Master Chief và Halo 4

Chủ xị

  

Vào tháng 9 năm 2010, Microsoft phát hành tựa game cuối cùng của Bungie trong dòng game Halo, Halo: Reach. Tựa game này được xem như là một lá thư chia tay muộn của Bungie sau khi họ tách ra khỏi Microsoft vào cuối năm 2007. Sau khi Bungie tách ra khỏi Microsoft – cũng như Halo – một studio game mới được thành lập vào năm 2009, với cái tên gây ấn tượng khá mạnh trong lòng người hâm mộ: 343 Industries (343i). Con số 343 này được lấy từ nhân vật phản diện chính của phần game đầu tiên, 343 Guilty Spark. Với một cái tên nổi bật như vậy, hàng triệu người hâm mộ Halo trên toàn thế giới hẳn đã háo hức mong chờ những tựa game mới mang đậm chất Halo được phát hành. Nhưng thế giới chúng ta sống không hẳn là hoàn hảo, và Halo 4 và 5 là minh chứng cho sự bất công ấy. Cả hai phần game đều bị cộng đồng đánh giá một cách khá tiêu cực, đặc biệt là Halo 5, khi ngoài phần multiplayer ra thì… Halo 5 gần như không có chút gì đặc biệt trong phần singleplayer, trừ khi người chơi đã đọc hết tất cả những loại sách, truyện tranh, trailer, v.v. để hiểu tường tận những gì đã xảy ra, và thực sự hiểu được những nhân vật lạ hoắc xuất hiện trong game là ai.

Dàn nhân vật mới toanh, và cũng lạ hoắc, của Halo 5.

Thật không may, đây là một bước đi sai lầm, và Halo 5 trở thành phần Halo bị đánh giá tệ nhất trong series, cũng như sở hữu cốt truyện ngớ ngẩn nhất trong cả 5 phần game chính. Vậy thì, vì đâu nên nỗi? Rất đơn giản, sự thất bại của 343 Industries – ít nhất là trong mắt fan – với Halo 4 và 5 là sự khác biệt quá lớn về hướng đi của họ với Bungie. Trong bài viết này, tôi sẽ chủ yếu bàn về sự khác biệt của Halo 4 với các phần game trước, và ảnh hưởng của sự khác biệt ấy lên sự lung lay ngai vàng của Halo.

343i là ai?

343 Industries là một tập hợp rất nhiều thành viên trong đội làm game của những studio game có tiếng hiện giờ, như BioWare, id, DICE, Rockstar, rồi cả Pandemic, Monolith, v.v. Microsoft có một ý nghĩ rất đơn giản: những người này làm game hay, nên thuê họ về, đưa họ thấy 3 phần game Halo trước, và thế là họ sẽ làm được một phần Halo mới hay hơn! Suy nghĩ này buồn cười đến mức lố bịch, song Microsoft có vẻ rất chắc chắn rằng Halo 4 sẽ là một thành công nữa về mặt tài chính. Sự thay đổi này hơi chóng vánh, vì Bungie từ trước luôn có một đội ngũ nhỏ mà hiệu quả để làm game, còn 343i thì lại sở hữu lượng nhân viên đồ sộ của một studio game AAA. Cũng vì việc nhân viên của 343i chủ yếu đều đã có kinh nghiệm làm game, Microsoft ngay lập tức hối thúc studio này sản xuất ngay một game mới toanh để thỏa mãn người chơi – hay đúng hơn, thỏa mãn doanh thu – thay vì từ từ để studio có thể tập trung lại phát triển. Và như thế, chúng ta có Halo 4 và 5.

Sự thay đổi của Master Chief

Về Master Chief, khái niệm của Bungie rất đơn giản. Chief đơn giản chỉ là một bộ giáp mà người chơi điều khiển. Joseph Staten, người chỉ đạo kịch bản của các phần game Halo cũng đã nói rằng:

“Sự thành công mà chúng tôi đạt được từ cốt truyện là vì chúng tôi không dành thời gian để làm cho Chief có quá nhiều nhân tính. Đối với chúng tôi, Chief chỉ là một ‘ghost in the shell’, một bộ giáp mà người chơi ‘mặc’ trong trò chơi.”

Master Chief trong Halo 3.

Điều đó quả thực đã được chứng minh là hiệu quả trong 3 phần chơi đầu tiên. Khi nhân vật chính không được phát triển quá kĩ càng, gần như tất cả mọi người đều có thể trở thành một Master Chief, xem đó là một sự phản chiếu của chính mình. Song, sang Halo 4, 343 Industries đã nảy ra ý tưởng là xem Master Chief như là một con người với những quyết định và suy nghĩ có phần nhân tính hơn và cá nhân hơn. Sự thay đổi này, thật không may, lại là một bước ngoặt quá lớn khi so với các phần game trước. Chief giờ đây đã là một Spartan lão luyện, tuy có phần ương ngạnh. Nếu như so sự thay đổi này với những cuốn tiểu thuyết dựa trên game, thì sự thay đổi này thực sự rất hợp lý, vì sự nhân tính của Chief được thể hiện rất rõ trong những cuốn sách ấy. Sai lầm của 343 là đưa sự thay đổi đó vào vũ trụ Halo một cách quá đột ngột. Master Chief thân quen của mọi fan Halo bỗng dưng nói nhiều hơn, tự hỏi nhiều hơn, và trở thành một con người, chứ không còn là một bộ giáp rỗng nữa. Điều này đã tạo được một chiều sâu nhất định cho nhân vật, nhưng khi Halo 4 mới phát hành, nhiều fan hâm mộ đã phê bình trò chơi vì thay đổi quá nhiều hình tượng Master Chief quen thuộc. Tuy về sau, Halo 4 được tiếp nhận một cách nồng nhiệt hơn, đây vẫn được xem là “con cừu đen” của dòng game này.

Đồ họa và sự thay đổi vô lý

Halo 4 được quảng cáo là “một phần tiếp nối Halo 3”, nhưng khi trò chơi được phát hành, nó lại chẳng có gì toát lên vẻ “Halo” cả. Trong 3 phần Halo đầu, luôn có một sự nhất quán liên tục giữa các phần game. Trong Halo 2, khi sống sót trở về từ Alpha Halo, bộ giáp Mark V của Master Chief bị hư hại đáng kể, nên anh được trang bị một bộ giáp mới, Mark VI. Bộ giáp này tuy sở hữu lượng khiên ít hơn trước, nhưng nó lại nạp nhanh hơn và cho phép Chief tham gia tác chiến hiệu quả hơn mà không cần dành nhiều thời gian đợi khiên hồi. Trong đoạn kết của Halo 2, Cortana quyết định ở lại và bị tra tấn tinh thần bởi Gravemind, và Halo 3 là cuộc hành trình lấy lại Cortana và ngăn phe Covenant hủy diệt toàn bộ sự sống. Khi Chief lấy lại Cortana, anh vẫn mặc bộ giáp Mark VI. Đó là những ví dụ của sự nhất quán trong các phần game của Halo.

Sự thay đổi của Chief qua 4 phần game.

Thế nhưng sang Halo 4, Master Chief mang một bộ giáp khác, có phần hiện đại hơn nhưng lại khác hoàn toàn về mặt thẩm mỹ so với các phần game trước. Cả phe Covenant cũng vậy, Cortana cũng thế, và ngay cả vũ khí lẫn phương tiện di chuyển cũng thay đổi. Sự chuyển biến đột ngột về mặt đồ họa này đã làm đứt quãng sự nhất quán vốn có của series. Tuy sẽ có một vài người tranh cãi rằng những sự thay đổi này là cần thiết, vì khi thời gian trôi, thì công nghệ cũng thay đổi. Nhưng cho tới bây giờ, vẫn chưa có sự giải thích đáng chấp nhận nào cho sự thay đổi của bộ giáp của Chief. Đã có một vài lời giải thích từ phía 343i – rằng bộ giáp của Chief được nâng cấp bằng nanobot trong phòng ngủ đông – song đây vẫn là một chủ đề gây tranh cãi trong cộng đồng Halo.

Không phải chỉ sự thiếu nhất quán làm Halo 4 bị đánh giá thấp, khi nói về đồ họa. Đây có thể là một vấn đề khá chủ quan, nhưng sự thay đổi này làm người hâm mộ phần nào mất niềm tin vào 343 Industries. Nếu như họ là người tiếp quản di sản Halo, thì điều đầu tiên họ nên làm là thấu hiểu và tôn trọng những gì Halo mang lại cho ngành game. Thế nhưng, ngay khi tiếp quản di sản đó, họ lại lấy nó và thêm thắt những chi tiết của mình vào, để lái nó theo hướng đi họ muốn; một Halo của 343i. Nhưng họ quên mất là con tàu di sản họ được giao lại đang trên một vùng biển dữ đầy cạnh tranh, và nếu muốn tu sửa nó ngay trên biển thì chẳng khác nào tự đục lỗ tàu mình.

Nhưng, nói đi cũng phải nói lại, nếu xét Halo 4 trên một góc nhìn chủ quan, trò chơi này có thể là game Xbox có đồ họa đẹp nhất, tính tới thời điểm đó. Halo 4 về mặt đồ họa là không thể chối cãi trong mắt người chơi bình thường, là một game tuyệt đẹp và được chạm khắc cực kì công phu.

Gameplay và sự chạy theo phong trào

Halo luôn có một kì phùng địch thủ trong giới FPS: Call of Duty. CoD luôn luôn có một sự nổi bật nhất định trong làng game, và có lẽ cũng không phải là nói quá khi cho rằng CoD là một trong những series game lâu đời nhất và cũng có ảnh hưởng lớn nhất đến văn hóa game phương Tây. Call of Duty luôn lấy hình tượng người lính làm trung tâm của game, và người lính đó được trải nghiệm chiến tranh qua chính cặp mắt của mình. Người lính ấy cũng chẳng khác gì hàng trăm, hàng nghìn người lính khác cầm súng bảo vệ tổ quốc của họ, do đó thứ duy nhất mà họ có là kĩ năng chiến đấu và ý chí tiêu diệt kẻ thù. Người lính cũng chỉ là một con người, và CoD cũng biểu lộ rõ điều đó (hay ít nhất là trong những phần game nói về Thế chiến II). Gameplay của CoD thường theo một công thức, cầm súng, bắn kẻ thù, tránh né phía sau chướng ngại để hồi sức, lặp lại. Vì sao? Vì nhân vật chính cũng chỉ là người bình thường (tuy khả năng tự hồi sức thì không bình thường tí nào, nhưng bạn đọc cũng hiểu đại ý rồi đấy). Chịu đau không tốt, nên mới phải ẩn núp sau địa hình. Nhưng Halo thì khác, khác hoàn toàn. Nhân vật chính của trò chơi – theo như cốt truyện miêu tả – là một siêu chiến binh, được đào tạo từ năm 6 tuổi, được trải qua một cuộc phẫu thuật có tỉ lệ tử vong là gần 50%, được mặc một bộ giáp được chế tạo cực kì công phu, giá trị tương đương với một tàu chiến hạng nhẹ. Nhân vật chính của Halo, biểu tượng của Halo, là Master Chief, một cỗ máy chiến tranh được đào tạo từ thuở mới biết nhận thức. Do đó, gameplay của Halo thường làm người chơi cảm thấy như là một cỗ máy thứ thiệt, một mình đương đầu với một đạo quân hùng hậu, dám hứng chịu những luồng đạn plasma để có cơ hội cắm từng viên đạn vào từng kẻ thù một. Halo làm người chơi trở thành “the ultimate badass”.

Chief cầm trụ súng máy một mình đối đầu với sự xâm lược của Flood.

Nhưng sang Halo 4, chất Halo đó biến mất. Bộ giáp tối tân của người chơi trở thành chả khác gì một cái áo da. Nó mất hết sự cứng cáp, mà thay vào đó là sự cơ động. Halo 4 là phần game đầu tiên cho phép người chơi chạy nước rút, và nếu bạn tìm từ khóa “halo sprint” là gần hàng trăm nghìn kết quả sẽ hiện lên, và đa số trong số đó đều sẽ là những kết quả chỉ trích cơ chế chạy nước rút mới được thêm vào này. Sự tồn tại của Sprint là một vấn đề gây tranh cãi cho đến tận bây giờ trong cộng đồng Halo, vì nó đang làm cho Halo trở thành một game FPS quá cơ bản. Halo của Bungie chưa từng có Sprint, và sự thêm thắt này chỉ càng làm người hâm mộ thêm thất vọng.

Sprint liệu có cần thiết?

Vũ khí của Halo 4 cũng là một trò đùa, không hơn, không kém. Trong những phần game đầu, người chơi được quyền mang theo 2 loại súng, 2 loại lựu đạn. Người chơi phải lựa chọn vũ khí hợp với tình huống hiện tại nhất, chẳng hạn như dùng Assault Rifle khi phải đối đầu với quá nhiều kẻ thù nhỏ như Flood. Tuy nhiên, thế không có nghĩa là vũ khí không thích hợp thì không hiệu quả. Chúng vẫn có thể được sử dụng, cho dù hiệu quả bị giảm đôi chút, nhưng người chơi vẫn có thể thắng nếu đủ trình độ. Sang các phần Halo mới, súng lại trở thành kẻ thù của người chơi. Có quá nhiều loại súng bị thay đổi, như khẩu Needler thì quá mạnh trong tay kẻ thù, và khẩu Storm Rifle và Assault Rifle thì lại quá yếu trong tay người chơi. Hơn nữa, lượng đạn quá hạn chế buộc người chơi phải di chuyển liên tục để tìm đạn và tìm vũ khí mới. (Toàn bộ băng đạn của khẩu Plasma Pistol không đủ bắn gục một kẻ thù bậc cao trong Halo 4, trong khi các phần game trước thì hoàn toàn khả thi) Lượng giáp của Chief quá ít cũng làm cho trò chơi trở nên ức chế hơn khi người chơi buộc phải né tránh sau chướng ngại vật liên tục, điều mà Halo chưa bao giờ sử dụng quá nhiều. Những thay đổi lớn về lối chơi chỉ làm người chơi nhận ra rằng 343i chỉ đang cố đuổi theo Call of Duty mà quên mất cái chất Halo.

Cốt truyện và… một sự thay đổi bất ngờ

Bất ngờ có lẽ là từ thích hợp nhất để chỉ cốt truyện của những phần Halo sau. Xét về tổng thể, cốt truyện của Halo 4 tương đối hay, và cũng đã có một số cuộc tranh cãi rằng cốt truyện này thuộc hàng hay nhất series. Việc cốt truyện đào sâu vào nguồn gốc của dự án Spartan-II, sự hối hận của tiến sĩ Halsey sau khi thực hiện tội lỗi của mình, và câu thoại “Master Chief đã chết rồi”, tất cả những điều đó tạo ra những xung đột trong suy nghĩ của người chơi, kích thích sự tìm hiểu sâu thêm vào cốt truyện. Đồng thời, sự thay đổi của Cortana, khi cô đang trên bờ vực của sự nổi loạn (rampancy), cũng là một động lực cho người chơi đi tìm Halsey và chiến đấu vì những người quan trọng với mình – hay đúng hơn, với Chief. Halo 4 cũng rất đáng được hoan nghênh khi xoáy sâu vào vấn đề nhân tính của Chief – một con người, về mặt sinh học, và Cortana – một trí tuệ nhân tạo mang hình hài một cô gái. Tuy là con người, nhưng cả cốt truyện của Halo 4 đã làm người chơi, và cả Master Chief, tự hỏi, liệu sự tồn tại về mặt sinh học này có làm mình bớt trở thành một cỗ máy hay không. Chief trải qua một tuổi thơ chỉ biết nghe theo mệnh lệnh và luyện tập không ngừng nghỉ trong quân ngũ, từ đó nhân tính của anh ít nhiều cũng bị ảnh hưởng. Liệu điều đó có làm anh trở thành một cỗ máy đội lốt xác thịt con người? Và Cortana, một thực thể được tạo ra từ trí thông minh vượt trội của nhân loại, liệu điều đó có làm cô mất đi quyền cảm nhận, và trên hết là quyền được sống hay không? Những câu hỏi như vậy luôn được lồng ghép vào cốt truyện của Halo 4, và điều đó trở thành một điểm cộng rất lớn cho trò chơi.


Những điểm trừ nhỏ của Halo 4 lại nằm trong cách phát triển nhân vật. Một số nhân vật được phát triển rất tốt, trong khi số còn lại chỉ được thêm vào để “thêm tí muối” vào cốt truyện. Ví dụ như Captain Del Rio, ông ta chỉ được thêm vào để đóng vai cấp-trên-khó-chịu, luôn nghi ngờ Chief và Cortana, và ngay lập tức yêu cầu giao nộp Cortana khi cô biểu hiện các triệu chứng của rampancy. Tuy nhiên, nhân vật của Del Rio được phác thảo quá sơ sài, khiến ông ta trở thành meme trong cộng đồng Halo với câu thoại “Tôi yêu cầu anh GIAO NỘP AI ĐÓ NGAY!”, một câu thoại quá “kịch tính” đến mức nó trở nên giả tạo. Vẫn có một số nhân vật được phát triển rất tốt, như Lasky, một sĩ quan điều hành trên tàu của Del Rio. Anh là một nhân vật luôn có một cái nhìn lạc quan đồng thời rất sâu lắng khi nói về những vấn đề đạo đức. Ngoài ra, anh còn trái lại lệnh cấp trên và tin tưởng vào Chief khi giao quyền điều khiển chiếc tàu Pelican cho Chief để anh có thể một mình chống lại Didact, kẻ mang quyền năng làm Del Rio phải run sợ. Lasky về sau được thăng lên làm cơ trưởng tàu UNSC Infinity, và trở thành một nhân vật được chào đón nồng hậu trong thế giới Halo.

Sĩ quan điều hành, sau là Cơ trưởng Thomas Lasky.

Có một chi tiết nữa rất đáng để ý trong cái kết Halo 4 khi người chơi chơi xong độ khó Huyền thoại (cao nhất trong game). Trong một cutscene của game, Palmer – một nữ Spartan thế hệ thứ IV – có nói với Chief rằng: “Tôi tưởng anh phải cao hơn thế này chứ.” Câu nói này chỉ là một câu trêu chọc, tuy có phần hơi bất kính. Đúng vậy, trong cutscene thì Chief chỉ nhỉnh hơn Palmer một chút. Nhưng trong cái kết của chế độ Huyền thoại, Master Chief xuất hiện, đi ngang qua Palmer, và lần này, anh sừng sững như một vị thần, cao hơn cô hẳn một cái đầu. Chiều cao đó không phải là một lỗi đồ họa. Đó là một biểu tượng, cho thấy một huyền thoại Master Chief John-117 không phải chỉ tồn tại qua những lời đồn đại. Anh là một tượng đài cho sức mạnh hùng vĩ của nhân loại, và tượng đài ấy đang sống và bước đi như một vị thần giữa hạ giới.

Master Chief và Palmer trong đoạn kết của Halo 4, chế độ Legendary.

Tương lai của Halo trong tay 343 Industries

Con đường mà 343i đã chọn với Halo rõ ràng là cực kì gập ghềnh, song có vẻ như họ đã nhận ra được những điểm mà mình đã làm sai, và đang thể hiện rõ nỗ lực sửa chữa những sai lầm đó. Trong trailer mới nhất của Halo Infinite, Chief đã mang trong mình bộ giáp mới, thế hệ thứ III, với rất nhiều chi tiết làm người xem nhớ lại những hình tượng Master Chief trong Halo 2 và 3. Đồng thời, sự xây dựng nhân vật phi công của tàu Pelican Echo 216 cũng được tiếp nhận rất nồng nhiệt bởi cộng đồng Halo. Những câu thoại “one-liner” của Chief cũng đã quay lại, và chất giọng biểu tượng mọi khi của Steve Downes cũng quay lại, và chỉ cần vậy thôi cũng đủ làm người hâm mộ nổi da gà. Vậy nên, tôi nghĩ sẽ khá an toàn khi nói rằng tương lai của Halo sẽ rất rộng mở, và 343i có thể sẽ đưa Halo trở lại với ngai vàng của mình. Liệu Halo có thực sự tái xuất với một bộ mặt hoàn toàn khác, và đủ để trở thành một system seller như xưa? Có thể lắm chứ.

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện