payne nữa đó là trong khi Max có thể kiểm soát toàn bộ Bullet Time đốt hết hoặc hủy thì trong Dead To Rights, kể cả nếu bạn không bấm hủy thì thời gian Slow Mo cũng chỉ giới hạn từ lúc bắt đầu lộn cho đến khi người chạm đất là kết thúc, không thể hơn được nữa. Đồng thời thanh năng lượng cho cái này cũng là tính vào thanh thể lực luôn. Tốc độ hồi thanh này khá là Ok thôi, cho nên bạn không phải lo bạn không spam Slow Mo được nhiều trong quá trình bắn phá của game.
Bên cạnh bắn súng đấm nhau hay slowmo, game cung cấp các mô tuýp hành động cháy nổ quen thuộc với việc Jack có thể nhặt các bình cứu hỏa hay bình nổ nếu có thể tìm thấy trong môi trường, quăng vào người lũ kẻ địch nếu có số đông, thời gian chậm lại và căn thật chính xác vị trí cái bình nổ bay đến, bấm một nút bắn và hiệu ứng nổ tuyệt đẹp phá hủy toàn bộ nhóm kẻ địch chết cháy ! Thật sự rất tuyệt. Kể cả trong môi trường đôi khi cũng vứt rải rác các thùng nổ đặt sẵn và về sau họ có giới thiệu cả các loại vũ khí phóng lựu như RPG hay súng phóng lựu Thumper. Súng ống trong game cũng thật sự được thiết kế rất có lực và vui để dùng chứ không phải chỉ làm cho có chẳng hạn như những khẩu súng lục 45Acp là những khẩu dạng M1911, súng lục giảm thanh là Beretta, Shotgun SPAS, Double Barrel hay Jackhammer, các loại súng trường từ M4 đến AK47 hay súng máy M60, các loại súng SMG thì thường chỉ bắn tầm gần đến tầm trung như MP5, M11,… Súng Magnum có 2 khẩu là DE và Anaconda gắn ống ngắm… Dĩ nhiên có một vài hạt sạn vô lý trong game ví dụ như khẩu MP5 mặc dù là SMG và chỉ bắn hiệu quả nhất ở cự ly gần nhưng Devs lại nghĩ gì đó và quyết định cho nó một chế độ nhắm manual còn xa hơn cả súng trường hay Sniper, hay súng Sniper trong game bản Xbox thì lại khá vô dụng bởi vì bạn bị ép phải Headshot 100% với 1 cái Hitbox vùng đầu kẻ địch bé tí nếu chỉ bắn vào người thì nó tính dam như những phát bắn súng lục thường, khá là vô lý. Bản PS2 có sửa lại các vấn đề này đôi chút nhưng cảm tưởng cũng chẳng khá hơn là mấy… Vì nhân vật chính là tuýp người kiểu một mình cân tất nên sẽ không có hệ thống kiểu cầm theo súng và băng đạn như bình thường mà thay vào đó tất cả các súng chỉ là 1 băng đạn và sau khi bắn hết thì anh ta ném nó đi chuyển sang vũ khí mới nếu có. Nếu là những khẩu súng lục, Magnum hay khẩu M11 thì bạn có thể cầm Dual 2 x 2 tức là 4 khẩu, bắn hết 2 khẩu tự động quăng đi và rút ra hai khẩu mới nhưng tất cả các súng khác từ súng trường, sniper, khẩu MP5 hay khẩu M60 thì chỉ được cầm 1.
Tiết tấu của game theo đúng nhịp game Arcade tức là thường sẽ rất nhanh. Cũng có một cái tôi cần nói ở đây đó là ban đầu game này là độc quyền có thời hạn trên Xbox rồi sau đấy mới port lên PS2, Gamecube và PC, và đây là phần hài hước này. Bản Xbox là bản khó nhất với lí do là lúc đó là lần đầu của Devs nên họ chưa nắm được phản hồi các kiểu gì cả. Sau bản Xbox thì họ bắt đầu sửa game để mọi người dễ thở hơn với việc phân chia lại 3 cấp độ từ dễ đến khó đó là Easy, Normal và Super Cop dành cho 3 phiên bản PS2, Gamecube và PC. Và tôi đang nói về bản Xbox do đó là bản tôi trải nghiệm trước rồi mới đến PS2 và PC, tôi sẽ nói về 2 phiên bản kia sau. Bản Xbox giữ đúng tinh thần khó kiểu Arcade với kẻ địch bắn cực kì Aimbot phần lớn thời gian, bạn bị co ép kiểu phải luôn có vật thể chắn người bởi vì A.I sẽ cứ xả đạn như được mùa lũ lượt. Bản Xbox cũng tận dụng sức mạnh cấu hình của nó để tăng độ khó lên bằng cách ném một sấp kẻ địch và models vô tội vạ lên màn hình, đã có lúc tối đa lên đến 8 đến 10 kẻ địch bạn phải giải quyết cùng một lúc. Đến mức Devs biết điều này và khi chơi bản Xbox, phần trăm để tìm thấy túi cứu thương trong các trận chiến hay kẻ địch chết drop ra cũng là cao hơn. Tần suất đặt các áo giáp quanh map tôi để ý cũng có vẻ tăng lên vì game thật sự rất khó nhằn khi chơi trên Xbox. Sang PS2 thì tôi chơi ở cấp Super Cop nhưng cũng có cảm giác không thể khó bằng độ khó gốc của bản Xbox, mà ngay cả Super Cop là thế nhưng tỉ lệ drop túi cứu thương từ các kẻ địch cũng lại cao hơn chút so với bản Xbox. Đồng thời tần suất minigames ở bản Xbox cũng là cao hơn và nhiều hơn, sang bản PS2, Gamecube và PC thì họ đã cắt bớt những thứ này lại.
Cốt truyện của game xoay quanh thám tử Jack Slate đi tìm kiếm thực hư bố đẻ của mình là thám tử Frank Slate đã dính vào chuyện gì mà phải bỏ mạng, bối cảnh của game được đặt tại thành phố Grant City giả tưởng với đầy đủ mô tuýp quen thuộc của thế giới tài phiệt, các chính trị gia tha hóa và là nơi mà những người dân mất hết hi vọng khi họ nhận ra tất cả những thế lực xoay quanh họ tệ hại đến đâu… Như Jack nói:
” Grant City. Hardest place on earth. People aren’t born here. They’re forged out of broken bones and blood money. ” ( Thành phố Grant, nơi khắc nghiệt nhất trên Trái Đất. Con người không được sinh ra ở đây. Họ được tạo ra từ xương máu và những đồng tiền dơ bẩn… )
Trò chơi khai thác các cấp độ của việc báo thù, tình bạn, phản bội hay bản chất con người khi đối diện với sự tha hóa và tham nhũng, nghe thì rất gần và vài mô tuýp giống Max Payne đấy nhưng kiểu cốt truyện này cũng chả phải quá mới mẻ gì so với thời đó. Thậm chí trái ngược với sự nghiêm túc ở đây, như tôi đã nói Dead To Rights có vài yếu tố Arcade cho nên cốt truyện của nó khá hạng B thẳng tuột thôi, nhưng điểm cộng cho Dead To Rights đó là nó tạo ra cái cảm giác của phim Wild Things đó là khi chơi bạn không bao giờ biết cái quái gì sẽ xảy ra kiểu sẽ có những người bạn bất ngờ phản bội, hay cái chết ập đến với những người yêu thương hay bất ngờ một chuyện gì ập đến. Dead To Rights là một trò chơi điện tử của năm 2001, 2002 nên dễ thấy vài cái hạt sạn như là một số khâu chuyển cảnh thiết kế dẫn truyện làm có vẻ hơi ” buồn cười ” trái với nghiêm túc hay cố nghiêm túc quá để tự nhiên phản tác dụng. Trong cái rủi có cái may đó là chính những cái buồn cười của game cũng lại là một phần khiến nó đáng nhớ hơn bao giờ hết, cả gameplay lẫn cốt truyện… Spoil nhẹ vài tình tiết thôi nhưng sẽ không làm hỏng game chẳng hạn như Voice Acting của Jack Slate là voice của Chris Bruno – một diễn viên chuyên đóng phim hành động và võ sĩ MMA ngoài đời, phần lớn thời gian giọng của Jack sẽ là cực kì nghiêm túc nhưng kiểu biên kịch cứ cố tình cố đấm ăn xôi và vài tình tiết Out of Context cứ thể nổ ra chẳng hạn như khi Jack đi gặp trợ lý của bố mình là Hildy, người mà lúc này đang phải làm thêm trong một hộp đêm thoát y và giọng lồng tiếng của Bruno: ” Bố tôi… đi rồi ” nó kéo trầm xuống giữa một tình huống không thể dở khóc dở cười hơn và bạn sẽ ngồi vỗ tay: ” Chỉ có Videogame mới có thể sản sinh ra kiểu kịch bản thế này ! ” hay như một tình huống rất chi là Tom và Jerry là khi Jack cầm súng chĩa thẳng sọ của một tên Boss là Rashoon, kiểu rất tự tin tao đang nắm thóp mày chỉ để rồi Rashoon làm đúng 2 cú đập và thụi bằng tay trái rất nhanh chóng và tự nhiên Jack á ợ gục xuống bất tỉnh. Trò chơi tổng hợp cả những cái Tropes lố bịch nhất ví dụ như: ” đàn bà là những niềm đau ” thông qua việc phụ nữ xung quanh Jack một là die, hai là phát điên và die, ba cũng là lên cơn ích kỉ rồi die nốt… Ý tôi là 10/10 kịch bản cố biến Jack thành một anh Chad không cần Wamen ! Để càng làm chắc nịch cho khẳng định này: ” Bạn có thể đánh và bắn phụ nữ trong game theo cách xúc phạm nhất có thể “. Xây dựng và phát triển nhân vật cũng là một điểm cộng đối với nhân vật chính là Jack, nhà phát triển phải rất yêu thích các bộ phim hành động để lấy cả một tá cảm hứng nhét vào game. Chẳng hạn như bối cảnh của game là hiện đại nhưng phần lớn thời gian Jack tự sự như kiểu mình là thám tử Noir từ thập niên 40 đến 60, trong khi đó tạo hình Jack là một gã cơ bắp đẹp trai cựu lính thủy đánh bộ ( Jack xăm biểu tượng của U.S.M.C trên tay ) gợi nhớ cho bạn đến phong cách anh hùng cơ bắp của thập niên 80s 90s, ngay cái tên Jack Slate vốn là chơi chữ để gợi ý cho bạn đến Jack Slater của phim kinh điển Last Action Hero – đóng bởi Ạc Nông dĩ nhiên, trong khi đó phần lớn thời gian trong game Jack mặc áo ba lỗ của John Mclane từ Die Hard và áo khoác da cũng là gợi nhớ đến Last Action Hero.
Game xây dựng nhiều khoảnh khắc đáng nhớ chẳng hạn như Devs thật sự chất chơi đến mức ở màn hai của game, họ đặt ngay quả mini game có một không hai vào đó là bạn trong vai cô ả vũ nữ Hildy có nhiệm vụ là tạo ra một Show để đời để đánh lạc hướng toàn bộ bảo vệ và lính gác trong hộp đêm nhằm tạo cơ hội cho Jack lén lút vào đối diện tên trùm. YES ! Chúng ta chơi minigame bấm để nhảy khiêu khích ! – Bạn cá bao nhiêu tiền rằng sẽ có người dám lặp lại ý tưởng này ? Vào thời điểm này ? Câu trả lời là sẽ không bao giờ có một cái game AAA nào dám có gan như vậy nữa. Trong Chapter 3 ở nhà tù là cả một tá Minigame liên quan đến thử thách thể chất và bạn sẽ phải Mash Button rất nhiều để vượt qua… Dĩ nhiên tất cả mấy cái này hầu như đều là một dạng Quick Time Event nhưng đối với Minigame nhảy khiêu khích của Hildy thì tiết tấu khá chậm và tôi thấy nó hài hước hơn là khó chịu, những cái QTE ở Chapter 3 thì chắc chắn là những cái nên né tránh ra và vì thế may là ở các chapter sau, game đã giảm bớt tần suất của các minigame kiểu mash button đi và thay vào các Minigame sáng tạo hơn như gỡ bom, nhập vai chính Shadow… Khá thú vị. Hệ thống đấu Boss của game cũng cố gắng thử nhiều trò dị hợm hơn là cứ chỉ đánh đấm hay bắn bắn, lấy ví dụ như màn đấu Boss với thằng ôn Rashoon là một trận quyền anh với một cái Twist, Jack cợt nhả rằng Rashoon là một thằng chơi bẩn có Doping và thế là Trigger thằng bé, Rashoon khi nhận thấy mình ko thắng thẳng được bắt đầu chơi bẩn thật bằng cách bật full hệ thống Gas lên và trận đấu Boss nhanh chóng biến thành: Thằng nào có mặt nạ thằng đấy auto sống – 2 thằng sẽ đánh nhau để tranh giành cái mặt nạ và tôi thật sự cho điểm 10 hội thoại ở phân đoạn này bởi vì biên kịch của game rất am hiểu phim hành động đến Joke cũng phải hạng B và cool ngầu. Hay màn đấu Boss với tên thị trường béo ú cho bạn một cái trải nghiệm FATPHOBIC theo đúng nghĩa đen tại sao ư ? Bạn không được đánh mà thay vào đó phải nhử hắn đánh đến khi hắn hết combo 3 4 đường của hắn rồi thở hổn hển như mèo hen sắp chết và bạn vòng ra đằng sau lưng làm trò ôm để siết cổ hắn… Cái game thật sự rất là BASED ( CHAD ) vì khẳng định chắc nịch rằng những gã béo khi không thể lấy thịt đè người thì chúng tự đè nội tạng của chính mình , và Jack cũng hiển nhiên tung vài câu Joke cool ngầu về tình trạng tim mạch của ngài thị trưởng béo. Màn đấu Boss phá đảo là một thứ đậm chất phim hành động và tuyệt vời nhất mà tôi từng thấy, nó sỉ nhục thẳng mặt thằng cha Ghideo Gojira với màn đấu Boss cuối của Death Stranding ! Tại sao ư ? Nếu bạn định làm một màn chơi nơi 2 thằng đàn ông mạnh mẽ đấm nhau thì hãy làm nó cho thật ngầu vào chứ đéo phải nút bấm hiện lên màn hình thì bấm đâu ngài Kojimbo ạ ! Dead To Rights chứng tỏ bản lĩnh của nó nhiều hơn so với những cái mác mà mọi người đặt ra cho nó.
Về đồ họa thì dĩ nhiên game của năm 2001 và 2002 thì không đòi hỏi nhiều, trên thực tế Dead To Right lựa chọn chất liệu Art style khá là thông minh theo hướng kiểu truyện tranh comic với tông màu mang khuynh hướng Cel Shade hơn là chú trọng vào tả thực, họa sĩ chính của game là Hoàng Nguyễn thiết kế toàn bộ các nhân vật từ Jack cho đến cả các NPC. Đồ họa của bản Xbox cũng là đẹp nhất nơi họ cố phô diễn các kĩ thuật mới như đổ bóng, ánh sáng, tương phản và chất lượng sắc nét của Texture. Trong khi bản PS2 và Gamecube rất rõ ràng là phải giảm bớt những cái này xuống để game chạy được 60FPS, thậm chí cái này ảnh hưởng ngay trong combat đó là họ có phải giảm bớt tần suất spawn bọn kẻ địch trong 2 phiên bản này lại một chút để tránh quá tải 2 máy. Bản PC là một bản Port hơi lười dù tối ưu tốt ( Game cài được và chạy được mượt mà trên window 10 ) với việc nó port lại từ 2 bản PS2 và Gamecube, có bao gồm 3 độ khó và tinh chỉnh trong các khu vực xong chất lượng đồ họa và âm thanh bị chặt chém lại hơi ẩu. Với mặc dù như tôi đã nói là chạy mượt thật nhưng bạn sẽ bị giới hạn nhiều tính năng chẳng hạn như bản port PC chỉ nhận độ phân giải tối đa đến 1600 x 1200 và có hạn chế lại các settings như Anti Aliasing hay phần mềm shader từ tận đời Tống, vì thế nếu bạn muốn trải nghiệm chuẩn chỉnh thì lại phải cài thêm cả Patches này nọ nữa dĩ nhiên. OST của game được soạn bởi Kevin Manthei và Kevin Riepl, phối giữa nhạc điện tử và âm hưởng hành động khá là kích thích… Nó cho bản cảm giác hoài niệm như thể bạn đang thật sự trong một bộ phim hành động của thập niên 90s vậy. Sound Design chất lượng từ A đến Z chẳng hạn như tôi đã đề cập chút đến Voice Acting của Jack, voice acting của một số người khác cũng rất kiểu có cá tính chẳng hạn như Hildy cho thấy một cô nàng bươn trải sương gió nên việc gì trông cũng rất là rắn rỏi, bà ứng cử viên Gloria Exner như một ả bánh bèo phè phỡn với Jack chỉ để rồi plot twist đó là bà ta nhát cáy đến chết và suýt nữa làm hỏng việc của Jack, một số kẻ phản diện điên rồ như thằng cha Fahook nói bằng cái giọng nặng sệt kiểu Trung Đông hay gã thị trưởng Pinnacle nói bằng giọng khàn sẹt kiểu hút Xì Gà đến cháy họng của mấy tay trùm sò thứ thiệt. Tất cả đều tạo ra những trải nghiệm đáng nhớ.
Đánh giá chung: Dead To Rights là một trong những tuyệt phẩm tuyệt vời nhất của quá khứ, trò chơi có rất nhiều công thức cũ kĩ nhưng thành công trong việc tạo ra nhiều khoảnh khắc đáng nhớ. Gameplay căng não, điên rồ cộng với những cái style chả đúng kiểu nhưng 15 chapters của game đưa bạn về ngược lại phong cách hành động 8x 9x theo cách tuyệt nhất có thể. Nếu bạn không chịu được sự khắc nghiệt của bản Xbox thì bản PS2 và Gamecube cũng vẫn là được thôi, chẳng sao đâu…
HenryMason AKA TranVietBach