Một số trò chơi thử thách bản năng và phản xạ của người chơi. Trong khi đó, số khác yêu cầu quá trình suy nghĩ, tính toán lâu dài. Giờ là thế kỷ 21 và ai cũng là kẻ tham lam cả. Vậy nên sẽ có những lúc lòi ra những con hắc mã tham vọng thâu tóm cả 2 như One step from Eden (sau đây gọi tắt là OsfE). Nếu bạn muốn một cuộc phiêu lưu mới mẻ và oanh liệt, One step from Eden sẽ là lời mời gọi không thể chối từ.
Game Story
Giống với đa phần các game indie thiên hướng chiến đấu, OsfE sở hữu một cốt truyện mỏng, ít thông tin cho bạn khai thác. Thực tế lối đi cốt truyện bài bản và cụ thể thường có xu hướng cản trở bản chất ngẫu nhiên trong những trò chơi chọn chiến đấu làm mũi nhọn chính của mình. Tuy vậy, một vài manh mối được tiết lộ thông qua trải nghiệm chiến đấu và lời thoại các con trùm tạo cảm giác phiêu lưu huyền bí thú vị.
Cũng không hẳn OsfE quá vô định. Thế giới trong trò chơi này mang một màu sắc tương lai hậu tận thế pha trộn giữa ma thuật và máy móc. Bạn và các nhân vật khác đều cùng mục đích đi tìm vùng đất hứa mang tên Eden. Trên đường đi, bạn chiến đấu, cố sống sót và trau dồi sức mạnh của bản thân cho đến khi phá vỡ giới hạn, chạm bước tới thiên đường hoặc chết khi cố gắng làm điều đó. Đối với tôi, có lẽ đánh bại trùm cuối không phải là đích đến của trò chơi này. Có lẽ miền đất hứa Eden chúng ta khao khát luôn ở trước mặt và trong tim của chính những con người bước chân lên hành trình phiêu lưu này, trưởng thành qua từng trận chiến, băng qua nhiều gian khó.
Gameplay
Osfe được chia thành 7 cấp độ với độ khó tăng dần. Mỗi cấp độ chia thành rất nhiều sự kiện được liên kết tạo thành một bản đồ kẻ chỉ mà người chơi phải lựa chọn để trải qua. Chúng ta có các khu vực được thiết kế bằng những icon rất đáng yêu:
* Chiến đấu: Nơi người chơi tích lũy kinh nghiệm và tiền bạc.
* Campfire: Nơi người chơi được hồi phục máu, gặp một số npc và thỏ.
* Shop/dark shop: cho phép người chơi dùng tiền/máu của bản thân để mua sắm.
* Treasure: chứa kho báu và các quặng cho tiền.
* Hazard: Cũng là khu vực chiến đấu nhưng thêm vào các yếu tố môi trường hoặc giải cứu con tin hay các khoản thưởng giới hạn thời gian.
* Distress call: Một sự kiện chiến đấu khác đơn thuần giải cứu con tin.
* Boss mini/boss: Có vài con mini boss phụ thuộc vào con đường bạn chọn và cuối mỗi màn chơi cố định có một boss chính.
Chiến trường của bạn được cố định theo dạng hai phần ô lưới 4×4 ghép với nhau. Phần kẻ xanh dành cho bạn và nửa kẻ đỏ của kẻ thù. Đồng hành cùng bạn là 2 thứ để tấn công: vũ khí và bộ thẻ bài kỹ năng. Kèm theo đó là điều kiện sử dụng – một thanh năng lượng sạc đầy theo thời gian thực. Có 2 ô để kích hoạt các lá bài phép trong bộ bài của bạn. Bạn chỉ có thể sử dụng mỗi lá phép một vòng trong bộ bài cho đến khi bạn dùng hết tất cả các lá bài hoặc hoặc ấn “reshuffle” tráo lại bộ bài để sử dụng với một thời gian trễ nhất định. Các phần thưởng khi sẽ xuất hiện sau khi tăng cấp hoặc thông qua các sự kiện.
Bạn sẽ thấy trò chơi này từa tựa giống game nào khác. Nó giống Mega Man Battle Network của Capcom. Nó cũng giống như những cái tên indie đình đám như Slay the Spire. Nó có dàn nhân vật ăn mặc như wibu. Nhưng tôi khẳng định OsfE không phải một trò bắt chước rẻ tiền. Trò chơi này là sự kết hợp giữa hai thể loại roguelite và deckbuild trên nền chiến đấu thời gian thực với tốc độ bùng nổ. Nó không chỉ thể hiện mạnh mẽ những ưu thế vốn có của thể loại mà còn thành công trong việc kết hợp cơ học khác nhau một cách chắc chắn. Một sự học tập bài bản và một nỗ lực sáng tạo thăng hoa. Để làm rõ quan điểm đó, tôi sẽ phân tích một số yếu tố dưới đây để bạn thấy:
* Yếu tố roguelite chuẩn mực.
Các lượt chơi trong OsfE được tạo ra ngẫu nhiên tốt. Đa dạng hóa các lựa chọn tuyệt vời kèm bài toán quản lý tài nguyên thách thức. Đường cong độ khó trong trò chơi rất thách thức, có thể gây phản cảm với những người mới làm quen với thể loại nhưng bù lại tiến trình mở khóa và học tập của nó luôn hấp dẫn. Trò chơi luôn tinh tế để những khoảng trống để người chơi nhận thức thất bại của mình và luôn có không gian để tăng cường bản thân.
Một trong biểu hiện bài bản của khẳng định trên là màn hướng dẫn (tutorial) mỏng như cánh chuồn chuồn và những phần giải thích lúc có lúc không của trò chơi. Đặc biệt là khi so sánh tương quan với những gì người chơi phải đối đầu.
Ví dụ: OsfE không nói rõ các khái niệm và cơ chế hoạt động của “flow”, “trinity”… trong Osfe. Thậm chí cách mà chỉ số may mắn (luck) hoạt động khác xa so với thường thức chung của trò chơi. Người chơi sẽ phải đúc kết nó qua thử nghiệm, quan sát cách nó hoạt động. Nó sẽ khó khăn hơn nhưng tuổi thọ của trò chơi kéo dài, việc tìm hiểu giúp bộ phận người chơi bớt hời hợt và trải nghiệm trò chơi có chiều sâu hơn.
Mặc dù đi theo công thức bài bản của thể loại roguelite nhưng OsfE vẫn có những điểm nhỏ phá cách đem lại sự tươi mới và hấp dẫn cho người chơi.
Ví dụ 1: Chiến đấu trong Osfe không đơn thuần chém giết cục súc. Các sự kiện như “Hazard” hay “Distress call” là những thử thách vừa yêu cầu sự khéo léo, ứng biến, tinh tế trong kỹ năng và chiến lược của người chơi đổi lại các phần thưởng hấp dẫn hơn lại vừa bổ sung cho cốt truyện vốn đã là điểm yếu của các game indie.
Ví dụ 2: Phần đánh bại các con trùm cũng rất khác. Người chơi được lựa chọn giữa việc giết boss để lấy các phần thưởng aritfact tăng sức mạnh hoặc tha cho con boss đó để hồi lại sinh lực cùng một số lựa chọn trợ giúp chiến đấu thú vị ở các màn chơi sau. Thậm chí ngược lại nếu bạn bị giết, có một xác xuất nhỏ con trùm sẽ tha cho bạn và để bạn đi qua cấp độ kế tiếp. Đó là một cơ chế nhân đạo thú vị so với một trò chơi dày đặc chiến đấu như thế này. Điều này cũng phù hợp và giúp xây dựng một cốt truyện trò chơi đẹp, tạo ra một câu chuyện phiêu lưu hấp dẫn.