Vũ trụ Halo (P.9): Những xung đột trong quá trình khai phá không gian của nhân loại

Chủ xị

  

Bài viết có chứa nhiều yếu tố chính trị.

Sau thất bại trước loài Forerunner, nhân loại cổ đại đã phải từ bỏ nền văn minh cực kì tiến bộ của mình, và bị buộc phải tiến hóa lại từ đầu. Gần như mọi dấu vết về nền văn minh một thời lẫy lừng này đã hoàn toàn biến mất. Trong vũ trụ Halo, nhân loại hiện đại đã trải qua quá trình phát triển hoàn toàn tương đồng với nhân loại ngoài đời thực. Và sau 2 thiên niên kỉ phát triển, nhân loại đã vượt ra khỏi rào cản của hành tinh, và dần tạo được một nền văn minh hùng mạnh trên khắp Dải Ngân hà.

Từ Liên Hiệp Quốc đến thế kỉ 21

Những sự kiện được nêu sau đây là những sự kiện có thực, và chúng đều có ảnh hưởng đến nền văn minh nhân loại trong vũ trụ Halo.

  • Thế chiến II bắt đầu vào năm 1939, và kết thúc vào năm 1945, với phần thắng nghiêng về phe Đồng minh.
  • Vào năm 1945, Liên Hiệp Quốc (United Nations – UN) được thành lập.
  • 16 năm sau đó, vào ngày 12 tháng 4 năm 1961, Yuri Alexseyevich Gagarin trở thành người đầu tiên bay trong không gian, thổi bùng ngọn lửa khám phá vũ trụ.
  • Vào ngày 20 tháng 7 năm 1969, tàu Apollo 11 đưa phi hành đoàn của nó, bao gồm Neil Armstrong, Buzz Aldrin và Michael Collins, và đưa họ trở thành những người đầu tiên bước chân lên Mặt trăng, đánh dấu bước ngoặt mới cho hành trình khám phá vũ trụ của nhân loại.

Khai phá không gian

Bước vào thế kỉ 21, nhân loại bắt đầu đối mặt với một loạt những vấn đề mang tính toàn cầu, như quá tải dân số, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, nóng lên toàn cầu, v.v. Vì vậy nên việc khám phá những hành tinh khác với hi vọng khai thác tài nguyên cũng như giải quyết vấn đề dân số dần dần càng trở nên cấp thiết.

Những nỗ lực khai phá không gian đã đơm hoa kết trái vào cuối thế kỉ 21, hay cụ thể hơn là 2080. Tính đến thời điểm này này, nhân loại gần như đã hoàn toàn đủ khả năng làm chủ toàn bộ hệ Mặt trời. Mặt trăng, Hỏa tinh, một số vệ tinh của Mộc tinh (bao gồm các mặt trăng Europa, Io, Callisto, và Ganymede) và một số các tiểu hành tinh khác trong hệ, tất cả đều thuộc quyền kiểm soát của nhân loại.

Tuy nhiên, khi mở rộng ra các hành tinh khác thì hệ thống chính quyền trên Trái Đất cũng cần được cập nhật, và đó cũng là lý do mà tổ chức lớn nhất nhân loại được tạo ra: Chính phủ Thế giới Thống nhất.

Thành lập Chính phủ Thế giới Thống nhất

Logo của Chính phủ Thế giới Thống nhất.

Trước sự tiến bộ không ngừng của khoa học, và việc khai phá các hành tinh khác đang trở thành hiện thực, Liên Hiệp Quốc quyết định thành lập Chính phủ Thế giới Thống nhất (Unified Earth Government – UEG) vào năm 2075. Tổ chức này có nhiệm vụ quản lý các quá trình địa khai hóa các hành tinh khác trong Dải Ngân hà, cũng như quản lý các hành tinh thuộc địa từ quá trình khám phá ấy.

Về sau, UEG mở rộng và bao gồm các tổ chức: Liên Hiệp Quốc, Cơ quan Hành chính Thuộc địa (Colonial Administration Authority – CAA), và Bộ Tư lệnh Không gian Liên Hiệp Quốc (United Nations Space Command – UNSC). Trong cả ba tổ chức ấy, UNSC là tổ chức quan trọng nhất với vai trò bảo vệ nhân loại trước những hiểm họa từ bên trong, và sau này là từ những thế lực ngoài hành tinh.

Đến giữa thế kỉ 22, tình hình thế giới bắt đầu chuyển biến theo chiều hướng xấu. Mâu thuẫn bắt đầu nảy sinh từ bên trong các hành tinh thuộc địa, và một trong những cuộc chiến đẫm máu nhất của nhân loại nổ ra: Chiến dịch Mộc tinh, một cuộc chiến giữa phong trào Frieden, quân phiến loạn Koslov, và UEG, chính xác hơn là LHQ.

Chiến dịch Mộc tinh (Jovian Moons Campaign)

Quân phiến loạn Koslov

Quân phiến loạn Koslov được đặt tên theo họ của chính trị gia theo chủ nghĩa cộng sản mới, Vladimir Koslov. Koslov được sinh ra trong một gia đình thợ mỏ nghèo trong thành phố Oenotria trên bề mặt Hỏa tinh. Nhanh chóng nhận thức được sự bóc lột từ những công ty khai khoáng đối với những người thợ mỏ, Koslov khơi mào công cuộc đấu tranh đòi công bằng tài chính, và cũng vì vậy nên hắn nhanh chóng được đưa lên làm thủ lĩnh phong trào.

Phong trào này lan rộng khắp bề mặt Hỏa tinh, và 3 cơ sở khai thác mỏ lớn trên hành tinh này đã bị phá hủy bởi hành vi bạo lực của những người tham gia. Vì vậy, Liên Hiệp Quốc (LHQ) đã xem quân phiến loạn Koslov như một tổ chức khủng bố. Thật không may, lý tưởng của phong trào này đã kịp lan rộng ra khỏi bề mặt Hỏa tinh, và dần ảnh hưởng đến Mặt trăng, khi càng nhiều công nhân nhận ra họ bị ngược đãi bởi những tập đoàn lớn.

Dần dần, phong trào của Koslov dần nhắm đến việc tái thiết lập chủ nghĩa cộng sản trên các hành tinh thuộc địa, đẩy lùi ảnh hưởng của chủ nghĩa tư bản, cụ thể là những tập đoàn lớn trên Trái Đất.

Phong trào Frieden

Phong trào Frieden là một phong trào cổ vũ chủ nghĩa phát xít bạo lực, bắt nguồn từ thành phố Katreus trên bề mặt mặt trăng Europa của Mộc tinh, do Nadja Mielke cầm đầu. Được thành lập năm 2158, phong trào Frieden có thể được xem là đối trọng của quân phiến loạn Koslov.

Sở dĩ như vậy, vì phong trào này được sinh ra từ các tập đoàn thuộc nước Đức (từ Cộng hòa Liên bang Đức đã đổi thành Cộng hòa Đức Thống nhất (Unified German Republic) vào giữa thế kỉ 22). Các tập đoàn này là nạn nhân chính của phong trào đấu tranh của công nhân, dưới sự lãnh đạo của Vladimir Koslov. Phong trào này cho rằng chỉ khi triệt tiêu được toàn bộ những kẻ đàn áp dân chúng ở Trái Đất thì mới đạt được “Frieden” – tức “hòa bình”.

Ngay khi được thành lập, phong trào Frieden đã tấn công vào Đại sứ quán Thynia trên bề mặt mặt trăng Europa. Cơ sở này nhanh chóng bị phá hủy bằng thuốc nổ quân dụng, và vì hành vi này nên LHQ cũng liệt phong trào Frieden vào danh sách các tổ chức khủng bố, tương tự quân phiến loạn Koslov.

Và cũng tương tự như quân phiến loạn Koslov, phong trào Frieden đã kịp lan rộng ra những thuộc địa khác của nhân loại, như Hỏa tinh, Mặt trăng, và bốn vệ tinh của Mộc tinh.

Vào năm 2160, LHQ điều một số cố vấn chính trị lên bề mặt mặt trăng Io, với mong muốn can thiệp xung đột giữa hai bên và đề xuất giải quyết mâu thuẫn bằng biện pháp hòa bình. Song, quân của phong trào Frieden đã quyết định tấn công những cố vấn chính trị này, và chính hành động ấy đã bắt đầu Chiến dịch Mộc tinh.


Diễn biến

Từ tháng Ba đến tháng Sáu năm 2160, quân đội của phong trào Frieden và quân phiến loạn Koslov chiến đấu dữ dội trên bề mặt 4 mặt trăng của Mộc tinh. LHQ lúc bấy giờ đã ra sức hòa giải mâu thuẫn giữa hai bên, nhưng mọi nỗ lực hòa giải đều vô ích. Cuối cùng, họ phải kêu gọi sự giúp đỡ của các nước khác trên Trái Đất. Song, do quân đội của quá nhiều nước được điều đến, nên các mặt trăng của Mộc tinh nhanh chóng rơi vào tình cảnh hỗn loạn. Hậu quả là nỗ lực chấm dứt xung đột trở nên vô ích, và con số thương vong tăng vọt.

Kết quả

Chiến dịch Mộc tinh trở thành một trong những cuộc chiến đẫm máu nhất lịch sử nhân loại thời bấy giờ. Sau cuộc chiến này, nhiều nước ráo riết đầu tư phát triển lĩnh vực quân sự, đa số vì họ đầu tư vào việc khai thác tài nguyên trên thuộc địa. Song, Chiến dịch Mộc tinh chỉ là sự khởi đầu cho một giai đoạn dài xung đột khác.

Chiến tranh Rừng nhiệt đới (Rainforest Wars)

Cũng như Chiến dịch Mộc tinh, chiến tranh Rừng nhiệt đới là một trận chiến giữa ba phe phái chính trị. Tuy nhiên, lượng tài liệu ghi lại những diễn biến cụ thể của chúng còn tương đối ít, và chỉ có kết quả của chiến tranh được lưu lại một cách hoàn chỉnh.

Vào tháng 2 năm 2162, tức gần 2 năm sau chiến dịch Mộc tinh, một phần của Nam Mĩ bị dội bom, khơi mào chiến tranh Rừng nhiệt đới. Trước đó, Nam Mĩ cũng tương đối là một lục địa nóng trên bề mặt Trái Đất, khi sự xung đột chính trị của phong trào Frieden, quân phiến loạn Koslov lẫn LHQ đều xuất hiện rõ rệt. Thủ phạm của cuộc dội bom này, thật không may, chưa bao giờ được làm rõ danh tính trong bất cứ tài liệu nào.

Chiến tranh diễn ra khốc liệt trên bề mặt lục địa Nam Mĩ, và con số thương vong cũng nhanh chóng tăng theo. Cuộc chiến này làm cuộc sống của hàng triệu con người đang sinh sống trong lục địa nhanh chóng rơi vào cảnh lầm than, và ngay cả khi chiến tranh kết thúc, nạn đói cũng hoành hành.

Trong những giai đoạn cuối của chiến tranh, một quân đội mới được tạo ra, Neo-Frieden, sinh ra từ quân Frieden cũ. Những thành viên của quân Neo-Frieden chán ghét chiến tranh, song vẫn không chịu quy hàng sức mạnh chính trị hoàn toàn. Do vậy, chúng sẵn sàng bước lên bàn đàm phán cùng LHQ, vì nếu đầu hàng trên bàn đàm phán, chúng vẫn có khả năng giữ được một phần sức mạnh chính trị của mình. Song, quân Frieden cũ không đồng ý với điều này, dẫn đến trận Delambre trên bề mặt Mặt trăng, giữa quân Neo-Frieden và quân Frieden. Cùng lúc đó, một quân đội thuộc LHQ được điều động, bao gồm lính Hải quân thuộc Hải quân LHQ. Phần thắng không rõ đã thuộc về ai, nhưng không lâu sau đó, quân Neo-Frieden xuất hiện trên bàn đàm phán.

Chiến tranh kết thúc vào tháng 9 năm 2163. Song, xung đột vẫn còn tiếp diễn.


Cùng Series

Tấn Minh

Chủ xị

  
Thích T hơn là game.

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện