“Dead or alive, you are coming with me/Sống hay chết, mày vẫn phải lên phường với bố” chính là câu nói nổi tiếng nhất của một nhân vật với ngoại hình tuy rất đơn giản mà ấn tượng: một chiếc mũ chắn ngang mặt, một cơ thể lai tạp giữa hai phần giáp xám xanh và đen, và trên tay là một khẩu sún Auto-9 và động tác xoay súng bỏ vào chân mỗi khi hạ hết kẻ xấu. Tôi đang nói đến viên cảnh sát và cyborg vĩ đại, ROBOCOP.
*Tèo téo tèo teo téo, tèo téo teo tèooooo*
Robocop là gì?
Robocop là một trong những tác phẩm điện ảnh mang thiên hướng sci-fi ra mắt vào năm 1987. Với những điều nó đã làm được – một tác phẩm ngầm phỉ báng sự tẩy não của truyền thông, châm biếm xã hội tiêu dùng theo nền kinh tế độc quyền và độ bạo lực lên đến mức kinh khủng, bộ phim Robocop đã trở thành một hiện tượng không chỉ về mặt điện ảnh mà còn cả là về văn hóa đại chúng, rồi nhân vật Robocop trở thành một trong những nhân vật được yêu thích bậc nhất mọi thời đại, đặc biệt là với những ai hoài cổ về cái thời mà cyberpunk mới bắt đầu trở thành một trào lưu nổi bật (dẫu Robocop không hề hoàn toàn thật sự mang “tính cyberpunk” đến như vậy). Peter Weller, diễn viên thủ vai cảnh sát Alex Murphy mà về sau sẽ trở thành Robocop cũng đã trở thành một trong những huyền thoại đóng phim sci-fi hay nhất từ trước đến nay (với những Buckaroo Banzai và Star Trek).
Khởi nguồn và lịch sử phát hành Robocop
Một chút thông tin về nhân vật Robocop: Robocop ngày trước đã được tác giả/đạo diễn Edward Neumeier tạo ra sau khi “kết hợp” hai nhân vật truyện tranh nổi tiếng của 2000 AD và Marvel là Judge Dredd (cũng có kha khá phim và game) và Iron Man.
Alex Murphy là một viên sĩ quan cảnh sát mẫn cán ở thành phố Detroit trong tương lai gần. Anh cùng với cô đồng sự Anne Lewis trong một lần đi tuần tra và truy bắt một tên cầm đầu băng đảng tội phạm là Clarence Boddicker. Tuy nhiên, Lewis bị vô hiệu hóa, Murphy thì đúng nghĩa đen đã bị bắn cho tan xác khi Boddicker và đồng bọn hành hạ anh từ từ với những phát đạn shotgun tàn bạo, rồi Boddicker đã “hạ độc thủ” bằng một phát đạn vào đầu Murphy. Cho đến nay đó có thể đáng tranh cãi là cảnh “tử hình” khủng khiếp bậc nhất trên màn ảnh. Cùng thời điểm đó, siêu tập đoàn Omni Consumer Products hay OCP – một công ty độc quyền về gần như… tất cả mọi thứ đã nhắm đến việc chế tạo ra một dạng cảnh sát bằng máy hoàn toàn nhưng đủ thông minh để hoạt động độc lập, nổi tiếng nhất là con robot to xác, dữ tợn nhưng vụng về ED-209 là một sản phẩm khá nửa mùa. Những nhân vật trong OCP mới nghiệm ra rằng, không thể nào có được một con robot hoàn toàn có thể hành động như con người mà không có “phần người” được, và họ đã bắt đầu chọn những viên cảnh sát phù hợp nhất để mà “biến đổi” người đó, Alex Murphy cũng vốn là một lựa chọn của họ.
“May mắn thay”, Murphy sau khi bị ăn loạt đạn trên đã được đưa đi cấp cứu rồi sau đó có giấy khai tử luôn, trở thành hạt nhân của Chương trình Cảnh sát người máy, Robocop chính thức ra đời và trở thành cơn ác mộng với tội phạm thành phố Detroit. Tuy nhiên, xuyên suốt phim lại là một hành trình tìm lại nguồn gốc, về việc phần người của Alex Murphy trong một cái máy vươn lên chiếm lĩnh toàn bộ hệ thống và báo thù những kẻ đã gây ra “cái chết” của anh, trở thành viên cảnh sát ưu tú nhất của sở cảnh sát Detroit và chẳng phải “chỉ” là một sản phẩm công nghệ của OCP.
Bộ phim 1987 đó đã đưa tên tuổi của Robocop lên như cồn. Và cũng hệt như những nhân vật vẫn còn sức hút để khai thác, Robocop rồi cũng có những sequel tiếp theo là Robocop 2 và Robocop 3 (thiệt ra Robocop 3 mới là phim đầu tiên về Robocop mà tui coi khi còn nhỏ), nhưng chúng là những thất bại cả về doanh thu lẫn nội dung khi làm mất đi những sự đặc trưng và “nét duyên dáng” vốn có của bộ phim đầu tiên. Điều “tệ hại” nhất của những phim này chính là việc độ bạo lực đã thuyên giảm cực đáng kể khi Robocop, từ trên phim cho đến việc quảng bá ở ngoài đời, trở thành một thứ thân thiện với người tiêu dùng trẻ tuổi hơn.
Vào năm 2014 thì đã có một nỗ lực nhằm reboot lại hình ảnh Robocop với những tên tuổi như Gary Oldman, Michael Keaton, Joel Kinnaman và… nó đã thất bại còn tệ hại hơn những gì người ta tưởng tượng. Tui thật lòng còn chẳng muốn review về nó một chút nào vì vốn bản thân cũng rất mê mẩn Robocop, nó đã gây thất vọng cực lớn. Nhưng thật lòng mà nói thì, tạo hình version 1 của Robocop này với mục đích tri ân phim cũ (và có xuất hiện ở cuối phim để làm sequel bait) cũng khá là đẹp đấy, trừ cái bàn tay phải – một yếu tố easter egg khác vì Murphy của 1987 bị bắn nát tay phải đầu tiên.
Ngoài ra ở thời điểm những năm 80, Marvel Productions cũng đã cho ra mắt Robocop The Animated Series (tui ghiền cái này không kém X-Men 90s, Batman The Animated Series và Superman của Max Fleischer) dù chỉ với 12 tập và dẫu vẫn bị ảnh hưởng của việc thay đổi hình tượng để thân thiện với trẻ em hơn nhưng vẫn rất hay với tiêu chí ngày trước. Sau này thì cũng có một bộ phim hoạt hình khác là Robocop Alpha Commando đặt bối cảnh ở một Detroit tương lai xa và… nó chẳng hay lắm.

Citizen Arrest, comics mới nhất về Robocop
Ngoài trên màn ảnh, Robocop về sau cũng đã được đưa bản quyền cho các hãng truyện tranh như Marvel Comics, Dark Horse, Avatar Press, Dynamite và gần đây nhất là BOOM! Studios xuất bản truyện tranh. Bộ truyện nổi tiếng nhất có lẽ chính là Robocop vs Terminator do Frank Miller chấp bút và vẽ.
Video games về Robocop
Dĩ nhiên, một nhân vật lừng danh như vậy thì không thể nào mà không xuất hiện trong kênh phương tiện ăn khách hàng đầu là video game được. Nhưng chuyện gì đã xảy ra?
Trước hết thì hãy nghĩ thử mà xem, cái ý tưởng về Robocop thoáng nghe qua thôi là đã thấy quá có yếu tố làm game rồi: một gã cyborg với đủ thứ loại đồ chơi từ súng ngắn bán tự động Auto-9 cho đến quả súng tiểu liên gắn trên tay và jetpack; bối cảnh là một thành phố đầy rẫy tội phạm chả kém gì Gotham nhưng nó không phải chỉ là tội phạm có tổ chức thôi mà là… bắn phá tưng bừng; rồi lồng trong đó là những âm mưu của các tập đoàn lớn phối hợp với lũ tội phạm muốn thanh trừng và tái xây dựng thành phố (rồi nghiêm túc mà nói luôn, thật ra mấy lão ấy… đúng đó chứ, Gotham có khi còn cứu nổi chứ Detroit trong Robocop nuke cmnl cho rồi đi); hoặc là lũ tội phạm muốn biến nơi đây thành… thiên đường của riêng chúng.
Bạn thấy thế nào? Chỉ có như vậy thôi cũng đủ để làm quá trời game rồi. Theo phong trào “thế giới mở cho mọi thứ” ngày nay mà thử tưởng tượng một cái sandbox nhỏ thôi kiểu Saints Row chẳng hạn, đi bắn phá tưng bừng thành phố và bắt mấy cái ổ tệ nạn với phong cách Cyberpunk nhẹ pha với thời trang 80s mà xem. Nếu là game tuyến tính cũng được, từng level là từng khu vực khủng khiếp nhất cả Detroit chẳng hạn. Nhưng thật lòng mà nói, dù có khá nhiều game trên đủ các hệ máy, từ trước đến nay đa số các video game về Robocop lại không hề được đánh giá hoàn toàn cao.
Suy cho cùng thì đây cũng chỉ là những dòng viết về game có tính chủ quan, thế nên tui sẽ chỉ tập trung nói về những game Robocop mà tôi thật sự đã có từng chơi qua là chính. Thế nên xin được tập trung vào Robocop 3 trên SNES, Robocop vs Terminator trên cả SNES và Sega Genesis, và Robocop của Titus trên PC, PS2 và Xbox.
Ngoài ra, nếu bạn muốn xem về review những game retro Robocop của NES, hãy tìm AngryVideoGameNerd thử.
Trước khi vào ba game tui muốn nói trên, tui cũng muốn giành chút thời gian cho Robocop Arcade vì tui đã chơi được… một màn trên web retrogame.
Thật ra mà nói, với tiêu chuẩn ngày nay, trò shoot ’em up side scroll này thật sự chẳng là gì cả. Thế nhưng màu sắc và âm thanh của nó phải nói thật sự là rất bắt tai với theme nhạc được làm lại, và cả những âm thanh như tiếng chân Robocop mở ra để lấy súng rồi nã liên tục cũng rất sát phim làm cho cảm giác khá là đã. Chưa kể hình ảnh cũng khá đẹp với cử động “cứng” như robo nhưng điều khiển rất mượt với lối điều chỉnh hướng bắn cũng giống Sunset Riders nữa. Có một số điều về game ngày xưa nó là thế này, kiểu phải đến một đoạn nào đó thì mới “tung chiêu”, điều đó làm cho việc được sử dụng “chiêu” đó nó có sức nặng rất lớn, ví dụ như các game Power Rangers trên SNES phải nửa màn mới “Morphin Time” cho chúng ta biến hình thành siêu nhân; Robocop cũng vậy khi đầu màn chỉ toàn đấm đá thôi, khi nửa màn bọn cướp tung hỏa lực mới “két két” lôi súng ra. Damn, it feels good. Nghe đâu thì Robocop Arcade cũng có phần hai và đánh giá về nó cũng khá.
Robocop 3
Robocop 3 ở SNES thì… nói chung là phim Robocop 3 tuy rằng nó hơi chán nhưng suy cho cùng thì cũng không đến nỗi nào, vẫn mang chút truyền tải giá trị về việc Robocop chiến đấu vì sự tự do. Và tui ước gì mình cũng có thể nói như vậy về game Robocop 3. Vì Robocop 3 là một game side scroll cố sử dụng lại cơ chế gần như y hệt Robocop Arcade, chỉ trừ một điểm là nó siêu siêu tệ hại với độ khó cao đến quá đáng khi mà đã là game shoot ’em up rồi mà lại còn cần phải tiết kiệm đạn dược, và bắt một tên nhân vật “nặng nề” (thường được gọi vui trong phim là cái thùng thiếc) phải thực hiện bay nhảy platforming với hệ thống trọng lực chả “thân thiện” một chút nào. Nếu bạn có thể kết thúc được màn 1 của trò này với chỉ ba mạng cho phép thì quả thực bạn là một siêu thiên tài của làng game 2D side scroll đó.