Subreddit của tuổi thơ: r/tipofmyjoystick

Huyền thoại ★ ★

  

Nói thật với các anh em, mình cũng không nghĩ là có thể tìm được một nguồn thông tin tốt như vậy, nhờ subreddit này mà mình đã mò ra những tựa game thời thơ ấu, cái thời mà người ta vẫn còn dùng DOS song song với Win 98, nhân tiện đây cũng xin được giới thiệu với anh em vài tựa game nho nhỏ, tuy có thể đã lỗi thời nhưng đó là cả bầu trời tuổi thơ của bản thân mình.

Link cho mấy anh em lười gõ: https://www.reddit.com/r/tipofmyjoystick/

1. Slordax: The Unknown Enemy

Vâng, tựa shoot’em up lâu đời này cũng chính là tựa game đầu tiên của mình luôn, hồi đấy bố, mình và ông anh họ cứ giành nhau cái máy để bắn phi thuyền suốt, nhưng cuối cùng bố mình – người duy nhất biết cách dùng DOS vào thời đó, chiến thắng và ôm cái máy suốt, trừ những lúc làm việc ra, còn lại là chơi với con, tranh thủ làm vài ván game cho đã tay.

Lối chơi cũng tương tự những game cùng thể loại, thậm chí có phần tối giản hơn cả các đồng nghiệp Console: Bạn điều khiển một phi thuyền, nâng cấp vũ khí và quét sạch mọi vật cản trên đường đi (vì game là một trong số những sản phẩm đầu tay của John Carmack nên đồ họa mang dáng dấp 16-bit, đã thế lại còn chả có nổi cái cutscene hay OST đàng hoàng tử tế, ngoại trừ tiếng đạn bắn và tiếng “bụp bụp” khi kẻ địch bị hạ, thời ấy PC còn sơ khai lắm, có xài đã là tốt rồi).

Theo như các Youtuber thì game có 5 màn cả thảy, cơ mà cả nhà mình chưa ai vượt qua nổi màn 3, màn này có mấy cái ống gắn gai nhọn cứ thụt ra thụt vào, 3 bố con/cậu cháu cứ đổ thừa tại phím không nhạy suốt, ấy thế mà bọn Tây lông qua dễ như bỡn, cũng dễ hiểu, Âu Mỹ là nơi sản sinh ra những con quái vật như SonicFox hay Fatal1ty mà, bên đó toàn gà chọi Hardcore, chúng nó được tạo điều kiện phát triển nghề nghiệp nhất có thể, chứ đâu có thiếu thốn như bên mình (ôi chán mấy ông nhà đài Trung Ương quá đi mất, những thằng như Chim Sẻ hay Sofm là một vài trường hợp hiếm hoi được đầu tư kỹ, cơ mà bơi ra biển lớn cũng cần nhiều thời gian lắm, lúc AOE Definitive Edition mới ra nhóc Sẻ đánh với mấy thằng Peru còn thua sấp mặt, chẳng lẽ trình Đế Chế của bọn Tàu bị thế giới bỏ xa như vậy ư?).

2. Bio-Menace

Apogee, hay còn gọi là 3D Realms, studio làm nên series Duke Nukem huyền thoại, cũng bắt đầu với những tựa platform cơ bản, Bio-Menace là một trong số đó.

Vai chính hả? Một anh chàng Hippie mặc quần lam áo xanh, tay cầm súng bước chân vào thành phố đầy rẫy các thể loại Alien đột biến gen. Chúng nó đáp xuống Trái Đất, định quẩy banh nóc cả hành tinh, bắn giết vô tội vạ (thế nên ở màn đầu hài cốt với xác người cứ vung vãi khắp nơi). Nhưng đã có đặc vụ CIA Snake Logan ra tay cứu giúp (hồi đó mù Anh văn, lại thấy game lắm quái vật, anh main lại vác quả “hàng nóng” to tướng nên toàn gọi là “bắn súng quái vật” chứ không đọc nổi tên thật của game).

Vì game không có chế độ Co-op, do vậy mình, lão anh họ, cả cô em họ thay nhau chơi, ai chết thì ra nhường lượt cho người khác, cơ mà cũng cãi nhau chí chóe liên tục…

“Đoạn này để anh qua, mày toàn chết thôi”

“Anh lúc nào cũng đâm đầu vào mấy con hồng hồng, gần chết thì đưa máy cho em, anh tính khôn thế?”

“Để em kiếm mã bất tử, hình như ngoài nhà sách có bán quyển hướng dẫn đó”…

Hôm nào cũng y như vậy, đặc biệt là khi ba anh em đến màn công viên, mấy thằng làm game chơi ác, cả công viên cỏ mọc um tùm vậy mà lại đặt hơn chục quả mìn trong bụi rậm, báo hại cả ba chết lên chết xuống vì đạp phải mìn, rồi đập bàn đập ghế như điên (vậy thôi, bố mình mà nghe chửi bậy thì kiểu gì cũng kêu bác và cô mang roi ra phạt đòn nát mông ngay). Mà dù sao nhờ tựa game này thì tình anh em nhà mình được củng cố cực kỳ vững chãi, thậm chí có thể nói là hơn bất kỳ gia đình ruột thịt nào khác, cho dù chỉ là anh em họ, giờ mỗi người một nơi, cho nên mình chỉ có thể nhớ về họ bằng cách chia sẻ cho anh em ở đây mà thôi.

3. Nitemare 3-D

*tiếng Organ vang lên một cách u ám*

Tựa game kinh dị đầu tiên của mình, hay còn gọi là  “Bắn súng Ma”, trò này về gameplay là một bản Doom Clone, nhưng bối cảnh diễn ra trong một tòa biệt thự rộng lớn, và kẻ địch được thay thế bằng các loại quái vật gốc gác Địa Cầu (ma sói, dơi khổng lồ, xương khô, xác ướp Ai Cập, Frankenstein… đủ cả).

Hồi bé chơi mà cứ thấp thỏm, không biết đằng sau những tấm màn đỏ là những gì, nếu là đồ ăn lấy điểm thì còn đỡ, chứ nếu là cái gì đó khác, chỉ sợ cái mặt người ở góc dưới bên trái màn hình (tượng trưng cho thanh máu) biến thành xương sọ, và âm thanh lúc bình máu về 0% nghe rất ám ảnh và ghê rợn (mức độ đáng sợ thời đó phải ngang ngửa mình bây giờ chơi Fatal Frame hay đọc Creepypasta, chắc ngày xưa nhát gan hơn bây giờ, 3 tuổi mà, cho nên xem lại mấy clip trên youtube chỉ làm bản thân hơi rùng mình tí thôi các anh em ạ).

Bài nhạc của màn E1M1, mấy ông nhạc công xài Organ nên có cảm tưởng khá là gai người, cũng tương đương với mấy bài OST của Castlevania sau này, cơ mà cả game mình thấy có mỗi bài đó là một trong số các bản nhạc hay nhất thôi. Ngoài ra còn cả bài Theme của Menu chính nữa, dĩ nhiên không thể so sánh với những tựa Horror bây giờ được, game ra từ năm 94 cơ mà, lúc ấy game PC vẫn đang còn non trẻ, khó có thể đối đầu trực tiếp với Console, biết sao được.

4. SWIV 3D


Lần đầu mình chạm vào một game 3D là vào năm 99, tựa game này vốn là một tựa Shoot’em up, và là bản Remake của SWIV. Game cũng khá bình thường, nhưng lần đầu trải nghiệm không gian 3 chiều khiến mình rất ấn tượng, mặc dù phải nói hệ thống camera chóng mặt kinh khủng.

Trong game người chơi được điều khiển một trực thăng và một xe ô tô, muốn đổi sang phương tiện nào thì phải vào nhà để xe/máy bay đổi. Game cũng có nhiều vũ khí đa dạng, cơ bản nhất là súng máy, ngoài ra còn có bom napalm, tên lửa tầm nhiệt, và hệ thống item hỗ trợ bao gồm máu, nhiên liệu, giáp chắn… nói chung là vừa đủ để qua màn. Kẻ thù chủ yếu toàn các phương tiện quân sự như thuyền máy, tháp canh hoặc ụ súng phòng không, phải nói là chúng nó bắn đau thật, game đã cho ít máu với giáp rồi mà còn làm khó game thủ nữa.

Lúc mới chơi do cái camera quái dị mà mình xây xẩm mặt mày, đến mức phải nhờ ông anh họ lái giúp vài đoạn, còn bản thân nhận nhiệm vụ phóng tên lửa (nói cho oai vậy thôi chứ thực ra chỉ có nhấn nút M, tại lúc đó hai anh em còn bé, mù tiếng Anh, tay không với hết được bàn phím, mà lại chưa biết chỉnh nút, và tất nhiên gamepad, joystick còn lâu bác trai và bố mới cho mua. Hậu quả là tình trạng “anh lái, em bắn” diễn ra suốt nửa năm trời, mãi về sau lão mò ra cách chỉnh trong mục Options nên cũng đỡ hơn đôi chút (xong độc chiếm cái PC luôn). Cơ mà game chạy trên DOS nên thao tác khá lằng nhằng, thế mới thấy biết ơn mấy ông Xerox, Apple và Microsoft vì đã phát triển cũng như phổ biến giao diện đồ họa (GUI) để thay thế cho việc nhập lệnh bằng bàn phím phức tạp, ấn rã hết cả tay).

Giờ cần gì click vài phát là ra, ai lười thậm chí có thể ra lệnh cho trợ lý ảo, có 20 năm thôi mà công nghệ phát triển nhanh thật!

5. Sango Fighter

Ngụy – Thục – Ngô, 3 thế lực hùng mạnh trong thời Tam Quốc, những vị quân chủ của cả 3 phe đã để lại cho lịch sử Trung Hoa một trang hào hùng, oanh liệt nhưng cũng đặc sệt mùi sắt thép và mùi máu.

Đa số anh em trên này có lẽ trải nghiệm lần đầu trên game nói về Tam Quốc chủ yếu là chơi Warriors Of Fate trên máy thùng, hoặc Dynasty Warriors trên Console. Còn mình, bố mẹ chủ yếu không đủ thời gian (và không muốn) cho con ra hàng điện tử, thế nên cứ PC ở nhà mà táng thôi, cả ngày trời vật lộn với tựa game này bảo sao không nhớ.


Game cho mình 2 tướng là Quan Vũ, Trương Phi, muốn unlock các tướng còn lại thì phải đi màn và hạ gục các tướng đó. Dĩ nhiên chơi tướng cho sẵn hoài cũng nhàm, nên khi mở được Triệu Vân là mình chọn để quẩy luôn.

Lúc mới chơi, do không phòng bị trước những gì xảy ra trong game, nên mình chọn bừa chế độ khó nhất. Cầm Quan Vũ, với tâm lý đã trải qua sau khi chơi Mortal Kombat, tự nhủ rằng Sango Fighter sẽ là trải nghiệm dễ dàng, ấy vậy mà có vẻ không ổn lắm…

Sau đoạn cutscene, game ném mình vào một đấu trường nhỏ, tên lính đầu tiên trông có vẻ yếu, tầm nửa cây máu vàng (game có nhiều mức máu, mức đỏ là thấp nhất còn mức xanh dương và xanh lục là cao nhất). Mình cầm Thanh Long Yển Nguyệt Đao bổ thẳng vào đầu nó, cái gì thế này, chém trúng rồi mà không mất máu là sao?? Nó đâu có đỡ, thậm chí Animation chẳng phản ứng gì cả? Mình lùi lại vài bước để lấy thế, nhưng máy tuốt gươm ra chém, nhưng sao kỳ vậy, cách nhau xa cả thước cơ mà??

Tự dưng lại dính đòn, bug kiểu quái lạ gì đây?? Tụi Tàu làm game như hạch, Hitbox thua xa Street Fighter với Mortal Kombat, chưa kể chuyển động vừa cứng vừa chậm, đúng là hành nhau quá đáng, thế mà Panda Entertainment vẫn còn có đủ vốn để làm phần 2. Không biết mấy ông Tàu thế nào nhưng anh em mình sau một thời gian đánh vật với game (chắc tầm 5 tháng), cũng phải bỏ của chạy lấy người, phải công nhận bọn Youtubers nước ngoài lì thật, game khó chơi thế mà vẫn qua được.

6. Skyroad

Tựa game nho nhỏ này cũng tốn của mình một khoản thời gian kha khá, phần vì bố không cho chơi lâu, phần vì hơi khó so với một đứa trẻ, cả ông anh họ cũng hay vào chơi nữa.

Luật chơi cũng đơn giản: Bạn điều khiển một con tàu lướt trên đường băng, bạn phải làm cho con tàu đó đi hết đường băng để cất cánh, khi cất cánh là đạt yêu cầu (sẽ có chữ Road Completed hiện ra).

Cơ mà chướng ngại vật đặt rất nhiều, và ở các góc khá hiểm, cộng thêm trọng lực thất thường và bình nhiên liệu ít ỏi, cho nên phải tính toán kỹ mới có thể vượt qua, nếu không là nổ tàu hoặc rơi xuống vực ngay. Một số loại sàn trên đường băng cũng có công năng đặc biệt, chẳng hạn như màu xanh là nạp lại xăng, hoặc một số màu có thể ảnh hưởng đến phi thuyền (tốc độ, độ bền, thậm chí là lượng Oxy còn lại trong tàu…), và nếu chạy vào ô màu đỏ thì xác định là cái tàu đó banh xác nhé. Thanh màu tím nho nhỏ ở bên trái hiển thị độ dài đường băng, một khi nó chạy hết thì coi như đường băng đã hoàn thành (nhưng mà phải chạy đúng cửa thì mới qua màn, còn nếu nhảy lên nóc hay vào lộn cửa, ok thôi, load lại màn chơi từ đầu).

Mấy màn đầu còn đỡ, sang các màn sau mới gọi là khó, có màn sàn bằng phẳng nhưng trọng lực cao, lại có màn trọng lực như đang bay, bù lại đường băng chỉ có vài thanh trên sàn, muốn qua thì phải nhảy liên tục; hoặc một số màn dài hơn bình thường, phải tiếp nhiên liệu mới qua được; thậm chí có màn lượng sàn đỏ xuất hiện dày đặc, chẳng may chạy vào thì… như tôi đã nói ở trên rồi đấy các hiệp sĩ ạ (game này lại như Slordax, kinh phí thấp nên chất lượng cũng chỉ gọi là tạm ổn, dù ít ra ekip làm Skyroad cũng làm bộ OST đàng hoàng chứ không đem con bỏ chợ như bên kia).

7. Wolfenstein 3-D

Một trong những tựa game FPS đầu tiên trên thế giới, dưới bàn tay nhào nặn của Id Software, bước chân đầu tiên của hãng trong việc khai sinh ra dòng game hành động này đã diễn ra như thế đó.

Gia đình mình gọi tựa game này là “Bắn Súng Phát Xít”, đúng như bối cảnh của game, nhân vật chính phải tiến vào sào huyệt của Đức Quốc Xã, tiêu diệt kẻ thù và cho Hitler một viên vào đầu (mấy thằng bác học điên của Nazi còn tạo ra vài thứ không phải là người, cơ mà chuyện đó kể sau). B.J. Blazkowicz, nhân vật chính của game, được trang bị khá đầy đủ, dao, súng lục, tiểu liên và súng máy, cơ mà làm cỏ bọn địch thì như thế vẫn chưa đủ, mà còn phụ thuộc vào trình độ của các anh em nữa.

Những thứ như các căn phòng bí mật, không gian 3D và lối chơi độc lạ vào thời điểm đó khiến rất nhiều các game về sau học hỏi, chẳng hạn như DOOM, Quake, Half-Life… cho đến những tựa gần đây như Call Of Duty và Battlefield, nói chung sau khi ra mắt vào năm 1992, Wolfenstein 3-D đã làm thay đổi cả bộ mặt làng game mãi mãi.

Tất nhiên dòng game cũng có những thăng trầm, sau khi ra bản Spear Of Destiny, game im hơi lặng tiếng một thời gian cho đến khi Id (lại là họ) tung ra phiên bản Return to Castle Wolfenstein vào năm 2001, với đồ họa, cách chơi và cốt truyện được cải tiến khá nhiều. Lần này chúng ta phải theo chân nhân vật chính chặn đứng âm mưu hồi sinh một vị vua huyền thoại của lũ Phát Xít, tất nhiên “kẹo đồng” cũng được chuẩn bị đầy đủ như mọi khi, vẫn là kiểu chạy và bắn nhưng mượt mà hơn lần trước, mặc dù mình cảm thấy phong cách của Medal of Honor đã ảnh hưởng một phần lên tựa game, tuy vậy đây cũng là một thành công lớn, nhưng mà…

Kể từ phần Wolfenstein 2009, có lẽ game đã ngủ đông quá lâu sau 8 năm dài đằng đẵng, nên không còn giữ vững phong độ ngày xưa, Id Software xuống phong độ đến mức phải bán con cưng của mình cho ZeniMax Media, công ty mẹ của Bethesda Softworks, chắc lúc đó cũng chẳng ai ngờ được rằng, ông già chậm chạp Wolfenstein lại có thể hồi sinh mãnh liệt đến thế.

Ngày 20 tháng 5 năm 2014, Wolfenstein: The New Order ra mắt, phải nói rằng đây thực sự là một quả bom tấn trong làng game, với việc được khoác lên lớp áo mới, câu chuyện về thợ săn Phát Xít B.J. Blazkowicz dường như được quay trở lại với vị thế vốn có, và anh lại cùng các game thủ thế giới chiến đấu hàng giờ liền không ngừng nghỉ. Hàng triệu bản game đã được bán ra, đem về cho công ty một khoản thu nhập siêu to khổng lồ, tạo tiền đề cho Wolfenstein: The Old Blood và phần 2: The New Colossus ra mắt, và đạt được thành công vang dội.

Game không chỉ có cảnh bắn giết, mà còn khắc họa được xã hội giả tưởng khi Nazi làm bá chủ thế giới tha hóa đến mức nào, hay nội tâm phức tạp của những thành viên phe kháng chiến, trong đó có nhân vật chính của chúng ta (phần 2 có đoạn bố của B.J là Rip kể rằng, ông già đó bán mẹ của anh cho lũ xâm lược để đổi lấy một cánh đồng rộng hàng chục ngàn hecta, đã thế khi B.J về thăm lão còn rút súng ra định bắn, lúc này chẳng nể nang tình cha con gì nữa nên anh bắn chết ông ta luôn, đúng thật là chẳng còn gì để nói với gia đình này).

Rip, ông già trời đánh…

Ok, nói về các tựa game thế đủ rồi, bây giờ mình xin phép được hướng dẫn cách hỏi trên Subreddit này.

Khi post bài thì nên làm theo mẫu sau:

Platform(s): Hệ máy (VD như PS4, PC, Switch…)

Genre: Thể loại Game (đại loại như FPS, RPG blah blah)

Estimated year of release: Năm ra mắt (sai số khoảng vài năm cũng được, nhưng nhớ chính xác thời điểm phát hành là một lợi thế)

Graphics/art style: Phong cách đồ họa (2D, 3D, Cel-Shading…)

Notable characters: Nhân vật nổi bật (Thường là vai chính như Cloud, hoặc vai phản diện như Sephiroth)

Notable gameplay mechanics: Đặc điểm đáng chú ý của cơ chế gameplay (hệ thống Item, combat, các câu đố…)

Other details: Các chi tiết khác (kiểu như giáp NPC màu gì, thằng này có hình xăm gì vân vân mây mây…)

Ngoài ra thì các anh em phải tuân thủ bảng nội quy sau đây:

One game per post: Mỗi bài chỉ được đăng một game

Mark your post after it’s solved: Sau khi tìm được game thì phải gõ “Solved: Tên game” (không có ngoặc kép) để báo cho mấy tay to biết là mình đã thấy rồi.

Be nice: Cư xử lịch sự, không Toxic chửi bậy

Serious requests only: Yêu cầu game đàng hoàng, không đem người ta ra làm trò đùa

AutoModerator error: Thỉnh thoảng hệ thống của Reddit báo lỗi, nếu bài của bạn bị đánh dấu trong khi chưa tìm được game, thì báo với Mod để họ còn tìm cách giải quyết

Nếu không làm theo thì bài viết chắc chắn không được duyệt, Reddit làm nghiêm lắm.

Trên đây là những gì mình tìm được, những kỷ niệm thời thơ ấu thông qua mạng xã hội phức tạp này, hy vọng anh em có thể tìm ra thứ mình cần, cảm ơn các anh em và chủ quán đã đọc qua.

Chúc các anh em may mắn, mình chuồn về giường ngủ lấy sức đây, bye bye.

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện