Phỏng vấn cha đẻ Plants vs. Zombies – George Fan (P.1)

Chủ xị

  
Bài viết được dịch từ bài phỏng vấn George Fan của trang web VentureBeats.

GamesBeat: Chúng ta đang ở mốc kỷ niệm lần thứ 10 của tựa game Plants vs. Zombies. Tôi rất muốn biết anh có cảm nghĩ gì về điều này. 

Fan: Tôi không có cảm giác gì là 10 năm đã trôi qua cả. 10 năm là một khoảng thời gian rất dài, vậy mà nó cứ trôi qua mà tôi không hay. Chà, tôi ra mắt game này lâu vậy rồi hả? Gần đây tôi cũng hay nhớ về khoảng thời gian lúc tôi đang phát triển game và nó đã có sức ảnh hưởng như thế nào.

George Fan cùng sản phẩm mới nhất của anh, Octogeddon.

GamesBeat: Anh có theo dõi xem có bao nhiêu bản đã được bán ra, bao nhiêu người đã chơi game này, hoặc đại loại vậy không? Chắc số liệu bây giờ cũng khó theo dõi hơn lúc trước nhiều.

Fan: Tôi chưa từng thử theo dõi số liệu như vậy, tôi không biết là nhân viên của PopCap có định nói cho tôi biết hay không.

GamesBeat: Tôi đang thắc mắc không biết EA có tổ chức lễ kỷ niệm hay không.

Fan: Tôi vẫn chưa nghe thấy thông tin gì. Chúng tôi vẫn đang sắp xếp mọi thứ và có thể sẽ làm gì đó cho dịp này.

GamesBeat: Vậy ngày kỷ niệm chính thức là ngày nào?

Fan: Tôi cứ nghĩ rằng đó là ngày 8 tháng 5, Cinco de Mayo*. Lí do tôi cứ tưởng nó là ngày 8 vì lúc phát hành game, ai đó ở PopCap đã nói đùa gì đó về “Cinco de Ocho,”** làm tôi cứ tưởng ngày 8 mới đúng. Nhưng có người đã nhắc tôi. Lúc tôi định tổ chức gì đó để kỷ niệm vào ngày 8 thì họ nói là tôi nhớ sai rồi, ngày 5 mới đúng.

*Cinco de Mayo là một lễ kỷ niệm hàng năm được tổ chức vào ngày 5 tháng 5. Ngày này được ghi nhận để kỷ niệm chiến thắng của Quân đội Mexico trước Đế quốc Pháp tại Trận chiến ở Puebla, vào ngày 5 tháng 5 năm 1862, dưới sự lãnh đạo của Tướng Ignacio Zaragoza.

**Cinco de Ocho (lưu ý không phải Ocschos): là ngày 8 tháng 5.

GamesBeat: Vậy đó có phải là ngày game ra mắt trên Steam không? Hôm đó đã diễn ra sự kiện gì?

Fan: Tôi chắc chắn là phải ít lâu sau thì game mới có mặt trên Steam. Lúc đó game chỉ được bán trên trang của PopCap, nhớ cái thời mà PopCap chỉ bán game qua website của họ không? Cùng ngày hôm đó cũng có một số website chuyên thể loại casual game cũng mở bán tựa game này. Rất có thể game cũng được phát hành trên Steam vào cùng ngày, nhưng tôi nhớ mang máng là chúng tôi đã thảo luận về việc này, và việc ra mắt game trên Steam hình như được lùi về khoảng thời gian sau đó.

Tôi còn nhớ là lúc đó mình rất lo lắng. “Doanh thu của chúng ta trên Steam ít hơn rất nhiều so với doanh thu trên website. Việc đó có ảnh hưởng gì nghiêm trọng không?” Nhưng họ đã trấn an tôi rằng Steam có đối tượng người chơi hoàn toàn khác, nên mọi chuyện sẽ ổn thôi, và đúng là vậy thật.

GamesBeat: Lùi về trước đó một chút nữa, anh có thể kể về ý tưởng nguyên thủy và khoảng thời gian để hoàn thành xây dựng tựa game này không? 

Fan: Ý tưởng nguyên thủy đến từ hai góc độ và phát triển theo thời gian. Suy nghĩ đầu tiên hình thành trong đầu tôi kể từ khi… Tôi là một người hâm mộ lâu năm của các tựa game do Blizzard phát hành. Cứ mỗi khi có game mới ra mắt là tôi chơi ngấu nghiến. Tất nhiên là tôi đã từng chơi Warcraft III khi nó ra mắt, nhưng tôi dành nhiều thời gian hơn để tìm hiểu hệ thống tự thiết kế bản đồ, nơi cho phép người chơi tự tạo ra chế độ chơi dựa trên các công cụ có sẵn của Warcraft III.

Chế độ thủ thành (tower defense) là một trong những yếu tố thu hút tôi nhất trong một tựa game. Trong chế độ custom map của Warcraft III, có rất nhiều trò thuộc chế độ này. Tôi cứ liên tục tự hỏi rằng, “Tại sao nó lại thu hút mình đến vậy?”. Nó làm tôi nhớ đến một bộ phim… Lúc nhỏ, tôi có xem đoạn cuối của phim Swiss Family Robinson, có một đoạn mà các nhân vật chính đặt bẫy gấu và chuẩn bị sẵn bom làm từ dừa để tấn công lũ cướp biển đang xâm lăng nhà mình. Ý nghĩ về việc họ chuẩn bị phản công lại cướp biển luôn cho tôi một cảm giác rất đặc biệt về việc sinh tồn và tính toán trước mọi việc.

Những nhân vật trong phim Swiss Family Robinson.


GamesBeat: Tôi chưa bao giờ nghĩ đến phim Swiss Family Robinson như một game RTS như vậy cả.

Fan: Thú vị chứ! Tạm tua nhanh một chút nhé, tới lúc tôi phát triển được một nửa PvZ rồi thì bỗng nhiên tôi lại nhớ về cảnh phim đó. Lúc đó thì tôi nghĩ rằng mình nên có thêm những yếu tố từ cảnh đó vào trong game. Và một phần làm cho cảnh đó thú vị là việc đặt bẫy và xem lũ cướp biển sập bẫy. Lúc đó thì chúng tôi chưa có gì thực sự giống vậy, nên ý tưởng về cây Bom Khoai Tây cũng từ đó mà ra. Người chơi trồng nó xuống đất, và phải mất một chút thì nó mới trồi lên, và lúc đó nó mới phát huy tác dụng. Họ đã phải tính toán trước thời điểm đám zombie đạp phải mìn và phát nổ. Đó cũng là kết tinh của việc tôi nghĩ về phim Swiss Family Robinson.

GamesBeat: Thời điểm này là 12 hay 13 năm trước đúng không nhỉ?

Fan: Vâng, khoảng 2006, có khi là 2005.

GamesBeat: Lúc này là anh đang làm việc một mình, hay là anh đã có một đội ngũ riêng?

Fan: Tôi phát triển dự án này một mình. Trước đó thì tôi có làm việc với PopCap, và họ đã giúp tôi rất nhiều trong việc hoàn thiện lẫn phát hành Insaniquarium. Và tôi nghĩ một nửa cảm hứng cho Plants vs. Zombies cũng từ Insaniquarium mà ra. Sau khi làm xong Insaniquarium thì tôi bắt đầu nghĩ đến việc làm phần tiếp theo. Một trong những suy nghĩ đầu tiên cho hậu truyện của Insaniquarium là, game đó chỉ xoay quanh một chiếc bể cá. Và cũng trong thời gian này thì hệ máy Nintendo DS được phát hành, và tôi bắt đầu hứng thú với hai màn hình của nó.


Có thể tôi sẽ làm game về hai bể cá, mỗi màn hình là một bể. Hoặc là luân phiên chuyển sang hai bể trên một màn hình thôi. Một bể là để người chơi tạo ra tiền, và bể còn lại sẽ là bể phòng thủ. Sẽ có đủ loại cá khác nhau, như là cá cung thủ có khả năng bắn tên vào lũ quái vật ngoài hành tinh xâm lăng bể cá. Trong Insaniquarium thì nhiều nhất là một hay hai con quái vật sẽ tấn công bể cá cùng lúc. Nếu sang phần tiếp theo, thì tôi nghĩ con số này phải cao hơn nhiều mới được. Không biết là anh có đoán được gì xảy ra tiếp theo không nhỉ.

Cùng lúc đó thì tôi cũng đang cố nghĩ ra một tựa game làm vườn. Người chơi sẽ nhặt hạt giống và các món đồ khác. Ban đầu, thì tôi có tạo ra vài giống củ, và người chơi sẽ trồng chúng, rồi tưới nước, đợi chúng lớn và nhổ chúng ra để bán lấy tiền, lặp lại quá trình đó, và lấy số tiền đó để mua thêm nhiều giống cây khác nữa. Và có thể để dành tiền để mua một cây ném bắp cải. Đây cũng là tên của một cây xuất hiện trong Plants vs. Zombies. Những cây ném bắp cải này sẽ, như tên gọi, ném bắp cải vào một đội quân quái vật. Tựa game này sẽ có chung bối cảnh với Insaniquarium, và lúc này thì lũ quái vật đã chán ăn hải sản, và chúng bắt đầu chuyển sang ăn đồ chay, nên bắt đầu xâm lăng vườn tược.

Có hai yếu tố cần cân nhắc, là người chơi cần phải vừa chống lại lũ quái vật, vừa bảo vệ và chăm sóc cây cối. Nghe mâu thuẫn thật nhỉ. Một mặt thì, vừa phòng thủ chống quái vật vừa chăm sóc cây cối nghe khá là mệt mỏi. Hay là cho phép người chơi trồng cây ném bắp cải trong vườn, và nó sẽ ném bắp cải từ trong khu vườn luôn? Ý tưởng đó nghe có vẻ khả thi hơn. Giờ thì cảm giác giống một game thủ thành hơn, người chơi có thể sắp xếp mê cung và bẫy lũ quái vật trong đó.

Vậy cho tới lúc đó thì tựa game xoay quanh cây cối và quái vật ngoài hành tinh. Lúc đó thì tên game là Weedlings. Mọi loại cây đều có những tính cách, có những khuôn mặt nhỏ xíu của riêng mình. Nom chúng khá là dễ thương. Thời điểm này cũng là sự bùng nổ của game casual, và hàng tá game làm vườn cũng xuất hiện. Tôi không muốn tựa game mới này trở thành game làm vườn nhàm chán. Nó phải nổi bật. Vậy thì nên thêm thắt những gì? Câu trả lời là zombie. Không có game làm vườn nào có zombie cả. Và thế là tôi bỏ lũ quái vật, và thêm zombie. 

George Fan vẽ tặng Peashooter cho trang VentureBeats.

Tôi cũng có chỉnh sửa lại gameplay, theo kiểu phân hàng. Một ngày nọ, bỗng dưng tôi có một ý tưởng. “Nè, tôi muốn thử làm game kiểu này”. Nguồn cảm hứng của tôi cho ý tưởng này là một tựa game thùng cũ tên là Tapper. Trong game đó, người chơi phải phục vụ bia cho khách từ mỗi hàng. Tôi khá hứng thú với khái niệm mới này, nên tôi muốn thử sức mình xem sao. Và như thế là Plants vs. Zombies thành hình.

Plants vs. Zombies.

TM x S.

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện