Lại là mobile game

Chủ xị

  

Gehirnexplosion là thuật ngữ khoa học được tạo ra bởi Albert Einstein vào năm 1937 dùng để miêu tả trạng thái chung của giới gem, à, quên, gamer hiện giờ khi thấy một cái quảng cáo game điện thoại “99% of players can’t solve this”. (Fun fact, bạn có biết là nhà độc tài Hitler từng chơi game Animal Crossing: New Leaf không? Do sự ảnh hưởng bạo lực từ game đó nên ông đã phát cuồng và trở thành nhà độc tài tai tiếng nhất thế giới. Tôi biết điều đó vì Reddit bảo tôi thế, và internet nói gì thì cũng tin được.) Nói chung là game di động hiện giờ, nó còn nhạt hơn trò đùa mà bạn nói trước mặt crush. Nói thật luôn. Cứ chơi game 5 phút là Ronaldo lại xuất hiện và cầm cái điện thoại mà gào “Gì công cộ, mua hệt ở Sô pi” trong khi bạn chỉ muốn cái nút “Skip Ad” nó sáng lên nhanh nhanh một chút. Hoặc nếu game nào đó mà trời ban cho món quà có tên là “Không có quảng cáo” thì hoặc là bạn phải chi tiền ra mua đồ, hoặc là bạn phải ngồi chờ tới khi con bạn mọc râu (cho dù nó là con gái) mới được chơi tiếp, vì cách kiếm tiền của mấy thằng làm game di động là nó vậy! Do cái này tôi không xài iPhone (vì chả ai rảnh bỏ nghìn đô đi mua một cái thớt bằng thủy tinh), nên không truy cập được App Store, nên không dám chửi.

Nhưng Google Play thì tôi chửi.

Tôi chửi Google, rồi tôi chửi Play. Tôi chửi cả cái dấu cách ở giữa nữa. Nhưng cả chợ ứng dụng đều nghĩ “Chắc nó chừa mình ra!”. Nên chẳng ai chịu thay đổi giao diện cả. Tức thật! Ồ thế này thì tức thật! Tức chết đi được mất! Đã thế, tôi phải chửi đứa nào không chịu thay đổi giao diện cho tôi. Vì giao diện của Google Play rất là dở! Tôi không biết là Google đã trả lương mấy nải chuối nhưng mấy cái dịch vụ gần đây tôi dùng kiểu như nó được thiết kế bởi người tiền sử vậy! Google Play, cái mặt tiền của nó là quảng cáo. Ối giời ơi quảng cáo! Tưởng tượng quảng cáo như là mấy đứa cháu lóc chóc mỗi khi bạn về quê mở điện thoại là chúng nó ngay lập tức Lăng Ba Vi Bộ tới và niệm chú “Chú/Cô/Anh/Chị/Em/Ông/Bà/Cháu/Chắt/Chút/Chít/Chụt/Chịt/Tiến sĩ/Dược sĩ/Giáo sư/Honda Civic 2004 có game không ạ?” ngay lập tức. Nó rất phiền, nhưng nó rất ăn tiền. Đó là tôi đang nói về cái cửa hàng ứng dụng chứ chưa nói mấy cái game xàm xàm trên di động!

Thường thì mấy người chơi game trên di động không có muốn tryhard với lại chơi kiểu đại trà, ai chơi gì chơi nấy (đó là lý do tại sao tụi con gái lớp bạn lại chơi PUBG trong khi bạn thì đang đấu bài Hearthstone, và mỗi khi bạn chia sẻ thói quen thì nói “Ơi thằng này chơi cái trò gì mà tao chả hiểu gì hết, thôi nghỉ chơi”.) nên quảng cáo rất hiệu quả trong việc… quảng cáo game. Mobile game nó cũng qua cái thời mà cái icon nào cũng là một thằng ất ơ nào đó há mồm ra la hét kiểu “I don’t know what’s I’m fighting for or why I have to scream”. Nhưng mà nói vậy không phải là nói mấy cái quảng cáo nhảm nhí không còn tồn tại. Mỗi khi thấy cái quảng cáo cho cái game “Lão gia” ung thư gì đó mà có mấy cái ảnh photoshop dở tệ trong mấy game cổ trang, tôi cringe đến mức tế bào ung thư cũng sợ quá mà chạy đi mất. Tại sao lại có người thấy những cái đó là “kích thích người chơi”? Mỗi khi tôi thấy cái đó nó kích thích tôi bỏ game vứt điện thoại và sống ở Nigeria thì đúng hơn.

Mọi ngóc ngách ngút nghít đều có mùi quảng cáo, và tôi không đổ tội cho mấy nhà làm game vì muốn kiếm tiền. Tôi hiểu mà, đồng tiền là tất yếu, nhưng mà tôi ghét cay ghét đắng cái cách người ta nhét nó vào game. Mở menu, quảng cáo. Đóng menu, quảng cáo. Vào game, quảng cáo. Thoát game, quảng cáo. Cố gắng thuyết phục bạn gái của bạn rằng em gái mà bạn uống cafe chung ngày hôm qua chỉ là bạn, vẫn quảng cáo. Thua game, quảng cáo nữa. Càng đọc càng thấy chữ quảng cáo kì cục. Quảng là gì? Quảng Ngãi hay Quảng Ninh? Cáo là gì? Cáo nâu hay cáo trắng? Tôi cũng chẳng hiểu. Nhưng nói chung là nó phiền. Lẽ ra nó sẽ không phiền, nếu như được sử dụng đúng cách. Giả sử như là xem nó là một hình phạt cho người chơi khi thua hay gặp phải bẫy rập gì đó chẳng hạn? Hoặc là xếp quảng cáo vào mỗi 5-10 màn chơi để cho người chơi nghỉ tay, mà người làm game cũng được hưởng xái? Nhưng không, các nhà làm game muốn vắt cho kiệt cái sức xem quảng cáo lẫn sự kiên nhẫn của người chơi game điện thoại. Có thể so sánh với kiểu mà, bạn gái bạn giận bạn, và bạn hỏi “Có gì không em?”, thì cô ấy bảo “Không có gì hết.”, và bạn yên lòng trả lời “Nếu vậy thì em ngủ ngon nhé!” và sáng hôm sau status đầu tiên trang cá nhân của cô ấy là một biên bản xử phạt hành chính dài bằng 10 lần khoảng cách từ Trái Đất đến Proxima Centauri. Đó là một ví dụ của kiểu bòn rút sự kiên nhẫn của người chơi.

Chửi thì chửi thế, nhưng vẫn phải tỉnh táo lên để mà “chỉ trích”. (Vẫn là chửi, nhưng khi chửi ai đó thì họ sẽ chửi lại, còn khi chỉ trích ai đó thì người ta phải ngậm bồ hòn làm ngọt) Vấn đề lớn của game di động là, nó khác nhau với các thể loại game trên các hệ máy chính thống rất nhiều. Nếu như bạn xem game trên các hệ máy khác là một bộ phim, bom tấn là AAA, phim có quy mô nhỏ hơn là indie, thì game điện thoại là một bộ phim truyền hình dài tập. Chương trình truyền hình dài tập luôn có cách chiếu rất là đơn giản, mỗi tập là một vấn đề nhỏ, đôi khi nó xoay quanh cái chủ đề chính của bộ phim, đôi khi không, nhưng lúc nào chiếu cũng phải có quảng cáo. Phim truyền hình truyền thống thường không hay quá mức, nhưng nó làm rất tốt trong việc thu hút sự chú ý của người xem, nên quảng cáo 2 phút cũng không hề hấn gì, vì người xem đã lỡ cắn câu, nên giờ lưỡi câu rút đi đâu phải chịu đi theo đó. Game mobile cũng vậy, thường nó được thiết kế theo kiểu là những khoảng chơi rất dễ tiêu hóa, nhưng đi kèm đó là những khoảng chờ đợi hoặc quảng cáo xen kẽ. Phiền phức thật, nhưng người chơi vẫn có thể chịu đựng và tiếp tục chơi, vì họ đã mê mẩn cái cảm giác họ có khi chơi game. (Hoặc là họ biết tắt wifi lúc chơi game, nhưng bạn cũng hiểu đại ý rồi đấy) Người ta dễ nghiện chơi game mobile hơn là chơi game offline truyền thống trên các hệ máy như PC, PS, Xbox… vì những kiểu chơi trên mobile về phần đa là dễ chơi, dễ thắng, và không tốn nhiều thời gian. Nhà làm game biết thế, nên họ mới ghép những biện pháp kiếm tiền vào game di động một cách nhẹ nhàng và không tì vết, như Durex Featherlite ấy.

Chắc cũng vì thế mà game mobile bị phân biệt đối xử rất nặng. Chúa ơi, gần đây tôi có gặp một cậu bạn tên là Tùng. Cậu ta thích chơi Pokemon, nhưng chỉ vì Pokemon GO được phát hành trên điện thoại mà cậu ấy bắt đầu xỉa xói nó, moi ruột nó, khoét cho nó thêm một cái lỗ mũi mới chỉ vì nó được phát hành cho điện thoại, cách chơi nó khác, và cái lượng người chơi lẫn thành phần người chơi mà Pokemon GO nhắm đến khác. Nhưng có thể hiểu được sự oán hận game di động. Vì phần đa, game di động rất xoàng. Cái này nói thật. Tầm thường. Nó còn tầm thường hơn việc nổ máy xe ầm ầm để lấy le với gái. Đa số game di động được tạo ra không phải để trở thành một món ngon được chuẩn bị bởi đầu bếp Gusteau và lên mặt báo, mà chúng được tạo ra để trở thành một món snack rẻ tiền ngon miệng ăn liền, tuy ảnh hưởng của nó lên hệ tiêu hóa thì hơi tệ một chút. Nhưng nó ngon, nên tụi con nít mê nó còn hơn lũ teen mê giày. Mobile game được tạo ra chỉ để kiếm tiền từ sự dễ nghiện của nó. Game thủ ghét chuyện này. Nên chẳng ai quan tâm đến mobile game, ngoại trừ những người chúi mũi vào điện thoại 25/24. Như thằng viết bài chẳng hạn. Làm ơn cứu tôi với.

Tôi không muốn kết bài bằng một cái kết u ám, nên có lẽ nên làm cho không khí vui hơn một chút. Dạo gần đây, ít nhất là trong những năm 2016 hay gì đó, có một cuộc phục hưng game di động nhỏ. Khó có thể nhận ra, vì đa số những game mà bạn thấy trên bảng xếp hạng của Google Play và App Store toàn là những thứ được xào nấu lại. Nhưng cả hai cửa hàng này đều đã cho phát triển một chức năng cho phép người dùng khám phá nhiều tựa game indie xuất sắc. Và đó cũng là nơi mà bạn dễ tìm thấy một game di động thực sự bỏ thời gian ra nhất. Những tuyệt phẩm như Card Thief, Horizon Chase, Monument Valley, OPUS: The Day We Found Earth, Maestria, Time Surfer, 7 years from now, Doom and Destiny, Candies’n’Curses, Cytus, Heart Star… đều bắt nguồn từ những nhà phát hành indie tuyệt vời.

Nhưng Clash Royale vẫn trash.

Hết bài.

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện


4 cụng ly

  • Tedomi - 02.09.2019

    Google Play trash thật. Mà mấy game hay hot nổi toàn khóa khu vực Việt Nam, chẳng có lý do gì để vào.


  • Thomas Austin - 25.04.2020

    Nhưng liệu Pvz 2 có hay ko nhể ?


    • Tấn Minh - 25.04.2020

      Lúc đầu thì nó hay, càng về sau thì càng đi xuống, chủ yếu ra cây mới để hút tiền là chủ yếu, nên… eh.


  • Darkness - 24.05.2020

    100% đồng ý mà ông chơi Cytus rồi à :vv