“Mùi” – Kỷ niệm về một thời rong chơi

Huyền thoại ★ ★

  

Thông thường thì khi nhắc về những chuyện cũ, người ta thường kể về những gì thấy hoặc nghe được, còn tôi lại đi theo hướng hơi dị chút: Dùng khứu giác để nhớ lại những gì từng trải qua, và kể lại cho anh em với cách thú vị nhất, chẳng hạn như…

Mùi thuốc lá, hơi người, và máy tính chưa vệ sinh…

Cái mùi này có thể bắt gặp ở khắp nơi, nhưng trong các hàng net cỏ hay Playstation, trong không gian chật hẹp, bí bách, thì nó lại được nhân lên gấp bội. Thậm chí có thể gọi là mùi đặc trưng luôn cũng được (cứ nghĩ mà xem, hàng chục ông cởi trần, mà ông nào cũng rít thuốc đến tóp má, cả tuần chưa tắm rửa, cộng thêm hơi nóng của đống PC bụi két đầy tản nhiệt, từ cổng đã nhận ra rồi ấy chứ).

Thường thì các bố hút Vina hoặc Thăng Long, ông nào xịn hơn chơi 3 số. Mình không hút thuốc nhưng ra net nhiều, chỉ cần ngửi qua là biết họ đang hút cái gì. Thường thì Vina nhẹ, thơm, Thăng Long hơi nặng và lâu bay mùi, 3 số vừa khét vừa hắc, thình thoảng có esse nhưng không nhiều, mà có đi chăng nữa thì cũng bị lấn át bởi đống thuốc bên trên (cần cỏ thì chưa gặp bao giờ, mà cũng ít ai liều và giàu để hút cái này nơi công cộng lắm, nhớ không lầm thì có một vụ bên cyzone, sau bị lộ rồi bàn giao cho công an xử lý).

Mùi sting dâu, coca, mùi mì tôm, bánh mì và cơm rang…

“Có thực mới vực được đạo”, các cụ nói cấm có sai, và gamer cũng không là ngoại lệ.

Những món này đều là thực đơn cơ bản của đa số phòng net, net nào xịn hơn thì có đùi gà, khoai tây chiên, thậm chí cả bia, trà sữa, cà phê…

Mọi người chuộng những món này vì ngon, no lâu, rẻ, và nhất là cung cấp nhiều calo, đủ để chiến đấu suốt nhiều giờ liền không biết mệt.

Những kèo đánh độ Sting trước giờ vẫn diễn ra thường xuyên, đặc biệt như những khu kiểu Lê Thanh Nghị hay Đặng Văn Ngữ thì chủ quán phải nhập về liên tục, quán nào mà cung không đủ cầu thì xác định hao hụt một bộ phận khách hàng là cái chắc.

Vài Cybercafe chơi lớn, cứ nạp một lượng giờ chơi nhất định là được khuyến mãi 1 – 2 chai. Thậm chí nếu đạt Pentakill trong LMHT hay Ace trong đột kích thì cũng được thưởng loại nước màu đỏ này (vậy nên khá nhiều ông phát tướng vì ngày nào cũng ăn mì tôm uống nước ngọt, như Archie chẳng hạn).

Mùi nhựa mới…

Cái này thì chắc anh em nào chơi mô hình tĩnh (Figure, Gunpla, Warhammer…) hay mô hình động (tàu, xe, canô, máy bay… nói chung là mô hình RC) chắc cũng biết rõ.

Cái cảm giác lên mạng chọn lựa con hàng mình thích, chờ ship về, khui hộp, lắp, chiêm ngưỡng thành quả cũng thú vị chẳng kém những thú chơi xa xỉ khác là bao (lắp 1 con Gunpla Perfect grade hay nguyên 1 đạo Khornate Berzerker đem lại cảm giác khá là phiêu, sung sướng khi đám mô hình hoàn thành. Sau bao công lắp ráp, kẻ lằn, dán decal, tạo vết tích để trông như vừa trải qua một cuộc chiến. Đối với Warhammer thì có thể dùng để đánh boardgame vậy, bọn Khornate Berzerker trong game cũng cực kỳ hổ báo, gần như không biết sợ là gì).

Mùi sơn…

Khi lắp xong một bộ kit, hoặc là người chơi muốn biến tấu, hoặc bản thân bộ kit đó chưa lên màu, thì sơn phết là việc rất quan trọng.

Mà công đoạn này cũng khá lằng nhằng, phải sơn lót, chà nhám, sơn chính, xịt top coat… Nói chung là tốn nhiều công sức chẳng kém gì việc lắp ráp cả.

Nhưng đây có lẽ lại là công đoạn thú vị nhất, vì màu sắc, vẻ ngoài sẽ chính do người chơi quyết định. Những ai khéo tay thậm chí có thể tạo nên một tác phẩm riêng bằng cách phối màu và thêm bớt các chi tiết như cảnh vật phông nền, bệ đỡ…

Các cuộc thi mô hình dạng này rất phổ biến ở nước ngoài, giải thưởng to nhỏ tuỳ vào quy mô tổ chức, nhưng thường thì đa số thí sinh đều là những người đam mê mô hình, một số còn là thành viên máu mặt của các diễn đàn lớn.

Độ tuổi cũng rất đa dạng, từ những em bé mẫu giáo cho đến học sinh, sinh viên, và các bác hưu trí (ở nước ngoài có một bé gái mà mình quên tên, mới 5 tuổi nhưng cũng đã sở hữu nguyên một đạo Space Marine được sơn phết đàng hoàng).

Mùi dầu mỡ, xăng xe…

Mô hình RC, như bất cứ mô hình chạy động cơ nào khác, muốn hoạt động phải bảo dưỡng thường xuyên, và cần nhiên liệu (xăng, dầu diesel…), phải, RẤT NHIỀU nhiên liệu đó.

Dân chơi mô hình loại này do đó cũng giắt túi đáng kể kỹ năng cơ khí, sửa xe… Do cấu tạo của mô hình dạng này mô phỏng đến 90% hàng thật, có thể coi như là phiên bản thu nhỏ cũng không sai. Thường thì sau khi nạp nhiên liệu đầy đủ, phương tiện chỉ chạy chưa đến 30 phút là phải ngừng lại để chuẩn bị chạy tiếp. Một phần do bình xăng bé, phần còn lại do động cơ đốt trong của mô hình yếu và dễ quá tải nhiệt hơn bản gốc, nếu cứ cố đấm ăn xôi là vào bãi phế liệu ngay.

Mà ở Việt Nam cũng ít cửa hàng, lò độ chuyên sửa chữa mô hình nên đa số anh em tự giúp đỡ lẫn nhau hoặc mở shop online (khung, vỏ và mấy thứ linh tinh thì ra Đê La Thành đặt làm, còn lại phải tự lực cánh sinh thôi).


Cơ mà thú chơi này rất dễ nghiện, một khi thành thạo thì cứ cách tuần phải kiểm tra “em yêu” và cho chạy thường xuyên, phần để duy trì máy móc, phần vì “chạy cho đỡ nhớ”.

Mùi khét…

Đã là đồ công nghệ thì phải có hỏng hóc, mà đã hỏng thì phải sửa, vậy nên bộ dụng cụ sửa chữa luôn bên cạnh các anh em chơi mô hình và PC (có lẽ là cả console), kiểu gì cũng phải làm chứ không tránh được.

Hồi lắp cái máy tính đầu tiên, mình lắp CPU, Main, VGA không sao, cho đến khi lắp RAM. Chả hiểu ma xui quỷ khiến thế nào mà lại ấn hơi quá tay, hậu quả là màn hình đen thui, RAM không lên đèn, đi sửa thì ông thợ bảo cháy chân RAM. Cũng may là nhà còn có đồ sơ cua chứ nếu không là toi, chắc có lẽ những ông chuyên Mod PC cũng đã từng phạm lỗi sơ đẳng này hồi bé (tuổi trẻ sai lầm là chuyện thường mà).

Anh em nào chơi Console Gen 7 (PS3, XBOX 360) thì chắc cũng biết lỗi đèn đỏ Red Ring Of Death và lỗi đèn vàng rồi nhỉ, cứ mỗi lần quá nhiệt thì nó lại bị như thế này. Thậm chí năm 2005-2006 các game thủ hầu hết đều phàn nàn về lỗi này, đến mức Microsoft phải thu hồi máy về để sửa chữa. Lúc đó mình còn bé nhưng nhớ rất rõ, không quên được, sản phẩm của Sony ít gặp lỗi hơn nhưng hậu quả cũng chẳng kém đối thủ là bao. Cuối cùng để thằng Wii ngư ông đắc lợi (chưa kể cái tản nhiệt của Playstation hãm đến mức côn trùng, đặc biệt là… gián, cực kỳ thích chui vào để làm tổ trong đó, cả cái máy thành chỗ ngủ của bọn nó, trông hết sức kinh dị).

Còn mấy ông chơi mô hình RC hả? Tắc bugi, xăng cặn, phanh không ăn, điều khiển hỏng, cháy động cơ… Nói thật chăm mô hình như chăm con mọn, làm không kỹ càng là “Bùm” ngay. Lúc đó thì chỉ có bình cứu hoả mới giúp được nhé, chưa kể mô hình dạng này giá cao, một số linh kiện, hay thậm chí nguyên cái mô hình nhập về đã tốn khoảng vài chục triệu. Chưa kể phí xăng dầu hao tổn, bảo trì hỏng hóc. Đã thế ai chơi máy bay đều phải xin phép chính quyền sở tại, kể cả cái Drone bé tí hay cái máy bay phản lực to đùng. Ai dám bảo đây là trò trẻ con thì xin phép người đó im cái mồm lại, không biết thì nói không biết chứ đừng có chà đạp sở thích của người ta (có khi công sức bỏ ra cho mô hình chả kém gì phiên bản thật đâu).

Mùi tiền (tiền giấy, tiền xu)

Tiền có mặt ở khắp nơi, từ những tờ tiền giấy hàng ngày, cho đến những đồng xèng mà bạn hay bắt gặp ở trung tâm thương mại, hay thậm chí là cả bitcoin – tiền điện tử. Không có tiền là mấy thú chơi kia sẽ chẳng thể nào duy trì được (thách các ông ăn chơi bằng không khí được đấy). Do đó xã hội nói chung và các nhà làm game nói riêng luôn tìm cách bòn rút túi tiền của các game thủ để làm giàu cho mình, ai mà chẳng có lòng tham.


Dạng cơ bản (và cũng vô liêm sỉ nhất) chính là bán item khủng, mạnh giá cao trong các game nhập vai, hành động. Cách này có ưu điểm là kiếm rất nhanh nếu tựa game đó hot, nhưng bù lại gây mất cân bằng cho game. Đại gia nào nhiều tiền là được nhiều đặc quyền hơn dân nghèo (thế nên mới có cụm từ Pay to Win).

Dạng tiếp theo, là một biến thể của dạng đầu nhưng bớt vô lý hơn, đó là giữ chỉ số, đồ của các nhân vật cân bằng. Thứ bán ra chỉ là phụ kiện thời trang làm đẹp, skin hiệu ứng các kiểu mà thôi (những game như LMHT hay CS:GO đi theo dạng này). Do đồng tiền không làm ảnh hưởng đến metagame nên kiểu thu tiền này khá phổ biến trong giới game thủ (nhưng giá thì vô chừng, từ vài chục đô cho đến cả trăm ngàn, con Baby Roshan trong DOTA 2 hay Skin Faded trong CSGO là những ví dụ điển hình).

Dạng cuối cùng, cái này mấy hãng game offline hay làm nè, là bán key bản quyền. Một khi bạn đã mua là mua đứt luôn, không phải lăn tăn gì nhiều, cứ thế mà cày thôi (mặc dù cũng có vài trường hợp ngoại lệ như EA hay mấy cái DLC linh tinh). Đây là dạng xuất hiện sớm nhất trong làng game, từ hồi game mới được phát minh ra ấy (ngày xưa anh em chơi crack nên cũng chẳng để ý, cơ mà luật bản quyền nước ngoài gắt lắm, lớ ngớ là nộp phạt sấp mặt ngay). Nhưng nhược điểm là phải bỏ ra một số tiền lớn ngay từ đầu để sở hữu game.

Còn một dạng nữa là Pay To Play, tức là trả tiền theo thuê bao hàng tháng để chơi game, hay nói cách khác là mua giờ chơi. Ngày xưa VLTK hay những game như Everquest (huyền thoại làng MMORPG đó) thu phí theo dạng này. Ưu điểm là NPH lúc nào cũng có nhiều vốn để phát triển, nhưng nhược điểm là phải bơm tiền vào liên tục, không có thì nhịn chơi. Thế nên hiện giờ cách thu phí này không còn được áp dụng nhiều, chắc có lẽ mỗi World Of Warcraft là còn sử dụng.

…Phew, các anh em có mỏi mắt khi đọc bài của mình không vậy, mỗi lần hăng máu lên thì mình lại viết dài như vậy đấy. 24 tuổi nhưng kể lể như ông già 42, “ông cụ non” này sẽ còn hành hạ thị giác các anh em nhiều, hẹn gặp lại các anh em ở những bài sau nhé.

See you next time…

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện


1 cụng ly