“Mày lại chơi điện tử đó à?” “Sao mày lãng phí thời gian thế?” “Chơi nghiện khó cai hơn cả ma túy đấy”… Chắc chắn các bạn đã từng nghe mấy câu này một lần dù đó là phụ huynh các bạn, họ hàng hay truyền thông đại chúng và ít nhất hơn một nửa các bạn đã bị buộc tội vô cớ với những câu nói ấy. Với việc trò chơi điện tử ngày càng bị đổ lỗi về nhiều sự việc xảy ra trong và cả ngoài nước dạo gần đây tôi muốn viết bài này cùng mong muốn thay đổi cách suy nghĩ của nhiều người dù chỉ một chút.
1. Game
Một điều đầu tiên mà mọi người phải hiểu là game đã phát triển hơn rất nhiều so với 60 năm trước. Không còn những ngày Pong với 2 thanh que và trái bóng bay qua bay lại hay đội ngũ phát triển gồm chục người mà là một ngành công nghiệp thật sự với việc thiết kế, phát triển và quảng bá lên tới hàng trăm triệu USD và thu lại lợi nhuận tương đương với doanh số đó giống như làm phim Hollywood vậy. Cộng đồng của game cũng rất khổng lồ, viết “game” vào Facebook hay Twitter thì sẽ có vô số những page dành cho thông tin, meme hay review game. Với sự phát triển vậy thì đương nhiên chất lượng cả về mặt đồ hoạ, gameplay, doanh thu đều tăng lên cao chót vót nhưng điều ấy lại kéo theo hậu quả không ngờ đó là tình trạng truyền thông đối với game ngày nay
2. Chơi game gây bạo lực
Chắc chắn đây là câu cửa miệng mà mọi người hay nghe dù là trên tivi, người lớn tuổi và cả bố mẹ. Câu nói này làm câu đại diện cho việc đổ lỗi cho game suốt nhiều thời gian nay và nó là một câu nói hoàn toàn sai. Đầu tiên thì game khác gì so với tivi hay đọc sách? Với tivi, sách thì ta chứng kiến câu chuyện diễn ra trước mắt và ta chỉ có thể mong đợi nó tiếp diễn như thế nào nhưng game thì khác, ta tiếp xúc và trực tiếp ảnh hưởng đến câu chuyện diễn ra như thế nào.
Thế game cũng không khác gì tivi với sách bao nhiêu, tất cả đều kể câu chuyện theo cách của mình riêng game là có thể tác động tới nó vậy sao khi tivi hay sách có nội dung bạo lực hay liên quan đến tình dục thì không bị gán danh hiệu “đọc/xem gây ra bạo lực” mà chỉ có game bị? Những người chơi game chiếm một phần không nhỏ thế sao những người này không cầm súng bắn mọi người hay ra đường cướp xe hơi? Đúng là có thể nói những thứ ta thấy và làm trong game gây ảnh hưởng đến đời thật của ta nhưng nếu bạn có hơn một nửa bộ não thì phân biệt giữa đời thật và game là một chuyện rất đỗi bình thường.
Vấn đề này dạo này cũng lại đang nổi cộm lên ở Mĩ khi tổng thống Donald Trump nói rằng game bạo lực gây ra những vụ xả súng và tất nhiên theo phong cách thường, các truyền hình và phụ huynh nước ta đi theo và nói game tệ hại như thế nào. Nhưng nên nhớ game được làm ra, bán, phân phối khắp thế giới và chỉ một trong các nước đó có vấn đề về xả súng hàng loạt. Trong những năm 1900 cũng có tình trạng tương tự như thế này khi nhạc Rock và Heavy Metal đang nổi ai cũng đổ lỗi cho rằng đây là tác nhân của việc gây ra bạo lực, bây giờ mọi thứ lại tiếp diễn chỉ là thay đổi thứ bị đổ lỗi.
Thế nhưng vẫn có những game bạo lực chém giết máu me thế phim vẫn có Kill Bill và sách vẫn có Demonata. Vấn đề ở đây là thể loại, có vô vàn thể loại game cho mọi người từ nhẹ nhàng đến cảm giác mạnh đủ cho bất cứ ai, đơn giản đến mức một cú google nhanh là bạn sẽ có game mình muốn và cả review cho game để quyết định bạn có nên chơi nó không.
Hãy lấy ví dụ là có những game như DOOM hay Duke Nukem khi mà bạo lực là điểm nhấn của game nhưng một lần nữa là về vấn đề thể loại và mục đích của chúng, nếu không thích bạo lực thì có thể bạn không phù hợp vì những game này muốn mang cho người chơi cảm giác mạnh mẽ và còn giải stress cho người chơi. Giống như phim và sách nếu bạn không thích thì không cần phải động vào nó.
Đến đây thì có lẽ lại đến một vấn đề mà mọi người hay bàn tán là người chơi game không thể phân biệt đời sống và đời thật. Thật sự điều này lại trở nên quá buồn cười khi mà người không chơi game lại gặp khó khăn hơn nhiều khi phân biệt giữa game và đời thật.
Có lẽ các bạn nhớ vụ việc gần đây khi một phi công điều khiển một chiếc máy bay bị hỏng hạ cánh một cách an toàn, sau sự việc đó có một video được làm trong GTA 5 với chiếc máy bay và nó bay lượn xung quanh khi đang cháy các thứ, lúc xem tôi cũng nghĩ họ đang cảm tạ phi công đó nhưng khi đọc comment thì hàng tá người comment “a di đà Phật”, “Amen”, “cảm tạ tài điều khiển máy bay”,… Mà không hề nhận ra đây là hình ảnh được làm từ game, một trang khác đã từng làm bài phốt nói về chính vấn đề này và việc họ gọi những người chơi game không phân biệt được lại thành ra phản chính mình. Khi tiếp xúc với thứ gì đó đủ lâu bạn sẽ quen và lập tức nhận ra nếu có gì đó không đúng trong trường hợp này cũng vậy.
Nhắc đến GTA, đây có lẽ là tựa game nhận được nhiều sự chỉ trích từ truyền thông nhất được xem là “cổ xúy bạo lực” và là tiêu điểm của hàng loạt các NHÀ PÁO khi nói về bạo lực. Có vài điều vẫn bị hiểu lầm khi nói về series này đầu tiên như đã nói trên những hành động trong game là thể hiện cho tâm lý của người chơi ngoài đời thật, người đi giết NPC (non playable characters) có thể có xu hướng bạo lực hay đơn giản hơn là đang xả stress, tận hưởng những thứ mà đời thật mình sẽ không bao giờ làm được, nếu vẫn không đồng ý thì không lẽ các vị lại muốn có người đi giết người thật thay vì giết người ảo?
Thứ hai là bạo lực có sẵn trong game, cả series này nói về thế giới ngầm với sự tối tăm của nó bạo lực của game là công cụ để hỗ trợ cho câu chuyện của game, phải nói thì câu chuyện của GTA đối với tôi và cũng nhiều người là điểm nhấn của cả game, bạn sẽ quậy phá cả thành phố được bao lâu trước khi chán tận cổ. có lý do mà cả series này mới nổi tiếng như vậy những câu chuyện được làm ra thể hiện đời sống, tranh cãi, khó khăn của thế giới tội phạm cùng với sự đột phá trong việc xây dựng thế giới qua từng phiên bản của game đúng là nó không phải game yêu thích của tôi nhưng cũng không thể chối được tác động của nó đến ngành công nghiệp game.
Điều cuối cùng là game này thật sự chống lại việc đi giết người bừa bãi gây loạn ở thế giới, mỗi khi bạn đi giết người thì những ngôi sao truy nã sẽ càng tăng lên, cảnh sát theo đuôi bạn cũng sẽ càng nhiều bạn nhắm sẽ đánh lại được bao lâu trước khi bị hạ? Và khi bị bắt hay bị giết thì mọi vũ khí bị reset về con số không càng làm người chơi muốn kiềm chế hơn. Mong là phần này sẽ giải quyết được vấn đề GTA bấy lâu nay.
Và một phần PR nhỏ, hãy đọc bài của Hùng Lý về bạo lực trong game cực hay này:
Những điều game thủ “thật sự” làm trong game có bạo lực không?
3. Hành động làm ra trong game
Có thể tôi đang nói lại nhưng tôi phải dành một đoạn riêng cho cái này, những hành động ta làm, lựa chọn trong game không phải được tạo ra bởi game mà là do chính hành động của ta, hầu như mọi lựa chọn nào cũng do người chơi chọn ra nếu không thì cũng chỉ là những lựa chọn ta chứng kiến nhân vật đặt ra. Nếu phải nói thì game là một đại diện cho cách chúng ta suy nghĩ và hành động, một người có xu hướng bạo lực ở ngoài đời thật thì khi chơi game sẽ đi theo hướng này và trái lại một người với xu hướng hiền lành sẽ chơi với những lựa chọn tốt hơn mà game đặt ra.
Nếu qua cả phần trên bạn vẫn lo rằng trẻ con bị ảnh hưởng thì cách giải quyết giống như với sách/tivi cả, game có hệ thống đánh giá ESRB phân loại lứa tuổi nên thay vì “đừng chơi game không tốt” thì hãy nói “để ba mẹ chọn chung với con” . Nhưng nói công bằng thì nếu là trẻ con thì chúng dễ bị ảnh hưởng không chỉ bởi game mà còn cả sách hay phim mà cấm chúng khỏi những thứ đó lại lấy đi tuổi thơ của chúng nên như trên thay vì cấm thì hãy cùng chúng chọn để có thể dành nhiều thời gian với nhau hơn.
4. Chơi game khó cai hơn ma túy?
Giờ là một trong hai câu nói quen thuộc nhất mọi thời đại “chơi game gây nghiện” thật sự rất đơn giản vì cái gì nhiều quá cũng không tốt, chơi game cũng phải có thời gian nghỉ ngơi và dưỡng sức, với sách và tivi cũng vậy dành quá nhiều thời gian cho giải trí sẽ gây hại cho việc đời thường và học hành. Nói vậy nhưng việc dành nhiều thời gian cho game thì không thể tránh khỏi vì hầu như một game có thể kéo dài 7-10 tiếng là ít.
Trừ khi bạn kiếm tiền từ chơi game hay có dư dả thời gian để chơi mà không cản hoạt động sống thường thì bạn nên cân nhắc thời lượng chơi của mình để cân bằng trong cuộc sống (tôi thuộc dạng dư dả vì tôi không có cuộc sống). Còn một điều nhỏ là chơi game khó cai hơn ma túy? Vậy chơi ma túy không lẽ lại tốt hơn? Thế nếu nói game khó cai hơn ma tuý tuý vậy không lẽ tôi nên bỏ chơi game và dùng ma túy?
5. Game là sự phát triển không thể tránh được
Game dù thích công nhận hay không thì nó là một bước tiến cho công nghệ, game đã bước ra khỏi thời kì chỉ làm những trò giải trí bình thường mỗi game được làm ra là một bước tiến lớn trong ngành thiết kế đồ hoạ và hoạt hình. Hơn 20 năm từ khi Wolf 3D ra đời đồ hoạ, câu chuyện và gameplay đã phát triển đáng kể và việc phản đối game một cách cổ hủ là giữ chân lại sự phát triển đang bền vững. Dù thích hay không khi giai đoạn này qua và bắt đầu một thời kì mới những tư tưởng này sẽ trở nên lỗi thời và kinh nghiệm cuộc sống được tích cóp suốt nhiều năm đáng tự hào ấy cũng sẽ trở nên lỗi thời nếu không đi theo sự phát triển của thời đại.
6. “Game không mang lại ích lợi gì”
Tôi đã nghe câu này quá nhiều lần và đây là một trong những hiểu lầm nghiêm trọng nhất khi nói về game. Đầu tiên thì đơn giản chỉ là để giải trí và xả stress như mục đích mà game được tạo ra. Nhưng game không chỉ đơn giản là giải trí nữa mà còn có thể dùng để dạy bài học hay thậm chí là tạo ra những suy nghĩ mang tính triết lý. Trong trò Fallout 3 có một nhiệm vụ liên quan tới Harold một con người bị đột biến thành một cái cây bất tử qua thời gian. Khi gặp Harold ông sẽ kể cho người chơi về việc ông đã chịu lời nguyền bất tử này như thế nào và yêu cầu mình giết ông, vấn đề ở việc là có một đám người tôn thờ ông như một vị thần và còn muốn đem hạt giống của ông rải đi khắp nơi để ông có thể mở rộng tầm ảnh hưởng của mình.
Câu hỏi là nên hay không giết Harold, để quyết định bạn phải đi tiếp xúc với các nhân vật xung quanh nơi đó và biết cảm xúc của họ đối với ông như thế nào. Nếu giết Harold thì ông sẽ được giải thoát nhưng mọi người lạc lối ở nơi đó sẽ không còn chỗ dựa tinh thần cho mình cũng như một cô bé xem ông là người bạn duy nhất, nếu để ông sống thì ông sẽ tiếp tục sống với lời nguyền bất tử của mình và nếu gieo trồng ông khắp nơi thì sẽ lại biến ông thành nô lệ cho mọi người và cả vùng đất này. Quyết định là do bạn làm ra, đây là video giải thích cặn kẽ để bạn dễ hiểu hơn:
Về việc bài học thì game có vô số khả năng để dạy cho người chơi các bài học. Đơn giản nhất và thường thấy nhất là tiếng Anh vì nó là ngôn ngữ chính của đa số game, chắc chắn khi chơi sẽ có nhiều câu thoại mà người chơi không hiểu được và để hiểu được họ sẽ phải dành thời gian tìm hiểu, dùng từ điển và google dịch làm tăng vốn liếng tiếng anh của họ lên một cách vô thức.
Thật sự thì tôi cũng từng rất ghét môn tiếng Anh từ bé nhưng tôi bị thôi thúc để hiểu những câu thoại của Half-life nên tôi bắt đầu tìm hiểu và tôi vô tình trở nên yêu thích chính môn học tôi từng ghét. Không chỉ vậy có nhiều game còn có những bài học làm người chẳng hạn như trong game Yakuza 0 với nhân vật Daisaku Kuze dạy cho người chơi như thế nào là làm một người đàn ông và sự không phục thất bại hay ý nghĩa của sự hi sinh gánh mọi thứ lên mình để bảo vệ người khác hay chỉ đơn giản là giữ lời hứa nếu mình đã có gan hứa và tất cả những điều ấy chỉ là trong một game, còn vô số những câu chuyện và những câu hỏi khác đang đợi được người chơi trải nghiệm qua.
Và game không phải lúc nào cũng là về bắn nhau ì xèo mà còn vô số điều như ca hát, nhảy múa, nấu ăn như đã nói trong phần thể loại nên khi chơi game bạn cũng đang học vài kĩ năng một cách vô thức đấy. Chưa kể việc có thể làm bạn và tiếp xúc với họ ở khắp mọi nơi, có những người sống khép kín không quen tiếp xúc trực tiếp thì qua đây họ có thể kết bạn và gặp gỡ mà không cần phải cho thấy mặt mình.
7. Sự thay đổi về cách suy nghĩ đối với game
Sự thay đổi trong tư tưởng cổ hủ về game chứng tỏ rằng chúng ta đang dần thay đổi và chấp nhận cái mới, tôi rất vui khi thấy VTV đưa tin về một giải Liên Quân dù tôi không thích game đó nhưng đây là một bước tiến tốt. Chưa kể tổng thống của Đan Mạch cũng đã từng chơi CS:GO với đội tuyển chuyên nghiệp Astralis và ông cũng đã từng phát biểu tại giải Blast Pro năm 2018.
Một ví dụ tốt nữa là chính trang web mà bạn đang đọc bài này, chủ trang web này không hề trẻ cũng đã mấy chục xuân xanh rồi còn có cả con và anh ta là một trong những người tôi xem trọng nhất trong đời, tôi không viết cái này để nịnh boss mà chỉ nói lên sự thật.
Từ bé Đăng Bông đã không được chơi game do gia đình anh thiếu điều kiện nên khi lớn lên anh quyết định lập ra trang web này để giúp mọi người có nhiều thông tin hơn về thế giới game và tinh thần bảo đảm người khác có được việc mình không có ấy là điều tôi kính trọng nhất ở anh. Chỉ với một người thay đổi tư tưởng và cái nhìn của mình mà đã có suy nghĩ tích cực như vậy thì nhiều người hơn thì sẽ ra sao? Nếu bài viết này của tôi thay đổi được dù chỉ một người tôi cũng sẽ rất vui mừng.
8. Thể thao điện tử
Esports hay thể thao điện tử nghe có vẻ mới mẻ so với nhiều người nhưng nó là cũng là một môn thể thao vì những game được lên sàn đấu Esports đều được quản duyệt kĩ càng về tính cạnh tranh, độ thu hút và yêu cầu kĩ năng. Esports cũng giống như thi đấu cờ vậy, không có sự yêu cầu nhiều về thể hình nhưng cần sử dụng đầu óc để thông minh hơn đối thủ và chiến thắng, những game như CS:GO, Dota hay Liên Minh khi thi đấu đều được những người chơi lên kế hoạch kĩ càng để chiến đấu trước khi vào sàn đấu.
Các sự kiện này cũng được tổ chức với số tiền khổng lồ với sân đấu và máy móc vượt trội, thể hiện rằng đây không phải chơi đùa mà hoàn toàn nghiêm túc là một giải đấu, giải đấu gần đây nhất là giải The International cho Dota với lượng khán giả khổng lồ cùng hàng ngàn người xem và giải thưởng đáng giá ngàn đô. Esports và cùng với những dịch vụ như Youtube và Twitch là những dịch vụ stream và video lớn nhất thế giới đều xem chơi game hơn cả giải trí mà là một ngành công nghiệp lớn vì số lượng người kéo đến chúng đa phần là về game, những người như Dendi, Pewdiepie, Jacksepticeye đều sẽ không nổi nếu thiếu sự tồn tại của game.
9. Điều cuối cùng
Có qua cũng phải có lại, việc bọn trẻ con trốn học đi chơi game cũng tương tự như bọn trẻ trốn học vì ham chơi đó là việc mà phụ huynh phải dạy dỗ con chứ không phải nói tại game mà bỏ học các thứ. Đừng cản con quá hãy để nó ra net, hãy để nó chơi càng cản thì khả năng nó phản lại càng lớn hơn vấn đề chính là các vị phải quản lý thời gian chính xác để cho cháu chơi và nghỉ đúng lúc, cái này nối với lại đoạn cân bằng thời gian mà tôi đã nói “Cái gì nhiều quá cũng không tốt” (nói vậy nếu thấy con mình trốn học đi chơi net thì cứ dạy dỗ nó thoải mái)
Chơi game không phải xấu, đó là do người chơi cư xử và thể hiện mình thế nào. Có người này người kia và cũng có game này game kia đừng nên đánh đồng tất cả. Nếu như theo tôi thì khuyên các vị nên tìm hiểu về game để có thể giao tiếp và chơi với con mình, biết đâu sự căng thẳng, khác biệt giữa các thế hệ đó lại được rút ngắn và cả gia đình thân hơn thì sao.
Đây là kết thúc của bài, như đã nói nếu bài này có thể thay đổi ý kiến dù chỉ một người thì cũng sẽ rất tuyệt vời. Cảm ơn vì đã đọc bài
bố mẹ chả hỉu j cũng nói làm game ko tốt bài viết này là chứng minh cho tất cả. Bố mẹ chx bao giờ tìm hỉu về chúng mà chỉ giựa vào mấy cái VTV thôi.