Shiori Experience – Jimi Na Watashi To Hen Na Oji-San: ngửi mùi như linh hồn tuổi 27 

Chủ xị

  

“Ước mơ của tôi là được chơi nhạc, được đứng trên sân khấu, được hò hét với những khán giả cùng đồng bọn của tôi, được phát hành album nhạc ra khắp thế giới, trên hết là không bị lãng quên kể cả khi chết và trở thành một huyền thoại”.

Không biết những người đang đọc bài này đã bao giờ có suy nghĩ ấy chưa? Bạn muốn được chơi nhạc, muốn được nổi tiếng nhưng có bao giờ nghĩ sẽ cần gì để đến được vị trí huyền thoại ấy chưa? Hay là sự hi sinh cần có để được như vậy? Bộ manga này sẽ cho bạn thấy tất tần tật trải nghiệm ngành âm nhạc thật sự ra sao.

Shiori Experience là một bộ manga nói về câu chuyện của một giáo viên tiếng Anh cấp 3, Shiori Honda, bằng một cách nào đó đã kí kết hợp đồng với quỷ âm nhạc thông qua hợp đồng “Crossroads” trong sinh nhật thứ 26 và nhận được linh hồn của nhạc sĩ Jimi Hendrix làm người bảo hộ cho mình, Jimi có thể nhập hồn điều khiển thân xác nếu ông “Jack in” thông qua lỗ cắm ampli sau gáy cô. Được hồn ma của người chơi guitar vĩ đại nhất chơi nhạc cùng, đồng thời còn có thể dùng khả năng chơi nhạc của Jimi bất cứ khi nào mình cần nữa… Chỉ có một vấn đề nhỏ. Hợp đồng này có điều kiện là nếu bên ký kết không trở thành một huyền thoại trước tuổi 27 thì người đó sẽ chết. Cô Shiori giờ phải đặt hy vọng vào một band nhạc bao gồm những học sinh trong trường mình. Về truyền thuyết của Crossroads thì tương truyền là nếu bạn ra ngã tư của một con đường ở Mỹ rồi tự chơi một đoạn nhạc với đọc một câu thần chú thì quỷ sẽ lấy cây đàn của người đó để chỉnh lại dây đánh một đoạn của nó rồi đưa lại cho người đó, ban cho họ tài năng thiên phú về âm nhạc nhưng cái giá là họ sẽ phải chết rất sớm do bán một phần linh hồn cho quỷ.

Truyền thuyết này nổi lên nhờ Robert Johnson, một nhạc sĩ được cho rằng rất tầm thường sau một ngày bỗng trở nên xuất chúng nhưng dù vậy ông không trở nên quá thành công, đơn bán đĩa của ông cũng không cao và rồi ông chết một cách bí ẩn vào tuổi 27, có người nói là trùng hợp, có người tin là quỷ đã tới để lấy lại thứ ông nợ chúng, đến ngày nay ta vẫn không biết được sự thật. Điều làm cho truyền thuyết này ngày càng đáng sợ hơn là số nhạc sĩ huyền thoại liên tục chết khi ở tuổi 27 bởi vô vàn những lý do khác nhau, tất cả những người này được đưa vào list “27 club”. Tất cả những người trong manga này khi ký kết đều nhận được một trong số những người trong “27 club” làm bảo hộ, những người có Crossroad đều có thể nhìn thấy những hồn ma của ngay, tổng cộng là 5 người đã xuất hiện đến hiện nay bao gồm “Jimi Hendrix, Kurt Cobain, Jenis Jasplin, Jim Morrison và Brian Jones”.

Cô giáo Shiori Honda giờ là người sở hữu Jimi Hendrix có 365 ngày để trở thành một huyền thoại hoặc chết, nghe như một thử thách bất khả thi vì đến cả Kurt cũng phải vật lộn nhiều năm đến khi album “Bleach” được công nhận “Nevermind” ra đời, nhưng âm nhạc là để thử thách giới hạn của mọi thứ kể cả bản thân mình, dù có cháy thành tro đi thì cũng phải vùng vẫy cho đến phút cuối cùng, bộ manga Shiori Experience cũng như vậy, xuyên suốt không hề có một cảnh đánh nhau, cháy nổ hoành tráng mà chỉ là những cuộc đấu tranh với cảm xúc thuần túy của con người, sự thách thức giới hạn của bản thân của những con người đam mê âm nhạc, cơn đê mê nó đem lại có thể khuấy động người đọc như đám đông ở buổi diễn Woodstock năm 1969.

Dập tắt và xây dựng ước mơ:

Một trong những điều tôi ấn tượng nhất khi tôi đọc bộ này là thực tế nặng nề, phũ phàng của việc lập một band nhạc, mỗi khi có thể nó lại nhắc người đọc rằng đây là một canh bạc lớn đến mức nào khi chọn sự nghiệp để theo đuổi là âm nhạc. Muốn thành lập một band nhạc đòi hỏi nhiều hơn chỉ là khả năng của mỗi thành viên mà còn là sự đồng điệu của mọi người khi chơi nhạc, band nhạc giống như một chiếc đồng hồ vậy, mọi bánh răng đều phải ăn khớp với nhau mới có thể làm cho nó chạy được, nếu có một chiếc không chạy đúng cách hay không khớp dù là bánh răng mạ vàng thì cả đồng hồ sẽ ngưng chạy hoặc hỏng hoàn toàn. Cô giáo Shiori cùng band nhạc nghiệp dư của mình được trải nghiệm điều này ở chapter 17 khi mà họ lần đầu biểu diễn live show ở một phòng nhạc thật sự với khán giả là những người phần nào am hiểu loại âm nhạc mà mình nghe chứ không còn là các học sinh bình thường nữa, bài hát họ biểu diễn là bài đầu tay họ làm ra được cho rằng “khá ổn” trong mắt của mình chứ không còn là cover nữa, đến cả Jimi Hendrix còn bình luận về bài hát là “không tệ” và nói rằng đây sẽ là một “trải nghiệm tốt”.

Trong lúc biểu diễn thì thực tế hiện ra trước mặt họ khi không một người nghe nào để tâm đến thứ “huyền thoại” mà họ đang truyền cho mọi người nghe, band tiếp theo lên sau màn biểu diễn của họ là “Black Bus” và với chỉ một màn biểu diễn đã đập tan mộng tưởng của mọi thành viên trong band nhạc của cô. Thứ mà mọi người lập tức nhận ra đã không làm là chỉ trích cái không hay trong phần chơi của mỗi người để có thể sửa sai, ai cũng không muốn đối mặt với cảm xúc thật của nhau dẫn đến một chiếc đồng hồ không chỉ là những bánh răng không khớp mà còn rỉ sét, chai mòn. Band nhạc mà họ vừa nghe là nhóm đã thua vòng mở đầu trong cuộc chiến các band nhạc tên là “Bridge to Legend” mà nhóm cô Shiori sắp tham gia, những lời nói của Jimi Hendrix lập tức có ý nghĩa ngay với cô, “không tệ” có nghĩa dở tệ, “trải nghiệm tốt” là trải nghiệm hiện thực tàn khốc mà họ sẽ phải nhận lấy khi chơi thứ này trước toàn bộ khán giả, band nhạc đặc biệt với cô Shiori được nhắc là chữ “huyền thoại” đáng sợ đến mức nào.

Đội hình band nhạc lúc này gần như là đầy đủ mọi thành viên, mỗi người đều có tài riêng ở mỗi nhà cụ nhưng họ lại không hề hợp tác ăn ý với nhau hay chơi quá hay, arc tiếp theo được dành riêng để tập trung vào điều đó. Tất cả mọi người đều xích mích gây gổ với nhau, dường như là chấm dứt cho họ nhưng mỗi người đều dồn toàn bộ sức lực vào việc tập luyện để cải thiện trình độ bản thân trước hết. Đây đối với tôi là arc hay nhất cả truyện khi các thành viên phải đối mặt với cảm xúc thật sự của mình cùng với thực tại rằng họ chơi “dở ẹc” nhưng kì vọng lại rất cao, không ai quan tâm đến thất bại ra sao cả, họ chỉ muốn cố gắng hết sức đẩy qua giới hạn của mình để thúc đẩy band nhạc tiến về phía trước. Nhân vật tôi cảm thấy đã góp ích không ít cho cả band nhạc trong thời điểm này này và người yêu âm nhạc nhất kể cả so với cô Shiori trớ trêu thay là cô Aoshima Subaru (một trong những nhân vật thú vị nhất truyện).

Cô Subaru ban đầu được giới thiệu với người đọc như là một kẻ xấu chính trong phần truyện này đối với club band nhạc của Shiori, cô luôn nhạo báng, chê bai, cười nhạo đặc biệt từ khi họ chính thức lập ra club nhạc nhẹ để cạnh tranh với mình, trong mắt Subaru họ không khác gì một đống rác rưởi so với ban nhạc kèn đồng của cô. Khi nhìn từ phía của cô Subaru thì người đọc mới có thể thấy được tại sao cô lại làm như thế, đó là một phần tính cách của cô Subaru, cô yêu âm nhạc và cô luôn muốn đẩy bất cứ ai chơi nhạc vượt qua giới hạn của mình, tính cách đáng sợ của cô đi kèm với khả năng âm nhạc tuyệt vời kĩ càng đến mức phát hiện được một người vào nhịp chỉ sai chưa tới một giây cho thấy thử thách đầu tiên mọi người của band nhạc cần phải vượt qua trước khi thi đấu bất cứ đâu là cô Subaru. Cô khinh những người không tập luyện âm nhạc bằng cả trái tim và mọi thứ mình có mà chỉ mở miệng nói về thành công hay danh vọng và mọi người trong band nhạc của cô Shiori đều toát ra mùi này.

Khi arc này kết thúc tất cả thành viên đều đã thay đổi, sự thay đổi này không phải ngẫu nhiên hay tự nhiên mà là do sự chịu đựng, khổ luyện mà từng người đã chịu đựng về mặt tinh thần lẫn thể xác, một lần nữa nói với người đọc rằng không có thành công nếu không có sự hi sinh đặc biệt là trong ngành âm nhạc. Band nhạc như được sinh ra một lần nữa với bài hát đầu tay thật sự tên là “Jack in”, khiến cho cô Subaru cùng band kèn đồng phải xem band nhạc này như một mối đe doạ thật sự.

Chữ cái trong tên tất cả mọi người gộp lại tạo ra tên của cô Shiori và để vinh danh nhạc sĩ đã giúp họ từ lúc band được thành lập đến bây giờ tên chính thức được chọn là “Shiori Experience”, chiếc đồng hồ bây giờ mang những bánh răng mạ vàng đã hoạt động một cách hoàn chỉnh. Đây chỉ là một trong những arc mà người đọc sẽ được trải nghiệm, đến arc hiện tại thì mọi thứ đang bước vào giai đoạn còn gay cấn hơn, giống như một buổi biểu diễn thì càng về sau sẽ càng hay nhưng những màn mở đầu vẫn đủ thú vị để giữ người xem ở lại.

Mặc dù những thứ tôi vừa nói nghe có vẻ nặng nề nhưng chủ đề chính của cả bộ manga vẫn là về việc theo đuổi ước mơ của mình, nếu bạn có ước mơ và có sức mạnh để thực hiện nó thì hãy dồn cả linh hồn vào để biến ước mơ đó thành hiện thực. Tất nhiên là ước mơ vẫn có những mối nguy của chúng, không phải cứ đuổi theo ước mơ là đúng nhất là khi âm nhạc là một trong những sự nghiệp bất ổn nhất để theo đuổi, không có một chút nào gọi là bảo đảm cho dù bạn có là thần đồng hay thiên tài âm nhạc đi nữa, rất nhiều chuyện có thể xảy ra.

Không chỉ vậy nhưng lựa chọn theo đuổi giấc mơ đó có thể ảnh hưởng những người xung quanh bạn như gia đình, bạn bè hoặc chính bandmates đang đi theo mình. Jouji Honda là người đã chứng minh điều này khi sự tham lam danh vọng của anh đưa cả gia đình của mình vào cảnh túng quẫn nợ nần, tước em gái anh, Shiori khỏi giấc mơ âm nhạc của mình, cuối cùng anh cũng chỉ trở thành một kẻ ăn mày đi lang thang khắp nơi khoe khoang về tài lẻ của mình để kiếm bữa qua ngày.

Trước khi bạn quyết định đi theo con đường âm nhạc thì hãy suy nghĩ thật kĩ về khả năng thành công cùng với khả năng của chính bản thân mình, hãy nhắm mình làm được tới đâu, liệu có thật sự có thể tạo được một sự nghiệp không hay sẽ đẩy mình vào đường cùng, điều quan trọng nhất là có sẵn sàng hi sinh mọi thứ cho âm nhạc để cùng nó sát cánh không. Trong truyện cũng cho thấy để trở nên nổi tiếng trong ngành âm nhạc phải tạo được điều gì đó đặc biệt khác so với những thứ đang có trên thị trường, Black bus nhạc hay nhưng không có gì làm cho nó đặc biệt, khiến họ không vượt ra khỏi giai đoạn indie, nhưng điều tạo ra sự đặc biệt qua càng nhiều thời gian càng khó hơn bởi vì một người thông thái bụng bia đã từng nói tôi “bây giờ khó để làm một loại âm nhạc nào đó thật đặc biệt vì những thứ đặc biệt đã được những người đi trước làm cả rồi”.


Mặc dù vậy như tôi đã nói thì âm nhạc là sinh ra để thách thức những giới hạn, với âm nhạc thì không gì là không thể, sự sáng tạo của nó chỉ có thể bị giới hạn bởi chính những người chơi nhạc và truyện dường như đồng ý với những điều này khi mà các ca khúc làm mọi người thán phục nhất của những nhạc sĩ đã chết trong truyện là các ca khúc mới ra của họ, những ca khúc cho thấy rằng kể cả sau cái chết họ cũng có thể tạo ra một thứ gì đó vượt qua sự đặc biệt chính mình tạo ra lúc còn sống, nói lên sức mạnh của âm nhạc là vô hạn. Thứ duy nhất vô hạn không chỉ là sức mạnh của nó, tình yêu dành cho âm nhạc sẽ càng thúc đẩy sức mạnh ấy lên hơn nữa, giờ ta sẽ nói về những con người với tình yêu vô đối ấy, những huyền thoại thật thụ của “27 club”.

27 club:

Nếu tôi phải nói thì bộ manga này đã làm được là nó đã đem những nhạc sĩ này sống lại, những cảm giác về họ trong những arc riêng của mình cảm thấy rất chân thật, cho thấy tác giả Machida Kazuya đã nghiên cứu rất nhiều trước khi đưa họ vào trong truyện của mình, tình yêu âm nhạc của họ là không thể chối cãi cùng với tính cách được giữ lại trước khi chết của mình tạo cho một cuộc gặp gỡ tưởng chừng như chỉ có thể thấy trong mơ như tương tác giữa Kurt Cobain với Jimi Hendrix khi hai người gặp nhau và niềm vui tột độ của cả hai khi có cơ hội được chơi nhạc thêm một lần nữa. Chỉ Jimi với Kurt là có arc riêng cho mình đến hiện tại và tôi không thể đếm được những lần đã quay lại chỉ để đọc arc của cả hai, tình yêu âm nhạc cùng ham muốn được chơi gì đó mới mẻ hay sự đau đớn của hai người khi mình bị ép vào một vòng xoáy của sự lặp đi lặp lại những quy trình, bài hát chán nản mà mình phải cứ thực hiện “tôi đã chán ngấy việc cứ phải chơi hit songs”.

Tôi đặc biệt thích cách câu chuyện cùng nỗi đau của Kurt được diễn tả lại trong manga này, nó đem lại cho người đọc sự cảm thông cùng sự thấu hiểu cho người đã rơi vào tuyệt vọng do bài hát mình làm để chinh phục thế giới. “Smells like Teen Spirit” là bài hát nằm trong album Nevermind của Nirvana, đây được xem là album hay nhất của họ với Teen Spirit là ca khúc nổi nhất trong tất cả, chỉ với riêng bài hát này đã thu một lượng lớn người nghe cho Nirvana nhưng cũng trở thành bài bị “overplayed” nhiều nhất, Kurt luôn muốn được chơi những gì mới lạ, đặc biệt, anh ghét những bài nhạc rock thị trường cùng những band sẵn sàng chơi chúng để kiếm tiền và danh vọng, Kurt còn ghét những điều ấy đến nỗi trong một bài phỏng vấn nói rằng “chúng tôi không phải dạng ban nhạc hoàn toàn không có gì để nói như Guns N’ Roses” và “nổi loạn là đứng lên chống lại những người như Guns N’ Roses”. Qua thời gian Kurt sẽ thấy mình đang biến thành GNR khi họ đang chơi những bài hit thị trường cho những khán giả ăn liền chỉ muốn một bài nhất định đó vì tiền, họ đã biến thành chính thứ mình chống lại.

“Teen Spirit” tất nhiên trở thành thứ Kurt ghét nhất nên với mọi cơ hội có thể Kurt sẽ tìm cách để thay đổi cùng với phá phách để cho nó khác biệt nhiều nhất có thể, Kurt trong một buổi phỏng vấn đã nói rằng “lý do nó nhận được sự chú ý lớn vậy là vì họ đã xem nó trên MTV cả triệu lần rồi, Nó đã được nhồi vào não họ hết. Nhưng tôi nghĩ mình đã viết rất nhiều bài hát khác hay như, thậm chí là hơn cả bài đó như ‘Drain you’. Nó chắc chắn là hay như ‘Teen Spirit’. Tôi yêu lời thoại của nó và không bao giờ chán khi chơi nó cả, nếu nó nổi như ‘Teen Spirit’ thì tôi cũng chẳng thích nó nhiều như vậy”.


Lần cuối “Teen Spirit” được biểu diễn là ở Milan vào 24/2/1994, đây là một bản Smells like Teen Spirit bình thường mà không có sự quậy phá thường thấy của Kurt giống như để tạm biệt bản nhạc đã làm cho anh đau khổ thế này. 5/4/1994, Kurt tự sát trong nhà riêng của mình ở tuổi 27, kể cả sau khi chết trong truyện vẫn cho thấy một Kurt không còn hứng thú với tiếng hò hét của đám đông như trong lá thư tuyệt mệnh của anh, Kurt chán phải cứ chơi cho những khán giả đại chúng để kiếm tiền thay vì cho đam mê của mình.

Nhưng khi Jimi cùng Kurt chơi “Teen Spirit” thì khác, Kurt khi nhìn thấy khán giả yêu thích thứ gì đó mới mẻ cùng sự đẹp đẽ của Jimi Hendrix lập tức tìm lại được niềm đam mê mình đã mất từ rất lâu, Kurt đã tự nguyện chơi Smells like Teen Spirit bằng cả linh hồn của mình và đó là khung cảnh đẹp đẽ nhất tôi từng thấy. Vẫn còn arc của 3 người trong “27 club” còn lại, tôi mong muốn được thấy tác giả sẽ làm gì để arc của những nhạc sĩ còn lại thậm chí có thể bằng được Kurt.

Shiori Experience có thể sẽ dập tan hoàn toàn ước mơ lập band nhạc của người đọc nào đó trong đây nhưng nếu bỏ cuộc thì nghĩa là từ đầu band nhạc đó đã không có khả năng để thành công rồi, con đường âm nhạc là con đường đầy chông gai, máu và nước mắt, có lý do mà những huyền thoại mới có thể trở nên “huyền thoại”, nêú bạn tin bạn có khả năng và sẵn sàng hi sinh tất cả cho âm nhạc thì hãy đi theo tiếng gọi của nó đến một con đường không hề có gì gọi là chắc chắn. Những sự khó khăn này cũng là những thứ band nhạc nhỏ bé của chúng ta sẽ phải chống lại, tôi tin người đọc dù là fan rock hay không cũng sẽ có một thời gian tuyệt vời khi thả hồn mình và cùng tận hưởng “Shiori Experience”.

P/S: gửi tới band nhạc cùng ước mơ chưa thành của chúng tôi, nếu đọc được tôi xin lỗi vì đã không thể dành trọn cả linh hồn và trái tim cho band nhạc ấy. Với tình cảnh bây giờ tôi hiếm có thể tìm được thời gian để có thể chơi nhạc vui được như xưa nữa, đam mê của tôi cũng không còn, nếu có gì hối tiếc thì tôi đã tiến bộ hơn nhiều trong việc chơi trống mà sẽ chẳng bao giờ có thể đem dùng được ở đâu cả. Tôi xin lỗi đã không thể đi theo con đường này được, một kẻ nửa vời như tôi không xứng đáng để đi cùng các cậu. Xin lỗi và cảm ơn vì thời gian đó, tất cả đều là những “experience” đáng nhớ.

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện