Lovecraftian horror và vẻ đẹp của nỗi sợ

Chủ xị

  

“Lovecrafty” hay “Lovecraftian horror” là những từ mọi người đã có thể nghe khi có những reviewer dùng để miêu tả một số game kinh dị từ đó đến nay nhưng không phải game kinh dị nào cũng có mà chỉ một số những game thật sự xứng đáng được gọi là “Lovecraftian horror”. Thế “Lovecraftian horror” là gì?

Để trả lời câu hỏi này ta phải truy về nguồn gốc đã sản sinh ra phong cách này, H.P. Lovecraft. Ông là nhà văn Mĩ của thời đại cũ với những câu chuyện được liên kết với nhau qua một vũ trụ chung nói về những sinh vật ngoài hành tinh hoặc là những vị “thánh thần” nhưng sự giả tưởng liên hành tinh này chỉ là một phần nhỏ để đánh lừa ta, thứ mà ông luôn nhắm tới để thể hiện là nỗi sợ, chính xác hơn là nỗi sợ của thứ ta không thể nắm bắt hay hiểu được vì như ông từ nói “Nỗi sợ là cảm xúc cơ bản nhất của con người”. Nói về nguồn gốc thì ta cũng phải nói về tác phẩm đã đưa ông lên đến vị trí như bây giờ với thể loại kinh dị là “Call Of Cthulhu” và “Shadow over Innsmouth”. Cả hai tác phẩm đều rất nổi tiếng với các người chơi game kinh dị lâu năm vì ít nhiều gì họ đã chơi qua các bản game dựa trên các quyển sách và nếu cần một ví dụ thì một ví dụ tốt là Call Of Cthulhu: Dark Corners of the Earth lấy bối cảnh ở thị trấn Innsmouth như trong quyển sách kia. Trò này mang đậm phong cách “Lovecraftian horror” không phải chỉ là vì nó mang tên của quyển sách mà là cách game được thiết kế, ít nhất là khoảng đầu của game. Game khởi đầu một cách đầy bí ẩn với hình ảnh một bệnh nhân tâm thần dùng máu vẽ một biểu tượng lên sàn nhà rồi treo cổ mình rồi chuyển cảnh với một dòng chữ nhỏ ghi là 6,5 năm trước cho thấy đây là tương lai mà nhân vật này sẽ phải hứng chịu sau chuyến đi này, nhân vật này cũng chính là nhân vật chính mà bạn sẽ điều khiển qua suốt game. Mở đầu của game cũng đã cho ta thấy một yếu tố hay xuất hiện trong các tác phẩm của Lovecraft đó là sự điên loạn dằn vặt các nhân vật kể cả nhân vật chính. Việc sử dụng sự điên loạn này hoạt động một cách hoàn hảo với sự khai thác nỗi sợ của con người vì nỗi sợ sẽ dẫn đến điên loạn như ta có thể thấy trong đời sống và phim ảnh với game. Với trường hợp của H.P. Lovecraft thì khác, nỗi sợ này không chỉ là nỗi sợ cô lập, ám ảnh hay là hình ảnh kinh dị đáng sợ của những sinh vật mà còn là sự kết hợp của tất cả với nỗi sợ của điều không biết và nỗi sợ của việc biết quá nhiều. Vũ trụ của Lovecraft có vô số sinh vật, những giống loài hình thù dị dạng không thể cũng không nên được chứng kiến bởi con mắt loài người và nỗi sợ ấy là vì lý do này. Theo Lovecraft chỉ cần thấy được một góc nhìn của những thứ dị hợm này cũng sẽ đưa bạn vào cơn điên loạn và biến bạn trở nên hoang tưởng vì con người không thể chịu được những kiến thức và sự chứng kiến các giống loài này, việc đấy mở cho ta một góc nhìn mới về các game, sách và phim mang phong cách giống vậy. Liệu tất cả có phải chỉ là ảo tưởng điên loạn của nhân vật và không có gì xảy ra cả?

Quay lại với Call Of Cthulhu: Dark Corners of the Earth em đã nói là game mang đậm phong cách “Lovecraftian horror” ít nhất là nửa đầu game, em nói vậy vì nửa sau của game không khác gì một thể loại game ngồi một chỗ bắn hàng tá địch mà ta đã quá quen thuộc điều này phá hỏng hoàn toàn phong cách mà game đã xây dựng từ lúc đầu. Lý do điều này làm hỏng hết mọi thứ game đã xây dựng lên là vì ta đã thấy và quá quen thuộc với những con quái (có lẽ do ta mới càn quét cả trăm con bằng súng máy), dù cho khái niệm về Cthulu vẫn còn đó nhưng cảm giác sợ hãi đã mất đi khiến cho mọi thứ game xây dựng nên bị phá hủy vì như em đã nói không phải vì cái tên mà là vì cách thiết kế dù chỉ nửa đầu. Nếu phải chọn game có “Lovecraftian horror” và sử dụng nó một cách gần như hoàn hảo thì em phải chọn Call Of Cthulu 2018 và Bloodborne. Với Call Of Cthulu thì cũng giống như bản trước, nó không chỉ nhờ cái tên mà còn nhờ vào thiết kế game, đúng là game rất ít combat và hầu hết chỉ đi khám phá môi trường xung quanh với điều tra nhưng nó giữ vững tinh thần của câu chuyện và có rất nhiều yếu tố lấy thẳng từ bản truyện ra chưa kể đến môi trường game mờ ảo với sự đáng sợ của điều bí ẩn khắp nơi khiến cho nó trở thành một trong những game có phong cách “Lovecraftian horror” rõ ràng nhất. Bloodborne thì lại là một chuyện khác.

Bloodborne giống như Dark Corners of the Earth có nửa đầu và nửa sau khá là khác nhau nhưng với Bloodborne thì đó lại là một sự thay đổi quá là tốt. Nửa đầu của game thì ta có hàng tá kẻ địch như người dân bị nhiễm trở nên giống zombie và bọn hollow trong Dark Souls với hàng tá kẻ địch khác như người sói, quạ,… Những thứ bạn hay thấy trong các câu chuyện dân gian của phương Tây về thời trung cổ hay các game trung cổ như Castlevania, Ghosts n’ Goblins,… Nhưng nửa sau của game thì rất khác như là đã thay đổi sang một game khác. Điều này xảy ra khi bạn chiến thắng con nhện Rom và lúc ấy bạn được mở mắt với thế giới thật sự xung quanh bạn, khi quay về thế giới thật thì mọi thứ đã thay đổi giờ các toà nhà có những thứ kì lạ bám xung quanh chúng và bạn có lượng insight nhiều hơn rất nhiều, insight cũng tượng trưng cho lượng kiến thức bạn có về những thứ này nhưng em sẽ nói về sự quan trọng của thứ này sau. Quay lại với thế giới bị thay đổi điều đầu tiên có thể mọi người sẽ để ý là bầu trời đã thay đổi thành một màu trăng máu đáng sợ kết hợp với những thứ kì dị khắp nơi tạo nên một phong cảnh kinh hoàng lạnh cả xương sống và từ lúc này của game cái danh hiệu “Lovecraftian horror” thật sự toả sáng. Người dân, sinh vật mà ta từng gặp đều bị diến dạng kì lạ ruột gan như lộn từ trong ra ngoài, những biến dị về cơ thể biến họ trở thành những con quái vật hoàn toàn, rất giống với những quyển sách của Lovecraft khi con người tiếp xúc với những thứ này vô tình hay cố ý đều sẽ có vấn đề dù nặng hay nhẹ.

Bloodborne không chỉ lấy những ý tưởng đấy từ sách của ông mà còn thêm lore cả về The Great Ones vào trong game, một sự tưởng nhớ về các sinh vật của Lovecraft. Trong sách của ông thì The Great Old Ones là những sinh vật ngoài hành tinh “thánh thần” như em đã nói và với The Great Ones của Bloodborne cũng vậy những “thánh thần” này cũng mang tinh thần giống trong những quyển sách: chúng tồn tại không phải vì ta nhưng đúng hơn là không thèm quan tâm gì ta. Điều này cũng dẫn đến một điểm khá là quan trọng mà các game, sách và phim “Lovecraftian horror” nào cũng có: sự bất bại của các sinh vật đáng sợ này. Cho dù ta có giết được bao nhiêu bản thể nhỏ của chúng thì ta cũng không thể chạm tay được vào chúng và trong Bloodborne cũng thể hiện rõ điều này với việc ta có thể chém giết hàng tá địch và boss sau sự thay đổi nhưng với thứ đứng sau tất cả sự điên loạn này ta cũng không được chứng kiến, kẻ khiến cho mọi người điên loạn, biến họ thành những con quái vật, khiến cho các trinh nữ mang thai những thứ lập dị không nên tồn tại trong giây phút nào, thể hiện phần nào sự tuyệt vọng để có thể cứu rỗi thế giới đã bị phá hủy này và sự vô vọng khi chống lại những thứ ấy, sự tuyệt vọng với vô vọng này. Lúc nãy em đã có nhắc đến insight của Bloodborne, insight nó giống như kiến thức mà người chơi nhận được thông qua việc tìm hiểu thế giới của game hay chỉ đơn giản là nhìn những con boss, insight như cái tên của nó mở tầm mắt ta với thế giới thật sự khiến ta nhìn rõ được mọi thứ thối nát đổ vỡ như nào, nếu lúc trước ta từng chết vì những thứ vô hình thì với insight ta thấy rõ thứ đã giết ta giống như cách các nhân vật trong sách của Lovecraft nhận được kiến thức họ không nên có dẫn đến cơn điên loạn hành hạ phần đờì còn lại của mình. Đây cũng là một điều mà Bloodborne có đó là nếu có quá nhiều insight thì nhân vật sẽ chết giống như em nói về cơn điên và kiến thức nhận được của các nhân vật của Lovecraft. Đôi khi em còn nghĩ tên đúng của Bloodborne nên là Dark Souls: Lovecraft version.

Nhưng không chỉ game vì như em đã nói còn có cả sách và phim điển hình nhất là các tác phẩm của Stephen King. The Mist của ông là ví dụ tốt về phong cách “Lovecraftian horror” được thể hiện tốt qua truyện và còn tốt hơn qua phim. Các sinh vật của ông mang đậm chất của phong cách ấy, sự dị dạng, sự bí ẩn về nguồn gốc và sự đáng sợ của chúng đi kèm với làn sương mù che lấp những thứ này khỏi ta cho người xem một cảm giác ớn lạnh sống lưng, sợ hãi tột cùng mà không cần đến jumpscare ba xu rẻ tiền mà thời nay hay có. Nếu mọi người chưa xem The Mist thì em hoàn toàn khuyên mọi người nên xem để trải nghiệm sự tuyệt vọng và nỗi sợ tận tâm can.

Em cũng có thể cho ra một ví dụ game đã đến gần đến cảnh giới này: Dead Space. Game có rất nhiều các yếu tố của “Lovecraftian horror” như mối đe doạ từ vũ trụ, những sinh vật dị dạng lấp đầy đầu chúng ta bằng những kiến thức con người không bao giờ hiểu được để đưa chúng ta đến điên loạn, sự đáng nghi về chính thần kinh của nhân vật chính và việc tìm hiểu quá nhiều những thứ chúng ta không nên biết. Thế điều gì đã làm cho Dead Space bị loại khỏi danh sách này? Vì ta biết quá nhiều. Như em đã nói lúc trước vẻ đẹp của nó là về sự bí ẩn và hoang tưởng quanh nó mà trong Dead Space đến khoảng gần cuối game ta đã biết được quá nhiều về những thứ này marker, necromorph không còn gì bí ẩn về chúng nữa chưa kể đến lúc ấy người chơi đã có khá nhiều upgrade làm cho việc tiêu diệt necromorph không khác gì tiêu diệt bọ, làm mất đi nỗi sợ mà game nên có. Có thể nói em đang không công bằng vì game qua thời gian nhân vật phải phát triển và đánh bại được những sinh vật nhưng với các quyển sách của Lovecraft thì không có chiến thắng dù nhỏ nhất với những sinh vật này, nếu muốn thắng thì dù là ban đầu cũng đừng để chúng được triệu hội hoặc trốn đi vì cơ hội gần như bằng không.

Đúng là Bloodborne cũng giới thiệu kẻ địch khá nhiều cho ta nhưng với thiết kế của game kết hợp với độ khó mà những game của From Software hay có thì cảm giác bị lấn át bởi kẻ thù và nỗi sợ bị giết bởi bất cứ thứ gì trong thành phố vẫn còn mãi đó vì trong Bloodborne bạn không là gì đối với chúng cả và game luôn nhắc nhở bạn điều đó.

“Lovecraftian horror” là một loại kinh dị sẽ ăn vào đầu bạn và khiến cho bạn sợ hãi kể cả hoài nghi chính con người của mình, không cần dùng jumpscare rẻ tiền nhưng hiệu quả hơn nhiều. Với sự tăng mạnh của các game “Lovecraftian horror” thì em khuyên nếu mọi người chưa biết đến hay đọc qua cac tác phẩm của H.P. Lovecraft thì đây là lúc thích hợp nhất. Và liệu bài này có thật không hay cũng chỉ là ảo ảnh mà mọi người đang tưởng tượng ra?

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện