Quay lại với Yu-Gi-Oh! sau hơn chục năm

Chủ xị

  

Vua Trò Chơi hẳn không phải là một cái tên xa lạ với bất kì ai đã từng lớn lên với truyện tranh và phim hoạt hình, thời mà hoạt hình còn chiếu lúc 6h tối mỗi ngày trừ Chủ Nhật và tivi còn to tướng thay vì mỏng dính (như ví tiền của bạn mỗi cuối tháng). Cho dù không trở thành một tượng đài tại Việt Nam như một số tựa phim và đầu truyện khác như Conan, Doraemon, Cardcaptor Sakura, Pokemon… Vua Trò Chơi vẫn đã tạo ra cho mình một sức hút nhất định. Và hẳn đã nói tới Vua Trò Chơi, ai cũng nghĩ ngay tới trò chơi đấu bài đi kèm với nó: Yu-Gi-Oh!. Tôi không hẳn là “biết” chơi Yu-Gi-Oh!, nhưng gần đây khi cố gắng tìm hiểu trò chơi lại, tôi thực sự không biết bắt đầu từ đâu.

Trải nghiệm của tôi với Yu-Gi-Oh!

Lần đầu tiếp xúc với Yu-Gi-Oh! (YGO) một cách nghiêm chỉnh là khi tôi chơi qua tựa game Yu-Gi-Oh! Power of Chaos – Yugi the Destiny. Thực ra, lúc tôi biết đến và chơi tựa game này thì đã là khoảng 2016, 2017 gì đó rồi, lúc mà meta đã đi xa, quá sức xa những lá bài trong game này. Trong lúc Pendulum và Link đang thống trị các giải đấu với nhịp độ nhanh đến mức chóng mặt thì tôi vẫn còn bập bẹ với những lượt đi “triệu hồi một quái vật, úp một lá bài và kết thúc lượt”. Lúc đó, tôi thực sự nghĩ rằng Power of Chaos phản ánh thực tế tình hình YGO hiện tại, và chỉ cần chơi game này đủ lâu, tôi sẽ đủ trình độ để hiểu được những giải đấu và thậm chí là tham gia một giải cũng nên.

Đại loại thế này.

Cảm giác làm ếch ngồi đáy giếng cũng hay, nhưng khi đã ra khỏi cái giếng, thực tại không ngần ngại gì mà tát cho tôi vài bạt tai để tôi tỉnh ngộ.

Tôi bắt đầu phải làm quen với những khái niệm mà trước đây hoàn toàn xa lạ với mình. Triệu hồi Xyz, triệu hồi Synchro, triệu hồi Pendulum, triệu hồi Link. Chỉ riêng quái thú Link đã mang trong mình một bộ các quy định mới, chẳng hạn như việc chúng không thể vào thế Phòng thủ (ngay cả khi bị chọn làm hiệu ứng bị ép buộc phải phòng thủ), hoặc việc các mũi tên trên lá bài chỉ vào đâu cũng có khả năng kích hoạt hiệu ứng của riêng chúng. Tôi nghĩ, vào lúc đó, từ “lạc lõng” là từ chính xác nhất để miêu tả mình.

Chút vấn đề

Tôi nghĩ là, YGO là một game rất, rất, rất khó để học và làm quen. Bạn không thể cứ ngồi vào bàn, cầm theo một deck (bộ bài) là sẽ có người ngồi giải thích cho bạn tường tận trong mình 5 phút như chơi Uno. Để thực sự biết cách chơi YGO, bạn cần phải hiểu hết về luật lệ. (Trang chủ YGO của Konami có file PDF luật lệ dài khoảng 60 trang, và Konami cũng khuyến khích bạn mang theo quyển sách bỏ túi này theo khi chơi. Đó là nếu như bạn có người chịu chơi với mình.) Tôi nghĩ là bản thân luật lệ nó không khó – rút gọn tối thiểu và miêu tả nó lại cho người chưa biết gì về trò chơi thì cũng được thôi, nhưng hãy sẵn sàng giải thích lại từng luật một mỗi khi có… bất kì hành động gì xảy ra.

Mỗi người chơi bắt đầu ván đấu (Duel) với 8000 điểm gốc, một bộ bài chính, một bộ bài phụ (nếu có), và một bộ bài dự bị (nếu có, dành riêng cho thể thức đấu 3 trận – gọi là Match, dành để chuyển đổi bài trong bộ bài chính/phụ). Mỗi bộ bài chính có tối thiểu 40 và tối đa 60 lá, bộ bài phụ có tối đa 15 lá (không có tối thiểu). Ván đấu bắt đầu khi rút 5 lá bài, mỗi lượt gồm 6 giai đoạn, và trong lượt đầu tiên thì giai đoạn Rút bài sẽ không diễn ra… Nói chung là dài dòng, nhưng tôi nghĩ bạn đọc sẽ hiểu ngay sau khi chơi một ván. Đó là nếu như bạn có người chịu chơi với mình. (lần 2)

Tôi thích YGO khá là vô điều kiện. Cho nên khi phát hiện ra về thế giới của bài in trên Shopee (một cái hố thỏ sâu hoắm không điểm kết thúc), đời tôi như sang một trang mới. Khoan khoan, a lô? Gì? Anh nói là có những cửa hàng, trên Shopee, sẵn sàng IN cho tôi những lá bài theo Ý của tôi? Và hóa ra, có thật. Và thậm chí họ còn xếp sẵn những bộ bài của các nhân vật mà tôi đã quá quen thuộc (cũng như không quen thuộc, vì tôi chưa xem phần nào sau GX), và tất cả những gì tôi cần làm là “VietinBank -XXX,XXXVND” cho họ? Hời. Nên vì tò mò, tôi chọn thử một deck coi bộ thú vị. Sau nhiều ngày đợi mong, shipper ghé cửa nhà tôi trong một buổi chiều đầy nắng trên con xe chở theo thùng hàng cồng kềnh để gửi tôi đơn hàng không đồng, và tôi vui vẻ đón nhận với một nụ cười trên môi kèm theo hai tiếng cảm ơn.

Tôi chợt nhận ra mình không biết chơi deck này.

Tôi biết lá bài làm gì, chỉ là tôi không biết phải dùng nó như thế nào

Nghe vớ vẩn thật nhỉ? Làm sao mà biết công dụng của nó mà lại không biết phải dùng nó như thế nào được? Nhưng điều đó xảy ra với tôi. Tôi dành một ngày nghiền ngẫm bộ bài mình vừa nhận được. Tôi không nhớ rõ lắm mục tiêu của nó là gì, nhưng tôi biết nó là một bộ bài Lunalight (tên gọi của một archetype. Archetype nôm na là một “gia đình” các lá bài thường phối hợp tốt với nhau), và trong đó có lá Borrelsword Dragon (một quái thú rất mạnh, thường được dùng như một quái thú chủ lực [tôi đoán vậy]). Và… vậy thôi. Tôi biết gọi Borrelsword Dragon ra phải cần 3 quái thú có khả năng đặc biệt, nhưng những quái thú nào trong bộ bài có vai trò cụ thể gì để giúp tôi gọi ra nó, hoặc những quái thú chủ lực khác, thì tôi hoàn toàn mù tịt. Tôi chỉ biết là chúng phối hợp tốt với nhau, và… vậy thôi.

Khó hiểu, nhưng mà xinh. Như phụ nữ vậy.

Sau đó, tôi lên Yugipedia tìm hiểu. Hóa ra, Lunalight là một archetype tập trung vào triệu hồi các quái thú Dung hợp (kết hợp nhiều quái thú với nhau để tạo ra 1 quái thú [đa phần là] mạnh hơn). Vậy nếu archetype này dựa vào dung hợp, ắt phải có cách nào đó để gọi các quái thú dung hợp đó ra nhanh hơn và dễ hơn. Và có, trong đó có một quái thú giúp tôi rút lá bài “Polymerization” (Dung hợp) thẳng từ trong Bộ bài chính.

Bộ bài tôi nhận được không có một lá Polymerization nào cả.

Nhưng-nhưng-nhưng, tôi sẽ không than phiền – build deck bị sai, bị lỗi, vậy thôi. Sau này sửa, không thành vấn đề. …Nhưng đúng là có một vấn đề. Vấn đề nằm ở chỗ người chơi mới phải tự mình mày mò rất lâu nếu như muốn tìm hiểu thêm về trò chơi.

Powercreep đã tu thành chánh quả

(Powercreep là khi các yếu tố cũ của một trò chơi bị vượt mặt bởi một yếu tố mới, gần như vượt trội và không có hoặc có rất ít hạn chế so với các yếu tố cũ)

Tôi từng chơi Hearthstone, và hiện tại, trò chơi đã được 8 năm tuổi (gần 9 năm) và powercreep cũng gọi là hơi tệ. Đúng là có nhiều lá bài mới chỉ đơn thuần là nâng cấp thẳng từ các lá bài cũ, nhưng nó không quá lố bịch và vẫn tương đối dễ kiểm soát.

Trong YGO hiện đại, nếu như trong lượt đầu tiên, bạn không gọi ra được một board đầy quái thú có hiệu ứng đặc biệt và các kiểu các thứ khác thì xem như bạn thua.

Đây là một video gameplay Yu-Gi-Oh! Master Duel. Và trước khi bạn nói gì thì, đúng, kênh YT này chuyên tạo ra những khoảnh khắc mà thường rất khó xuất hiện trong một ván đấu bình thường. Và trường hợp trong video này có thể không bao giờ xảy ra với một người chơi bình thường – cũng đúng. Nhưng tôi chỉ muốn nói rằng những nước đi trong ván đấu này là hoàn toàn hợp lệ, và toàn bộ video diễn ra trong vòng 3 lượt đấu. Qua hơn 20 năm phát triển, đây là YGO hiện đại. Dù thích hay không, bạn cũng phải thừa nhận rằng nó có hơi… ngoài tầm kiểm soát, nếu như bạn muốn quay lại với trò này sau nhiều năm.

Và gần như không có cách nào để người chơi mới làm quen có thể thực sự hiểu được cách chơi YGO, ngoại trừ việc tự mình tìm hiểu. Tôi nghĩ đó là vấn đề lớn nhất – cộng đồng YGO cả trong và ngoài nước đều có vẻ rất kém thân thiện trong việc tiếp nhận người chơi mới. Và ngay cả khi người chơi mới muốn đào sâu và làm quen với trò chơi thì cũng khó lòng thực hiện được, đơn giản vì có quá nhiều thứ để giải thích, và để giải thích từng cái một sẽ mất nhiều thời gian hơn nữa. Cho nên người chơi mới không còn cách nào khác ngoài việc tự bơi trên dòng nước chảy xiết đó là meta.


Nhân tiện nhắc tới meta deck, hiện tại hai deck thống trị các giải đấu là Tearlaments (cụ thể là Ishizu Tearlaments) và Spright, cùng một số archetype nhỏ lẻ khác, nhưng hai archetype này đang thống trị các giải đấu trên toàn thế giới.

Đây là một lá bài thường được sử dụng trong deck Tearlaments.

Phần xám xám nho nhỏ ở dưới dòng chữ [AQUA/EFFECT] và ở trên ATK/1600 DEF/1000 là chữ. Hãy tưởng tượng việc chơi một bộ bài có 40 lá tương tự vậy. Đó là chưa kể các lá nằm trong Extra Deck và Side Deck.

Kết

Có lẽ tôi sẽ dừng việc than thở về YGO tại đây. Tôi thích YGO không? Thích chứ, và tôi sẵn sàng học hỏi thêm về nó. Nhưng có vẻ như YGO như một người phụ nữ yêu kiều, luôn là một bí ẩn với bất kì ai muốn tìm hiểu, và càng tìm hiểu thì lại càng phức tạp hơn. Có lẽ, nếu YGO dễ tiếp cận hơn đối với người mới chơi, và cộng đồng sẵn sàng chấp nhận newbie hơn, thì trò chơi sẽ có một cộng đồng càng ngày càng lớn mạnh. Có lẽ là một ngày nào đó trong tương lai.

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện