Khởi đầu chập chững với con PC cà tàng và bước chân vào thế giới game Arcade

Huyền thoại ★ ★

  

Nhà mình có bố làm kỹ sư trắc địa, nghề của ông cần dùng đến máy tính, nên từ hồi năm 99-2000 là mình đã được chạm vào rồi. Hồi đó bố mình mua rất nhiều sách báo liên quan đến công nghệ, ngoài sách dạy lập trình ra thì có một ấn phẩm huyền thoại: PC World – Thế Giới Vi Tính.

Ban đầu tạp chí này chỉ nói về tin tức công nghệ, review sản phẩm, và các tips lập trình hay ho cho độc giả (mình còn nhớ có cả bài giới thiệu con chip Pentium II, thiết kế của con này có lẽ là độc nhất trong dòng vi xử lý Pentium, nó không lắp theo kiểu nằm song song với mainboard giống bây giờ mà là kiểu vuông góc 90 độ, nói nôm na là tương tự như lắp VGA hay RAM, tản gắn chết vào chip nên nó khá cồng kềnh, cỡ khoảng 2/3 con 2080), mãi đến khoảng năm 98 thì mới có mục Câu lạc bộ chơi game, mà họ cũng chỉ làm khoảng 5-6 trang, đã thế lại còn giấu tít gần cuối tạp chí nữa chứ, khá là ít phải không? Nhưng những bài review ít ỏi đó lại là những bài chất lượng nhất, đọc mà cứ có cảm giác như mình đang hoà vào game vậy. Chả bù cho mấy tờ báo lá cải ngày nay, ngoài esport với Webgame và gMO thì chẳng có cái vẹo gì hay ho cả.

Nhờ những tờ tạp chí ấy, nên mình mới biết được những game huyền thoại như Fallout 2 hay Baldur’s Gate. Các bô lão thời đó nghĩ ra câu “vừa chơi vừa uống trà” để chỉ lối chơi chậm rãi đầy tính toán của chúng nó, thời này game khó đến mức không cẩn thận là bị ăn hành ngay (khác hẳn kỷ nguyên điện tử xèng nhỉ?). Các anh em 10x chắc cũng ngạc nhiên khi nhìn thấy cái máy với vỏ case to đùng không tản nhiệt nước, màn hình CRT dày cộp lắp kính lọc trước mặt (chặn bức xạ màn hình, công nghệ thời đó vẫn còn thô sơ nên nhìn gần hại mắt lắm), con chuột bi và bàn phím Compaq phải không?

Hồi đấy bài hướng dẫn của Fallout 2 khá chi tiết, họ viết dựa trên cảm nhận của bản thân chứ không dịch nên bài đó rất ổn. Kha khá trò hay ho được mình áp dụng vào, chẳng hạn như lén lút chuồn ra sau thả lựu đạn vào hòm đồ đối thủ bằng kỹ năng Pickpocket, hay làm Gigolo để kiếm tiền, cho đến những quest quan trọng làm vì mấy món đồ ngon, hoặc những kẻ thù cần né tránh (Deathclaw chẳng hạn, đã thế một con trong số đó lại còn biết nói nữa chứ). Cơ mà một khi có Power Armor và đống đồ chơi của đám Brotherhood of Steel thì đó chỉ là chuyện nhỏ, thậm chí đánh nhau với bọn Enclave trên giàn khoan Poseidon, giáp mặt trùm cuối Frank Horrigan cũng chưa chắc làm khó được mình, kể cả mấy cái ụ súng máy quanh đó nữa (Super Mutant mặc Power Armor tưởng ghê gớm lắm, hoá ra cũng không đến mức như vậy).

Baldur’s Gate thì chủ yếu mấy anh lớn chơi. Hồi mình còn học lớp 1 thì lão Hoan con cô Mùi có 1 dàn máy tính chạy khá nhiều game, trong đó có phần đầu của tựa game nhập vai này (ngoài ra có cả Planescape: Torment và Vampire The Masquerade: Redemption nữa, lúc đi học tiểu học thì thời gian ngồi PC tại nhà cũng đã bị cắt giảm, nên đành phải ngồi xem thôi). Lão này khá ki bo, ỷ lớn nên chơi một mình, bắt nguyên lớp 1C túm tụm lại xem lão đánh. Mà lão cũng không cho xem nhiều, 15 phút đã phải đi ngủ trưa rồi, mình có thích ngủ trưa đâu cơ chứ, mỗi lần ngủ là một lần ăn bợp tai với cấu véo, ai mà chịu nổi (xin bác bộ trưởng bộ giáo dục ra dự luật bỏ ngay cái kiểu ép học sinh ngủ trưa thế này đi, cả tiểu học lẫn mẫu giáo tràn đầy năng lượng, bắt phải nằm im là một cực hình đối với bọn cháu ngày xưa và với các bé bây giờ đó ạ).

Tuy khó ưa nhưng lão cũng biết chơi, những trò nổi tiếng thời đó như Heroes 3, Starcraft Brood War, Final Fantasy 7, Septerra Core… đều không thoát khỏi tay lão. Dù nhà cô Mùi khá bẩn nhưng bộ bàn để PC lại là chỗ sạch nhất, gần như không thể tìm thấy vết ố nào, cái lão này cũng cẩn thận ra phết. Mà kỳ cục nhất là không thấy lão đá Winning Eleven hay FIFA, nhưng lão lại chơi một trò gần giống bóng đá. Các nhân vật được thiết kế theo phong cách anime chibi, mỗi thành viên trong đội đều có tuyệt chiêu riêng như Captain Tsubasa vậy đó. Mình còn nhớ lão thi triển tuyệt chiêu gì mà có con phượng hoàng tung cánh, sút tung lưới thủ môn đội bạn, hay là thủ môn có tuyệt chiêu “nhện giăng tơ” tóm gọn quả bóng trong lòng bàn tay, tiền đạo chơi chiêu “mãnh hổ vồ xôi” tung người sút vô lê cực đẹp (nếu ai nhận ra game thì comment tên của nó bên dưới nhé, mình mong chơi lại tựa game này lắm, mà đây không phải trò Kunio-kun trên NES đâu nhé).

Nhắc đến game đối kháng, ây dà để xem nào, mỗi khi không có dịp ra chơi máy xèng thì mình lại nghịch cái PC của bố. Trò mình hay chơi nhất có lẽ là Samurai Shodown 2, tiếp theo là Mortal Kombat 1 và 3 (Street Fighter là cái gì, ăn được không?). Hồi đó còn không có nổi cái gamepad ra hồn để chơi, phải chia bàn phím làm 2 phần, mỗi người 1 phần riêng. Lão anh họ mình (không phải lão Hoan) thường xuyên dành phần rộng hơn, bắt mình chơi phần Numpad chật chội, đã thế mỗi lần tung chiêu toàn bị kẹt nút nên thua suốt (Arcade Stick thời đó còn không có trong từ điển, đâu có đầy đủ như bây giờ).

Nhân vật lão hay chọn nhất là Genjuro và Nicotine, còn mình chọn thằng cha Earthquake cục súc to béo (béo hơn cả Roadhog trong Overwatch). Một phần vì Earthquake cũng dễ chơi, sát thương cao và rộng nữa, chứ chọn gái xinh như Nakoruru khó đánh vãi linh hồn, không biết xài chỉ có nước ăn hành mà thôi. Có thể nói bản 2 là một trong những bản khó nhất của series, một phần cũng do trùm cuối máu dai, damage to, chưởng nhanh và khó né hơn bản đầu, cộng thêm việc vũ khí có thể gãy (sẽ tự phục hồi sau 1-2 phút) và nhân vật sắp hết máu sẽ bị choáng. Chưa kể thằng NPC quăng đùi gà hồi máu thỉnh thoảng lại quăng bom, nếu đạp trúng thì sẽ mất máu dù không đáng kể (cái thằng cởi trần cầm chuỳ đen cứ chạy qua lại quanh sàn đấu đấy, có ai nhớ không?).

Mức độ bạo lực trong Samurai Shodown tuy không ghê như Mortal Kombat nhưng xảy ra thường xuyên hơn. Căn bản Mortal Kombat bạo lực máu me ở mấy đòn kết liễu là chủ yếu, mà mấy đòn này phải ấn tổ hợp phím mới được. Còn trong Samurai Shodown thì chỉ một nhát chém đúng thời điểm là đã thấy rồi, nhẹ thì chỉ có một luồng máu phọt ra ngoài rồi gục xuống, nặng thì đứt đôi người hoặc nát thân trên. SNK không chú trọng về mặt bạo lực nên họ không làm chi tiết như Netherealms, thực ra đó cũng chẳng phải tiêu chí của họ nên cũng không sao, Samurai có phải là đồ tể đâu.

Về sau này Thế giới Game review phần 5 của Series mà mình lại chẳng có cảm giác bồi hồi như xưa, chắc do chơi nát game rồi nên ngán.

Cho đến 2009 thì mình vẫn dùng con hàng này…

Nên cái này…

Và cái này không thể chạy nổi

Thế giới Game là một nhánh nhỏ của PC World, chuyên đăng bài về game, còn hai nhánh kia tiếp tục đưa tin công nghệ. Kể từ cuối năm 2003 phát hành số đầu tiên, chất lượng bài viết, số bài trong một tờ báo tăng lên rõ rệt, chưa kể đến việc lần đầu tiên in màu cho cả tờ tạp chí khiến trải nghiệm đọc hơn hẳn. Mình còn nhớ trong những số đầu tiên thì Doom 3 và Far Cry 1 là hai cái tên được liệt vào hạng “sát thủ phần cứng” vì hầu như chẳng có PC nào thời đó chạy mượt ở mức High/Ultra Setting cả. Cỡ 6800 Ultra vẫn còn lê lết, nói gì đến cái máy chạy Riva TNT và Pentium 4 của nhà mình kia chứ. Mình còn nhớ con PC hiệu CMS chạy 2 VGA cỡ đó, RAM 512 MB, Chip core 2 Extreme đã tốn 2000 đô rồi. Máy tính thời đó vẫn chưa mạnh mẽ cho lắm, chạy game nặng còn khó chứ đừng nói đến Vsync, Gsync, 144hz hay thậm chí là VR.

Lúc đó những shop linh kiện nổi tiếng vẫn còn đang trong giai đoạn khởi nghiệp, nên PC đa số là lắp sẵn, chủ yếu là dân văn phòng, IT sử dụng. Esports vẫn chưa lan toả mạnh mẽ như bây giờ, Youtube với Facebook chưa ra đời, thậm chí mạng ADSL về nước cũng chưa lâu. Do vậy dù có rất nhiều tiềm năng phát triển, nhưng thời cơ vẫn chưa chín muồi đối với các game thủ chuyên nghiệp. Hồi xưa cứ nhắc đến game là người ta nghĩ đến những thanh niên rỗi hơi ngồi máy tính cởi trần hò hét liên tục, cùng với dàn loa phát ra âm thanh chát chúa, nói chung là tệ nạn chẳng kém mấy vụ đánh nhau là bao. Hai mươi năm rồi mà suy nghĩ của các phụ huynh vẫn thế, thậm chí còn nặng nề hơn ngày xưa (mình nhớ có bà cô nào đó trên TV phán về game thủ chuyên nghiệp là những người không có ý thức, sau còn quay cả cảnh chơi GTA bắn phá lung tung rồi gán ghép cho Esport, trời ạ, làm báo hình mà không có lương tâm thế này khác nào giết người đâu).

Thực ra làng game Việt cũng khá nát vì mấy chiêu trò hút máu của NPH, hay khoe cơ thể, ăn nói linh tinh của một bộ phận streamer, nhưng nát kiểu nhà đài bảo thì chưa đến nỗi. Giá như ngành game nước mình cởi mở giống nước ngoài, tổ chức các giải đấu rồi truyền hình trực tiếp trên TV thì có phải hơn không. Mình chưa thấy pro gamer nào đi quảng cáo nước tăng lực hay đồ ăn ở Việt Nam cả?

Hay như Nhật Bản, dù Esport của họ chủ yếu là game đối kháng, nhưng đã là pro gamer thì phải có giấy phép đàng hoàng. Đã có trường hợp bị tước phần lớn tiền thưởng vì giấy tờ chưa làm xong rồi. Từ 10000$ xuống 500$ thì trải nghiệm không dễ chịu chút nào, Bad Luck Brian là đây chứ đâu, đến cả Daigo “The Beast” huyền thoại cũng phải tuân thủ nghiêm ngặt. Nhật coi Game thủ chuyên nghiệp là một nghề chính thức, tất nhiên phải đóng thuế, bảo hiểm phúc lợi các kiểu. Cơ mà MOBA không phổ biến ở đây lắm, mình nhớ có Team DOTA 2 vô địch giải phong trào, được thưởng… hàu tươi sống, một phần thưởng có lẽ sẽ khiến họ đủ no, nhưng chắc chắn không thể làm giàu.

Hồi 2015 ngoài DOTA và LMHT thì còn 1 game MOBA nữa khá phổ biến ở Nhật là Lord Of Vermillion: Arena, được chuyển thể từ máy điện tử xèng nổi tiếng ở quốc gia này. Game dùng các thẻ bài, mỗi thẻ là một đơn vị quân. Bản Arcade thì di mấy lá bài trên bàn rê cảm ứng để điều khiển. Còn bản Arena thì lắp từng lá vào các slot riêng, khi cần mới gọi ra chiến đấu (map vẫn có ba lane, cũng có trụ, là đám golem khổng lồ, nhưng nói thật là mình thấy Arena giống Demigod, một tựa MOBA ra năm 2009 hơn là 2 tên tuổi nổi tiếng kia). Có lẽ vì kén người chơi, chưa kể đến việc đụng vào Riot với Valve là đã chuốc lấy bản án tử, khoảng tháng 8 năm 2017 game ngậm ngùi đóng cửa, để lại cho fan hâm mộ một sự tiếc nuối không hề nhẹ.

Lord Of Vermillion có phải là vô danh tiểu tốt gì đâu, chỉ là mấy ông Nhật phát hành nội địa nhiều mà quên chăm chút cho thị trường thế giới thôi mà. Âu cũng là duyên số, mấy game Arcade Nhật chuyển sang hệ khác toàn chết yểu, không giữ được tầm ảnh hưởng đến toàn cầu như bản gốc (Gunslinger Stratos là ví dụ điển hình, số ít game đc hưởng ứng thì lại phát hành muộn, giá như Nintendo hợp tác với Sega để chuyển The House Of The Dead: Scarlet Dawn sang Switch thì hết xẩy).


Nói thật dù mình rất thích chơi Arcade nhưng có lẽ thời đại Console, PC, Mobile tác oai tác quái như hiện nay thì thị trường Nhật Bản có lẽ là nơi duy nhất khách hàng còn mặn mà với những cỗ máy khổng lồ ăn xu như tằm ăn rỗi, luôn luôn phát ra tiếng nhạc xập xình thu hút đám trẻ nhỏ (cái thời mà thanh niên Nhật rủ nhau đến trung tâm trò chơi làm vài ván đã qua lâu, giờ chỉ còn những kẻ cắm mặt vào điện thoại, thỉnh thoảng lại quẹt quẹt chọt chọt vài cái, thế là đi tong số lương nhận được trong ngày, tuần, thậm chí tháng, với mục đích làm cho Account của mình mạnh hơn, hay để quay Gacha những quân cờ ngon).

Máy Pachinko, đa số là trung niên và thanh niên 30 tuổi trở lên chơi nhiều, cứ bắn mấy viên bi vào khe điểm là sẽ được nhận một lượng tiền nhất định. Nhưng hướng đi và lượng tiền đó rất ngẫu nhiên, có thể lớn tới vài man, và cũng có khi không được đồng nào. Với tính chất may rủi như vậy nên Pachinko ở Nhật phổ biến chẳng kém máy bắn cá ở Việt Nam, ngay cả các ông lớn như Konami hay Taito cũng đầu tư vào mảng này (hình như có bàn tay của tổ chức Y… à mà thôi, chắc ai cũng đoán được phải không?).

Mình còn nhớ ở Taito HEY! Arcade, một trung tâm trò chơi tiếng tăm của quận Akihabara, có hẳn một dãy phòng VIP cho các anh nhiều tiền, ghế bọc da, điều hoà hai chiều, dàn âm thanh nổi cực ngon, nút điều khiển thương hiệu Sanwa, tất cả chỉ để phục vụ game… Space Invaders. Chà, nếu được yêu cầu game tuỳ chọn thì chắc chắn mình sẽ chọn Mortal Kombat, cầm Sub-Zero đóng băng kẻ địch trong khi thưởng thức một ly Coca Cola mát lạnh, thật không còn gì bằng.

Một dãy máy Pachinko…

Và cổng vào HEY! Arcade

Sơ sơ thế đã, mình cũng rất muốn kể lại nhiều kỷ niệm cho mọi người, nhưng để mình lục lại kho tư liệu đầy bụi bặm, ít người biết đến. Và mình sẽ tổng hợp lại, cho các đồng dâm thấy được dù chỉ là một phần rất nhỏ của ngành game.


Thân ái, chào quyết thắng!!

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện


2 cụng ly

  • Anh Quân - 26.11.2019

    Nghe bác nói thì có thể là game Inazuma Eleven chăng? Nó cũng có một series nhưng hình như chỉ có trên hệ máy của Nintendo, em đoán mò thôi, nhưng bác cứ thử xem


    • Omega Fadiz Tertas - 26.11.2019

      Không phải rồi bác ạ, game em nói có từ năm 2001, trong khi mãi tận 2008 Inazuma Eleven mới ra bản đầu tiên trên DS, với lại Art của Inazuma Eleven mới quá, game của em cũ hơn nhiều