Ninja Gaiden Sigma – Cũ nhưng phải chơi (P.1): Nghe nhìn cũ kĩ vẫn ngon lành

Khách mới

  

Trước tiên thì tui xin lỗi quý bạn đọc vì bài viết có vẻ quá dài. Cũng phải thôi, NGS được đánh giá là có hệ thống Gameplay có chiều sâu và vô cùng độc đáo, khác biệt hẳn với các tựa game khác trên thị trường cơ mà. Vậy nên tui đã tách bài viết ra làm hai, một để nói về đồ họa cốt truyện các thứ, một để phân tích về gameplay. Hiện tại thì Ninja Gaiden Sigma có thể chơi được ổn định với giả lập RPCS3, các con dân nghiện hack ‘n’ slash và có máu M thì nên tải về để phê pha với em nó.

Lẽ ra cái bài viết này sẽ không được ra lò, vì đơn giản Ninja Gaiden Sigma (NGS) đã quá cũ mèm. Một tựa game gốc gác từ tận thời XBOX và mang trên mình một thứ đồ họa cũ kĩ thì có gì đáng chơi? Nhưng cũ không có nghĩa là phế phẩm, Ninja Gaiden Sigma với sự độc lạ của mình vẫn giữ nguyên sức hút như ngày nào.

Sơ lược về NGS

NGS (2007, PS3) thực ra là bản làm lại của Ninja Gaiden (2004, XBOX) NGS đã giữ lại những gì tinh túy từ bản gốc và thêm vào nhiều nội dung mới. Sự xuất hiện của cả hai phiên bản đã gây nhiều tranh cãi khi mà có một số sự khác biệt rõ rệt. Ở đây thì do chỉ mới được chơi bản NGS, nên tui sẽ không đề cập bản gốc nhiều mà chỉ nói về NGS mà thôi. Dù tranh cãi thì 2 phiên bản đều được đánh gía cao (NG 94 điểm và NGS được 88 điểm trên Metacritic) và là thành công lớn của Team Ninja và Tecmo (Và nó vô cùng ý nghĩa luôn, ai lại nghĩ hãng game nổi tiếng về mấy game đối kháng toàn vếu lại làm được cái game ngon tới vậy).

Hành trình Phục Thù

Từ thuở xa xưa, tổ tiên của Long Tộc (Dragon Lineage) đã dùng thanh Chân Long Kiếm (True Dragon Sword) tiêu diệt Hắc Long (Dark Dragon). Tộc quái vật (The Fiends) thấy được sức mạnh ấy bèn tạo ra bản sao từ xương con rồng, Hắc Long Đao (Dark Dragon Blade). Sau nhiều thế hệ thì Long tộc cuối cùng đã đoạt được thanh Hắc Long Đao và giữ chúng tránh xa khỏi kẻ xấu qua nhiều thế hệ ở làng Hayabusha.

Ruy Hayabusha là một Ninja trẻ và là người kế vị tương lai của chức Chưởng môn Long tộc. Sau khi làm một chuyến huấn luyện và đi thăm ông chú Murai, ngôi làng Hayabusha của Ruy bị tấn công. Ruy đã cố quay về làng nhưng đã quá muộn, ngôi làng đã chìm trong biển lửa. Ruy sau đó phát hiện ra kẻ tấn công Doku nhưng bị đập tơi tả. Sau đó một thời gian, ôm mối hận của mình, Ruy lên đường báo thù…

Cốt truyện của NGS vô cùng cũ mèm và làm nền cho Gameplay là chủ yếu. Tui chắc cú là có cả đống ông đã quá quen với những câu chuyện kiếm hiệp kiểu này: Nam chính bị mất tất cả, hận, chém giết và… XXX (khác chăng là Ruy thích FA). Cơ mà ngược lại với nửa đầu quen thuộc, nửa sau của câu chuyện được phát triển với nhiều tình tiết hay và hợp lý. Câu chuyện của Rachel, sự đau khổ của những con người muốn sống bình thường nhưng lại mang trong mình dòng máu nguyền rủa của The Fiends luôn làm tui có chút gì đó thương cảm. Plot twist cực mạnh ở cuối game còn hay hơn nữa, thú thực là tui dù cũng thấy nó quen quen, nhưng không hề nghĩ tới mọi chuyện như thế. Spoil nhiều quá lại mất hay, tui xin nhường lại cho bạn đọc cảm nhận.

Đồ họa: không quá đẹp nhưng đủ sướng mắt

NGS chỉ là một bản game được nâng cấp đồ họa và tinh chỉnh một số thứ từ Ninja Gaiden gốc trên Xbox, thêm vào đó thì NGS được ra mắt vào 2007 nên đồ họa game không phải là thế mạnh (so với bây giờ). Dù thế thì game vẫn tạo được cảm giác “sướng mắt”. Thú thực tui không khỏi xuýt xoa trầm trồ trước vẻ đẹp của đoạn đường mở đầu game. Khung cảnh mùa thu trên một đỉnh núi nào đó ở xứ phù tang hiện lên tuyệt đẹp với tông màu ấm áp, những chiếc lá phong rơi bay theo gió, xa xa là rừng lá phong rực rỡ sắc vàng đỏ. Giữa phong cảnh như bước ra từ trong tranh thủy mặc là Ninja Fortress với sự cổ kính, nghiêm trang và bí hiểm.

Khung cảnh nên thơ đầu game.

Ninja Fortress

Team Ninja đã làm tốt với việc xây dựng thành phố Tairon u ám, thủ đô của Vigoor. Tuy nhiên, thứ đặc sắc hơn ở Vigoor là Nhà thờ Dworku. Tui không khỏi trầm trồ trước những đường nét Gothic nghiêm trang và bí ẩn của nó. Mà chưa hết, đó chỉ là bề nổi thôi nha, ở bên dưới nhà thờ là các hầm ngục ẩn sâu. Mớ hầm ngục này mang phong cách Ai Cập trong thiết kế, và một đống xác sống bên dưới, tạo cho tui cảm giác hơi sờ sợ mà cũng kích thích vô cùng cơ.

Cái hay của NGS là người chơi được trải qua nhiều môi trường khác nhau: một đỉnh núi Nhật Bản, một thành phố đậm mùi Gothic, một hầm ngục kiểu Ai Cập… Mỗi nơi lại có một cái hay, nét hấp dẫn riêng. Ngoài ra, những kẻ địch, quái vật trong game đều thể hiện một cách sắc nét, mang thần thái rất riêng. Mọi thứ còn tuyệt hơn nữa khi những đường kiếm sáng loáng của Ruy xẹt qua người bọn quái thú, máu me phụt ra như suối còn đầu chúng thì rơi rụng đi…

Nhà thờ Dworku

Bên trong Nhà thờ Dworku

Xoẹt!

Tuy vậy, NGS vẫn có nhiều điểm đáng chê trách, quả thực game có nhiều đoạn thực sự kém. Chẳng hạn như ở Chap 3, tui thực sự khó chịu với môi trường trong game, mọi thứ trên chiếc khinh khí cầu hạng sang nhưng lại mang một cảm giác rẻ tiền khó chịu: những đường nét thô kệch, màu sắc xin xỉn. Thành phố Tairon thì lại trông nhàm chán một cách đáng ngạc nhiên (dù tổng thể thì vẫn ổn), tông màu vàng vàng nâu nâu cũ kĩ và những ngôi nhà vuông vức mà tui phải đi qua đi lại nhiều lần. Ngoài ra thì một số đoạn cắt cảnh cinematic (Cinematic cutscenes) chỉ là lấy từ bản game cũ chứ không tăng phân giải hay gì cả. Khi xem mà tui cứ nghĩ đây là phim cắt cảnh từ thời PS1, chứ chả phải của một game trên PS3 đâu!

Character Design

Về tạo hình của nhân vật trong game thì chỉ có thể nói bằng hai từ: tuyệt vời. Nhân vật chính của chúng ta Ruy Hayabusa mang một cơ thể 6 múi, một bộ đồ Ninja hiện đại gọn gàng. Các nhân vật phụ cũng được chăm chút kĩ càng. Ayane mang một thân hình nóng bỏng (Mlem) cùng làn da trắng sứ cùng với bộ đồ ninja kín kẽ gọn gàng mang vẻ bí ẩn thường trực luôn làm tui mê mẩn. Ông chú Murai thì thể hiện rõ sự oai nghiêm của bật bề trên.

Trái, Ruy Hayabusha. Phải, Murai.

Đây là Ayane mà tui mê nè (Chứ còn cô Ayane đập cả cặp vếu vào mặt ở NG2 là ai thì tui hong biết)

Đám kẻ địch con người, mấy anh lính trông cũng ngầu lòi, nhất là mấy ông Vigoorian Soldier (có vẻ là lấy cảm hứng từ một tựa anime, cái nào thì tui chịu không nhớ được) được trang bị tận răng và tinh nhuệ. Về phần bọn quái vật thì còn tuyệt hơn nữa, bọn quái vật của game tạo cảm giác vừa kì quái, dị dị, tơm tởm đủ để mấy thím yếu bóng vía tí bị ác mộng vài đêm (thật luôn ấy, cái kiểu cơ thể tạo cảm giác nhớt nháp, bóng loáng luôn làm tui thấy ghê ghê) nhưng cũng vừa cuốn hút một cách kì lạ. Ngoài ra thì có nhiều loại quái vật tạo hình khá hài hước, chẳng hạn như bọn The Fiends, dù là quái vật mạnh mẽ cơ mà… bọn chúng lại có cặp chân bé ti tí, trông không hề cân xứng tí nào cả, y hệt mấy bức tranh vẽ quái vật của mấy bé con nít.

Những con boss trong game được chăm chút vô cùng kĩ càng. Trong đám boss ấy, tui ấn tượng nhất tạo hình của Alma – con boss thứ 3 trong game. Một cơ thể đột biến xấu xí (nhưng lại chuẩn chỉnh số đo 3 vòng, nếu ăn mặn thì chắc cũng Mlem được chứ đùa), làn da tím rịm kèm theo một khuôn mặt xinh đẹp nhưng có gì đó đượm buồn, tất cả kết hợp tạo ra sự mê hoặc khó tả. Ngoài ra, Doku, tên Samurai phản diện ngầu lòi cũng là một điểm nhấn: hắn uy nghiêm, đáng sợ, và vô cùng bí ẩn. Chưa hết nhé, một con boss trông ghê không kém là tổng chỉ huy Dynamo. Thay vì là hình tượng Cyborb ngầu lòi đẹp giai như Raiden (Metal Gear Rising) thì tên này như bước ra từ phim kinh dị, một khuôn mặt xấu xí do bị thí nghiệm còn cơ thể lại bị gắn đủ thứ ống trên người và một cánh tay bị cắt mất để dành chỗ cho khẩu plasma.


DYNAMO Generals (khoan, Urgot giống lão này thế , Riot ơi, lẽ nào…. )

Vigoorian soldier

Doku

Và đây, ALMA, Con Trùm làm cho bao nhiêu anh em điêu đứng về sắc đẹp lẫn độ khó chơi : )))

Tuy nhiên thì game cũng có vài cái thảm họa, mà ở đây lại là về tạo hình của nữ chính trong game, Rachel. Dẫu biết là nhân vật nữ thì sexy tí sẽ hút mắt người chơi hơn, nhưng có nữ chiến binh nào chơi quả đồ khoe gần hết da thịt thế không trời. 80% cơ thể của Rachel lòi lòi ra ngoài và đảm bảo nếu không phải có “dòng máu nguyền rủa” thì cô chết toi từ đời nào rồi!!

Rachel (nghiện vếu quá hay gì hả team Ninja)

Âm thanh Sống động và chân thực

Không có gì để phàn nàn về Phần nghe trong NGS cả, các hiệu ứng âm thanh của game vô cùng hay. Tiếng chém từ thanh Long Kiếm (dragon sword) của Ruy nghe rất đanh và đã tai. Nhưng mà chưa hết đâu, BGM của game mới là thứ sướng tai nhất, Các đoạn BGM cực đã tai: nhiều đoạn mang sắc thái u ám, bí ẩn, hùng hồn theo chân Ruy trên con đường báo thù và những đoạn BGM mạnh mẽ, dồn dập và điên loạn cỗ vũ sự hăng máu của người chơi trong cuộc chiến. Thực sự muốn trải nghiệm game 100%, đừng tắt loa hay tai nghe đi mà hãy vặn nó to lên và thả mình phiêu vào những giai điệu, âm thanh tuyệt hảo đó!!


(bản Sound track thứ 3 của game, BGM mà tui thích nhất trong NGS)

Bài viết này kết thúc ở đây ha, tổng lại thì phần nghe nhìn của game đều ngon lành. Tui xin đảm bảo là dù khó có thể cạnh tranh lại những game mới nhưng phần nghe nhìn của game tuyệt đối không làm người chơi thất vọng. Còn về Gameplay thì xin hẹn các bạn bài sau vậy.

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện