Cái thế giới thần kỳ của video game có thể khiến cho người chơi có được rất nhiều trải nghiệm mà ở thế giới thực chưa chắc sẽ làm được – hay là làm một cách thường xuyên. Một trong số đó có lẽ là sở hữu riêng cho mình một chú tuấn mã thay vì xách xe phượt vòng vòng, và với kinh nghiệm một lần leo lên yên ngựa năm 15-16 tuổi gì đó đã cho tui biết rằng việc lái bốn chân thật sự vạn lần khó hơn là lái bốn bánh. Và có rất nhiều video game đã cho người chơi làm được việc này vô cùng dễ dàng chỉ với bàn phím và tay cầm, chú/ cô ngựa cũng ngoan ngoãn hơn nhiều so với cái con vật cao to ngoài đời đấy.
Kinh nghiệm cưỡi ngựa thật thì ít, còn đua ngựa ảo thì nhiều cũng đã giúp cho tui có được một bộ sưu tập những chú ngựa đáng nhớ nhất trong thế giới game. Và mới hôm trước thấy ông bạn Khang chỉ có đi bắt con White Arabian trong RDR2 mà chửi rủa quá nên cũng muốn kể về hành trình của tui cùng vài chú chiến mã.
Roach -The Witcher 3: Wild Hunt
Có lẽ bất cứ ai từng chơi The Witcher 3 đều sẽ phải lòng con ngựa glitch nhiều bậc nhất đến mức ngu đần nhưng lại vô cùng đáng tin cậy Roach này. Àh mà không, nó chẳng hề là một con ngựa Roach nào hẳn hòi, vì Geralt sở hữu con ngựa nào cũng mặc định sẽ đặt tên Roach, mặc cho là con ngựa cái màu hạt dẻ đầu game hay con hắc mã hùng dũng của Nilfgaard được Emhyr trao tặng khi đưa Ciri về gặp lão.
Tuy không phải là chú ngựa đầu tiên có cái màn “huýt sáo” là sẽ xuất hiện ở… gần như khắp mọi chốn tận chân trời đáy bể, nhưng có lẽ Roach chính là con ngựa nổi tiếng nhất với trò này vì Roach đúng nghĩa là luôn bên cạnh Geralt như hình với bóng mỗi khi cần thiết. Nơi rừng rậm hay nơi đảo xa, chỉ cần bấm nút một phát là Roach sẽ hiện ra. Dẫu cho có đôi lần do trang bị kém mà độ cũng cảm của Roach tuột thảm hại đến nỗi hất Geralt ngã ngựa, mặc cho Geralt không chịu neo ngựa ở nơi đàng hoàng mà đi bộ loanh quanh tìm manh mối hay đi tựa vào vòng tay Triss (hoặc ở nhà thổ), Roach vẫn luôn luôn trung thành sát cánh chiến đấu, du ngoạn cùng gã witcher trên The Path. À, còn mấy trận đua ngựa để đi kiếm tiền và gear cho Roach nữa chứ (dù tốt nhất là nên… mod cho xong)
Đáng kể nhất chính là nhiệm vụ “Equine Phantom”, khi mà Geralt được cho “ăn nấm” đã “phê đu càng” đến nỗi nghe được Roach nói chuyện, và đó có lẽ là một trong những side quest wholesome nhất cuộc đời tui được trải qua cùng với một chiến mã trung thành, hài hước. Giá như Roach nói được nhiều hơn để Geralt đỡ đơn độc, nhưng thôi vậy cũng được rồi. Don’t ever change, Roach.
*Note: Chả trách có người chẳng chọn team Triss, team yen hay team Shani mà cứ team Roach thẳng tiến.
Red Hare/Xích Thố – Dynasty Warriors series
Có câu, “Nhân trung Lữ Bố, mã trung Xích Thố,” và việc được cầm cương một trong những thần mã lừng danh nhất lịch sử “đội chủ nhà của Cô Vy” quả thực là một giấc mơ thành sự thật. Đa phần game liên quan đến Tam Quốc Diễn Nghĩa là game RTS, duy chỉ có Koei là thật sự cho người chơi ngồi chễm chệ trên Xích Thố và phi ra trận chém giết như chỗ không người – theo nghĩa đen với cái cơ chế gameplay chặt chém vô cùng lố lăng của DW.
Trong Tam Quốc Diễn Nghĩa, Xích thố được miêu tả thân dài một trượng, mình cao tám thước, màu đỏ rực như lửa, tuyệt không có một sợi lông tạp, ngày đi ngàn dặm, trèo non vượt suối dễ dàng. Trong DW thì dẫu đa phần các phiên bản game làm Xích Thố màu đỏ với yên cương vàng đẹp mắt đã đành, hai bản DW7 và DW8 đã cho Xích Thố có bờm và đuôi rực cháy bập bùng thật sự, chưa tính cặp mát đỏ ngàu như loài quỷ dữ. Vẫn biết là game DW nó lố lăng ngu ngốc, nhưng thế này là cũng hơi quá xa rồi.

Bản DW7 và DW8 cho Xích Thố rực lửa theo nghĩa đen luôn nhé
Và nghiêm túc mà nói, muốn unlock được Xích Thố còn khó hơn là lên trời xin Xích Đế cho một con dùng đỡ. Tùy phiên bản mà có đến n+xyz các tổ hợp cách unlock Xích Thố khác nhau. Ấn tượng nhất trong các bản với tui có lẽ là DW4 khi có 1 màn campaign sau khi Lữ Bố mất, ta hoàn toàn có thể điều khiển Quan Vũ để lấy được Xích Thố tại một gò đất nhỏ trong game tại trận Quan Độ. Còn không thì phải đánh đâu vài triệu lính, làm những quest thật ra chẳng hề được nêu ra rõ ràng với việc chạy đua với thời gian ở cấp độ cao nhất bla bla gì gì đấy.
Mà mỉa mai nhất là để lấy được Xích thố thì phải làm nhiệm vụ chạy đua với thời gian – để tìm ra con ngựa có khả năng tốt nhất để ta chạy đua với thời gian! Nhưng đúng là khổ trước đỡ cực hơn về sau, khi mà đã unlock được Xích Thố rồi thì challenge thời gian gắt cỡ nào cũng chiến tuốt bởi vì con ngựa này đúng là hack tốc độ kinh thật sự! (tính trong bản đồ trận địa của DW) Đã vậy nhân vật tui thường chọn để luyện ban đầu luôn là Vân Trường, lại càng có chất xúc tác để lấy Xích Thố cho bằng được.
Epona – hay đúng hơn là ngựa trong The Legend of Zelda: Breath of the Wild
Nói thật lòng là ban đầu tui cực kỳ có ác cảm với việc thu phục ngựa và điều khiển ngựa trong BOTW bởi vì tui ghét cái việc con ngựa cứ như thể là 1 cái rail và nó thì cứ cắm đầu chạy còn mình chỉ có thể chỉnh tốc độ và hướng đi của ngựa. Cơ mà với cái cơ chế vuốt ve các chú em/ cô nàng, cho ăn để tăng độ gắn bó giữa Link và ngựa đã dần dần khiến tui phải thay đổi suy nghĩ. Nói cho vui, cái cách game này cảm hóa tui chẳng khác chi cách Link cảm hóa lũ ngựa trong game cả.
Thế là bắt đầu những chuỗi ngày đi xách cung bắn heo rừng lấy thịt bán để dành dụm Rupee và đi tìm những con ngựa có chỉ số cao nhất. Đến mức mà tui đã tìm ra một địa điểm để “farm” ngựa tuyệt vời ở 1 vùng núi phía tây bắc bản đồ, và tìm ra cách để nhảy lên lưng ngựa cực nhanh là glide từ ngọn của cây thông xuống lưng tụi nó. Có tổng cộng những chỉ số sau theo 3 S: Strength, Speed và Stamina. Và với việc chỉ có thể trữ 4 ngựa, ít ra thì tui cũng có được một chuồng ngựa với màu sắc và thông số đa dạng.
Ngoài ra, game còn có những con ngựa siêu đặc biệt. Cụ thể là một side quest để tìm ra thế hệ sau của con ngựa trắng do chính Zelda từng cưỡi 100 năm trước đó (tui đặt tên là Grace), và nếu dùng amiibo thì sẽ có thể sumon được cả chú ngựa Epona quen thuộc của Link ở những phần game Ocarina of Time và Twilight Princess. Hai con ngựa này có thể nói là có chỉ số đều nhất game, với ngựa trắng là 4-3-5 và Epona là 4-4-4 (yên ngựa Ancient sẽ có bổ sung thêm stat). Có cả con ngựa khổng lồ của Ganondorf nữa chứ, được cái trâu bò chứ chạy chậm rì. Thú vị nhất chính là Lord of the mountain – một easter egg tưởng nhớ cựu chủ tịch của CEO Satoru Iwata có hình dạng của một sinh vật thần thánh cho phép Link cưỡi dạo chơi đôi chút và sẽ biến mất ngay khi Link xuống ngựa và rời bỏ đi ít lâu.
Có lẽ chính BOTW là cái game đã khiến tui thật sự bắt đầu thích đi bắt ngựa và tìm hiểu stat v.vv. Điều này sẽ liên quan đến 1 game nữa mà tui sẽ nói sau.
(Note: Còn nhiều hình bộ sưu tập ngựa lắm nhưng daed web không cho upload thì đành chịu)
D-Horse – Bánh răng kim loại vững chắc 5 – Nỗi đau ma
MGSV có lẽ là tựa game MGS duy nhất mà tui từng bỏ một lượng thời gian nhất định để chơi, và dù rất rất muốn nhưng cũng chưa có đủ cơ sở để trải nghiệm toàn bộ series này từ A đến Z. Tuy nhiên, ít nhất thì khi trải nhgiệm bản MGSV thì Big Boss… à không, Venom Snake có cho mình hai chú thú cưng trung thành là D-Dog và D-Horse. D-Dog thì giúp cho việc xử lý lính và scout, còn D-Horse thì đưa anh đi muôn nơi. Heck, cả cái Mother Base của Diamond Dogs có cả một sở thú hoành tráng nhưng chỉ cần có D-Dog và D-Horse thì bá chủ cả thiên hạ rồi.
Hai bản đồ chính của MGSV ở Afghanistan và Châu Phi khá là đồ sộ. Dù cho Venom Snake có khả năng chạy nước rút vận tốc 30 km/h không thở hổn hển vẫn có thể dọn sạch bản đồ, thì việc một chú ngựa được thả xuống để phi đến địa điểm làm nhiệm vụ, hỗ trợ cứu người vẫn luôn được đề cao. Và tui cũng không có gì để nói về D-Horse nhiều hơn là chính cách Kojima đã cài vào chức năng cho chú ngựa này: Này, chúng ta cho thể cho D-Horse đi “số 2” theo ý muốn đấy, chẳng phải tuyệt sao!?