Vũ trụ Halo (P.11): Kỷ nguyên Khai phá Thuộc địa

Chủ xị

  

Sau khi những cuộc xung đột đầu tiên trong quá trình khai phá không gian của nhân loại đã tạm kết thúc, và Hiệp định Callisto được ký kết vào năm 2170, tình hình thế giới tạm ổn định trở lại. Tuy nhiên, sau khi Bộ Tư lệnh Không gian Liên Hiệp Quốc (UNSC) được thành lập, thế giới lại gặp phải một khủng hoảng khác: bùng nổ dân số. Mặc dù quân đội UNSC đã chứng minh được sức mạnh quân sự của mình, thì súng ống và vũ trang cũng không thể giải quyết được những vấn đề nhức nhối bên trong xã hội. Mặc dù đã khai thác được một số ít các hành tinh trong hệ Mặt trời, dân số thế giới vẫn tăng nhanh với mức độ chóng mặt, kéo theo đó là nạn đói và sự tăng cao của các tệ nạn xã hội. Những hậu quả mà chiến tranh để lại (nhất là Chiến tranh Rừng nhiệt đới trên bề mặt Nam Mỹ) càng làm những khủng hoảng này thêm nặng nề. Nền kinh tế toàn cầu đứng trước nguy cơ sụp đổ. Phải nhiều thập kỉ sau đó, những tiến bộ trong các lĩnh vực khoa học – kĩ thuật mới có khả năng giải quyết những vấn đề này. Trong đó, quan trọng nhất phải kể đến công sức của hai nhà khoa học vĩ đại của thế kỉ 23, Tobias Fleming Shaw và Wallace Fujikawa. Họ đã góp phần không nhỏ trong việc phát minh ra Động cơ Vượt sáng Shaw-Fujikawa (Shaw-Fujikawa Translight Engine), mở ra một niềm hi vọng mới cho nhân loại.

Phát minh Động cơ Vượt sáng Shaw-Fujikawa (Shaw-Fujikawa Translight Engine)

Động cơ Vượt sáng Shaw-Fujikawa được phát minh bởi một đội gồm những kĩ sư và các nhà vật lý lý thuyết ưu tú, dưới sự chỉ huy của Tobias Shaw và Wallace Fujikawa. Trong suốt quá trình phát triển động cơ, dự án được giữ bí mật hoàn toàn. Đến tháng 4 năm 2291, phát minh này được công bố rộng rãi tới toàn nhân loại. Kể từ mốc thời gian đó trở về sau, động cơ này trở thành một phần tất yếu trong mọi con tàu không gian được nhân loại sản xuất. Nhờ động cơ này, con người đã có thể thực hiện ước mơ đi tìm cho mình một ngôi nhà mới, hay thậm chí là biến các hành tinh có tiềm năng khác trở thành một trung tâm công nghiệp, nông nghiệp hoặc dân cư với quy mô khổng lồ mà không làm ảnh hưởng đến tình hình môi trường hiện tại trên Trái Đất. Động cơ Vượt sáng Shaw-Fujikawa đã trở thành phát minh vĩ đại nhất của nhân loại trong thế kỉ 23.

Tiến sĩ Wallace Fujikawa (trái) và Tiến sĩ Tobias Fleming Shaw (phải) nhận giải Nobel cho phát minh Động cơ Vượt sáng Shaw-Fujikawa.

Về mặt kĩ thuật, động cơ Shaw-Fujikawa không thay thế động cơ đẩy hạt nhân truyền thống của các tàu không gian, mà đóng vai trò như một phương tiện tạo “đường tắt” cho con tàu. Khái niệm này còn có tên gọi phổ biến là “lỗ sâu” (wormhole). Động cơ Shaw-Fujikawa mở một hố đen hiển vi, tiếp năng lượng cho nó cho đến khi nó đủ lớn để một con tàu đi qua. Điều này đồng nghĩa với việc tàu càng lớn thì sẽ càng yêu cầu nhiều năng lượng để mở rộng hố đen đó. Hố đen này có thể tạm xem là một vết rách trong vũ trụ, cho con tàu khả năng đi vào trong không gian dòng chảy (slipstream space, gọi tắt là slipspace). Do không gian này có tới 11 chiều và không tuân thủ bất cứ quy luật vật lý nào, động cơ Shaw-Fujikawa cũng đảm nhiệm việc tạo ra một trường lượng tử để bảo vệ con tàu và phi hành đoàn của nó khỏi những tác hại chưa lường trước của slipspace.

Tuy được phát minh vào năm 2291, phải mất đến nhiều thập kỉ, nhân loại mới có thể sử dụng loại động cơ này một cách rộng rãi.

Domus Diaspora – Kỉ nguyên Khai phá Thuộc địa

Domus Diaspora là tên mà những nhà sử học sử dụng để gọi kỉ nguyên khai phá các hành tinh thuộc địa của con người trong thế kỉ 24. (Colonial Era)

Vào năm 2310, Chính phủ Thế giới Thống nhất công bố các mẫu tàu không gian cho phép đưa con người ra ngoài vũ trụ, đến những hành tinh ngoài hệ Mặt trời để địa khai hóa các hành tinh tiềm năng. Trong khoảng thời gian này, việc du hành vượt sáng vẫn còn quá tốn kém cho nền kinh tế Trái Đất hiện nay, nên chỉ những cá nhân nổi bật nhất, ưu tú nhất mới được lựa chọn để tham gia trên những phi hành đoàn đầu tiên. Trên những tàu khai phá không gian này, còn có một phần nhỏ quân nhân để giúp giữ trật tự cho những xã hội mới sắp được thành lập trên bề mặt hành tinh khác. Tất cả họ đều phải trải qua những quá trình luyện tập gắt gao mới có thể đạt tiêu chuẩn bước chân lên những con tàu này. Cũng trong năm 2310, Cơ quan Hành chính Thuộc địa (Colonial Administrative Authority – CAA) được thành lập, đóng vai trò là các cơ quan quản lý sự ổn định trên bề mặt các hành tinh thuộc địa. Những sự kiện này đã đánh dấu sự hình thành của Kỉ nguyên Khai phá Thuộc địa.

Ngày 1 tháng 1 năm 2362, tàu Odyssey của CAA cùng hàng chục tàu không gian cùng kích cỡ khác xuất phát từ bệ phóng trên Mặt trăng, đưa thế hệ con người khai phá không gian đầu tiên ra khỏi hệ Mặt trời, và tiến vào hệ Epsilon Eridani. Lý do hệ sao này được chọn là vì nó sở hữu số lượng hành tinh nằm trong khoảng sinh sống được đạt đến mức cao, và nó chỉ cách Thái dương hệ 10,5 năm ánh sáng. Tàu Odyssey được giao nhiệm vụ khai phá và phát triển hành tinh Epsilon Eridani II, về sau được gọi là Reach.

Hành tinh Reach. Ảnh chụp năm 2552.

Tính đến năm 2390, đã có hơn 210 hành tinh trong rất nhiều hệ sao khác nhau được khai phá. Các hành tinh này đều có điểm chung là tương đối gần với hệ Mặt trời, và có thể tiếp cận được thông qua những bước nhảy slipspace tương đối ngắn và ổn định. Vì vậy, 210 hành tinh này được gọi chung là Các Thuộc địa Trong. Nhờ những hành tinh này nói riêng và cả quá trình Domus Diaspora nói chung, vấn đề bùng nổ dân số trên Trái đất đã được giảm thiểu đáng kể. Dần dần, khi các hành tinh Thuộc địa Trong đã phát triển đến một mức nhất định, các thành phố bắt đầu được xây dựng, những hành tinh này dần dần được phân phối cho các chức năng khác nhau. Ví dụ, Reach trở thành trung ương quân sự của nhân loại, còn Tribute (Epsilon Eridani III) trở thành trung tâm dân cư và công nghiệp. Quá trình khai phá không gian bước vào thời kỳ cực thịnh, và cho đến năm 2490, đã có hơn 800 hành tinh kích cỡ lớn nhỏ được nhân loại khai thác. Những hành tinh này nằm rải rác xuyên suốt Nhánh Orion. (một nhánh xoắn ốc có thật của Dải Ngân hà. Thái dương Hệ cũng nằm trong Nhánh này) Các hành tinh Thuộc địa Trong nằm trong khoảng cách từ 10,5 năm ánh sáng, còn những hành tinh xa nhất có thể cách Hệ Mặt trời tới hơn 80 năm ánh sáng.

Nhánh Orion.

Khi các Thuộc địa Trong đã ổn định hoàn toàn, nhân loại hướng đến các hành tinh xa hơn, khó tiếp cận song giàu tài nguyên để làm những trung tâm phát triển các mảng gây khác, như công nghiệp nặng, nông nghiệp và xây dựng. Những hành tinh này được gọi là các Thuộc địa Ngoài. Tuy nhiên, những thành phần được chọn ra để khai phá các hành tinh này không còn phải trải qua quá trình luyện tập và chọn lọc gắt gao nữa, mà trái lại, được chọn ra từ nhiều tầng lớp khác nhau của xã hội. Lý do là vì những hành tinh Thuộc địa Ngoài chủ yếu bị ảnh hưởng bởi thế lực của các tập đoàn lớn trên Trái Đất. Các tập đoàn này đưa lợi nhuận lên làm ưu tiên hàng đầu, và những hành tinh Thuộc địa Ngoài thường sở hữu nguồn tài nguyên giàu có. Do vậy, những đoàn khai phá hành tinh mới bao gồm cả những công nhân, tội phạm được ân xá, hay chỉ đơn giản là những cá nhân chán ghét chế độ xã hội trên Trái Đất hoặc các hành tinh khác. Hơn nữa, trên những đoàn khai phá đó không còn quân đội để giữ gìn an ninh trật tự trên các hành tinh mới.

Chính vì những lý do đó mà sự kiện Insurrection đã nổ ra, trở thành một cuộc chiến căng thẳng nhất trong lịch sử của nhân loại.

Cùng Series

Tấn Minh

Chủ xị

  
Thích T hơn là game.

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện