ABCSGO (P.1): chơi CS:GO như thế nào?

Chủ xị

  

Nếu bạn đang đọc bài này thì bạn có lẽ thấy CS:GO đang nổi với operation tím gì đó trên twitter hoặc là một quảng cáo trên Steam và quyết định thử xem trò này ra sao… Khả năng cao là bạn đã ăn hành nên đang đi tìm lời khuyên để hiểu được cách chơi trò này ra sao. Bài này sẽ giúp bạn được “phần nào đó”. Phần cuối của bài cũng sẽ tập trung rất nhiều vào chế độ chính của game là competitive, nếu bạn chỉ muốn cơ bản hoàn toàn thì bạn có thể ngưng đọc sau phần đầu.

Tôi biết chắc chắn bạn là một người chơi kì cựu với khả năng 360 no scope rust trong CODMW2 hoặc có nhiều năm chơi đột kích… Đến lúc quên hết HẦU NHƯ tất cả những điều đó rồi, CS:GO không giống những game bắn súng khác, nó không đơn giản chỉ tăng khả năng nhắm bắn được như series COD hay đến mức chiến thuật cao như series Rainbow Six, nó nằm ở vị trí giữa của cả hai. Khi chơi một trận đấu CS, thắng hay thua phải trông chờ vào khả năng bắn cùng khả năng hợp tác với những đồng đội khác dù có khả năng bạn chưa biết nhau bao giờ.

Chơi nhiều game rồi thì chắc bạn cũng biết việc có nhiều người quen chơi chung tất cả mọi lúc gần như không thể nên đôi khi bạn vẫn sẽ phải tìm trận đơn, nghĩa là bạn sẽ phải gặp nhiều người mới lạ và thắng thua trông chờ vào việc bạn làm việc, giao tiếp với những người này ra sao. Nhưng đó chỉ là việc nhóm, bạn phải bảo đảm chính bản thân mình đáng để đồng đội trông cậy thông qua việc bạn chơi ra sao.

1/ CS:GO 101

Đầu tiên bạn phải hiểu được những thứ cơ bản nhất của CS:GO, bắt đầu với main menu của nó. Khi bạn bật game thì thứ đầu tiên chào bạn sau cái logo là main menu, chia làm 2 bên. Bên tay trái là 8 nút khác nhau tuy đơn giản và thấy ở nhiều game khác nhưng nó vẫn có chút khác biệt, quan trọng ở đây là nút biểu tượng play để vào chọn map chơi, nút có hình vũ khí đó là loadout của bạn với nút hình wifi để tìm đồng đội và nút hình tivi để xem lịch sử đấu, trực tiếp và esports.

  • nút play là vào chọn chế độ bao gồm training, tập luyện với bot, workshop map, community servers và official matchmaking. Chúng ta sẽ tập trung vào official matchmaking vì đây là nơi rank và level của bạn sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp. Trong official matchmaking có: “competitive, wingman, danger zone,war games, deathmatch, casual”, trong này có ba chế độ là competitive, wingman và danger zone là sẽ cho bạn rank trên profile trong game của bạn.

Rank competitive

Rank wingman

Rank danger zone

Tất cả những rank này sẽ hiện ở dưới thanh level trong profile game của bạn.

(Tên tài khoản đã được che để bảo vệ danh tính người dùng)

Lưu ý là để có mỗi rank này bạn phải chơi từng chế độ riêng, level thì được tăng lên qua mỗi lần bạn chơi dù thắng hay thua. Ví dụ bạn thua nhiều trận competitive thì rank sẽ bị hạ nhưng exp để lên level sẽ luôn tăng. Wingman, danger zone đều được thoải mái chơi mà không giới hạn nhưng competitive thì bạn chỉ được chơi khi bạn đã chơi những chế độ khác để tích đủ exp lên level 2. Tip khi tăng level: chơi càng nhiều chế độ trong official matchmaking càng tốt.

  • nút biểu tượng wifi là để tìm đồng đội cho bạn, ấn vào và chọn chế độ bạn muốn chơi và game sẽ đưa bạn vào danh sách “looking to play” để những người chơi khác chọn, nếu bạn thấy khó khăn khi đi đánh competitive solo cùng 4 người lạ hoàn toàn thì đây là cách tốt để có 4 người lạ nhưng bạn được phép chọn lọc. Không chỉ competitive nhưng bạn cũng có thể tìm đồng đội cho danger zone và wingman.
  • nút loadout là nơi lưu trữ những vũ khí bạn có cùng với những thứ bạn sẽ mua sau này. Những vũ khí bạn có là stock weapon với thiết kế gốc và bạn sẽ luôn có những vũ khí này trong kho. Nói là loadout nhưng không có gì thật sự thay đổi lắm, chỉ 3 slot vũ khí có thay đổi là slot súng usp, slot m4 của phe ct và slot desert eagle cho cả 2 phe. Còn lại không thay đổi gì, những slot là để thay đổi skin bạn có từ thời gian chơi game hoặc mua, lưu ý là mua skin không có thay đổi bất cứ gì về súng mà chỉ màu sắc bên ngoài. Những slot còn lại chỉ là knife, glove, agents và music kit chỉ là cosmetic mà bạn sẽ hiểu qua thời gian chơi.
  • nút watch (biểu tượng tv) là nơi bạn xem lại các trận đấu của mình, sự kiện, các giải đấu và stream trực tiếp. Trong nơi đây bạn cũng có thể tải lại các trận đấu đã diễn ra của mình để xem sau.

Những gì còn lại cho bên phải màn hình của main menu là profile game bao gồm level và 3 rank như đã nói. Trên profile của bạn cũng sẽ có thể có thêm những medal hay pin qua nhiều thời gian chơi game. Medal và pin hầu như đều có thể lấy được qua việc chơi game trong một thời gian dài, mua qua steam market hay tham gia các operation như operation shadow web đang có bây giờ. Với phần mở đầu xong giờ đến gameplay.

Nhiệm vụ chính của người chơi:

Lúc nào cũng sẽ luôn có hai phe Terrorists và Counter-Terrorists. Việc Terrorists cần làm là đặt bom còn Counter-Terrorists phải gỡ bom hoặc trong vài trường hợp là CT giải cứu con tin trong khi T canh không cho CT tiến vào. Tất nhiên việc đặt bom/giải cứu con tin chỉ có ở chế độ competitive và casual vì những chế độ còn lại chỉ thiên vào việc hai bên chọn phe để bắn giết nhau nên không cần giải thích nhiều về việc này.

• User Interface (UI)


UI của CS:GO rất đơn giản, bên dưới góc trái bạn có thanh máu và giáp, mỗi thanh sẽ có biểu tượng riêng cho chúng để dễ phân biệt. Bên dưới góc phải bạn sẽ có nhiều slot, slot đầu tiên là cho vũ khí chính, có thể là bất cứ súng gì trừ súng lục, slot thứ hai là súng lục, slot thứ ba là lựu đạn và slot thứ tư nếu là T thì có thể có bom còn CT thì có thể có defuse kit để gỡ bom nhanh hơn. Góc trên cùng bên trái bạn sẽ có radar thể hiện cho cả map và đồng đội bạn lẫn kẻ địch. Đây là thứ bạn nên để ý kĩ lúc chơi vì thông tin từ nó có thể ảnh hưởng thắng thua của một trận đấu. Một điều lưu ý nhỏ là địch chỉ có thể xuất hiện trên radar nếu bạn khai hoả khi nhìn thấy địch và ngược lại địch cũng có thể thấy bạn.

Radar của CS được thiết kế như là những con NPC trong stealth game vậy nếu bạn chết khi đã phát hiện được địch và đưa chúng lên radar thì vị trí cuối cùng của địch sẽ hiện lên trên radar trong một khoảng thời gian ngắn. Đây là hệ thống last know position của các stealth game, nghĩa là khi mà vị trí cuối cùng địch bị phát hiện thì vị trí đó sẽ được báo hiệu cho cả team nhưng vì đó là vị trí cuối cùng địch bị phát hiện nên chúng có thể di chuyển khắp nơi khiến cho người chơi không nên trông chờ quá nhiều vào radar mà nên dựa vào báo cáo của đồng đội hơn.

• Movement:

Bạn phải hiểu được là trong CS:GO di chuyển là một yếu tố quan trọng trong việc bạn bắn được hay không, bạn di chuyển càng nhiều thì những phát bắn của bạn càng ít chính xác hơn, bởi thế nên điều tối quan trọng là bạn phải bảo đảm bạn gần như không di chuyển khi đang giao chiến với địch. Di chuyển trong CS cũng khá hạn chế so với nhiều game khác do không có nhảy siêu cao hay chạy siêu nhanh, chỉ có chạy qua chạy lại rồi nhảy một cách bình thường, nhưng để thuần thục và làm quen với di chuyển như thế này thì không phải chuyện dễ dàng. Đồng thời bạn cũng có nút shift để bước chậm và CTRL để quỳ (crouch), cả hai kiểu bước sẽ không ra tiếng bước chân để địch có thể nghe thấy nên khi bạn lẻn ra sau hoặc ở gần nơi bạn nghĩ là có địch thì nên shift hoặc crouch, vấn đề duy nhất của việc crouch là bạn sẽ đi chậm hơn so với bước shift.


Điều đơn giản và cơ bản nhất trong CS là bạn sẽ chạy nhanh nhất khi đang cầm dao, dù cho vũ khí bạn có nặng như thế nào thì rút dao ra rồi bạn vẫn sẽ chạy nhanh như vậy. Khi bạn nhảy cũng thế bỏ dao vào để nhảy xa nhất có thể, nếu bạn chạy lấy đà rồi nhảy thì bạn sẽ có thể nhảy xa hơn so với một cú nhảy thường. Một điều cần lưu ý là khi bạn chịu sát thương dù là từ lựu đạn hay súng bắn thì bạn vẫn sẽ luôn bị chậm lại nên phải luôn bảo đảm bạn bám gần chỗ có nơi để có thể vào tránh đạn.

Khi nói là bạn phải đảm bảo gần như không di chuyển lúc bắn để có thể giết địch hiệu quả là vì bạn vẫn cần phải tránh đạn giữa lúc bắn địch và đó là khi “strafing” trở nên cần thiết. Strafing là khi bạn chạy ngang trái phải dùng phím A và D để địch khó có thể nhắm chính xác vào bạn mà bắn hơn. Strafing chỉ cần A và D như đã nói, W và S thì càng không nên ấn vì lúc nhân vật bạn di chuyển về trước hay sau thì độ chính xác đã giảm bớt nhiều so với strafing. Và nếu bạn đang tự hỏi thì đúng khi đi ngang trái phải dùng A/D thì độ chính xác sẽ bị giảm ít hơn so với tiến, lùi của W/S. Lưu ý là khi strafe trái phải thì bạn vẫn sẽ bị trượt đi một tí kể cả khi bạn dừng ấn A/D, bạn phải dùng A hoặc D để chạy ngang sang hướng đó rồi ấn phím ngược lại là D hoặc A (ví dụ nếu bạn chạy sang phải dùng D thì phải ấn A và ngược lại), khái niệm này gọi là counter-strafing.

Khi bạn strafe và rồi counter-strafe thì lúc bạn ấn phím ngược lại để counter là lúc hoàn hảo để bắn địch vì độ chính xác của bạn lúc này gần như là bình thường dù sẽ không hoàn toàn chính xác được như lúc đứng yên nhưng nếu phải chọn giữa làm mục tiêu dễ bắn và mục tiêu ít dễ bắn hơn thì lựa chọn đúng có vẻ không khó. Tại sao lại nói là mục tiêu ít dễ bắn nhưng không phải là khó bắn hơn? Nếu bạn strafe hoàn hảo nhưng đứng lông ngông ở ngoài mà strafe thì bạn vẫn sẽ toi như thường nên bạn sẽ cần phải kết hợp nó với chỗ tránh đạn để tạo thành “peeking”. Peeking là khi bạn đứng trong chỗ núp mà strafe để thò ra, lúc bạn strafe ra phải counter-strafe ngay lập tức để có thể bắn rồi quay lại chỗ cũ để tránh đạn mà địch bắn lại. Đây cũng là lý do trong các trận game chuyên nghiệp bạn có thể thấy nhân vật rung vì họ đang strafe qua lại để tránh làm mục tiêu dễ bắn cho địch.

Peeking cũng rất tốt nếu bạn chỉ kiểm tra xem ở vị trí nào đó có địch không. Ví dụ mid ở map Cache bạn nghi là có địch ở đó thì thay vì chạy ra nhìn rồi ăn đạn thì chỉ dùng phím A/D peek ra xem có ai không rồi D/A ngược lại, vừa giảm khả năng chết của bạn vừa giúp team bạn biết được ở đó có địch không. Một loại peek nữa là Wide peeking, đơn giản là thay vì lập tức ấn A/D để counter-strafe và quay về chỗ nấp thì bạn sẽ phải giữ phím A/D lâu hơn tí rồi mới counter-strafe, lý do để làm việc này là có thể nhìn toàn cảnh mọi thứ hơn nhưng khả năng ăn đạn cũng cao hơn do khi wide peek bạn có thể bị lộ từ rất nhiều hướng.

Ở trong chỗ nấp

Ở ngoài chỗ chỗ nấp (peek)

Cách để tập luyện thuần thục kĩ năng này là hãy bắn một lỗ hoặc chọn một điểm nhỏ trên tường rồi strafe và counter-strafe quanh nó, hãy cố gắng di chuyển crosshair để nhắm nó thật chính xác nhất có thể trong khi vẫn đang strafe, tập luyện qua một thời gian rồi bạn sẽ thuần thục khả năng này. Đây là video để bạn có thể tập theo:


• Aim

Đây là phần quan trọng và cốt lõi nhất, cũng có thể là phần bạn mong chờ nhất. Đầu tiên nếu bạn muốn aim tốt bạn phải làm quen được với game đã, làm quen với cách chuyển động, cơ chế và bỏ ra thời gian để tập luyện aim trong vòng thời gian khá dài.

Nếu muốn aim cho ổn thì đầu tiên bạn phải xác định được độ nhạy (sensitivity) của chuột trong settings của game. Để chọn độ nhạy thích hợp cho mình thì bạn nên chơi qua những chế độ không ảnh hưởng rank trước như Casual, Deathmatch hay mọi thứ trong danh sách trừ competitive, bạn không nên chơi competitive khi chưa tìm được độ nhạy thích hợp cho mình hay thậm chí là hiểu về những cơ chế của game đủ nhiều vì chế độ này sẽ ảnh hưởng rank trực tiếp, có thể bạn không quan tâm rank của bạn ra sao nhưng còn 4 người khác trong team của bạn quan tâm nên hãy đảm bảo những kĩ năng của mình trước khi chơi competitive.

Cách để xác định độ nhạy có rất nhiều, cách thông thường nhiều người dùng nhất là học qua trải nghiệm, lên Steam Workshop cho CS:GO tải map Aim Botz, vào game và chọn map này trong list workshop map. Khi vào bot sẽ spawn khắp nơi và điều quan trọng là bạn hãy dí tâm vào đầu từ con bot này sang con bot khác, nếu bạn cảm thấy quá nhanh khi tâm của bạn dí một tí mà đã vượt xa đầu con bot thì hãy giảm độ nhạy xuống đến khi bạn thấy có thể dí chuột từ đầu này sang đầu kia một cách thoải mái. Còn khi bạn dí tâm mà cảm thấy như nó quá chậm thì tăng độ nhạy lên tới khi thấy vừa đủ.

Để xác định được là đã chọn đúng độ nhạy chưa thì bạn hãy di chuột liên tiếp qua nhiều cái đầu khác nhau, khi bạn cảm thấy thoải mái di qua vài con bot thì bạn có thể gần như an tâm mà chơi một cách thoải mái. Nói là gần như vì qua thời gian chơi có thể bạn sẽ thay đổi liên tục vì độ nhạy bạn chọn khi mới tập chơi chỉ là khởi điểm để bạn làm quen, bạn sẽ có thêm những thói quen, kiểu chơi và độ nhạy sẽ được điều chỉnh qua những điều đó. Nếu bạn muốn chắc chắn hơn nữa thì hãy bắn những con bot dùng độ nhạy mà bạn đã chỉnh, cứ chỉnh sửa tùy ý trong lúc tập luyện để có thể chơi thoải mái nhất cho mình, để tăng thêm độ khó hãy vừa strafe và bắn để tập luyện hoà hợp cả hai kĩ năng. Tips: trong lúc bắn hãy cố gắng nhắm vào đầu.

Điều đó dẫn tới một việc khá là quan trọng mà khi chơi CS ta phải hiểu được là Crosshair Placement (vị trí đặt tâm). Vị trí đặt tâm này luôn phải ở ngang đầu, không gì gây nhiều sát thương hơn là một phát headshot và trong CS:GO có những vũ khí có thể kết thúc địch chỉ với một phát vào đầu nên việc bắn vào đầu là rất quan trọng. Như đã nói về việc tập luyện với Aim Botz, hãy cố gắng làm quen với việc để tâm ngang đầu của địch và biến nó trở thành một thói quen tự nhiên của bạn kể cả khi tập luyện hay trong trận đấu.

Vị trí đặt tâm cũng vô cùng quan trọng trong việc canh một góc nào đó mà địch có thể tấn công hoặc cho bạn lợi thế rất lớn khi bắn bắn nhau xảy ra. Nên ghi nhớ là đặt tâm còn phải dựa theo vị trí của nơi bạn đang đứng, chẳng hạn như bạn đang ở vị trí cao hơn thì phải nhắm thấp xuống hoặc địch ở nơi cao hơn thì nhắm cao hơn, điêù này bạn có thể học được qua việc chơi game.

Khi bạn đã trở nên quen thuộc với vị trí của nó rồi thì sẽ không còn những ngày lúng túng tìm vị trí để đặt tâm hay hỏi những câu như “tại sao tôi bắn hoài không trúng đầu”, “Valve tỆ qUá, tHiẾt kẾ gAmE kÌ qUá hUhU”,…  Cũng giống như việc chọn độ nhạy thì trải nghiệm là trên hết, đúng là tập với bot bạn sẽ có được điểm bắt đầu cả về độ nhạy lẫn vị trí đặt tâm nhưng khi bạn vào một trận đấu với người thật sự thì mới biết được mình tới đâu, trải nghiệm sẽ định hình thói quen và cách chơi của bạn trong nhiều thời gian tới nếu bạn sẵn sàng tiếp tục chơi để vượt qua giai đoạn bắt đầu khó khăn.

Đặt tâm tâm ngang đầu

• Kĩ thuật cần thiết:

Đối với movement ta còn vài loại peeking khác nhau, quan trọng nhất là crouch peeking. Để thực hiện crouch peeking thì trong lúc bạn peek ra từ chỗ nấp hãy ấn CRTL để crouch (khom xuống) đúng lúc bạn xuất hiện trên màn hình kẻ địch, điều này cho bạn lợi ích là làm cho kẻ địch mất cảnh giác và bạn có cơ hội để bắn trả, hay hơn nữa là khác với peeking thường khi crouch xuống độ chính xác của bạn được hồi phục rất nhanh nên bạn có thể có phát bắn gần như chính xác hoàn toàn, kết hợp crouch peeking với vị trí đặt tâm như đã nói thì bạn có thể kết thúc địch trong một phát bắn nhưng kĩ thuật này cần một thời gian để học, chỉ cần một chút thời gian mỗi ngày là bạn có thể học được nó nhanh chóng.

Crouch peeking còn một loại nữa là peek trong khi giữ nguyên nút CTRL, mục đích của việc này cũng như vậy là để làm địch mất cảnh giác. Lưu ý là khác với crouch peeking thường địch sẽ đổi vị trí đặt tâm của mình mà nhắm chỗ bạn sẽ thò ra để peek nên việc giữ nút CTRL để thực hiện crouch peeking không tiện lợi lắm so với việc peek ra và crouch. Lý do để những việc này xảy ra là do Peeker’s advantage, khi bạn peek ra một góc nào đó để bắn địch thì trên màn hình của bạn địch sẽ luôn xuất hiện trước còn trên màn hình của địch thì bạn sẽ xuất hiện chậm hơn vài nano giây. Dễ hiểu hơn là khi peek bạn sẽ luôn thấy được địch nhanh hơn còn địch sẽ thấy bạn chậm hơn và ngược lại, tất nhiên là lên rank càng cao thì việc này càng giảm xuống vì địch sẽ càng giỏi hơn nhưng bạn cũng phải tăng khả năng cùng phản ứng của bạn để tận dụng hết khả năng của Peeker’s advantage.

• Crouch jumping là một kĩ thuật bạn cần biết trên hết vì rất nhiều chỗ trên các map đòi hỏi kĩ thuật này. Crouch jumping đơn giản là ấn CTRL sau khi ấn Space để nhảy lên những vị trí cao hơn, độ cao tăng lên không thay đổi gì nhiều cho lắm nhưng đủ để đưa bạn đến những vị trí thường không đến được với nhảy thông thường như vị trí này ở map mirage.

Nên lần sau bạn thấy một chỗ nào đó nhìn có vẻ nhảy được nhưng thiếu một chút thì crouch jumping có thể là thứ bạn cần. Nếu crouch jumping không đủ đến được chỗ bạn cần thì boosting sẽ có ích, boosting là khi đồng đội bạn crouch để tạo một bậc thềm tạm thời còn bạn crouch jump lên đầu đồng đội để đến vị trí cao nào đó, điển hình là “boost” trên Cache. Không chỉ dùng để đến vị trí cao hơn, boost cũng có vô số những công dụng chiến thuật như tạo tháp người để nhìn qua vị trí xa của map, tạo tháp phục kích địch và quan trọng nhất là runboost,… Khả năng chiến thuật của boost gần như vô tận.

Một chút về runboost, đây chỉ đơn giản là hai đồng đội đứng trên nhau chạy đến một điểm nhất định và nhảy để tăng độ xa của cú nhảy nhưng đây là kĩ năng bạn chưa và sẽ không cần nhiều khi chưa lên đến những rank cao hơn nên tôi sẽ không nói nhiều về phần này.

Một điểm boost khá là quen thuộc trên cache

• Bhop hay Bunny hop là khi bạn xâu chuỗi các bước nhảy liên tiếp để tăng tốc độ vượt xa cả chạy cầm dao, thường nhảy trong lúc chạy sẽ làm bạn chậm lại nhưng bhop thì khác. Bhop yêu cầu bạn phải strafe được trong lúc đang nhảy nghĩa là phải A/D rồi D/A sau mỗi lần chạm đất và nhảy tiếp, đáng tiếc là trong lĩnh vực Bhop tôi không tốt cho lắm nên tôi xin nhường lại cho youtuber Nadeking:

• Pre-fire là một kĩ thuật khác tiếp tục kết hợp strafe và bắn. Pre-fire đơn giản là bắn trước ở những góc mà bạn nghĩ địch có thể đang trốn hoặc đứng, pre fire cần sự quen thuộc với map và cả game nên bạn sẽ không dễ dễ học trong một thời gian ngắn. Như góc này ở map Mirage nơi rất nhiều người quen trốn nếu bạn nghĩ có ai đang ở đó thì hãy strafe ra và bắn ngay góc đó. Điểm trừ của pre-fire là một khi bạn bắn thì địch có thể nghe và bắt đầu di chuyển đến vị trí của tiếng bắn nên việc pre-fire chỉ nên dùng khi khả năng cao là có người đang trốn ở góc đó hoặc bạn chắc chắn là nơi đó có người canh và nhất là bạn phải đang có một vị trí an toàn, tùy vào tình huống hãy áp dụng kĩ thuật này.

• Tracing aim và flick aim là hai kiểu ngắm khác nhau trong game. Với tracing aim thì bạn sẽ kéo chuột chạy theo đối thủ đang chạy cho đến khi địch đã vào tâm ngắm mà bắn. Còn flick aim là bạn không kéo chuột theo đối thủ mà giật thẳng con chuột để tâm đến ngay chỗ của địch mà bắn. Chỉ nghe qua có lẽ bạn cũng đủ hiểu cái nào đáng tin cậy hơn và nhất là khi bạn vẫn đang tập chơi thì không nên sử dụng những khả năng sẽ vượt xa quá trình độ của mình. Việc tracing có ổn hay không là dựa vào độ nhạy bạn đã chỉnh qua thời gian tập luyện, nếu bạn đuổi theo mà tâm ngắm bay khỏi địch nghĩa là độ nhạy bạn đã quá cao còn nếu tâm bò mãi chưa tới thì độ nhạy quá thấp.

Thế flick aim nên dùng khi nào? Khi mà địch đang ở gần tâm bắn của bạn thì hãy flick một tí để nhanh chóng kết thúc địch thay vì kéo tâm của bạn qua hay là khi bạn cảm thấy máu lửa nên flick để gây ấn tượng với đồng đội, nhưng dù vậy vẫn nên ưu tiên sử dụng tracing hơn vì đây vẫn là phương pháp đảm bảo hơn cho người chơi mới làm quen và kể cả đã lâu dài. Một điều nữa về flick aim là phải dùng độ nhạy khá cao như có thể thấy ở người chơi chuyên nghiệp Woxic, bạn có thể thử cả hai kiểu và xem nó hợp với mình hay không.

Khi bạn đã chơi qua một thời gian thì bạn nên cân nhắc thay đổi crosshair của mình. CS chỉ có 2 loại crosshair khác nhau cùng với lựa chọn để làm dynamic hơn, dùng để tập chơi thì khá là ổn nhưng khi bạn càng lên cao thì sẽ càng thấy khó khăn khi phải dùng những loại crosshair này do chúng bị hạn chế về hình dáng và cả sự đa dạng. Để thay đổi tốt nhất bạn nên dùng CrashZ crosshair generator vì trong đây có rất nhiều loại khác nhau từ pro đến youtuber và bạn cũng có thể tự thiết kế crosshair cho mình.

Nhắc đến crosshair thì cũng nên nói đến viewmodel. Viewmodel là hai cánh tay của nhân vật trước màn hình của bạn, khi bạn thay đổi gì ở viewmodel của mình thì có mình bạn thấy được còn địch thì vẫn thấy default. Lý do để thay đổi viewmodel là vì lựa chọn riêng của bạn, có thể bạn thấy ko dễ nhìn với default hay khó chịu, nhức đầu,… Để thay đổi viewmodel thì tốt nhất bạn nên dùng CrashZ viewmodel để thay đổi và custom cho mình, tất nhiên cũng sẽ có viewmodel sẵn để chọn nhưng ít hơn nhiều so với crosshair vì viewmodel không quá quan trọng như crosshair.

Competitive:


Đây là nơi những kĩ năng của bạn sẽ được đẩy đến giới hạn và là một trong những lý do tôi viết ra bài này. Như đã nói CS:GO là một game dựa vào cách bạn tương tác với những người chung đội của mình, thắng thua dựa vào những hành động, lời nói và cử chỉ của bạn đối với đồng đội trong suốt trận đấu. Trong một trận đấu competitive có tổng cộng 30 round: 15 round (mỗi round 2 phút, nếu đặt bom là có 40 giây trước khi phát nổ) được làm CT và 15 round được làm T, hết 15 round đầu thì CT sẽ được đổi sang phe T và ngược lại, cả hai đội sẽ chiến đấu tới khi hết 30 round với kết quả là thắng, thua hoặc huề (15-15).

Nhiệm vụ chính của CT là canh giữ 3 khu vực chính: Bombsite A, bombsite B và mid, nếu T vào được site và đặt bom thì CT phải nhanh chóng gỡ trái bom đó. Nhiệm vụ của T là vào được một trong hai bombsite A, B bằng mọi cách có thể để đặt bom, sau khi đặt được bom thì nhiệm vụ của T là ngăn chặn CT bằng mọi giá đến khi trái bom phát nổ. Mỗi trận sẽ bao gồm 10 người chơi với 5 người ở mỗi đội, nếu bạn đi cùng bạn bè để tìm trận chung thì sẽ dễ hơn nhiều là đi một mình để gặp 4 người lạ mặt ngẫu nhiên khác. Tất nhiên bạn cũng có thể chọn lọc 4 người lạ mặt trước khi tìm trận với chức năng “looking to play” đã nói trên.

Trong một trận đấu thì luôn có những cách để chiến thắng khác nhau, CT không phải lúc nào cũng cần phải gỡ bom để thắng và T cũng không cần phải lúc nào bom nổ mới thắng.

CT có thể thắng bằng cách:

  • gỡ bom (không quan trọng bên T còn lại bao nhiêu người miễn gỡ bom là thắng)
  • tiêu diệt hết đội bên kia
  • lãng phí hết thời gian ngăn cản không cho phe T đặt bom

T có thể thắng bằng cách:

  • để trái bom phát nổ
  • tiêu diệt hết CT

Trong chế độ competitive thì friendly fire LUÔN được bật nên những thói quen đâm chém, bắn đồng đội trong những chế độ khác phải bỏ ngay trong competitive vì trong đây đồng đội sẽ nhận sát thương và nếu lượng sát thương đồng đội bạn gây ra quá cao thì bạn sẽ bị kick khỏi game và ăn ban trong một thời gian. Khi bạn ăn ban trong CS:GO game sẽ nói là bạn đã “abandoned”, vài lần abandoned đầu sẽ là 30 phút, nữa thì sẽ là 2 tiếng, tiếp là 24 tiếng và cuối cùng là 7 ngày nên hãy thật cân nhắc trước khi làm tổn thương đồng đội trong competitive. Bạn cũng có thể bị abandoned ban nếu: thoát ra rồi chọn abandon giữa trận đấu, bị đồng đội vote kick trong quá nhiều trận đấu hay giết 3 đồng đội. Competitive cũng có chức năng MVP sau mỗi round, có những cách để kiếm MVP như:

• Bạn gỡ bom

• Bạn đặt và bom nổ

• Bạn giết địch nhiều hơn đội bạn

Tổng số MVP sẽ được dồn đến round cuối và số MVP bạn có sẽ luôn xuất hiện trong bảng điểm kế bên K/A/D của bạn. MVP bạn có không ảnh hưởng hay thay đổi gì trừ elo của bạn, khi bạn cày để leo rank của CS thì elo là số điểm rank bạn có và chúng hoàn toàn vô hình nên bạn chỉ có thể ước chừng bao nhiêu. Đôi khi chỉ thắng vài trận là bạn lên rank hoặc như tôi đôi khi thắng liên tiếp 8 trận mới lên rank. MVP bạn có sau mỗi game sẽ boost số điểm elo của bạn lên mà bạn không hay biết nhưng nên nhớ rằng thua một trận thì vẫn sẽ giảm elo của bạn xuống đáng kể nên đừng làm lone wolf mà chỉ tập trung kiếm MVP cho mình trong một trận đấu.

Một điều bạn luôn nên nhớ là nếu bạn chơi game này miễn phí mà không mua prime thì bạn sẽ là người chơi “non-prime”, không có prime nghĩa là bạn sẽ không được lọc và bảo vệ bởi hệ thống prime của CS nên việc gặp hacker có khả năng xảy ra rất cao, nếu gặp một hacker bạn nên report tài khoản người đó ngay lập tức trong bảng điểm, chỉ cần ấn vào tên và chọn biểu tượng “!” để report. Bạn cũng có thể dùng để report những người đang phá game của mình hay còn gọi là “griefing” và thậm chí mute đồng đội nếu người nào đó cố tình spam chat hoặc mic. Sau khi report Valve sẽ xử lý thông qua hệ thống VAC và Overwatch để quyết định số phận của tài khoản bị report đó.

Competitive vẫn có hai ngoại lệ là Agency và Office vì hai map này là giải cứu con tin, vai trò của hai bên đổi ngược lại vì T sẽ bảo vệ nơi để con tin và CT có nhiệm vụ tấn công chiếm site để giải cứu, hai map này tôi gần như khuyên không nên chơi vì nó là con ghẻ của Valve nên cực kì mất cân bằng do không được update nhiều. Bạn có thể chơi nếu muốn nhưng nên nhớ vì nó vẫn nằm ở competitive map nên rank bạn sẽ bị ảnh hưởng, còn lại thì map nào bạn cũng nên chơi để từ đó tìm ra map yêu thích của mình. Một điều nhỏ là mỗi khi bắt đầu trận đấu sẽ luôn có warmup để đợi tất cả mọi người vào trận và bạn cũng có thể dùng để làm quen với đồng đội. Trong warmup bạn sẽ có thể gây tổn thương cho đồng đội mà không lo về việc bị kick nhưng sau warmup là trận đấu thật sự sẽ bắt đầu.

Tips: Khi trận đấu bắt đầu hãy nhớ đừng chết một cách vô ích và lãng phí mạng sống của mình vì khi bạn chết team sẽ thiếu người, bạn cũng không được hồi sinh cho đến round sau diễn ra. Khi chết bạn có thể tự do quan sát những người trong đội mình và vẫn có thể giao tiếp qua cả mic lẫn chat như thường.

Role của người chơi (game không ép buộc người chơi phải theo nhất định một role nào cả)

Role (vai trò) của người chơi có 5 loại:

• In-game leader: đây là người lãnh đạo trong game xuyên suốt cả trận đấu và cho chiến lược để team làm theo. Thông thường IGL phải là người giao tiếp trước và đưa mọi người gần nhau để dễ làm việc chung hơn. Dù không cần thiết nhưng IGL thường nên là một người có thể bắn khá ổn vì nếu bạn muốn nhận được sự tôn trọng của mọi người như một đội trưởng thì bạn phải chứng minh mình có thể tự đứng vững trước khi ra lệnh cho bất cứ ai. Tất nhiên việc có kiến thức rộng cùng với hiểu biết map là gần như cần thiết vì nếu bạn không hiểu những thứ này thì không thể ra chiến thuật, làm việc hiệu quả và cũng không thể có được sự tôn trọng của đồng đội. Bomman hay như cộng đồng hay gọi “anh tôi” cũng là một trong các IGL rất giỏi.

• Support: người chơi support cũng phần nào giống như IGL về việc phải hiểu biết map vì việc chính của support là ném grenade để hỗ trợ cho đồng đội của mình từ việc ném bom lửa để lùa địch, ném smoke để che đường cho đồng đội chạy qua, và ném flash để đồng đội có thể vào tấn công địch. Những người chơi support cũng phải học những “line up” để biết được vị trí để có thể ném smoke, flash và lửa, tất nhiên là nếu muốn học line up thì cũng phải hiểu về map trước đã. Nếu bạn là một người chơi support thì mua nade càng trở thành một điều quan trọng hơn khi bạn cần những dụng cụ đấy để trợ giúp ném smoke để che địch hoặc team bạn cần bạn flash địch mù để có thể tấn công hay là ném lửa để lùa địch ra. Khác với nhiều game thì vai trò support trong đây rất và cực kì quan trọng, thiếu support thì sẽ không có những pha xử lý để cover đường hay lùa địch cho đồng đội.  Nếu bạn là người chơi support tôi khuyên bạn nên xem những video về vị trí smoke, flash của youtuber Nadeking.

• AWPer: AWP là một trong những vũ khí đáng sợ nhất trong CS:GO với khả năng kết liễu địch trong một phát dù bắn ở bất cứ nơi nào trừ chân hoặc qua tường vì chúng chỉ là những phát chí mạng. AWP là súng nhắm nên tất nhiên dùng nó ở vị trí xa và canh góc là điều hiển nhiên nhưng AWP còn hơn cả vậy, vì một AWPer giỏi có thể dùng nó ở gần như mọi vị trí, kể cả vị trí cận chiến. Có ba cách để dùng AWP là hardscope, quickscope và noscope. Hardscope là khi bạn nhắm vào và canh ở một vị trí nhất định, vị trí AWPER phải canh thường là mid vì trong game mid là điểm quan trọng và cũng là nơi nguy hiểm nhất trong gần như mọi map do mid là nơi liên kết đến các khu vực bombsite khác. Nếu địch chiếm được mid thì chúng sẽ chiếm được một phần lớn khu vực của map và có thể để đồng đội hoặc chính chúng đẩy vào những lúc ta không ngờ tới.

AWPer canh mid vì hầu như trên mọi map mid là khu vực dài và rộng, dù có thể dùng nhiều vũ khí để canh và tiêu diệt địch trên mid nhưng nếu team địch dùng AWP còn bạn cầm AK thì khả năng bạn chết trước khi bắn trúng khá là cao trừ khi bạn rất giỏi hoặc rất may mắn nên việc dùng AWP không bắt buộc nhưng vẫn khuyên nên dùng hơn các vũ khí khác khi phải canh mid. Tất nhiên vẫn có vài vũ khí có thể thay thế tạm thời vị trí của AWP khi bạn không đủ tiền mua như SG553, AUG và SSG08 (hay còn gọi là AWP made in China). AWPer không hạn chế bởi việc chỉ canh ở mid, người đó có thể đổi rất nhiều vị trí nhưng tất cả chỉ là dựa vào tình huống xảy ra trong trận đấu, dù vậy mid vẫn là nơi rất quan trọng với mọi AWPer và cũng là nơi thể hiện sức mạnh và vị trí của mình là một AWPer thực thụ.

Tất nhiên khi hardscope thì bạn phải đứng yên nhưng trong giao chiến thì bạn nên áp dụng cả kĩ thuật strafing và peeking như nói trên để tránh trở thành một mục tiêu đứng yên dễ bắn. Một điều nữa ở AWP là chỉ cần bạn di chuyển một tí thì tâm ngắm sẽ bị mờ ngay nên lúc bắn phải bảo đảm bạn gần như đứng yên để có thể bắn một cách chính xác. Thuần thục kĩ năng strafe cùng peeking là điều AWPer nên có cho lúc bắt đầu và một phần lớn sau này nhưng cả hai kĩ năng đều không quan trọng bằng con cưng của các AWPer là crouch peeking (lưu ý là loại cần kết hợp strafe và crouch không phải loại giữ nút CTRL ở trên). Như đã nói crouch xuống sẽ hồi phục độ chính xác của bạn gần như lập tức và còn làm địch mất cảnh giác, một kĩ năng yêu thích của các AWPer đã quen thuộc với vị trí của mình.

Để kết hợp với bắn AWP thì hãy crouch peek như thường rồi khi vừa thò mặt ra hãy nhắm vào địch và khi bạn chạm đất để crouch thì hãy khai hoả đây cũng chính là kĩ năng Quickscope. Một yếu tố quan trọng để làm kĩ thuật crouch peek với AWP này là bạn phải biết trước được địch đang ở vị trí nào để có thể biết trước để crouch peek bắn vị trí đó nên ta phải nói về một thứ quan trọng AWPer cần biết. Biết được những vị trí trên map như chỗ/góc nào để canh, đoán chỗ địch có khả năng xuất hiện để tấn công,… Tất cả đều là kĩ năng cần thiết với một AWPer nên tôi nói rằng việc phải học một map quan trọng như thế nào với tất cả người chơi.

Nãy giờ những điều tôi nói về AWP đều là cách chơi bị động nhưng nếu bị ép vào tình huống phải tấn công trực diện và gần thì sao? Quickscope và noscope là câu trả lời cho bạn. Quickscope là khi bạn vừa mới nhắm vào và bắn ngay lập tức, kĩ năng này cũng đã được nhắc ở trên qua phần crouch peeking, không chỉ crouch peeking nhưng strafe và peek thường cũng yêu cầu quickscope nếu bạn muốn hạ địch nhanh chóng và vẫn bảo vệ được an toàn cho mình. Trong một trường hợp phải peek ra và hardscope để tìm địch tăng khả năng chết cao gấp nhiều lần thì hãy peek lẹ ra nhìn xác định địch ở vị trí nào rồi peek ra lần nữa quickscope để tiêu diệt địch, quickscope là một kĩ năng có thể vừa dùng chủ động và bị động.

Noscope là khi bạn khai hoả mà không cần đến việc nhắm, noscope gần như cực kì hiệu quả với các mục tiêu tầm gần. Nói là gần như vì nếu không nhắm vào thì tâm của nó sẽ không bao giờ hiện ra nên những phát noscope của bạn dựa vào việc bạn nhớ vị trí giữa tâm là chỗ nào và may mắn, AWP là vũ khí bolt action nên chỉ một phát bắn trượt là bạn phải lên đạn và trong lúc đó địch có thể nhân cơ hội mà tấn công bạn nên hãy cẩn thận khi phải dùng noscope. Những điều khó khăn khác khi AWP nữa là bạn phải tăng cường khả năng để ý môi trường xung quanh của mình lên mức cao nhất vì khi bạn bắn thì bạn phải nhắm vào và tập trung phía trước trong lúc đó địch có thể nhân cơ hội lẻn ra phía sau để tấn công nên việc để ý mọi thứ xung quanh là cực kì quan trọng.

Để làm một AWPer thực thụ không hề dễ, bạn phải kết hợp nhiều kĩ năng đồng thời tăng khả năng nhận thức môi trường xung quanh lên mức cao nhất. Chưa kể đến việc AWP là một trong những khẩu súng đắt tiền nhất trong CS nên việc bạn chết sẽ đánh một cú mạnh vào kinh tế trong game của bạn. Nhưng nếu bạn sẵn sàng để chịu đựng những khó khăn ban đầu này thì bạn sẽ có thể AWP một cách dễ dàng trong tương lai. Nếu AWP không hợp với bạn thì còn rất nhiều vị trí khác sẵn sàng chào đón bạn và một trong những vị trí đó là Entry Fragger.

• Entry fragger:

Entry fragger đơn giản là người thuần thục về kĩ năng dùng rất nhiều loại súng trong CS, từ súng lục đến AWP, đồng thời có nhiều hiểu biết về map và làm chủ được những khả năng liên quan tới strafing, peeking, đặt tâm (crosshair placement). Thuần thục về súng ở đây là biết dùng chúng trong hoàn cảnh nào, spray ra sao và quản lý tài chính vũ khí của mình. Entry Fragger là dành riêng cho phe T cũng thường là những người đầu tiên tấn công và khai mạc trận đấu trong round để mở đường cho đồng đội mình, họ thường là những người có khả năng bắn rất tốt nên rất hoàn hảo để mở đường cho đồng đội vào hỗ trợ dọn địch trong bombsite và đặt bom. Một vấn đề nhỏ về các entry fragger là họ thường phải giỏi trong việc tiêu diệt địch và cũng hay chết đầu tiên vì thường địch sẽ nhắm để tấn công người đầu tiên trước. Nếu bạn chọn làm entry fragger thì hãy bảo đảm trình độ khi sử dụng các loại súng và kĩ năng nhắm bắn của mình.

• Lurker:

Lurker hay còn được gọi là B A I T E R, là người sẽ tách riêng ra khỏi đồng đội mình mà đi một đường vòng ra chỗ khác để thu thập thêm thông tin về địch hay tấn công từ một vị trí chúng không ngờ tới được. Lý do kiểu chơi này bị gọi baiter là vì người chơi sẽ không đi cùng team mình nên sẽ bị thiếu người khi tấn công địch. Trong rất nhiều trường hợp thì team sẽ mất nhiều người còn lurker vẫn sống nên khi những người đã chết quan sát lurker thì sẽ nói là người này đang bait để kiếm kill, dù không đúng hoàn toàn nhưng họ không hề nói sai vì theo góc nhìn của họ thì nhìn chẳng khác nào đang bait đồng đội cả. Nên nếu bạn muốn chơi vị trí lurker thì nên thông báo cho team bạn trước để tránh gây xích mích nội bộ và khi đã có thông tin cần thiết thì hãy nhanh chóng hỗ trợ team bạn khi họ đang cần.

Những role phụ:

• Rifler:

Một người giỏi về việc sử dụng rifle trong game đồng thời thuộc các spray và có độ chính xác cao. Người này đơn giản là entry fragger nhưng không phải lúc nào cũng chạy vào mở đường cho đội đặt bom vì đây là role chung cho CT lẫn T.

• Anchor:

Role này dành riêng cho phe CT khi mà đồng đội của bạn rotate sang bombsite khác để trợ giúp thì người này sẽ ở lại bombsite họ được giao và không rotate qua bombsite đó trừ khi cần thiết, trường hợp cần thiết là địch đã mang bom vào đến site hay bom đã được đặt. Không phải nói xấu gì nhưng hơn thường xuyên thì người chơi anchor là người không bắn tốt cho lắm nên được giao nhiệm vụ ở lại giữ site như vậy không phải chỉ người chơi dở mới ở lại site còn tùy vào vũ khí họ mang nữa. Chẳng hạn như AWPer ở mid nhờ một người ra phụ vì địch đông và ở bombsite gần nhất có người dùng M4 còn người kia dùng SMG thì tất nhiên M4 phải ra để hỗ trợ vì vũ khí của họ vượt xa thứ người kia sở hữu. Nên lần sau khi bạn được kêu ở lại giữ site thì đừng nghĩ là mình bắn tệ mà chỉ là tình huống lúc ấy cần bạn giữ nơi đó.

• Playmaker:

Không có gì phải nói về người này vì đây là Chúa trong các trận đấu, người này sẽ liên tục càn quét team địch, thường là người đứng trên đầu bảng điểm và giỏi về gần như tất cả mọi mặt trong game đôi khi kể cả lãnh đạo.

• Secondary AWPer:

Người chơi AWP phụ khi mà AWP chính chết, đổi role hoặc tình huống ép buộc. Tất cả kĩ năng cần thiết phải biết của AWPer người này cũng phải biết và tất nhiên người này thường không giỏi như AWPer chính.

• Secondary entry fragger:

Người đẩy vào sau entry fragger hỗ trợ người đó dọn địch trong site.

• Coach:

Nếu bạn không chơi chuyên nghiệp thì gần như không thấy xuất hiện role này nhưng trong một đội thực thụ luôn có role này, người này đóng vai trò tạo ra chiến thuật và suy nghĩ cách để chinh phục địch rồi truyền đạt lại cho IGL để hướng dẫn cả đội. Đó là sau khi mảng Esports CS:GO công bố không cho huấn luyện viên nói chuyện với người chơi giữa trận đấu còn trước khi có lệnh cấm thì coach chính là IGL, còn lại tất cả đều là những role khác. Lý do lệnh cấm này xảy ra là để nâng tầm vai trò IGL của một trận đấu chuyên nghiệp và để tránh việc một đội có cả 5 thành viên xuất sắc trong việc bắn súng nhưng thiếu kĩ năng chiến thuật, lãnh đạo nên được huấn luyện viên giúp đỡ.

Một người không nhất thiết phải theo một role nhất định, bạn có thể chọn có nhiều role nhưng việc quan trọng là phải làm bản thân thoải mái với role đó, nếu bạn không cảm thấy phù hợp với role nào dù đã cố gắng thì cũng đừng nên ép mình phải quen với nó. Ví dụ như một entry fragger cũng có thể là AWPer mở đường bằng khẩu AWP hoặc Lurker có thể là IGL hướng dẫn cho team tấn công địch. Trong một team cũng có thể có một role nhưng cho nhiều người nhưng quan trọng là bạn phải nhận thức được mình đi role gì đồng thời xác định những người trong team là gì. Tất nhiên phải qua trải nghiệm bạn mới xác định được role của mình là gì nên hãy để ý mình dùng tốt vũ khí gì hay làm nhiệm vụ gì tốt nhưng điều đó không có nghĩa bạn có thể bỏ xó vũ khí hay học một chút từ các role khác vì càng nhiều kiến thức thì bạn sẽ càng tốt hơn trong game. Role hiện tại bây giờ của tôi là AWPer, IGL và Entry Fragger, hãy tự tìm ra các role thích hợp cho bạn và bảo đảm chính mình có thể thích nghi với chúng.

Trước khi kết thúc part 1 tôi cũng phải nói về vài khái niệm của game:

Đầu tiên là về khái niệm good và bad day. Good day thường là một ngày bạn bắn rất tốt, cảm thấy như là Thần của cả game. Trái ngược lại bad day là khi bạn cảm thấy không đặt hồn mình vào game và cứ như mọi phát bạn bắn đều trượt vậy. Cách để có thể hạn chế bad day chỉ đơn giản là nghỉ ngơi một thời gian đến khi nào bạn thấy có thể bắn lại như thường thì vào game lại.

Tin hay không thì do bạn nhưng sự thoải mái và nhất là tự tin ảnh hưởng ít nhiều đến việc bạn sẽ chơi ra sao trong một trận đấu, nếu bạn không thoải mái về việc gì đó hoặc không tự tin về khả năng của bạn trong một trận đấu thì bạn sẽ không làm tốt hết sức được. Hãy ngưng chơi và bỏ thời gian để thư giãn rồi lấy lại tự tin để tiếp tục chơi. Để cải cải thiện hay xác định bad day cũng còn có nhiều cách khác như chơi các chế độ khác qua một thời gian để có thể chiến đấu lại như thường hoặc warmup đến khi ổn.

Ninja là tên gọi dành cho những CT lén gỡ trái bom mà kẻ địch vẫn còn sống vì dù địch đông ra sao miễn gỡ được bom là sẽ thắng.

Cùng với Ninja là fake defuse, fake là khi bạn gỡ một trái bom nhưng dừng lại ngay sau khi có tiếng gỡ để dụ địch ra khỏi chỗ nấp để dễ tấn công. Khi thực hiện fake defuse nên nhớ rằng không được bước hay chạy vì vậy địch sẽ biết mình đang fake và không phải ai cũng sẽ bị dính bởi trò này. Nhưng cái đặc biệt là bạn có thể dùng điều đó làm lợi thế cho mình, những khẩu súng có nòng nhắm đều có âm thanh khi nhắm vào và bạn có thể nhắm vào khi đang defuse trái bom để địch tưởng nhầm là bạn đang fake trong khi thật sự đã gỡ xong bom. Nhưng nếu phải chơi với những người chơi rank thấp thì fake bình thường là đã đủ rồi.

Ace là khi bạn một mình giết tất cả thành viên của đội bên kia.

Clutch là khi bạn là thành viên cuối cùng nhưng vẫn thắng được dù chỉ một mình bao gồm từ 1v1 đến 1v5

Baiter là… Có lẽ các bạn không lạ gì về kiểu người này và chắc các bạn đã từng ghét cay ghét đắng những người như này.

Một điều cần phải nói là về warmup, trước khi mỗi trận đấu bạn đều có chút thời gian trước round đầu tiên cho warmup nhưng thật sự thời gian này không giúp ích gì lắm vì chỉ có 4 phút và khi 10 người đã join thì chỉ còn 60 giây trước khi trận đấu bắt đầu. Để warmup thật sự thì bạn nên dành một chút thời gian trong một ngày của mình để tập luyện khả năng bắn và di chuyển của mình, bạn có thể tập luyện ở map aim botz hoặc map aim nào bạn thích và cứ tập bắn trong một thời gian cho tới khi bạn thấy dễ chịu. Tôi thường dành ra 30 phút mỗi ngày để warmup với bot rồi vào casual, arms race, wingman hoặc thông thường nhất là deathmatch để chắc tay trước khi chơi competitive. Tất nhiên các chế độ đó không hề ảnh hưởng rank nên tôi luôn có thể thư giãn hay đơn giản là chọc phá với những người trong server. Tôi khuyên bạn sử dụng deathmatch sau hoặc để warmup vì bạn sẽ đối mặt với người chơi thường xuyên và phải tăng “situational awareness” của mình lên.

Một điều tôi chưa nhắc tới trong bài là situational awareness, trong một trận đấu địch có thể di chuyển tự do khắp các bombsite nên bạn phải để ý mọi thứ xung quanh mình từ tiếng bước chân của mình đến những thứ hiện trên radar và thời gian của round đó. Những thứ này chỉ có thể được luyện qua thời gian chơi game khi mà kĩ năng của bạn đã sắc bén hơn, trước khi đó thì hãy để ý kĩ tiếng bước chân của địch và biết khi nào nên tấn công hoặc khi nào nên lùi lại.

Đến đây là kết thúc của part 1, các bạn hãy chuyển qua part 2 để đọc tiếp về giao tiếp, quản lý kinh tế và vũ khí của CS:GO. Cảm ơn đã đọc part 1.

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện