Review một vài phụ kiện cho Nintendo Switch (P.2)

Huyền thoại ★ ★

  

Sau một thời gian cày bừa và trải nghiệm đủ các loại phụ kiện gear gủng cho Switch, hôm nay mình xin được phép được Review tiếp những món mà mình cảm thấy thích thú và cần thiết nhất trong sự nghiệp 20 năm làm game thủ của bản thân, không để các anh em chờ lâu nữa, tiếp tục thôi nào.

Ring-Con và Joy-Con Strap (Ring Fit Adventure)

Hai món phụ kiện này và tựa game trên cùng một bộ, trong game tập thể dục của Nintendo. Đáng lẽ ra mình phải review bộ phụ kiện này sớm hơn, nhưng vì một số trục trặc nho nhỏ, cho nên đến giờ mới đủ khả năng review tận tay cho các anh em

Thực ra cũng không có gì nhiều, chỉ là một chiếc vòng có gắn chip, đai quấn chân và băng game thôi. Dù vậy với bàn tay thần sầu của hãng, trải nghiệm tựa game này rất thú vị, chỉ riêng phần chơi cốt truyện của game đã là một thách thức lớn với những ai lười vận động rồi, Nintendo lồng ghép các động tác thể dục thành kỹ năng đánh quái, mỗi động tác mang theo các mức sát thương, hiệu ứng khác nhau. Nếu màu của chiêu trùng màu quái vật thì sát thương sẽ được bonus, điều này rất cần thiết khi chơi các Level cao, quái trâu bò mà sát thương thấp thì xác định toi. Chưa kể cường độ mặc định khá là mệt, tập 30 phút đến 1 giờ đã cảm thấy hết hơi rồi, mình phải giảm cường độ xuống mới chơi qua mấy màn đầu được đấy.

Sau mỗi màn game sẽ cho mình đo nhịp tim, lượng calo tiêu thụ, quãng đường di chuyển trong game bằng cách chạm nhẹ vào Joy-con. Nói chung là tương tự mấy cái Smartwatch đang bán trên thị trường, ai muốn giảm béo cứ thử đi nhé, tính ra tiền chi cho tựa game này rẻ hơn hẳn cái Apple Watch nhiều, mà còn bền nữa. Cái Ring-Con nhìn mỏng manh thế nhưng bóp, kéo, thậm chí vặn xoắn nhiều lần mà vẫn không hỏng hay biến dạng, ốp tay cầm làm bằng vải nên tháo ra giặt sạch không hề khó, cố định bằng Velcro mà.

Ngoài phần Story ra thì game còn cho các Minigame nho nhỏ như là bắn thùng gỗ, chèo thuyền, đập chuột, nhảy dù, làm đồ gốm… rất thú vị. Nếu ai cần tập ở bộ phận nào đó trên cơ thể, game sẵn sàng đáp ứng, thậm chí có thể lên lịch, phối hợp các bài tập hàng ngày nữa đó. Mình tập Yoga và Squat suốt mấy tháng, cơ thể khoẻ hẳn ra mà chẳng thấy chán, đỡ nhất là khỏi mất công đến trung tâm hay mời chuyên gia về hướng dẫn. Các mẹ các chị có con/em/chồng mua máy Switch mà muốn giảm béo hả? Gạ con/em/chồng mua Ring Fit Adventure ngay và luôn, nửa chỉ vàng đáng giá nhất từ trước đến giờ đó. À quên mất, game còn cập nhật chế độ chơi theo nhạc nữa, chế độ này tương tự Beat Saber trên kính VR, thay vì dùng Lightsaber thì mình dùng Ring-con bóp, kéo và xoay người. Do mới cập nhật nên có tầm chục bài nhạc thôi, nhưng từng đó là quá ổn với một game tập thể dục phải không các đồng chí?

Pro Controller (hàng chính hãng Nintendo)

Cái này quá nổi tiếng rồi, nhưng mình xin phép được review lại một lần nữa cho các anh em xem.

Người ta cứ nói thiết kế của tay Pro Controller lấy cảm hứng từ Xbox, nhưng thực ra kiểu thiết kế analog chéo nhau đã có từ thời Gamecube rồi.

Về khoản nút bấm, ABXY làm tốt, hành trình phím hơi dài hơn Dualshock 4 và Xbox One, nút rất nhạy, phản hồi ngon, 2 phím vai L và R cũng không có gì để phàn nàn, cò ZL ZR cũng OK, mặc dù cảm giác ấn chưa thể nào bằng LT RT bên Xbox One được (riêng cái này thì Dualshock 4 cũng chịu thua). Dpad làm khá tốt, Combo trong game đối kháng như Street Fighter hay Mortal Kombat đều không gặp hiện tượng delay, còn vấn đề dính nút thì đã được fix ở các lô hàng sau rồi.

Analog nhạy, quay 360 độ ngon lành, mình dùng như phá mà chẳng thấy trôi hay kẹt gì cả, ấn cũng nảy mặc dù hơi cứng. Còn về thời lượng pin, Nintendo tối ưu cho tay cầm này một cục pin ngon hơn hẳn 2 ông lớn kia, mình dùng gần 1 tuần lễ mới phải sạc lại, theo lý thuyết pin tay cầm này có thể trụ đến 40 giờ trong điều kiện lý tưởng, để khi nào bấm đồng hồ test kĩ mới được. Valve và Lord Gaben nhận ra tiềm năng của món đồ chơi này nên Steam cũng chính thức hỗ trợ nó cách đây vài năm. Công nhận tay cầm này sướng thật, cầm đi quẩy FIFA, đánh boss trong Bloodstained, hay xé xác mấy con quỷ trong Doom cứ phải gọi là tuyệt vời ông mặt trời, đúng là đắt xắt ra miếng.

Tuy màu sắc của Pro controller chưa đa dạng như Dualshock 4 hay Xbox One nhưng ngoài màu đen mặc định, Nintendo cũng cung cấp một số mẫu thiết kế khá đẹp. Chẳng hạn như phiên bản Xenoblade Chronicles 2 được thiết kế theo màu váy của Pyra, bản Splatoon 2 và bản Smash Bros Ultimate, nói chung mấy ông thiết kế tay cầm của Nintendo đã cố gắng làm chu đáo hết sức có thể để mang lại cho anh em trải nghiệm tuyệt vời nhất. Thậm chí ai mà không thích mấy màu này thì các bộ vỏ đẹp mắt của bên thứ 3 luôn luôn sẵn sàng, với bộ tuốc nơ vít và một chút thời gian chọc ngoáy, chiếc tay cầm của bạn sẽ trở nên độc đáo theo cách bạn muốn.

Hộp đựng băng game Switch

Món phụ kiện này có rất nhiều chủng loại, mẫu mã, màu sắc đa dạng, nhưng đều có một điểm chung là được các anh em chơi băng sử dụng nhiều để bảo quản game, cũng như là một món trang sức thể hiện độ chuyên nghiệp của người chơi. Nói chung là tương tự mấy cái deckbox bên YGO, thay vì bảo quản Real card thì bây giờ chuyển sang bảo quản Cartridge.

Tuỳ vào sức chứa, chất liệu mà chúng có giá rất khác nhau, dao động trong khoảng vài chục đến vài trăm nghìn, thường thì những hộp dạng này chứa được từ 6-24 băng, thậm chí có một số loại to bằng quyển album, sức chứa 60 băng lận (cơ mà chắc chỉ có mấy tay chơi lão luyện mới dùng đến con số này thôi, mình không phải dân chơi, mua về dùng hết sao nổi).


Loại mình đang sử dụng thuộc nhãn hiệu OIVO, săn được hàng trên shopee có 40k (mua ngoài cửa hàng chắc chắn gấp đôi con số đó là ít), sức chứa 24 slot, màu xanh dương trong suốt, nói chung là đủ xài vì thực ra mình chơi Digital nhiều hơn chơi băng. Các slot được thiết kế khá ổn, cố định băng game tốt, nhưng muốn tháo ra phải dùng lực hơi mạnh một chút, có móng tay thì dễ lấy hơn, nếu mạnh tay quá có khi để lại vết xước trên băng như chơi. Dù vậy với kích thước nhỏ gọn, các anh em có thể vác nguyên thư viện game của mình đi khắp nơi mà không phải vướng bận gì nhiều. Mình thử bóp mạnh nhưng hộp không hề có cảm giác ọp ẹp, anh em nào mà mang Switch đi chơi ngoài bể bơi hay bãi biển cũng chẳng phải lo, vì hộp kiêm luôn chức năng chống nước. Có sợ thì chỉ sợ những thằng ăn trộm ở những nơi an ninh kém xung quanh khách sạn thôi (24 cái thẻ game giá trị to lắm, mấy thanh niên lớ ngớ là đi tong cả gia tài ngay, đặc biệt là những ai đang ở Barcelona hoặc Paris, nơi móc túi hoành hành như cơm bữa, xin lỗi mấy anh đạo chích, em không biết nói dối).

8bitDo N30 Arcade Stick

Dù có rất nhiều game đối kháng trên Switch, nhưng Arcade Stick lại là thứ mà Nintendo ít quan tâm nhất. Ngoài Hori và 8bitDo ra thì số lượng công ty làm Arcade Stick cho hệ máy này chỉ đếm trên đầu ngón tay (có lẽ Nintendo tập trung vào Smash Bros nhiều quá mà quên bẵng sự hiện diện của các game đối kháng khác chăng?).

Nắm bắt được cơ hội, 8bitDo đã tung ra N30 Arcade Stick, một bộ điều khiển tương thích hoàn hảo với không chỉ Switch mà còn cả PC, Mac, và Android nữa (rất tiếc là nó lại không tương thích với PS4 và Xbox One, để xem có thanh niên nào chịu làm cái đầu chuyển cho thằng này không).

Tuy kích cỡ không lớn lắm, nhưng trọng lượng của bé này lại rất đầm tay (tầm 1kg) nên gần như chẳng phải lo bị xê dịch khi đang chơi. Cần Joystick khá ngon, bẻ, giật liên tục mà không có dấu hiệu hao mòn, nút kêu to đanh, nảy và cực nhạy. Dù 8bitDo không dùng nút Sanwa nhưng chất lượng phải đạt điểm 9 là ít, thậm chí có Youtuber còn lắp máy Arcade bằng con Switch kết nối với 2 cái Stick này cơ mà, dĩ nhiên hoạt động siêu trơn tru rồi. Thời lượng pin á? Cục pin 480mAh sẵn sàng phục vụ những đấu sĩ giỏi nhất trong 18 giờ liên tục. Công nhận hàng ngon quá nên check trên các shop đều hết sạch, một vài shop còn hàng thì lại hét giá cao hơn mấy trăm nghìn, phải nói thật mình hơi bị may mắn khi hốt được con Stick này về nhà, cầm Rimururu Solo Rank trong Samurai Shodown chưa bao giờ sướng đến thế, combo ầm ầm như thời trẻ trâu ở Starbowl cách đây hàng chục năm lận.


Tai nghe Steelseries Arctis 1 Wireless

Tại sao mình không giới thiệu các Dongle như Gulikit, hoặc các dòng tai nghe không dây khác như Razer Man O’War, Corsair Void ư? Dễ hiểu thôi, vì Steelseries đã tối ưu hết sức có thể để Arctis 1 Wireless hoạt động trơn tru trên Switch mà. Nghĩ xem, các tai nghe Gaming khác chỉ hoạt động trên PC, hay cùng lắm là PS4, Dongle thì lệ thuộc vào chất lượng tai nghe. Con Remax của mình dùng cho Iphone thì OK, nhưng chuyển sang Switch, dù có dùng Dongle xịn thì vẫn xảy ra hiện tượng trễ tiếng. Mà những game đòi hỏi phối hợp đồng đội, cần Voicechat tốt, ổn định như Fortnite hay Paladins, chậm 1-2 giây thôi cũng là thảm hoạ, vì chỉ trong khoảng thời gian đó thôi cũng đủ để đối phương cho bạn lên đĩa rồi, đặc biệt nếu chẳng may điều đó vận vào người thằng đội trưởng thì… ”Tiền ơi, ở lại tao đi nhé…”.

Arctis 1 thì không như vậy, do cái Dongle riêng của Headset này chỉ nhận một mình nó mà thôi, nên cho dù là tai nghe không dây, nhưng hiện tượng kể trên hầu như không xảy ra. Bù lại anh em phải giữ Dongle cẩn thận, mất thì coi như khỏi không dây, phải sử dụng jack 3.5mm hoặc mua lại cái Dongle khác với giá rất đắt (nhưng mua được hay không mới là vấn đề, nó đi theo bộ nên ít game thủ nào muốn bán, hoặc là cái tai nghe đã hỏng tan nát nhưng cục Dongle vẫn dùng được, hoặc bán đi để lên đời tai nghe mới).

Và vì sử dụng được cho cả Android, PC, PS4 nên nghe nhạc xem phim chỉ là chuyện nhỏ với Arctis, ai không tin thì có thể bật những bài như Phantom of The Opera của Emmy Rossum hay Elan của Nightwish. Các nhạc cụ được xử lý âm thanh rất tốt, những tai nghe rẻ tiền thì âm sắc nhạt nhoà, trộn lẫn vào nhau thành một mớ hổ lốn cực kỳ khó chấp nhận, nhưng với dòng Arctis, âm trường rất rõ ràng, tiếng không bị rè hay trộn lẫn. Không những thế bạn còn có thể nghe ra từng loại nhạc cụ, cái nào cũng tách biệt so với những cái còn lại, guitar, trống, organ, keyboard… Nói chung là rất OK với một món Gaming Gear, tất nhiên không bì nổi với mấy cái tai Audiophile với đầy đủ đầu đĩa than, amply, dây dẫn mạ vàng rồi (mà phải dùng nhạc Loseless thì mới cảm nhận rõ nhất những gì mình vừa nói nhé).

Hori Split Pad Pro

Bộ điều khiển này được Hori cho ra mắt cùng lúc với tựa game Daemon X Machina, mặc dù game không được đánh giá cao lắm nhưng bộ điều khiển thì ngược lại.

Split Pad Pro đánh vào bộ phận game thủ chơi Handheld nhưng yêu thích thiết kế Ergonomic, ghét cái Dpad (mà thực ra 4 cái nút đó cũng chẳng phải là Dpad) và dáng vẻ nhỏ bé khó cầm của Joy-Con thông thường, hay nói thẳng ra là cần một thiết bị tương tự Pro Controller nhưng rẻ hơn. Cái này có khác gì Pro Controller tách làm đôi, bỏ Pin, NFC cho Amiibo và Gyroscope đâu cơ chứ (hình như hơi nhiều…).

Cần Analog, Dpad, 4 phím ABXY, nút vai và cò đều ổn, tương tự Pro Controller, chỉ khác là Analog cao hơn một tí, các nút mềm hơn chút, và do thiết kế nên nút A phải làm cao hơn các nút còn lại để cân bằng.

Hai chức năng đáng tiền nhất là Assign và Turbo, đánh dấu sự khác biệt rõ rệt so với các thương hiệu khác.

Chức năng Assign là gán nút cò ở mặt sau (FL FR) thành một nút bấm bất kì, để kích hoạt ấn giữ Assign rồi bấm nút cần gán cho đến khi hiện LED đỏ. Nhược điểm là tay cầm bên nào thì chỉ gán nút bên ấy, có nghĩa là FL chỉ gán được Dpad, L và ZL, FR chỉ gán được ABXY, R và ZR mà thôi, dù sao nó cũng hỗ trợ được anh em một số thao tác hoặc combo khó.

Chức năng Turbo, khi gán nút nào thì chỉ cần giữ nút đó là nó sẽ ấn liên tục cho mình, tính năng này dùng để skip thoại trong game RPG hoặc Visual Novel rất tốt, hay thậm chí có thể dùng để hất kiếm của đối thủ trong Samurai Shodown mà khỏi cần dậm nút như điên. Cách gán cũng tương tự Assign, ấn giữ cho đến khi hiện LED xanh, và cũng như Assign, nút bên nào chỉ được gán Turbo bên đó, công nhận bất tiện thật.

Điểm mình thích nhất ở tay cầm này là cái Analog to cao, dùng rất sướng, nói thật Nintendo nhồi nhét vào Joy-Con nhiều thứ quá mà quên đi cái game thủ cần: Độ bền và cảm giác cầm nắm, không ít trường hợp la ó vì trôi Joy-Con và đau tay rồi.

Hori biết điều đó, đánh trúng tâm lý game thủ, và kết quả thành công ngoài mong đợi (thâm niên mấy chục năm làm gear cho Console thì phải nắm bắt nhanh nhạy rồi). Theo mình ngoài Pro Controller và 8bitDo ra, sản phẩm của Hori cũng là một trải nghiệm đáng để thử, đặc biệt nếu cái Joy-Con nhà bạn vừa hỏng, đó có lẽ là dịp để tậu tay cầm mới đấy.

Dock Skull&co Jumpgate

Lúc mình đang chơi trên TV nhưng 2 cụ lại muốn xem thời sự, mình định tháo Dock Zin ra, cơ mà tháo ra tháo vào rồi chạy giữa 2 phòng khá là bất tiện, cho nên phải tính đến chuyện mua Dock mới, khổ nỗi shop gần nhà bán toàn đồ cồng kềnh, giá lại chát.

Thế là mình lên Taobao kiếm đồ và phát hiện ra em này, tính ra tiền Việt là hơn 1 củ, nhưng thấy em nó cơ động hơn so với các đối thủ như Coov hay Gulikit, sau vài phút đắn đo thì mình xuống tiền luôn.

Cảm giác đập hộp nói chung bao giờ cũng sướng, nhất là mùi nhựa mới, vẻ góc cạnh của sản phẩm, chắc chắn là phê hơn đồ 2nd hand, loay hoay với đống dây nhợ và cái màn PC, cuối cùng cũng được trải nghiệm một cách chi tiết nhất.

Về hình ảnh, màu đẹp nhưng không nịnh mắt, sắc nét như dock zin và không hề bị rỗ, âm thanh ổn, không vỡ tiếng, mình cắm con Arctis 1 vào nhận ngon lành.

Điểm đáng tiền nhất có lẽ là em nó dùng được cả với máy đeo ốp Skull&co và những ốp có thiết kế tương tự (chỉ cần bỏ cục nhựa gắn ở cái chốt cắm máy là OK).

Và chưa hết, phần lõi của dock (Core Drive) có thể tách ra và sử dụng như bình thường, hoặc gắn vào PC để làm Hub USB, đọc các thể loại thẻ nhớ như SD và Micro SD chẳng hạn, miễn là máy cắm vừa cổng USB Type-C.

Nhưng thiết bị này cũng có nhược điểm riêng, đầu tiên là về giá cả, Dock này đắt gấp rưỡi Gulikit, và gấp đôi Coov.

Tiếp theo là độ bền của vỏ dock, Skull&co thiết kế khe thoát hơi cho em nó theo kiểu thò thụt, nhìn thì hoa mỹ nhưng sau một thời gian sử dụng thì xuống cấp thấy rõ, chất lượng khá ọp ẹp, và phải ấn vào giữa thì nó mới không bị kẹt (mình suýt làm bung vỏ dock vì chỉ dùng một ngón tay ấn vào góc phải dock, may mà gắn lại được, hết cả hồn), bảo sao thiết kế Camera thò thụt của mấy bố Android bị ghét đến thế.

Đế dựng cho máy Switch

Thực ra món này cũng không quan trọng lắm, nhưng nếu ai không thích cái chân đế ọp ẹp rẻ tiền gắn vào thân máy thì đây cũng là một lựa chọn tốt.

Chúng ta có Mario và Zelda…

Splatoon 2…

Cho đến đế kim loại xịn sò

Mẫu mã, chất liệu và giá cả cũng rất đa dạng, từ dưới 100k với một màu duy nhất, cho đến 150-200k dành cho những loại in hoa văn sặc sỡ từ các tựa game như Zelda, Mario, Splatoon 2. Những mẫu này còn có cả khe đựng băng game, rất chi là tiện lợi, hay một số mẫu cao cấp còn làm bằng kim loại sơn mạ rất cứng cáp, bền hơn hẳn các chi tiết bằng nhựa, nhưng giá cũng trên trời nếu so với các phân khúc dưới. Dĩ nhiên cả 3 phân khúc này đã dựng được máy Switch, thì máy tính bảng như Ipad, Surface hay Smartphone cũng đứng được rồi. Có điều mấy cái đế kim loại cứng cáp thật, nhưng nặng hơn nhựa, chẳng may rơi vào chân thì đau phải biết, chưa kể muốn dùng Dongle thì phải kiếm cái dây nối dài chứ cắm trực tiếp vào Switch để trên đế không vừa.

Những món phụ kiện này tuy giá không cao, phù hợp với túi tiền có hạn của học sinh sinh viên, nhưng chắc chắn sẽ khiến anh em hài lòng hết mức có thể. Mình khó tính trong việc chọn phụ kiện nên anh em có thể yên tâm (tất nhiên trừ trường hợp mua nhầm hàng fake ra, mấy cái này ít người biết nên fake cũng khó kiếm lắm, mặc dù không phải là không có).

Hẹn gặp lại các anh em ở bài sau.

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện