Súng, đạn và sự tàn khốc đến mức quái gở của chiến tranh

Huyền thoại ★ ★

  

Ok ok, tôi biết là kiểu gì cũng có người chưa biết về khẩu súng này, còn ai biết rồi thì cứ đọc qua bài này đi, tôi viết để cho mọi người hiểu thêm về những món vũ khí dị hợm mà các bậc cha chú từng dùng, cũng như bản chất của những cuộc chiến tàn khốc mà (Hồi Việt Minh làm Cách mạng tháng 8 toàn lấy vũ khí của phát xít Nhật bỏ lại sau khi đầu hàng đấy, có khi khẩu súng trời đánh này cũng nằm trong số đó).

Kijiro Nambu, Trung tướng Lục quân Nhật Bản, người sáng lập Công ty sản xuất vũ khí Nambu, vị tướng này là một người rất nổi tiếng trong giới chế tạo quân khí Nhật Bản. Với những khẩu súng như Arisaka Type 38, Nambu Type 92 LMG, Type 100 SMG, ông được coi như John Browning, thậm chí là anh em nhà Mauser của xứ sở mặt trời mọc. Danh tiếng của ông vang xa đến mức Nhật Hoàng Hirohito và Thủ tướng Hideki Tojo phải nể phục, và trao rất nhiều danh hiệu, giải thưởng cho chuyên gia vũ khí này.

Tướng Kijiro Nambu

Và khẩu súng trời đánh

Tuy vậy thỉnh thoảng ông cũng có vài pha tự bóp đồng đội và cấp dưới. Chẳng hạn như khẩu súng tôi vừa nói trên tiêu đề. Nambu Type 94, hay còn gọi là Shiki 94, được đưa vào sử dụng từ năm 1934. Mục đích ban đầu là để thay thế cho khẩu Nambu Type 14 khá cồng kềnh và nặng. Nhưng do một vài vấn đề khách quan nên dự án này không thực hiện trọn vẹn được. Hồi đầu Thế chiến thứ hai thì chất lượng khẩu lục này không đến nỗi tệ, cơ mà do thế bất lợi càng ngày càng nghiêng về phía phe Trục nên chất lượng vũ khí đi xuống dần dần.

Lỗi đầu tiên có thể kể đến là hộp đạn thiết kế lỏng lẻo, chỉ cần bắn vài viên là nguy cơ rớt ra ngoài rất cao. Lỗi thứ 2, nằm ở khóa an toàn của súng. Chỉ cần viên đạn lên nòng, người lính lỡ tay chạm vào chốt an toàn của súng thì…”BÙM!!”, viên đạn sẽ khai hỏa, và khổ chủ chắc chắn sẽ bị đục nát chân nếu không để ý (Vậy nên mới gọi là súng phản chủ). Chính vì lý do vừa nêu nên các sĩ quan Nhật thời đó hầu như ít ai cầm khẩu này đi theo mình, mà chủ yếu vẫn dùng Type 14 hoặc những khẩu lấy được từ quân Đồng Minh (Chẳng hạn như M1911, theo mình thì đây có lẽ là khẩu lục tốt nhất Thế Chiến thứ hai).

Ấy là còn chưa kể nhược điểm ít đạn của nó. Súng ngắn bán tự động nhưng chỉ có 6 viên, với băng đạn ít ỏi như vậy thì thà cầm No.3 Revolver hay Colt SAA cho nó “Cao bồi” còn hơn. Mấy khẩu bán tự động chỉ hơn Revolver ở băng đạn và tốc độ bắn, còn nếu kẹt hay tắc thì phải dùng cả 2 tay kéo chốt mới thông được. Giữa chiến trường chỉ cần 1 giây là đã quyết định được ai sống ai chết, trong khi ông kéo chốt có khi thằng địch nó xiên ông bằng lưỡi lê rồi (Lục quân Đế Quốc Nhật Bản bắn ít nhưng mà xiên lê hơi bị chuyên nghiệp đấy nhé, hồi xưa còn có giai thoại về việc mấy ông này cầm Katana chém xe tăng cơ).

Còn mấy khẩu Revolver nếu kẹt đạn hay đạn tịt, thì chỉ cần dùng ngón cái kéo búa đập là có thể bắn tiếp. Giữa việc dùng cả 2 tay kéo chốt và dùng ngón cái kéo búa đập, cái nào nhanh hơn thì khỏi phải bàn nhỉ? Lý do mấy khẩu súng đó tuy cổ nhưng vẫn có đất sống đến tận bây giờ là vậy. Có khi cổ quá, lại bị mấy ông sĩ quan chê bai nhiều nên mình tìm lòi mắt mà chẳng thấy khẩu Airsoft nào mô phỏng lại cách hoạt động của Type 94 cả. Nói chung cùng với những khẩu từ hồi Đệ Nhất thế chiến thì nó cũng bị lãng quên theo thời gian.

Khi chiến tranh kết thúc, quân đội Nhật bị giải giáp, các sĩ quan và tướng lĩnh cấp cao bị xét xử dưới tư cách tội phạm chiến tranh. Và rất nhiều người bị kết án tử, bao gồm thủ tướng Hideki Tojo (Lão này tự sát ở tư dinh nhưng súng lởm quá, bắn vào ngực không chết, chỉ bị thương thôi. Quân đội Mỹ chữa cho lão xong rồi lôi cổ ra trước vành móng ngựa, cuối cùng quăng lên giá treo cổ). Nhưng một số cá nhân vẫn thoát được, bao gồm cả Nambu (Riêng Nhật hoàng Hirohito dân họ coi như là thần thánh, tướng McArthur dám treo cổ ông này thì dù nát đến mấy, người Nhật sẽ quyết tử với quân đội Mỹ cho mà xem. Thiên hoàng đối với dân Nhật Bản như thánh Allah trong mắt người Hồi giáo, động vào biểu tượng quốc gia chẳng khác nào chọc ổ kiến lửa. Có lẽ vì thế mà Hoàng tộc Nhật Bản vẫn bình yên đến tận bây giờ. Mấy ông Nhật Bản đúng là cuồng tín, lúc nào cũng coi dân tộc mình là nhất. May mà thời hiện đại đã bớt đi nhiều, dù thi thoảng nội các chính phủ vẫn công khai đi thăm đền Yasukuni, chỗ thờ lão Tojo cùng đồng bọn). Thậm chí họ còn lưu truyền một bài hát nói về người mẹ thăm con chết trận được thờ ở đây, nội dung nó thế này nè:

Từ Ga Ueno đến Kudanzaka

Mẹ không còn kiên nhẫn, vì đường đi quên mất.

Mẹ lang thang suốt ngày, dựa người trên gậy chống,

Để đến thăm con ta, tại Kudanzaka.

Trên nền trời vòm cổng cao ngất, lờ mờ hiện ra trong mắt

Dẫn đến một ngôi đền uy nghi

Đã ghi tên con mẹ bên các thần linh.

Người mẹ hèn mọn của con khóc òa vì vui mừng.

Mẹ là con gà mái đã hạ sinh loài chim ưng.

Và niềm vinh dự đó mẹ không đáng được có.


Mẹ muốn con thấy Quân chương Diều Vàng của con,

Nên mẹ đến thăm con, con yêu, tại Kudanzaka

Hideki Tojo, cựu thủ tướng Nhật bản

Mẹ mất con thì ai cũng thương, nhưng mà đứa con chiến đấu vì sự ích kỷ, mưu đồ bá chủ của mấy ông già tham lam thì đúng thật là mù quáng. Các ông lập kế hoạch, xâm lăng tàn phá nước khác nhân danh khai sáng văn minh cho nước nghèo, làm giàu cho mẫu quốc. Nhưng các ông ra lệnh, người trẻ chúng tôi là đối tượng hứng mũi chịu sào đầu tiên. Thắng thì các ông được đất, tiền và quyền lực. Thua, bọn tôi phải làm culi cho mấy thằng nước ngoài, thậm chí còn phải è cổ trả nợ chiến phí cho kẻ địch. Hoặc nếu kẻ địch muốn dằn mặt hay thử nghiệm vũ khí mới, dân gần đó cũng bị vạ lây.

Hai quả bom ở Hiroshima và Nagasaki là ví dụ điển hình (Các anh em xem Barefoot Gen thì biết, ai ở gần thì nó thiêu sống đến trơ xương, ai ở xa hơn thì hít phóng xạ, ho ra máu. Vài năm sau thì chết bởi đủ các thể loại ung thư khác nhau. Không biết lão phi công lái chiếc Enola Gay có thấy ghê tởm về việc mình đã làm hay chưa, mà chắc cũng bị nhồi sọ rồi). Nhưng tội nhất là những đứa trẻ, tí tuổi đầu đã phải gánh nghiệp mà người lớn tạo ra. Đến giờ tôi vẫn không thể quên cảnh đầu và cảnh cuối của phim Mộ đom đóm:

“Ngày 21/09/1945… đó là ngày mà tôi chết”


Linh hồn Seita đóng vai người kể chuyện, bắt đầu phim bằng câu nói ngắn gọn nhưng đầy ám ảnh. Hai anh em Seita và Setsuko, trước đây cũng đã từng có một gia đình êm ấm. Bố làm sĩ quan Hải quân, mẹ ở nhà làm nội trợ. Thế nhưng sau đợt rải thảm của máy bay Mỹ vào Kobe, mọi chuyện dường như thay đổi hẳn. Người bố thì không biết sống chết thế nào, còn bà mẹ bị dính bom, bỏng nặng và không qua khỏi. Setsuko và Seita đến ở nhờ nhà bà dì. Hồi đầu gia đình đó còn thiện chí, tiếp đón anh em họ niềm nở. Nhưng khi thiếu lương thực, bà dì làm đủ trò để bòn rút tài sản của 2 đứa. Có thể kể đến là ăn bớt khẩu phần gạo của anh em họ, hay bán mấy bộ Kimono bà mẹ để lại. Thậm chí cái nhẫn chẳng đáng bao nhiêu mà bà dì cũng không tha.

Quá ức chế với kiểu cư xử đó, Seita quyết định dọn hẳn ra hầm tránh bom gần nhà bà dì. Hai anh em cứ thế sống qua ngày. Nhưng lương thực rồi cũng hết, nhìn Setsuko héo úa gầy mòn trong cơn đói mà Seita không thể chịu được (Con em còn đói đến mức phải ngậm bi ve trong miệng cơ mà). Bần cùng sinh đạo tặc, Seita phải liều mình đi kiếm đồ ăn cho cả 2. Thậm chí khi người làng chạy tránh bom, Seita liều mình lẻn vào nhà họ lấy cơm cháy trút vào túi để có cái ăn. Hay khi việc cậu trộm lương thực của ông nông dân gần đó bị phát hiện, và ăn đòn tơi tả. Cú đó ông công an mà không can thì có khi Seita bị đánh chết rồi. Tuy lấy được đồ ăn, nhưng Setsuko vì quá đói, và bệnh tật đầy mình, với một cơ thể yếu đuối của một đứa trẻ 4 tuổi làm sao chịu được chứ. Do đó khi Seita mua đồ ăn về thì Setsuko lịm dần, và mất ngay trên tay thằng anh.

Cảnh cuối phim, trong khi gia đình bà dì vui vẻ đón ánh ban mai, thì ở hầm tránh bom. Sau khi gom đủ củi và một cái hòm nhỏ bằng mây. Seita hỏa táng Setsuko, bỏ tro cốt của cô bé vào hộp kẹo thiếc, rồi lang thang bất định đến khi gục chết ở ga tàu. Mình ức chế đoạn này nhất, bởi vì bà dì khốn nạn đến mức không thèm dự lễ tang của cháu mình. Dù mâu thuẫn nặng nề đến đâu thì vẫn là họ hàng mà??? Nghĩa tử là nghĩa tận, chẳng lẽ chiến tranh bóp méo nhân cách con người khủng khiếp như vậy sao??? Cái Live – Action nó nâng bi bợ đít nhân vật này, rằng bà dì cũng chỉ là một nạn nhân trong chiến tranh. Ờ, nạn nhân gì mà ăn chặn của trẻ con, dứt bỏ quan hệ họ hàng với cháu mình. Loại đó xuống địa ngục, làm ngạ quỷ, súc sinh muôn kiếp cũng chẳng thể nào hết tội nổi. May mà bà đó không bần cùng đến mức đem con mình đi cho người khác, nếu vậy thì còn tha hồ ăn gạch đá của khán giả nữa. Ghibli làm phim ấn tượng đến mức ám ảnh. Đến cả cái Tales From Earthsea, bộ bị chê nhiều nhất thì mình xem vẫn thấy ổn.

Mấy ông lãnh đạo thời đó lúc nào cũng chỉ biết phục vụ cho cái lý tưởng cuồng tín của bộ máy chính quyền, vơ vét làm giàu cho túi tiền cá nhân, hoặc cả 2 mà thôi. Thế Chiến thứ 2 gây ra nhiều tai ương và đau thương vậy mà mấy thằng Tân phát xít vẫn cứ tôn thờ cái chủ nghĩa này. Thử hỏi nếu chủ nghĩa phát xít vẫn còn mạnh như hồi thế kỷ 20 thì bao nhiêu sinh mạng sẽ phải đổ máu nữa đây? Cứ cực đoan như thế có khi thế giới loạn hơn bây giờ chứ, mà thực ra vốn đã loạn từ thuở hồng hoang rồi.

Chiến tranh là một phần của quá trình phát triển nhân loại, không có chiến tranh thì công nghệ có khi sẽ chậm hơn bây giờ rất nhiều. Nhưng vô số sinh mạng phải trả giá cho cái gọi là “phát triển” đó liệu có đáng không? Hay chỉ là lý do gây hấn của những lãnh đạo hiếu chiến? Chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa phát xít, quân phiệt, hay gần đây là chủ nghĩa khủng bố đã tốn không biết bao nhiêu là tài nguyên, máu thịt rồi. Chẳng lẽ cứ bắt thanh niên trai tráng, thậm chí phụ nữ, trẻ em cầm súng chiến đấu, liệu có phải là hành động anh hùng???

Mà nếu con người hiểu được như vậy thì có khi Bin Laden giờ này đang vui vầy cùng con cháu cày game, xem Anime. Có khi Baghdadi đang bận bù đầu làm nghiên cứu đề tài để lên Giáo sư Hồi giáo rồi. Và biết đâu Hitler lại trở thành một họa sĩ tài ba, Hideki Tojo ngồi nhà đánh cờ Shogi với mấy ông bạn già, Mussolini dạo chơi trong vườn hít thở khí trời một cách thanh thản. Nhưng làm gì có chữ “nếu như”…

Gì thì gì, chẳng ai muốn chiến tranh cả. Nhưng một khi các ông lớn động chạm quyền lợi của nhau, ai cũng muốn phần hơn thuộc về mình. Mà chẳng ai nhường ai cả. Thế là đánh nhau. Ban đầu thì dùng gậy gộc, rồi gươm giáo, súng ống. Đến giờ thì dùng máy bay, chiến hạm, bom hạt nhân bem nhau. Einstein phải nhận xét phũ phàng thế này: “Tôi không biết chiến tranh thế giới thứ 3 người ta dùng vũ khí gì, nhưng chiến tranh thế giới thứ tư con người sẽ cầm gậy gộc và đá để đánh nhau”. Các ông nhớ Series Metro và Fallout chứ? Ý Einstein gần giống với 2 tựa game đó nhất đấy. Không cẩn thận để Trái Đất nát như tương tàu, hối thì đã muộn.

Và như mọi khi, để kết thúc cho bài viết này, xin gửi đến các anh em bài thơ cây nhà lá vườn, nó cũng ngắn thôi. Gọi là chút bút lực của một kẻ lang thang kỳ lạ ấy mà, anh em nào thấy sến quá thì không đọc cũng được:

Đất mẹ và biển xanh
Hứng chịu bao khói lửa
Cuộc chiến không hồi kết
Nơi ta gọi là Nhà

Gã phi công can trường
Người thuỷ thủ dũng cảm
Không thù oán lẫn nhau
Nhưng đối đầu, vì đâu?

Vì thù oán đất nước
Vì lợi ích bề trên
Đổ máu giữa chiến trường
Cho những tấm “Huân Chương”

Sau cùng chỉ còn lại
Những nỗi đau mất mát
Những mẹ goá con côi
Những cựu binh tật nguyền

“Hoà bình” thật xa xỉ
Chừng nào còn con người
Chừng đó còn chiến tranh
Hy sinh là tất yếu

Hỡi những người thủ lĩnh
Hãy sáng suốt kiềm chế
Cho tương lai tươi đẹp
Cho thế giới bình yên

Để không còn bom đạn
Để quên lãng chiến tranh
Để hận thù tan biến
Để chim câu tung cánh

Cho đất nước bình yên
Cho em thơ học hành
Cho xã hội văn minh
Cho dân lành hạnh phúc

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện


1 cụng ly

  • - 21.10.2020

    Xin bạn lần sau đừng làm thơ nữa =)) pls