Thánh địa số của những nghệ sĩ, ca sĩ và Streamer

Huyền thoại ★ ★

  

Ờ, từ hồi Youtube xuất hiện đã được 15 năm, đối với các ông, nó là cái bách khoa toàn thư phổ biến thứ 2 sau Wikipedia, là chỗ giải trí của nhiều người, là cần câu cơm của mấy thanh niên Streamer. Và từ đây, rất nhiều Clip âm nhạc đã được up lên, trong đó nhạc Game, nhạc phim cũng như rất nhiều bản cover nhờ trang web này mới được phổ cập. Hôm nay mở bài ngắn gọn, tập trung nói về những nghệ sĩ, cả ẩn danh lẫn công khai danh tính, mấy ông chịu khó căng mắt đọc nhé.

Tôi tiếp xúc với Internet từ hồi 2003, thời MU vẫn còn là tập hợp những Server lậu. Tập tọe dùng máy tính chả biết làm gì ngoài cày game, báo chí chắc cũng chỉ có Vietnamnet (thời ấy nó lấy tên Vnn.vn thì phải), Dân Trí, Vnexpress. Bộ 3 này ngày xưa gần như thống trị làng báo mạng, không biết lãnh đạo quản lý thế nào nhưng chắc có khi lôm côm hơn cả mấy thằng thợ chữ bây giờ. Và truyền thống câu like giật tít từ hồi đó được duy trì đến tận ngày nay, chỉ khác là chuyên nghiệp trong việc trồng rau hơn thôi (Từ cải xoong, cải thảo,… trở thành cải bắp khổng lồ đột biến gen, cải quái vật King Kong leo tháp chọc trời luôn mới sợ).

Nhạc nhẽo thì… các ông cứ tưởng tượng hồi đó vẫn còn nghe CD, DVD, mấy trang tải nhạc hầu như rất hạn chế, máy MP3 phải là những đứa có điều kiện mới mua được thì biết sao rồi đấy (Tôi nhớ có ông tải bài Suteki da ne bằng Internet Explorer, hồi hộp cẩn thận nhấn vào link rồi cầu mong nó không đơ lúc kéo về, nghe xong mà cảm thấy phát khóc luôn được ấy, nản chưa?). Hồi bé lục đống báo cũ của cụ ông, đọc được bài của mấy chú phóng viên thời đó bảo rằng thập niên 90 có trang Napster chuyên cung cấp nhạc MP3 lậu ở nước ngoài nhưng bị kiện sml nên phải bán mình rồi đóng cửa.

Mấy cái máy MP3 thời đó còn phải xài HDD, dung lượng 128MB, thê thảm đến nỗi phải quy hàng cái thẻ Micro SD rẻ nhất hiện tại, và giá ngang ngửa ½ con Switch bây giờ, chưa tính lạm phát, tin được không? (Đến quỳ lạy hầu hạ các cụ tổ của ngành công nghệ luôn, chắc phải thắp một nén hương cho cụ Turing, cụ Babbage mất thôi :v).

Tình trạng ấy cứ tiếp diễn đến khoảng năm 2005, khi 3 cựu thành viên của PayPal muốn tìm và chia sẻ mấy video của họ (gia đình, bạn bè, sở thích, kiểu như thể thao hay talkshow chẳng hạn) nhưng Google lòi mắt mà chẳng thấy trang nào phù hợp cả. Cái khó ló cái khôn, họ hợp sức cùng nhau dựng nên một trang Web, nơi mà bất cứ ai cũng có thể chia sẻ video của bản thân chỉ với vài cái Click chuột. Sau một thời gian bàn bạc (hay nói đúng hơn là cãi nhau trong khi họp), tên miền Youtube.com chính thức đi vào hoạt động vào ngày Va Lung Tung năm 2005 (Mấy bố này muốn Troll đám FA bọn tôi hay sao mà thành lập vào ngày lập đàn cầu mưa của mấy thằng không có gấu để ôm hả???).

Ban đầu thì những Clip cũng khá đơn giản, thậm chí là hơi cụt ngủn, chẳng hạn như cảnh quay buổi đi thăm sở thú của các nhà sáng lập, trang Web cũng chưa được nổi lắm (Các ông nên nhớ là thời đó vẫn còn dùng Yahoo!, Facebook thì chỉ lưu hành nội bộ trong trường Harvard, Twitter, Reddit vẫn còn chui rúc trong cái xó xỉnh nào đó chờ cấp vốn khởi nghiệp. Ngay cả Steam của Đấng Tối Cao lúc vừa xuất hiện còn bị chê là trò bịp bợm, các bô lão thích bản quyền thời đó chửi Valve sấp mặt vì phải tải về để chơi Half-Life 2, bên Nhật thì Daigo cũng mới nổi, Tokido là thằng nào, các chú bảo anh cái???).

Dù khó khăn như vậy, nhưng sau một thời gian ngắn (chắc tầm 1 năm rưỡi thì phải), Google đánh hơi thấy tiềm năng của trang web này, chấp nhận bỏ tiền ra đầu tư cho Startup của 3 ông thần kia. Ban lãnh đạo Google biết tỏng rằng hạt giống bé nhỏ này sẽ nảy mầm thành cây ĐẠI ĐẠI ĐẠI Cổ Thụ. Nếu không chớp thời cơ, để thằng khác hốt mất thì có khi mấy ông sếp to chửi sếp nhỏ, sếp nhỏ chửi quản lý, quản lý chửi nhân viên, nhân viên chửi bới lẫn nhau vì cái tội để mất mỏ kim cương thời 4.0 thì chết.

Thế là vào ngày 13 tháng 11 năm 2006, “Nàng” chính thức lên xe hoa về nhà “Chồng” với cái giá 1,65 tỉ Đô. Sự kiện này tốn khá nhiều công gõ phím, viết lách của giới truyền thông khi đó. Dĩ nhiên là 3 ông thần sáng lập bước chân vào giới thượng lưu công nghệ, tiền ngập mặt tiêu hoài chẳng hết rồi.

Sau khi thâu tóm Youtube, Google đẩy mạnh việc khai thác cái mỏ khổng lồ nhưng sơ khai này. Việc đầu tiên là tút tát lại giao diện của trang web cho dễ nhìn, rồi đưa ra chương trình Google AdSense, trả tiền cho các Clip dựa trên quảng cáo của các hãng lớn muốn đầu tư vào. Tiếp đến là lập ra giải thưởng Youtube Award dành cho những Video xuất sắc, được nhiều người xem và ưa thích nhất (Về sau mấy tay to đi xa hơn, lập ra các danh hiệu, kỷ niệm chương, các “Nút” để đánh dấu thành tích của những kênh có số lượng người đăng ký đông đảo, bao gồm Nút Bạc, Vàng, Kim Cương, Custom, Kim Cương Đỏ. Nút Ruby của PewDiePie là một dạng nút Custom, loại này sẽ tùy vào kênh mà làm hình dạng phù hợp, nổi bật nhất để trao cho chủ nhân xứng đáng).

Bộ sưu tập nút Youtube

Cái Video nổi bật đầu tiên được biết đến nhiều nhất có lẽ là Video quay 2 ông sinh viên Trung Quốc hát nhép “As Long As You Love Me”. Chắc cũng ít người nhớ đến nó, nhưng nhìn 2 ông nhép môi theo nhạc trông lầy không tả nổi. Hồi ấy máy tính phổ cập rộng rãi nên một số bô lão 8x đời trước có lẽ biết đến thông qua nhiều cách khác nhau. Có thể là truyền miệng, Yahoo!, Mail… nhưng dù là cách gì thì đó vẫn là những khán giả Việt Nam đầu tiên của Youtube. Ngoài Đế Chế, CS 1.6, War Melee… hay “Cô Giáo Thảo”, thì những Video hài trên Youtube là món ăn tinh thần thú vị đối với đám sinh viên, cả giàu lẫn nghèo (Cá độ bóng đá, bida có từ hồi 7x rồi nên bỏ qua nhé các hiệp sĩ).

Ấy chết, đang nói về Youtube mà, mình tổ lái kinh quá, quay lại chủ đề chính nào. Ngoài cái Video trên ra thì có “Charlie bit my finger”, nói về 2 anh em mặt búng ra sữa, chắc thằng anh học tiểu học còn đứa em chưa cai sữa. Nhìn 2 đứa nhỏ ngây ngô, dễ thương muốn nhéo à (giờ chắc thành sinh viên đại học hết rồi, hơn chục năm chứ có phải ít đâu). Đúng là “Thuở ngàn xưa” thì “Sỏi đá” vẫn được coi là món ngon. Video thời ấy đơn giản, ít đầu tư nhưng cái nào ra cái đó, chẳng bù bây giờ…

Mà có lẽ do đâm đầu cày game nhiều quá, nhà lại chưa có máy tính riêng nên mình chẳng để ý tới Youtube. Cho đến một ngày hè năm 2008…

Lúc ấy báo Việt Game vẫn còn xuất bản, mình đọc đến mục tản mạn, các cây bút thời đó có nhắc đến Castlevania. Ngay đầu trang là hình Alucard (Adrian Farenheit Tepes chứ không phải thằng Trevor trong Lord of Shadows 2 đâu nhé mấy thanh niên). Lướt qua mục Speedrun, đọc thấy ông kỷ lục gia Adam Van’t Hul phá đảo Symphony of The Night với thành tích 7 phút 14 giây. Metroidvania mà phá đảo còn lẹ hơn điện tử xèng, quái vật phương nào đây??? Hồi đó chưa biết đến giả lập PS1, lại không có Gamepad, bàn phím thì nút được nút ăn. Thật may mắn khi cụ ông cho mình kế thừa cái máy Pentium 4, VGA RIVA TNT để lên đời Laptop.

Và may mắn lại đến lần thứ 2 khi bác Cả đăng ký mạng FPT, nhà mình cũng được kéo sang dùng ké, tất nhiên phải cưa đôi phí hàng tháng rồi. Máy có, mạng có, chỉ thiếu Game chơi. Háo hức cắm dây vào cổng Ethernet, bắt được tín hiệu là vào ngay trình duyệt gõ “Castlevania Speedrun” trên Google, kết quả ra rất nhiều, ngoài cái của Adam Van’t Hul ra thì những video hướng dẫn chi tiết cách qua màn, kiếm Item, giải đố, đánh Boss cũng có. Nhưng thứ quý giá nhất, khiến mình thay đổi hẳn cách lướt Web là một Video bí ẩn. Người nhạc công không quay trực diện khuôn mặt mà lại quay phím đàn Piano. “Bloody Tears” à, để xem…

Anh ấy thể hiện bản nhạc Game như một nghệ sĩ chuyên nghiệp, giai điệu du dương tuyệt vời ấy khiến mình không thể tin rằng bản nhạc này xuất hiện trong trò chơi điện tử. Hồi đó mấy tờ báo Việt Nam cho mình cái quyền làm quan tòa, làm chuyên gia phân tích, hạch tội game là “Tệ nạn xã hội”, là “Ma túy số”. Thậm chí họ còn vẽ ra những câu chuyện ghê gớm khủng khiếp đến mức đứa trẻ 3 tuổi cũng biết thừa là chém gió, nếu mình kể hết ra ở đây thì bài này thành truyện tiếu lâm mất. Nhưng sau khi từng nốt nhạc ngân lên, từ trong thâm tâm, mình mặc kệ những kẻ nói láo, buôn nước bọt kiếm tiền bằng việc sỉ nhục người khác. Và thế quái nào tự dưng lại đồng cảm với những gì mà các nhà làm game gửi gắm cho người chơi.


Kể từ lúc đó mình coi game là một nghệ thuật đích thực, cảm thấy bản thân mình trở nên thân quen với từng Pixel hình ảnh, từng đoạn Cutscene đầy ý nghĩa mà những con người tự nhận là “Nhà báo Trung Ương” mãi mãi không bao giờ hiểu được. Mình vẫn còn nhớ lúc chập chững bước vào thế giới ấy, cảm giác lên xuống khác nhau nhưng cực kỳ đáng nhớ. Khi Kyle chia tay Mana và con mình trong Rune Factory 2 vào một đêm mưa gió. Khi Dirk trả giá cho sự phản bội của bản thân và tan biến vào không trung trong Suikoden Tierkreis. Khi Ethan Kairos dùng cây bút thần đảo ngược thời gian cứu bố mẹ trong Time Hollow. Khi Derek Stiles và Angie Thompson bất lực nhìn Emilio lịm dần trên bàn mổ trong Trauma Center: Under The Knife 2. Khi Zero quyết tử với Dr.Weil trên vũ trụ trong Megaman Zero 4. Khi những oan hồn vất vưởng được giải lời nguyền, bay lên trời siêu thoát trong Fatal Frame: Mask Of The Lunar Eclipse, trong đó có Sakuya Haibara, trùm cuối, cũng như Souya, người cha dấu yêu của nữ chính Ruka (Bài NOISE nhạc game đỉnh lắm, chị Tsuki Amano cố gắng hợp tác lâu dài với Koei Tecmo và Nintendo để hát cho phần 6 trên Switch nhé.

Mặc dù Nintendo chưa khởi động dự án nhưng em tin rằng lão Shuntaro và ban lãnh đạo không bỏ mặc con gà đẻ trứng vàng này đâu, mong chị giữ gìn sức khỏe để còn hoạt động mạnh. Nói thật trong số các sao thập niên 2000, em thích giọng hát của chị cực kỳ, tuy ai oán nhưng không hề bi lụy, mà trái lại tràn đầy nội lực. Nói thật là em thấy Idol như AKB48 hát cũng bình thường, thậm chí em còn thấy hơi dị ứng kiểu “Kute phô mai que” của họ, cộng thêm lượng Fan cuồng đông và hung hãn không kém K-pop, lỡ động vào thần tượng là Wota vả vỡ mồm ấy chứ).

Lão Rey187 chính là khởi đầu cho thói quen xem Youtube của mình. Sau clip đó, ngoài việc cày game ra thì cày Video Youtube là thói quen thứ 2 của bản thân mỗi khi dùng máy tính. Một vài clip Cover khác cũng được mình xem qua, nhưng cái ấn tượng ban đầu vẫn rất lớn. Nhiều clip rất hay, tạo được bản sắc riêng, chẳng hạn như Through The Fire And Flames, bài nhạc khó nhất Guitar Hero 3 thời đó. Hay Fear Not This Night của Asja trong Guild Wars 2, một trong những game mình ship đĩa về cày. Một số bài Nightcore như Angel With A Shotgun hay God Is A Girl tuy chỉ là bản Mix lại nhưng giai điệu bắt tai, nghe cuốn mặc dù vẫn chưa gọi là đỉnh lắm. Mãi đến khi bà Erutan lập kênh, hát những bài mà mình cảm thấy thật sự xuất sắc thì mới có cảm giác như hồi lão Rey187 thông tai cho một thằng trẻ trâu mê Rock và thích cày game hay, chẳng hạn như bài dưới này:

Bà Erutan về sau còn hát nhiều bài khác nữa, nhưng mình vẫn thích cái giai điệu du dương ấy nhất. Show với chả Biz, mấy ông suốt ngày Drama công kích nhau, không lo tập trung vào việc mài giũa khả năng thì bảo sao nhạc Việt bị dân sành nhạc kỳ thị. Chủ đề thì toàn mấy cái quen thuộc như tình yêu, học đường… Ngoài dân Việt Nam ra thì chắc nước ngoài chả ai đâm đầu vào V-pop cả. Bảo sao Bolero với mấy bài cổ cổ lên ngôi thời này, nhưng tầm 20 năm nữa trào lưu đi xuống thì liệu các ông định xử lý ra sao?? Ít ra Rock với Rap còn có chút ít sáng tạo, nhưng những KOP, Trần Lập, Hạc San, Ngũ Cung, Gạt Tàn Đầy không phải ai cũng biết, mà biết thì liệu có chịu thay đổi gu âm nhạc bám rễ suốt hàng chục năm nay không??

Xin lỗi các anh em là mình lại nói lan man nữa rồi, chắc tại ngồi nghe nhạc hay nhiều quá nên cứ thấy nhạc Việt, kiểu mấy bài Hot Trend mà cảm thấy bực vì trong số những nhạc phẩm này, hàng chất lượng chẳng có bao nhiêu trong khi phần còn lại cứ như trêu ngươi khán thính giả. Thậm chí mình cảm thấy những Band thập niên 70-80 như Queen hay Gun’n Roses còn thể hiện đỉnh hơn nhiều ca sĩ bây giờ. Nói không phải chứ mấy huyền thoại cỡ này mà trẻ lại 20 tuổi và mang quốc tịch Việt Nam thì chắc Showbiz nước mình bị thống trị bởi họ mất. Dù sao nhạc Việt cũng chủ yếu là nhạc thị trường, ít bài để lại ấn tượng sâu sắc.


Mà có lẽ do ảnh hưởng K-pop nên các sao cũng phải tàn lụi, tầm chục năm, ai khá hơn thì 20 năm cầm cự là hết cỡ. Biết là sóng sau xô sóng trước, mà “sóng trước” tàn nhanh quá. Mấy ông cực giỏi thì còn trụ được, nhưng phần lớn ca sĩ bây giờ toàn đi hát phòng trà, nếu may mắn được ông bầu để ý hoặc đạt giải cao trong mấy cuộc thi, may ra sống được với nghề. Còn không thì cứ vật vờ kiếm từng đồng từng hào đến khi giải nghệ thôi. Nói ra mất lòng, nhưng vốn dĩ tổ nghề nghệ sĩ là những người hành khất, họ ban đầu biểu diễn để kiếm được nhiều hơn. Khi kiếm đủ sống thì nó trở thành nghề, từ nghề nuôi sống bản thân, lại phát triển thành cái gọi là “Nghệ thuật” thôi. Những ca sĩ ngày xưa đâu có giàu có, hát rong trên đường phố để sống qua ngày, có cơm bỏ vào bụng là quá tốt rồi (xưa ở đây là hàng trăm năm chứ không phải thế kỷ 20 đâu nhé).

Quay lại chủ đề Youtube, nói về chuyện Stream thì chắc cũng chỉ bắt đầu nổi trên thế giới tầm 8-9 năm trở lại đây. PewDiePie, thanh niên nổi tiếng nhất hiện tại, cũng bắt đầu với cái Camera, phần mềm OBS và một vài phụ kiện đơn giản. Lúc đầu lão làm cũng chưa nhiều lắm, chủ yếu là mấy game nổi nổi thời đó như Siren: Blood Curse, Ib, lão này chơi game kinh dị mà cứ ông ổng hết cả lên, lúc đầu hơi chói tai nhưng nghe riết cũng quen, nhiều lúc nghe lão chơi mà quên cả sợ. Nhưng cái lần lão làm Outlast gây ấn tượng với mình nhiều nhất, nhìn lão vừa chơi vừa la hét làm mình cười bò lăn bò càng. PewDiePie chơi bất cứ game gì thì game đó biến thành game hài hết, kể cả mấy tựa kinh dị nặng đô. Lão cũng giỏi buôn chuyện với khán giả, trước thời lão ít khi nào Youtuber tương tác với Fan nhiều đến thế.

Về sau các Streamer Việt lấy cảm hứng từ lão rất nhiều. Dũng CT hay ViruSs, PewPew cũng từ việc Stream mà có chỗ đứng trong cộng đồng Game thủ. Với miếng bánh khổng lồ này thì các công ty khác cũng không thể đứng ngoài. Twitch và Azubu, 2 nền tảng Stream khác cũng nhảy vào cuộc chơi đầy tính cạnh tranh và gặt hái được rất nhiều thành công ban đầu. Twitch và Youtube chính là nơi khởi đầu của 2 thanh niên Ninja và Dr.Disrespect, một ông làm Fortnite còn ông kia bắn PUBG.

Thành công là vậy nhưng tính cách của 2 người này khá khác biệt. Nếu Ninja được lòng phần lớn Fan thì Doc lại cực kỳ Toxic hổ báo, và suốt ngày làm đủ trò khác người để gây sự chú ý. Tôi nhớ có lần đã kể rằng Doc vác cả Camera vào Toilet nam để Stream, vì tiền mà làm đủ các trò khiến người xem chú ý thế này thì chỉ được View bẩn thôi. Không biết bây giờ lão thế nào, mà có vẻ Twitch ngán lão quá nên Ban thẳng cẳng kênh của lão luôn rồi. Nhưng tích được mấy triệu đô trong vài năm ngắn ngủi cũng có thể là một thành tích lớn phải không?

Dr.Disrespect

Ninja

Nói là được lòng phần lớn Fan nhưng thỉnh thoảng Ninja cũng có vài pha vạ miệng. Lão bị cáo buộc phân biệt chủng tộc mấy lần, thậm chí còn lỡ mồm dùng từ “Nigga” khi đang Stream. Chưa kể đến vụ làm lộ thông tin địa chỉ nhà Fan hâm mộ, vấn đề là Twitch cực kỳ ghét “Doxing”, thuật ngữ chỉ hành động này. Vậy nên lão cũng bị phạt vì lý do đó. Năm ngoái thì Ninja nghỉ hẳn Twitch để chuyển sang Mixer, nền tảng mới rồi.

Mình cũng không rõ thế nào, nhưng Streamer đa số là người trẻ, bốc đồng, xung đột là chuyện khó tránh khỏi. Một số Pro Gamer khác còn chửi kinh hơn 2 ông này cơ mà, không biết có ai còn nhớ nhưng hồi còn thi đấu thì Vasilii, thuộc bộ môn LoL suốt ngày văng tục, chả biết thằng đó có nốc rượu hay không mà dám hành hung bạn gái trên kênh Stream, nó bị cấm thi đấu đến giờ đã 3 năm rồi. Cộng thêm mùa dịch Covid lan tràn, muốn đứng dậy làm lại từ đầu cũng không được. Đúng là phải có trường dạy nghề dành cho Game thủ chuyên nghiệp thật, đến cả đạo đức nghề nghiệp cũng không có thì thôi, bó tay luôn.

Vasilii

Azubu thì rất tiếc lại không được như vậy, nền tảng này chủ yếu game thủ Hàn Quốc dùng Stream StarCraft và LoL. Nếu không nhầm thì thế hệ đầu của SKT T1 như Bang, Wolf, Easyhoon, cũng như Faker, sử dụng thường xuyên. Chả biết “Hoàng đế Terran” BoXer có dùng hồi thi đấu không, nhưng rất nhiều game thủ khác sử dụng trong nước. Đến khi Azubu đóng cửa thì thế hệ đầu của SKT, trừ Faker rời team hết. Hiện tại thì thành viên của team chỉ còn anh là người ở lại, phần lớn team là người mới, đến cả HLV kKoma cũng không ngoại lệ, lão cũng hết hợp đồng với team luôn rồi.

Boxer, “Hoàng đế Terran”

Viết nữa chắc bài thành mớ hỗn độn mất, mình cố gắng viết hết sức có thể rồi mà tay lại gõ phím theo hướng khác, kiểu như Yami Bakura chiếm quyền điều khiển thân thể nhưng cái tay gieo xúc xắc lại thuộc về Ryo Bakura trong Yu-Gi-Oh! vậy, đến lúc nhận ra thì đã hoàn thành xong rồi, chẳng biết nói gì hơn. Biết là sẽ đụng chạm đến rất nhiều và kiểu gì cũng có những người không thích bài này, nhưng sự thật là sự thật, bóp méo đi thì lại nghĩ ngợi nhiều lên, cảm giác mình viết sai nó âm ĩ trong người lâu quá khó chịu lắm. Thanh niên cục súc này xin nhận mọi gạch đá búa rìu đóng góp của các anh em, cảm ơn.

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện